Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Xem Ti Vi Trong Chánh Niệm

Xem Ti Vi Trong Chánh Niệm

288

Là cha mẹ, chúng ta có thể bàn bạc với con cái của ta về phương cách sử dụng máy truyền hình hay máy vi tính như thế nào cho thông minh để những hạt giống tiêu cực như bạo động, căm thù, kỳ thị và thèm khát trong mỗi người không bị tưới tẩm. Nếu con cái của quý vị xem chương trình phim ảnh có chứa đựng quá nhiều chất liệu bạo động, thèm khát và sợ hãi – dù bộ phim đó rất hào hứng làm cho chúng say mê, thì chúng cũng sẽ mệt mỏi, tê liệt sau một giờ đồng hồ tiêu thụ. Quý vị có thể nói chuyện với con mình bằng ngôn từ hòa ái, cởi mở và xây dựng: ”Này con ạ, có chuyện này ba/mẹ muốn thảo luận với con. Con có thể ngưng xem ti vi một chút được không?” Rồi quý vị có thể hỏi con xem chúng nó cảm thấy như thế nào trong khi xem cuốn phim ấy. Chúng có cảm thấy bình an và hạnh phúc sau khi xem cuốn phim như thế hay không? Lúc ấy con của quý vị sẽ có cơ hội chia sẻ cái cảm giác, nhận thức của chúng cho quý vị nghe. Sau khi nghe xong, cả gia đình có thể bàn thảo với nhau và đi tới phương pháp hay, thông minh nhất về việc sử dụng ti vi, xem phim ảnh. Cố nhiên không phải chương trình truyền hình nào cũng dỡ, cũng độc hại; có rất nhiều chương trình truyền hình hay, lành mạnh có thể nuôi dưỡng tình thương và mở rộng kiến thức của ta. Tôi biết có một gia đình nọ ở thành phố Boston, sau khi biết tu tập, họ đã ngồi lại với nhau để bàn bạc về việc sử dụng máy truyền hình và đã đi tới một giải pháp rất hay trong việc sử dụng máy truyền hình; họ chọn những chương trình lành mạnh và cả gia đình cùng ngồi xem chung với nhau. Vào những buổi xem phim như thế, họ ăn mặc rất trang nhã như thể đi xem phim ở rạp xi nê. Họ quây quần tại phòng khách và xem một cuốn phim đã được tuyển chọn bởi một thành viên trong gia đình. Trong đời sống hàng ngày, họ giới hạn xem truyền hình, họ có ký Hiệp ước sống chung an lạc với nhau nên họ rất thận trọng khi có ý muốn xem truyền hình, xem phim, chứ không phải ai muốn xem lúc nào thì xem. Tôi thấy giải pháp đó rất hay.

Một hôm tôi có buổi phỏng vấn với ký giả của tờ báo Phụ Nữ ở Paris. Tôi đã kể câu chuyện này. Cô ký giả mời tôi chia sẻ một vài sự thực tập cụ thể cho những đọc giả của tờ báo Phụ Nữ và tôi đã chia sẻ với họ một ví dụ về một cặp vợ chồng có khó khăn với nhau. Họ không truyền thông, nói chuyện được với nhau, không khí trong gia đình càng ngày càng trở nên ngột ngạt, cả hai người không nhìn nhau được nữa và cuối cùng họ đều nhìn về một hướng cho bớt khổ, đó là hướng ti vi. Tôi nói rằng quý bà có thể thực tập như thế này: trong khi người chồng đang xem ti vi, thì người vợ với năng lượng chánh niệm vững mạnh tới bên cạnh, xin ông ngưng xem ti vi một chút và nói với chồng mình như thế này: ”Thưa anh, em có chuyện này xin được bàn thảo với anh. Anh có thể ngưng xem ti vi vài phút được không?” Ông chồng vốn là một người trí thức nên giữ phép lịch sự mà chấp thuận và tắt máy ti vi. Sau khi ông đã tắt máy ti vi, bà hãy nhìn chồng một lúc, rồi hỏi: ”Này anh, có phải chúng ta là một cặp vợ chồng có hạnh phúc không? Nếu không, thì tại sao? Chúng ta có thể nhìn lại để xem nguyên do nào đã khiến cho chúng ta mất đi sự hòa nhã, mất đi hạnh phúc đến nỗi bây giờ không thể nói chuyện được với nhau? Những năm đầu chúng ta hạnh phúc lắm mà, phải không anh? Sao bây giờ lại như vậy? Chúng ta có thiếu thốn gì không về phương diện vật chất, công  ăn việc làm, tiền tài và danh vọng? Nếu không thiếu thốn gì, vậy thì tại sao chúng ta không hạnh phúc?” Thiền tức là dừng lại và nhìn sâu để tìm hiểu những nguyên do đưa đến tình trạng bế tắc, không hạnh phúc trong gia đình hoặc trong mối liên hệ giữa vợ chồng, cha con và mẹ con với nhau v.v…

