Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Pháp tính, đức lành, hạnh phúc của người Phật tử

Pháp tính, đức lành, hạnh phúc của người Phật tử

146

NĂM PHÁP TÁNH NGƯỜI CẬN SỰ TAM BẢO

Đức Thế Tôn dạy:

"Này các tỳ kheo, một cận sự (Upāsaka) thành tựu năm pháp này sẽ là cư sĩ châu báu, cư sĩ hồng liên hoa, cư sĩ bạch liên hoa. Thế nào là năm? Đó là có niềm tin (saddho hoti), có giới hạnh (sīlavā hoti), không tin bói toán đoán điềm (Akotuhalamaṅgaliko hoti), không tìm đối tượng đáng cúng dường ngoài Tam bảo (na ito bahiddhā dakkhineyyaṃ gavesati), phụng sự Tam bảo trước hết (idha ca pubbakāraṃ karoti).

Năm pháp tánh này là tánh hạnh ưu việt của người cư sĩ, thành người cư sĩ cao quí, người cư sĩ thanh lương trong sáng.

1- Có niềm tin. Tức là có sự tin tưởng đối với Phật, Pháp, Tăng, không hoài nghi; có niềm tin vững chắc nơi Tam bảo.

2- Có giới hạnh. Tức là an trú trong ngũ giới hay bát quan trai giới, thọ trì giới một cách nghiêm túc.

3- Không tin bói toán, đoán điềm. Tức là người cư sĩ chơn chánh chỉ tin vào luật nhân quả nghiệp báo, không tin vào sự may rủi do sao hạn chiếu mệnh, hay điềm báo tốt xấu.

4- Không tìm đối tượng đáng cúng dường ngoài Tam bảo. Tức là người cư sĩ đệ tử Phật dù có bố thí đến các ngoại đạo, chỉ vì lòng bi mẫn giúp đỡ họ, chứ không đặt họ ở địa vị bậc đáng cúng dường ngang hàng với Tam bảo.

5- Phụng sự Tam bảo trước hết. Tức là luôn luôn ưu tiên cho Tam bảo từ việc nhỏ đến việc lớn, phục vụ Tam bảo trước rồi mới thực hiện cho ngoại đạo sau nếu cần làm.

MƯỜI ĐỨC LÀNH CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Trong chú giải có nói đến mười đức lành của người Phật tử đã qui y Tam bảo như sau:

1- Đồng vui khổ với chư Tăng (Saṅghena saddhiṃ samānasukhadukkho hoti), là khi chúng tỳ kheo có việc vui hay khổ, thì nguời thiện tín đều có quan tâm chia sẻ; Tăng chúng vui thì mình hoan hỷ, Tăng chúng khổ thì mình cùng lo.

2- Khéo giữ gìn thân khẩu (Kāyikavācasikañca surakkhitaṃ hoti), là người thiện tín phải có hành vi tốt đẹp, lời nói tốt đẹp.

3- Lấy pháp làm trọng (Dhammo adhipateyyo hoti), nghĩa là người thiện tín luôn luôn sống y cứ giáo pháp, lấy chánh pháp làm chuẩn mực, làm căn bản, làm kim chỉ nam.

4- Vui chia sẻ tùy khả năng (Yathāthāmena saṃvibhāgarato’ va hoti), nghĩa là người thiện tín có tâm hoan hỷ trong việc bố thí xả tài tùy theo sức tài sản mình có.

5- Cố gắng học hiểu giáo lý của Phật (Jinasāsanaṃ jānituñca vāyamati), nghĩa là người thiện tín phải cố gắng tìm hiểu học hỏi giáo pháp của bậc Đạo Sư đã dạy.

6- Có chánh kiến (Sammādiṭṭhiko’va hoti), nghĩa là người thiện tín phải có tri kiến chân chánh, hiểu đúng với chơn lý, thấy rõ vô thường, khổ não và vô ngã; hiểu biết nghiệp báo luân hồi.

7- Từ bỏ sự bói toán đoán điềm (Apagato kotuhalamaṅgaliko’va hoti), nghĩa là người thiện tín không tin theo sao hạn hên xui, mê tín dị đoan.

8- Không xu hướng Đạo Sư khác dù có vì nhân mạng sống (Jīvitahetupi aññaṃ satthāraṃ na uddisati), nghĩa là người thiện tín không vì nhân mạng sống bị đe dọa hay vì để nuôi mạng mà hướng về thầy ngoại đạo khác bỏ Đức Phật.

9- Vui thích trong sự hòa hợp (Samaggārāmo’ va hoti), nghĩa là người thiện tín luôn luôn sống đoàn kết, hoan hỷ trong sự đoàn kết, không chia rẽ, không phe phái.

10- Thực hành theo giáo lý (Sāsane carati), nghĩa là người thiện tín luôn luôn thực hành lời dạy của Đức Phật, tinh tấn tu tập.

Đây là mười đức tính tốt đẹp của một người cư sĩ chân chánh trong Phật giáo, người cư sĩ có mười đức lành này đáng gọi là cận sự nam và cận sự nữ đệ tử Tam Bảo.

BỐN ĐIỀU HẠNH PHÚC CỦA CƯ SĨ

Đức Phật đã thuyết cho trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc) về bốn điều hạnh phúc của người tại gia.

1- Hạnh phúc sở hữu (Atthisukha), là niềm an lạc do phát sanh tài sản hợp pháp, bằng sự nỗ lực siêng năng làm nghề nghiệp. Khi nghĩ đến sự sở hữu tài sản một cách chân chính như vậy, người cư sĩ cảm thấy hạnh phúc.

2- Hạnh phúc hưởng thụ (Bhogasukha), là niềm an lạc do thọ hưởng tài sản của mình đã có, nuôi bản thân, nuôi gia đình và làm các công đức. Khi nghĩ đến sự thọ hưởng những tài sản tự tạo ra như vậy, người cư sĩ cảm thấy hạnh phúc.

3- Hạnh phúc không nợ nần (Anaṇasukha), là niềm an lạc do không bị mắc nợ ai dù ít hay nhiều. Khi người cư sĩ trong gia đình biết sống tri túc, vừa với sự thu nhập, không để bị thiếu nợ; người ấy được thoải mái hạnh phúc, không có lo lắng hồi hộp.

4- Hạnh phúc không lỗi lầm (Anavajjasukha), là niềm an lạc do không làm điều tội lỗi, thân hành không phạm tội, khẩu hành không phạm tội, ý hành không phạm tội, phạm tội đối với luật nghiệp báo và đối với luật quốc độ. Khi người cư sĩ sống không vi phạm lỗi lầm như vậy, tâm tư an ổn, hạnh phúc, không bị đau khổ lo sợ.

Trong bốn điều hạnh phúc này, điều "Hạnh phúc không lỗi lầm" là điều hạnh phúc có giá trị cao nhất.