Trang chủ Văn hóa Qua hiện vật mỹ thuật tìm hiểu yếu tố tiểu thừa trong...

Qua hiện vật mỹ thuật tìm hiểu yếu tố tiểu thừa trong phật giáo Việt Nam (thời Lý – Trần)

84

Vì vậy, tuy nước ta không sản sinh ra một tôn giáo lớn nào, nhưng, từ rất sớm, nước ta đã là nơi gặp gỡ của nhiều tôn giáo khác nhau: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo… Trong quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam, ba tôn giáo trên không thâm nhập ở một mức độ như nhau, mà tùy từng lúc và từng nơi, có tôn giáo này mạnh hơn tôn giáo kia, và ngay trong một tôn giáo cũng có yếu tố này chiếm ưu thế hơn ưu thế kia. Điều đáng chú ý là các tôn giáo khác nhau ấy chẳng những không tiêu diệt lẫn nhau, mà còn thâm nhập vào nhau, tạo ra tình thế pha tạp và màu sắc phng phú trong từng tôn giáo.


Phật giáo Việt Nam, từ xưa đến nay, đã được nhiều người nghiên cứu. Nhưng, nếu như, qua các công trình đã công bố, yếu tố Đại thừa được phân tích khá rõ và đầy đủ, thì trái lại, yếu tố Tiểu thừa hầu như vẫn chưa được đề cập đến đúng mức. Vậy, có phải Phật giáo Việt Nam chỉ có yếu tố Đại thừa, hay còn cả yếu tố Tiểu thừa nữa? Nhà nghiên cứu vừa quá cố trong lòng thương tiếc chung của giới khoa học, cụ Trần Văn Giáp, từng giải đáp một khía cạnh của câu hỏi trên – khía cạnh lịch sử – trong một luận văn đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị của nó khi mới ra đời. Tất nhiên, giải quyết vấn đề cho trọn vẹn đòi hỏi sự chung sức của nhiều người, nhiều ngành, trước tiên là ngành lịch sử tư tưởng. Riêng phần chúng tôi, đứng dưới góc độ mỹ thuật, qua một số tài liệu hiện vật và tài liệu văn tự thuộc những thế kỷ đầu của kỷ nguyên dân tộc độc lập, đặc biệt là thuộc thời Lý, chúng tôi muốn sơ bộ đưa ra một vài ý kiến để bạn đọc tham khảo.


Từ đất phát sinh của mình là ấn Độ, Phật giáo dần phát triển sang các nước láng giềng và chiếm một địa vực rộng lớn trùm lên những nước ngày nay mang tên là Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt nam, Xri-lan-ca, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a…  Các nhà nghiên cứu Phật giáo đều thống nhất rằng Phật giáo truyền bá theo hai đường: đường lục địa từ Bắc ấn Độ dần sang Trung Hoa; và đường biển khởi đầu từ các cảng Nam ấn Độ xuống Xri Lan-ca. Từ Trung Quốc và Xri Lan-ca, đạo Phật truyền rộng sang các nước khác.


Việt Nam ở vào chỗ gặp nhau của hai đường truyền đạo. Vậy, đầu tiên Phật giáo vào Việt Nam bằng đường nào và theo phái nào?


Theo nhiều tài liệu khác nhau, Phật giáo vào Trung Hoa từ thời Đông Hán, nhưng không phải ngay nửa sau thế kỷ I nó đã xây dựng được tổ chức trên toàn cõi đế quốc Hán.


