Trang chủ Nghiên cứu "Phật giáo ở đâu…": Câu hỏi muộn màng (Bài 12)

"Phật giáo ở đâu…": Câu hỏi muộn màng (Bài 12)

93

Tiếp tục giới thiệu các tư liệu về tình hình tôn giáo ở vùng núi và cao nguyên Việt Nam, nhằm phục vụ cho Phật sự hoằng pháp đến đồng bào dân tộc thiểu số, có thể là tài liệu tham khảo hữu ích cho tăng ni Phật tử Việt Nam phát nguyện làm Phật sự quan trọng này, dưới đây, chúng tôi xin tổng thuật bài nghiên cứu “Thực hiện chính sách của nhà nước Việt Nam đối với Tin Lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay” của tác giả Đỗ Xuân Định, nghiên cứu sinh khoa Dân tộc học, Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 12 (126) 2013.

Bài viết này có nhiều tư liệu. Nếu tác giả khai thác vấn đề từ góc độ thực hiện chính sách của nhà nước Việt Nam đối với Tin Lành, thì việc tổng thuật của chúng tôi sẽ chú trọng đến việc tìm hiểu không gian tôn giáo ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi một số tỉnh GHPGVN mới bắt đầu thành lập ban trị sự hay chỉ mới xúc tiến thành lập ban trị sự.

Bài viết “Thực hiện chính sách của nhà nước Việt Nam đối với Tin Lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay” lấy mốc ban hành Chỉ thị 01/2005 của Thủ tướng Chính phủ làm mốc chính, phân định 2 thời kỳ tìm hiểu đề tài.

Thông tin về giai đoạn trước Chỉ thị 01/2005 của Thủ tướng Chính phủ của bài viết rất dồi dào. Theo bài viết thì: “Từ năm 1986, Tin lành bắt đầu xâm nhập vào một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc dưới tên gọi Vàng Chứ trong người H-mông, Thìn Hùng trong người Dao và phát triển nhanh chóng trên diện rộng. Nhiều cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương, cũng như các nhà nghiên cứu nhận định, sự phát triển của Tin Lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc thời kỳ này là bất bình thường. Sự phát triển bất bình thường của Tin Lành chủ yếu trong cộng đồng người H-mông. Theo số liệu thống kê của chính quyền các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2004, có trên 105.000 người H-mông theo Tin Lành, chiếm gần 20% tổng số người H-mông ở 779/2.384 bản có tộc người này sinh sống trên địa bàn.

Trước thực trạng nêu trên, chính quyền các tỉnh miền núi phía Bắc đều khá thống nhất trong nhận thức, thể hiện trong các văn bản chỉ đạo, khi cho rằng:

–    Vấn đề truyền đạo và theo Tin lành trái pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương chủ yếu do tác động của các thế lực thù địch.

–    Số người truyền đạo đã biết lợi dụng tình hình khó khăn về đời sống vật chất và đời sống tinh thần của đồng bào để tuyên truyền Tin Lành.

–    Các dân tộc tiểu số nói chung, người H-mông nói riêng không có tôn giáo độc thần,; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, nhưng cũng phải tôn trọng truyền thống không có tôn giáo, truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số.

–    Không chấp nhận việc truyền bá Tin Lành trái pháp luật và lợi dụng tôn giáo để hoạt động ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Như vậy, trước Chỉ thị 01/2005 của Thủ tướng Chính phủ, việc truyền đạo Tin Lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc được coi là bất hợp pháp. Đương nhiên, với nhận thức vậy, thì nhà nước không chấp nhận việc truyền đạo và tiến hành những biện pháp xử lý thích hợp: “Từ nhận thức như trên, chủ trương giải quyết của chính quyền các tỉnh miền núi phía Bắc chủ yếu là vận động đồng bào giữ gìn tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp. Một vài địa phương đã xử phạt hành chính người theo đạo Tin Lành. Trong khi đó, một bộ phận đồng bào đã dần hình thành niềm tin vào Tin Lành nên phản ứng gay gắt với cách xử lý nêu trên của chính quyền. Thậm chí, vì mục đích giữ đạo, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số theo Tin Lành đã bỏ quê hương, di cư tự do đi nơi khác sinh sống, nảy sinh những vấn đề phức tạp mới”.

Và cách xử lý khi đó là: “Tiến hành khảo sát, nắm chắc số lượng cơ sở thờ tự, chức sắc, chức việc, tín đồ Tin Lành để đưa vào quản lý theo quy định của pháp luật.

Một số địa phương đã làm tốt công tác phân loại người theo đạo để giải quyết theo hướng: Một là, đối với người bị đe dọa, cưỡng ép theo Tin Lành thì tuyên truyền, vận động, giải thích để họ quay lại sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống; giúp đỡ đồng bào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Hai là, đối với người đã có niềm tin nhất định đối với Tin Lành, trước mắt quản lý, hướng dẫn họ sinh hoạt tôn giáo tại gia đình, ổn định đời sống dân cư. Ba là, đối với người tuyên truyền đạo trái pháp luật, kích động người khác chống lại người thi hành công vụ, xúi giục quần chúng không tuân thủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì xử lý nghiêm minh theo pháp luật”.