Là một cá nhân, một cặp vợ chồng, một gia đình, liên hệ cha con, mẹ con, anh, chị, em với nhau, quý vị có đủ sự thông minh và khả năng thực tập nhìn sâu để tìm ra những nguyên do tại sao quý vị không hạnh phúc. Nhìn sâu vào sự thật thứ nhất tức là khổ đế, ta sẽ khám phá ra sự thật thứ hai – khổ tập đế – những nguyên do, những điều kiện đã đưa tới cái khổ đó; và quý vị phải tập nhìn qua lăng kính của bốn loại thực phẩm (Đoàn thực, Xúc thực, Ý tư thực và Thức thực) đã có tác dụng nuôi dưỡng và tưới tẩm những khổ đau của quý vị. Khi hiểu được nguồn gốc của khổ, quý vị có thể loại trừ, xa lìa chúng. Quý vị nên bàn thảo về phương pháp làm mới hữu hiệu giữa vợ chồng, cha con, mẹ con với nhau. Dù vấn đề khó khăn, bế tắc cách mấy, quý vị vẫn có thể làm cho mối liên hệ mới trở lại, chuyển đổi được tình trạng, nối lại tình thâm với nhau. Ngày hôm qua có một cặp vợ chồng trong khóa tu này đã làm mới với nhau và sự thực tập đã làm họ cảm thấy như họ vừa mới đám cưới trở lại. Pháp môn Làm Mới rất hữu hiệu; người nào cũng có thể thực tập thành công.

Khi mới quen nhau, yêu nhau, ta thấy cái gì cũng đẹp, dễ thương; ta nhìn nhau suốt ngày mà không thấy chán, không thấy đói. Ta nói: ”Khuôn mặt của em đẹp quá. Đôi mắt của em dễ thương quá. Em là người anh thương yêu nhất trên đời. Không có em, anh không thể sống được.” Ta dành rất nhiều thì giờ ngồi bên nhau, có mặt cho nhau và nhìn nhau hoài mà không thấy mệt, thấy đói. Tình yêu ban đầu lúc nào cũng đẹp đẽ, trong sáng và tràn đầy sự chấp nhận. Nhưng vì ta không biết thực tập chăm sóc, vun bón, tưới tẩm và nuôi dưỡng mối tình đầu đẹp đẽ ấy, nên ta đã biến tình yêu của ta thành hận thù, ta bắt đầu tưới tẩm cho nhau những hạt giống tiêu cực. Ta bắt đầu thay đổi thái độ cư xử, cách nhìn và nói: ”Bà bây giờ như bà chằng, không dễ thương như ngày xưa nữa. Bây giờ nhìn bà tui thấy chán ngấy, không thoải mái chút nào.” Bây giờ ta không muốn nhìn nhau nữa. Vì vậy để cho đỡ khổ, ta nhìn về hướng ti vi. Ta trốn chạy khổ đau bằng cách đó. Đó là bi kịch của rất nhiều gia đình trong xã hội chúng ta. Người ta muốn trốn chạy, muốn quên đi những khó khăn, khổ đau bằng đủ mọi phương tiện. Ti vi là một phương tiện để trốn chạy; sa vào xì ke ma tuý, sống lang thang ngoài phố chợ, la cà nơi những quán rượu cũng là những cách để trốn chạy khổ đau v.v… Sự thực tập là phải trở về và đối diện với thực trạng của ta. Trốn chạy không phải là giải pháp. Cho nên ta phải tắt ti vi, bắt đầu nhìn nhau và cùng nhau đặt lại những vấn đề thiết thực. Ta phải công nhận là trong gia đình ta đang có khổ đau, đang bị bế tắc và phải cùng nhau nhìn lại để tìm ra những nguyên do tại sao gia đình mình không có hạnh phúc, tại sao mọi người không truyền thông được với nhau; có phương pháp tu tập nào có thể giúp ta tái lập lại sự truyền thông, phục hồi lại hạnh phúc và niềm an vui cho nhau hay không?