Còn ở Việt Nam, theo tài liệu Phật giáo viết từ thời Trần – sách Thiền uyển tập anh – thì Phật giáo lại có ở nước ta trước khi nó xây dựng được tổ chức ở vùng Hoa Nam (Trung Quốc). Truyện Thông Biện – cũng trong sách kể trên – kể rằng thiền sư Trí Thông, khi nói chuyện với thái hậu Linh Nhân, đã dẫn lời sư Đàm Thiên thời Tùy bên Trung Hoa: “Xứ Giao Châu có đường thông sang Thiên Trúc. Khi Phật giáo vào Trung Hoa, chưa phổ cập đến Giang Đông, mà xứ ấy đã xây ở Liên Lâu hơn hai mươi bảo tháp, độ được hơn năm trăm vị tăng, và dịch được mười lăm bộ kinh rồi. Thế là xứ ấy (Giao Châu) theo Đạo Phật trước ta (Trung Hoa). Bấy giờ có các vị sư Ma La Kỳ Vực, Khang Tăng Hội, Chi Cương Lương và Mâu Bác đến ở đó truyền đạo”1.


Mâu Bác là nhân vật xưa nhất trong bốn vị sư nói trên. Ông sang Giao Châu vào cuối thế kỷ II. Cùng thời với Mâu Bác, Sĩ Nhiếp đang làm thái thú Giao Châu (187-226). Chùa Dâu (Hà Bắc) và ba chùa khác hợp thành “Tứ Pháp” (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), tức các chùa ở Dâu, Đậu, Tướng và Dàn (Thuận Thành, Hà Bắc), theo lời truyền, đều được dựng dưới thời Sĩ Nhiếp. Truyền thuyết về “Tứ Pháp” trong nhân dân nhiều vùng ở Hà Bắc và Hải Hưng đều rất thống nhất với truyện Cổ châu Pháp Vân phật bản hạnh ngũ lục trích trong Báo cực truyện cả về thời gian, tên nhân vật và cốt truyện2.


Nếu căn cứ vào lời sư Đàm Thiên đã dẫn trên, thì trước thời Sĩ Nhiếp, từ thế kỷ I chẳng hạn, đạo Phật đã có ở nước ta rồi. Con đường từ Thiên Trúc sang nước ta, mà sư Đàm Thiên nhắc đến, chắc hẳn là đường biển. Trong bốn vị sư mà Đàm Thiên dẫn ra, trừ Mâu Bác, người Thương Ngô, còn thì ba vị kia đều là người miền ấn Độ và Trung á, sang ta theo đường biển. Theo Xin-vanh Lê-vi, bấy giờ những thuyền buồm lớn của thương nhân vượt biển dưới sự phù hộ của Phật Đê-pan-ca-ra, trên thuyền thường chở các vị sư; các vị này thường kiêm cả thầy thuốc, giáo sĩ và thầy bùa3.


Vậy Phật giáo vào Việt Nam đầu tiên theo đường biển, có thể là từ đầu công nguyên, và mang đến ảnh hưởng trực tiếp của Phật giáo ấn Độ4. ảnh hưởng ấy có thể rất mạnh suốt trong những thế kỷ đầu. Phải đến cuối thời Tùy, Đường, Phật giáo Trung Hoa mới sang ta ồ ạt, và trở thành cơ sở chính của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ độc lập sau này. Như vậy, từ cuối thế kỷ VI, Phật giáo Việt Nam chịu thêm ảnh hưởng của Phật giáo ấn Độ hẳn vẫn còn nặng. Nhiều sư người Việt Nam đã sang Trung Hoa, ấn Độ và các nước Đông Nam á. Phật giáo Việt Nam vốn chịu hai luồng ảnh hưởng như vậy, giáo lý của nó hẳn bao gồm nhiều màu sắc phong phú.


Từ thế kỷ X, sau khi nước ta giành được độc lập, Phật giáo càng phát triển, và trở nên cực kỳ cực thịnh ở thời Lý, để rồi đến cuối thời Trần thì bắt đầu có dấu hiệu suy yếu. Trong những thế kỷ độc lập này (thế kỷ X – thế kỷ XIV), trong Phật giáo Việt Nam dần hình thành một số “tông phái” riêng (phái Thảo Đường thời Lý, phái Trúc Lâm thời Trần…). Và trong hai luồng ảnh hưởng nói trên, thì ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa ngày càng mạnh hơn, dần dần lấn át ảnh hưởng của Phật giáo Nam ấn Độ.