Giai đoạn sau Chỉ thị 01/2005 của Thủ tướng Chính phủ, nhận thức, đánh giá, cách xử lý với việc truyền đạo Tin Lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc đều có thay đổi. Bài viết “Thực hiện chính sách của nhà nước Việt Nam đối với Tin Lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay” cho biết: “Thực hiện chính sách đối với Tin Lành được nêu trong Chỉ thị 01/2005 của Thủ tướng Chính phủ, đa số chính quyền các tỉnh miền núi phía Bắc đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện, tập trung vào những nội dung cơ bản sau đây: Một là, tổ chức quán triệt chính sách của Nhà nước đối với Tinh Lành trong các cấp chính quyền, các ban ngành, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và toàn thể cán bộ, đảng viên ở địa phương. Hai là, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, loại bỏ hủ tục; phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt. Ba là, tiến hành khảo sát để phân loại, đánh giá đúng thực trạng việc truyền bá và tin theo Tin Lành ở địa phương. Bốn là, tổ chức đăng ký sinh hoạt Tin Lành theo điểm nhóm với chính quyền cơ sở ở những nơi đảm bảo những tiêu chí cơ bản như: đồng bào có thời gian dài theo đạo và sinh hoạt tôn giáo ổn định, chính quyền sở tại có đủ khả năng quản lý, người đứng đầu tổ chức tôn giáo không có biểu hiện chống đối về chính trị”.

Như vậy, việc truyền đạo Tin Lành ở miền núi phía Bắc, từ hoàn toàn bất hợp pháp, bị ngăn cản, cấm đoán, đến Chỉ thị 01/2005 của Thủ tướng Chính phủ, đã trở thành hợp pháp có điều kiện, có thể được công nhận có điều kiện.

Qua bài viết nói trên, người đọc có thể thấy rằng, bối cảnh hoạt động tôn giáo ở các tỉnh miền núi phía Bắc sau Chỉ thị 01/2005 của Thủ tướng Chính phủ đã có bước ngoặt hết sức quan trọng. Việc hợp pháp hóa có điều kiện, công nhận có điều kiện hoạt động của đạo Tin Lành ở miền núi phía Bắc đã tạo cho Tin Lành một môi trường mới, thuận lợi cho việc truyền đạo.

Cần lưu ý, là trong hoàn cảnh “bất hợp pháp”, việc truyền đạo khó khăn, gặp nhiều biện pháp hạn chế, nhưng từ năm 1986, đạo Tin Lành ở miền núi phía Bắc đã “phát triển nhanh chóng”, đến mức “bất bình thường”. Mốc năm 1986 là thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới. Việc phát triển mạnh từ năm 1986 cho thấy đạo Tin Lành ở miền núi phía Bắc đã hết sức chú trọng đến những biến chuyển của hoàn cảnh khách quan. Như vậy, trong bối cảnh được công nhận, được hợp pháp hóa, có thể đăng ký để tự do sinh hoạt, thì sự phát triển của đạo Tin Lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ lên đến mức độ nào? Đây là bối cảnh tôn giáo ở các tỉnh miền núi phía Bắc mà chúng ta có thể dự kiến. Đối với việc hoằng pháp Phật giáo, điều đó có nghĩa là khó khăn sẽ rất lớn.

Chúng tôi, trong một bài viết trước đây, đã nói đến thời điểm 1981 như một mốc thời gian đánh dấu việc chậm trễ hoằng pháp ở các tỉnh miền núi và cao nguyên, thì với bài tổng thuật tư liệu này, năm 1986 là một mốc thời gian chậm trễ tiếp theo đó. Trong khi đạo Tin Lành đã khai thác những yếu tố thuận lợi do công cuộc đổi mới mang lại, triển khai mạnh mẽ việc truyền đạo ở miền núi và cao nguyên từ năm 1986, thì phía Phật giáo không hề có nhận thức gì về cơ hội này. Vì vậy, việc chậm trễ là đương nhiên, dù có lợi thế là GHPGVN đã được công nhận, từ năm 1981. Việc thiếu nhận thức này đã khiến cho ở nhiều tỉnh miền núi và cao nguyên, Phật giáo đã trở thành tôn giáo thiểu số, với mức cách biệt số lượng tín đồ rất xa tôn giáo đa số là đạo Tin Lành.

Điều chắc chắn là đạo Tin Lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ triệt để khai thác những thuận lợi cho Chỉ thị 01/2005 của Thủ tướng Chính phủ mang lại, đưa hoạt động truyền đạo Tin Lành phát triển lên một giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn, rộng rãi hơn.

Bài viết “Thực hiện chính sách của nhà nước Việt Nam đối với Tin Lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay” còn cho biết: “Một số Hội thánh đã hình thành Ban Chấp sự, Ban Trị sự (lâm thời), đòi hỏi nhu cầu thành lập chi hội/hội thánh cơ sở thay thế điểm nhóm. Bởi vì, điểm nhóm chỉ là cách gọi của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, không phải là một cấp hành chính đạo”.

Như vậy, đạo Tin Lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang được tổ chức hóa. Đạo Tin Lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang kết thúc giai đoạn truyền bá, mà đi vào giai đoạn cắm rễ sâu trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Các cơ sở cho những giáo hội hoàn thiện đang được xây dựng.

Trong bối cảnh như thế, việc hoằng pháp của Phật giáo ở các tỉnh miền núi, nếu có bắt đầu, thì đã với bối cảnh hoàn toàn khác năm 1986, càng khác năm 2005. Sự chậm trễ không chỉ là vấn đề thời gian, mà trước hết là vấn đề bối cảnh. PGVN bị bỏ lại phía sau, không chỉ là về ngày tháng, mà còn là về thực trạng. Việc hoằng pháp sẽ hết sức khó khăn, trong bối cảnh ngày càng diễn biến không thuận lợi.

Phải chăng, cơ hội PGVN trở thành tôn giáo đa số không còn, hay đúng hơn, không có hy vọng gì để cải thiện tình hình truyền bá Phật giáo ở các tỉnh miền núi và cao nguyên?

MT