Có những người cho rằng thiền tập (đi tu) tức là trốn tránh thực tại; nghĩ rằng người tu khi đã đạt tới trạng thái giải thoát, siêu việt, thì họ không màng tới vấn đề thực trạng của đời sống nữa. Nghĩ như thế là không đúng; thiền tập – cụ thể qua phép tu tập chánh niệm, là lối sống giúp ta trực diện, ôm ấp và xử lý những vấn đề thiết thực trong hiện tại. Vì vậy tu thiền không phải là hành động trốn tránh thực tại.

Các cơ quan bảo vệ sức khỏe cho dân chúng đã đưa ra quy luật bắt các công ty sản xuất thuốc lá ghi câu cảnh tỉnh, cảnh báo lên các bao thuốc lá: “Hút thuốc sẽ có hại đến sức khỏe.” Những câu cảnh báo như thế nên được ghi và dán lên trên các màn ảnh của ti vi, máy vi tính, bởi vì có hàng triệu người đã bị đầu độc khi xem những chương trình ti vi có tính cách độc hại, chứa đựng nhiều chất liệu bạo động, căm thù, kỳ thị và thèm khát. Cho nên ta có thể ghi câu cảnh tỉnh: ”Xem ti vi có thể bị độc hại đến thân tâm.” Vì vậy ta phải có chánh niệm, phải tỉnh thức mỗi giây mỗi phút trong đời sống hàng ngày của ta, bởi vì chỉ có chánh niệm mới bảo hộ được ta và con em của ta. Tôi nghĩ vấn đề này phải được đem ra bàn thảo trong các cơ quan chính quyền, cơ quan lập pháp. Chúng ta phải thi thiết những pháp luật mới để bảo vệ ta, bảo vệ con em ta và dân tộc ta từ những sản phẩm văn hóa có tính cách độc hại thân tâm, phá hoại nền đạo đức của nhân loại. Chúng ta sản xuất ra vô số những sản phẩm tiêu thụ có chứa đựng quá nhiều những chất liệu bạo động, hận thù và thèm khát; những chất liệu ấy đã tưới tẩm những hạt giống xấu, tiêu cực và bất thiện trong ta và trong con em của chúng ta. Siêng năng (tinh tấn) phải được thực tập như một quốc gia. Những nhà chính trị, ký giả, nhà văn, thầy giáo, cô giáo và những nhà tâm lý trị liệu phải có trách nhiệm đóng góp phần mình trong việc gây ý thức về thực trạng của xã hội để mọi người cùng thức dậy và tìm ra những biện pháp cụ thể nhằm bảo hộ chúng ta và các thế hệ tương lai. Đây là việc làm rất cấp bách và cả quốc gia cùng làm mới thành công.

HT.THÍCH NHẤT HẠNH