Tóm lại, đạo Phật vào Việt Nam đầu tiên là từ vùng Phật giáo Nam ấn theo đường biên tràn đến, rồi sau mới từ vùng Phật giáo Bắc ấn qua Trung Hoa theo đường bộ tràn sang. Do đấy có điều kiện để giả thiết rằng Phật giáo Việt Nam ban đầu phải theo giáo lý Tiểu thừa, còn giáo lý Đại thừa được du nhập sau. Như vậy, hai yếu tố Tiểu thừa và Đại thừa cùng tồn tại, từng thâm nhập lẫn nhau; nhưng có lẽ, suốt trong một thời gian dài, yếu tố Tiểu thừa vẫn còn chiếm một địa vị nhất định, phải đến khoảng cuối thời Trần nó mới bị yếu tố Đại thừa ất hẳn đi. Tình hình này được phản ánh khá đậm nét trong nghệ thuật Phật giáo từ thời Lý sang thời Trần. Nói đến yếu tố Tiểu thừa trong đạo Phật thời Lý, chúng tôi không hề có ý định giả thiết rằng yếu tố Tiểu thừa là yếu tố chính trong Phật giáo đương thời, càng không ám chỉ rằng bấy giờ yếu tố Đại thừa chưa xuất hiện. Chỉ mỗi một việc chùa Một Cột thời Lý có thờ Quan Âm cũng đã nói lên tính chất Đại thừa rồi. Nhưng, nói cho cùng, đấy là vấn đề của các nhà lịch sử mỹ thuật, trên thực địa chúng tôi nhận thấy rằng yếu tố Tiểu thừa còn được phản ánh qua một số di vật thời Lý, và được phản ánh khá đậm nét so với các thời sau. Đó là lý do của những ghi chép này.


Tất nhiên, đây không phải là nơi bàn về giáo lý nhà Phật. Tuy nhiên, trong chừng mực có liên quan đến nghệ thuật tạc tượng Phật ở nước ta, tượng cũng có thể nhắc lại một cách ngắn gọn đôi khái niệm cơ bản, dù chỉ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trình bày các tài liệu mỹ thuật ở những đoạn sau. Về mặt giáo lý nhà Phật, chúng tôi không thể quên những lời chỉ dẫn quý báu của đồng chí Hà Văn Tấn, nhà nghiên cứu Phật giáo trẻ tuổi.


Ranh giới địa lý giữa Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa là tương đối rõ ràng. Nhưng, về tông chỉ, cả hai đều nhằm mục đích cuối cùng là giải thoát con người vào cõi Niết Bàn. Sự khác nhau là ở cách thức tu hành, tức là ở cách vào Niết Bàn.


Sau khi Phật Thích Ca Mầu Ni nhập Niết Bàn, các môn đồ có ý kiến khác nhau. Một phái muốn bảo lưu tính chất nguyên sơ của Phật giáo, theo đúng giáo pháp đã có mà tu hành. Phái kia muốn phát triển giáo lý ban đầu của Phật, không câu chấp lời dạy cũ, mở rộng thêm để khám phá các uyên thâm của Phật giáo, làm cho Phật giáo thích ứng với yêu cầu phát triển của xã hội. Phái trên gọi là Tiểu thừa, với nghĩa là cỗ xe nhỏ chở ít người. Phái dưới gọi là Đại thừa, ngụ ý là cỗ xe lớn chở nhiều người.


