Trang chủ Văn hóa Phiên bản Cột chùa Dạm sai nguyên mẫu?

Phiên bản Cột chùa Dạm sai nguyên mẫu?

75

Thời kỳ những năm đầu thành lập, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã cho làm một phiên bản hiện vật cột chùa Dạm bằng xi măng. Hiện vật này lấy nguyên mẫu cổ xưa là chiếc cột nổi tiếng ở chùa Dạm (xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, Bắc Ninh), được chế tác từ thời Lý – thế kỉ 11-12.

 

Phiên bản xi măng đặt ngay tại sân bảo tàng được coi là một phiên bản rất thành công và từ đó đến nay đã gắn với tâm trí nhiều thế hệ yêu mỹ thuật giữa thủ đô Hà Nội.







Đôi rồng trên cột đá chùa Dạm cũ, bằng chất liệu xi măng, tại bảo tàng Mỹ thuật VN.







Đôi rồng với vảy to, nổi như vảy cá chép, làm bằng chất liệu đá trên cột chùa Dạm thay thế cột cũ tại bảo tàng. Ảnh: Hoài Linh

Dưới nhiệm kỳ 1998-2003 của nguyên giám đốc Cao Trọng Thiềm, hội đồng nghệ thuật bảo tàng đã nêu ý kiến nên chuyển đổi cột chùa Dạm sang chất liệu đá cho bền vững, song vì không có kinh phí nên việc chưa thực hiện được.


Đến năm 2006, có đủ điều kiện, bảo tàng Mỹ thuật VN đã quyết định chuyển đổi cột chùa Dạm. Công việc hoàn thành vào đầu năm 2007.


Tuy nhiên, phiên bản mới này đã khiến không ít người hiểu chuyên môn bực bội vì cho rằng nó không trung thành với nguyên mẫu, thậm chí còn bị sai lệch về thời gian, lịch sử, và về tổng thế, nó bị biến thành một sản phẩm mỹ nghệ trang trí hơn là một tác phẩm nghệ thuật.


Một cán bộ cũ (yêu cầu tạm thời giấu tên) của bảo tàng Mỹ thuật VN khẳng định, nếu hình tượng con rồng nguyên mẫu có vảy mờ, nhỏ, thì con rồng bằng đá được thực hiện có vảy nổi như cá chép (như hình thể rồng ở cuối thời Trần thế kỷ 14 và đầu thời Lê sơ – Lê Trung Hưng thế kỷ 15-17.


Cũng theo lời vị này, chính lãnh đạo bảo tàng cũng nhận thấy sai sót ấy, song làm lơ, coi như do thợ đá lỡ tay làm vảy nổi lên, không có vấn đề gì nghiêm trọng.













Toàn cảnh cột đá chùa Dạm tại Bắc Ninh.

Cột chùa Dạm (nguyên mẫu tại chùa Dạm, Bắc Ninh) là một cột đá lớn nguyên khối, cao lên khỏi mặt đất gần 5 mét. Cấu trúc cột gồm 2 thớt khối, với hình tượng trời tròn đất vuông. Trên thân trụ tròn có chạm nổi đôi rồng Lý đầu vươn cao chầu vào viên ngọc tỏa sáng, thân quấn quanh cột, đuôi ngoắc vào nhau, mào rồng bốc lửa, bờm thành búi, thân tròn lẳn uốn khúc chữ S…


Trên thực tế, con rồng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam đều có đặc điểm riêng trong mỗi thời kỳ phát triển của nó. Đó là những đặc điểm có thể nhận dạng bằng mắt thường đối với bất kì người nào chỉ cần có chút kiến thức “nhập môn” về lĩnh vực này.


Theo các tài liệu mỹ thuật, rồng thời Lý có đặc điểm là thân hình tròn trặn, dài và nhỏ dần về phía đuôi, có dáng dấp gần gũi với loài rắn (nên rồng Lý thường gọi là Long xà) nhưng đầu rồng có tỉ lệ cân đối với thân, chân nhỏ, mảnh, thường là 3 ngón.


Rồng Lý thường được thể hiện với những khúc uốn hình chữ S, ẩn hiện trong hình lá đề, cánh sen giỡn sóng.


Đến thời Trần, con rồng trong mỹ thuật và điêu khắc mất dần dạng thân uốn chữ S, biến dạng thành hình con, có thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay. Thân rồng mập mạp, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa, các vảy rõ hơn và đa dạng (có khi là nửa hình hoa tròn nhiều cánh đều đặn, có khi chỉ là những nét cong nhẹ nhàng).


Đến thời Lê thường thể hiện rồng với đầu to, bờm lớn ngược ra sau, mũi to, thân lượn hai khúc lớn, chân năm móng…


Điều này, về mặt nguyên tắc cho thấy rằng, nếu các chi tiết thể hiện trên hình rồng có sai lạc có thể dẫn đến “sai một li, đi một dặm”, khiến tác phẩm bị lệch về thời kỳ so với lịch sử mỹ thuật, từ đó hỏng mất ý nghĩa tinh thần của tác phẩm.


Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Thức (nguyên phó trưởng phòng Trưng bày tuyên truyền của bảo tàng, đã nghỉ hưu) từng kiến nghị lãnh đạo bảo tàng cho chuyển cột đá chùa Dạm bằng đá cho một đơn vị khác sở hữu thì hợp hơn, vì nó sai lệch về tinh thần, thời gian và lịch sử mỹ thuật và giống như đồ mỹ nghệ, không hợp với một bảo tàng; đồng thời, trưng bày bản mẫu bằng xi măng lại như cũ.


Sai lệch hay không sai lệch, vấn đề này chưa thể kết luận dựa trên ý kiến của một số người, song dư luận khi đã dấy lên thì rất cần sự vào cuộc và phán xét của cơ quan hữu quan và những người có chuyên môn.