Theo Phật giáo, Niết Bàn là cõi cùng tột, thanh tịnh, yên vui, không sinh không diệt, không có ham mê và giả dối, không phân biệt hiền ngu. Những người theo Tiểu thừa cho rằng ai tu hành đắc đạo thì người ấy, và chỉ người ấy thôi, được vào Niết Bàn: họ chỉ cần thờ có một mình đức Phật Thích Ca Mầu Ni, người khai ngộ cho chúng sinh thấy được con đường giải thoát ra ngoài vòng luân hồi. Trái lại, những người theo Đại thừa quan niệm rằng trong vũ trụ có chư Phật và các vị Bồ tát quản cả quá khứ, hiện tại và vị lai; trong chúng sinh, ai chí thành chí lâm tu đạo đều được các Bồ tát tiếp dẫn vào cõi cực lạc. Do đấy, Phật điện của Tiểu thừa chỉ có một mình đức Thích Ca Mầu Ni; còn Phật điện của Đại thừa rất đông đúc, trước hết và trên cùng là ba vị Tam thế, còn đông nhất là các Bồ tát. Riêng Thích Câ Mầu Ni, vị Phật lịch sử, thường được Phật điện Đại thừa thể hiện qua các giai đoạn của đời tu hành, từ khi sinh cho tới lúc đắc đạo.


Như vậy, nghiên cứu Phật điện trong các chùa, chúng ta có thể hiểu được quá trình phát triển và chuyển hóa của Phật giáo Việt Nam từ Tiểu thừa sang Đại thừa.


Những biến thiên lịch sử trong gần nghìn năm qua đã phá hủy của chúng ta hầu hết các di tích lịch sử – nghệ thuật thời Lý. Một số còn lại đến ngày nay chỉ là những may mắn rất hiếm hoi. Có thấy điều đó mới phần nào mường tượng được sự phong phú của những công trình nghệ thuật của thời Lý. Nghệ thuật thời Lý căn bản là nghệ thuật Phật giáo, các di tích và di vật nghệ thuật còn lại đến ngày nay hầu hết thuộc chùa tháp. Vì thế, qua nghệ thuật mà tìm hiểu Phật điện và tính chất của Phật giáo thời Lý cũng là một trong những con đường có thể đưa chúng ta đến gần sự thật.


ở hầu hết các di tích chùa tháp thời Lý, mà chúng tôi đã có dịp khảo sát trên thực địa, cũng như đối chiếu với những điều ghi chép được từ bia ký và sử cũ, chúng tôi thấy mỗi chùa thường chỉ được gắn với một pho tượng Phật. Chùa Một Cột (Hà Nội) với hình bông sen khổng lồ, vọt lên giữa hồ Linh Chiểu: trong điện, có đặt một pho tượng Phật mình vàng5. ở chùa Phật Tích (Hà Bắc), mọc lên một cây tháp cao “ngàn trượng”, trong tháp có tượng Phật mình vàng cao sáu thước6. Chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) có pho tượng Phật cao sáu trượng đất trong tòa điện cao bảy trượng, đầu trượng vừa sát mái điện7. Chùa Đọi (Nam Hà) có cây tháp khổng lồ, giữa là tòa sen, trên tòa sen có đặt tượng Như Lai8. Chùa Hương Nghiêm (Thanh Hóa) có tượng Phật Như Lai mình vàng ngồi trên tòa sen nổi giữa mặt nước9… Như vậy, về mỗi chùa tháp, bia chỉ ghi lại một pho tượng Phật. Ngoài ra, không thấy tượng Phật hay tượng Bồ tát nào được nhắc đến nữa.


Trên thực địa chúng tôi thấy rằng, tại những chùa còn bảo lưu được tượng Phật thời Lý, và đặc biệt là còn giữ được bệ tượng Phật mang phong cách nghệ thuật thời Lý, hoặc tương truyền là của thời Lý, như các chùa Phật Tích, chùa Chèo (Hà Bắc), chùa Ngô Xá (Nam Hà), chùa Một Mái (Hà Tây) chùa Lạng (Hải Hưng)… Phật điện thảy đều vắng vẻ, chỉ gồm có một pho tượng Phật.


Tình hình trên được chứng thực rõ nhất qua các bệ tượng Phật thời Lý. Sau nhiều năm sưu tầm, chúng tôi đã tìm được một số bệ tượng Phật bằng đá thuộc thời Lý ở trong các chùa Phật Tích, chùa Ngô Xá, chùa Chèo, chùa Một Mái, chùa Thầy (Hà Tây), chùa Hương Lãng (Hải Hưng), chùa Bà Tấm (Hà Nội). Có thể chia những bệ tượng Phật trên thành ba loại:


1. Loại bệ này gồm ba phần: phần dưới chạm sông nước, rồng và hoa lá; phần giữa chạm đôi sư tử vờn ngọc; phần trên trên cùng là tòa sen. Loại bệ này, chúng tôi thấy ở chùa Ngô Xá và chùa Phật Tích10.


Nói một cách đại lược, những bệ loại này mang dáng một khối trụ tròn thắt giữa, mà ba phần rời nhau lại được chồng lên nhau để thành một khối hình hoàn chỉnh. Nguyên vẹn nhất là bệ tượng Phật chùa Ngô Xá.


Phần dưới cùng mang dáng một hình chóp cụt, đây là một bát giác. Về cấu tạo, nó lại chia ra làm hai nửa, với bố cục và đề tài trang trí khác nhau. Nửa dưới chạm sông nước nhiều lớp chồng chất lên nhau, mỗi lớp sóng có nhiều sóng dàn ngang, ngọn sống lô nhô vút cao. Nửa trên là ba khối bát giác nối tiếp nhau theo chiều dọc, càng lên cao càng thu nhỏ lại, để lộ ra các mặt bên hình chữ nhật chạm rồng, và một phần các mặt trên hình thang cân chạm dây hoa cúc. Tất cả các hình sóng nước, rồng và hoa cúc ở đây đều rất phổ biến và là những họa tiết trang trí điển hình trong nghệ thuật thời Lý.


Phần giữa là một khối tròn dẹt ở trên một đài sen úp. Đài sen có những cánh sen thon dài, mỗi cánh sen lại được trang trí bằng nhiều hoa cúc. Được chạm lên khối tròn dẹt là hai con sư tử vờn chung một hòn ngọc: cảnh này được đặt trên nền dây leo tay mướp. Sư tử có một số chi tiết giống như chi tiết trên hình rồng, khắp mình đầy những bông hoa nhỏ nhiều cánh mà ta từng thấy trang trí cho một số hiện vật nghệ thuật thời Lý.


Phần trên cùng là một tòa sen lớn có hai lớp cánh đều ngửa, trong lòng mỗi cánh sen được chạm một đôi rồng nuột nà, uốn lượn thoăn thoắt.


2. Loại bệ này gồm hai phần: phần dưới chạm sóng nước, phần trên là một tòa sen. Loại này, chúng tôi thấy ở chùa Chèo. Sóng nước ở bệ tượng Phật chùa Chèo chính là thứ sóng nước điển hình trong nghệ thuật thời Lý.


Thật ra bệ tượng Phật chùa Chèo chỉ là một biến thể của loại bệ tượng Phật chùa Ngô Xá: nó thu nhỏ và đơn giản hóa nửa trên của phần dưới; nó còn loại bỏ toàn bộ phần giữa.


3. Loại bệ này cũng gồm hai phần: phần dưới chạm một con sư tử nằm phục, phàn trên chạm tòa sen. Loại này, chúng tôi thấy ở chùa Hương Lãng, chùa Bà Tấm, chùa Thầy và chùa Một Mái11. Điển hình là bệ tượng Phật chùa Hương Lãng.


Sư tử nằm phủ phục, oai nghiêm, như sẵn sàng chồm dậy với tất cả sức mạnh chúa tể của mình. Trên trán con vật, có khắc chữ “vương” như muốn nói rằng đây là chúa của các loài thú. Sư tử có mắt lồi, mũi to, lông dày, chân có mong cong nhọn, phía đuôi được trang trí bằng nhiều hình tết gù và lục lạc. Sư tử mang một số chi tiết tương đồng  với các chi tiết ở hình rồng. Trên lưng sư tử là một tòa sen đồ sộ, với những cánh hoa to nhưng thanh, lòng cánh hoa để trơn.


Tất cả những bệ tượng Phật thời Lý mà chúng tôi sơ bộ xếp loại và giới thiệu trên đây đều có phần trên cùng là một tòa sen làm chỗ ngồi cho tượng Phật. Một số bệ còn tượng Phật. Một số khác không còn tượng Phật nữa; nhưng chắc chắn tòa sen ở phần trên cùng của bệ chỉ thích hợp với một pho tượng Phật, và chỉ một mà thôi. Những bệ tượng ấy đã đẹp, nhưng phải có một pho tượng Phật ngồi trên thì chúng mới thành những tổng thể hoàn chỉnh. Vậy, những bệ tượng Phật thời Lý là bệ một tượng: đấy là hiện trạng phổ biến đương thời.


Chùa Thanh Sam, chùa Trần Đăng, chùa thôn Trung, chùa thôn Tiền (Hà Tây), chùa Hào Xá, chùa thôn Nguyễn (Hải Hưng), chùa Vạn Đồn, chùa Lạc Đạo (Nam Hà), chùa Xuân Lũng (Vĩnh Phú), chùa Vắp (Yên Bái)… Tất cả đều được nhân dân gọi chung là bệ “Tam thế”, làm chỗ ngồi chung cho ba pho tượng Phật Quá khứ, Hiện tại và Vị lai. Như vậy, qua những bệ tượng Phật thời Trần, ta thấy rõ rằng Phật điện đã trở nên đông đúc.


Tóm lại, từ Lý sang Trần, đạo Phật vẫn thịnh hành ở Việt Nam, nhiều chùa tháp được xây dựng và còn để lalị dấu tích đến ngày nay. Nhưng Phật điện thời Lý có thể rất vắng vẻ, thường chỉ có một pho tượng Phật đặt gọn trên bệ đá một tượng; trái lại, Phật điện thời Trần đã trở nên đông đúc, với các Phật Quá khứ, Hiện tại và Vị lai ngồi trên bâ bệ dàn ngang, hoặc cùng ngồi trên một bệ “Tam thế”. Điều đó chứng tỏ yếu tố chiếm ưu thế trong Phật giáo Việt Nam thời Lý là Tiểu thừa nhưng đến thời Trần đã chuyển sang Đại thừa rồi.


Tiểu thừa vẫn còn phỏ biến ở một vài dân tộc ít người như người Thái và  người Mường. ở đó, trừ một số chùa do chính quyền cũ xây dựng, còn thì ở các chùa do dân xóm lập ra, người ta chỉ thờ chủ yếu có Phật Thích Câ Mầu Ni thôi. Chùa của dân tộc Mường ở Hòa Bình nói chung không có tượng, điện Phật chỉ là một bàn thờ sơ sài đặt dưới mái đá trên sườn núi thay thế tượng Phật là một hai hai hòn đá mọc tự nhiên, mà cũng có người Mường gọi là “bụt mọc”12. Riêng ở Tây Bắc (vùng Thái), thì những ngôi tháp đồng thời là chùa như ở Mường Luân, Mường Và, trong đó, tuy có một số tượng lớn nhỏ không đều nhau, nhưng thảy đều là tượng Phật Thích Ca Mầu Ni cả. Tượng Phật ấy, về phong cách, rất gần gũi với tượng Phật ở Lào và Cam-pu-chia: ngực nở, bụng thon, mình trần, thân dưới chỉ quấn vải sơ sài chân khoanh tròn bẹt, đầu đội mũ nhọn, môi dày, mắt to, mũi thẳng… 


Trần Lâm Biền- Chu Quang Trứ






1 Thiền uyển tập anh (Truyện Thông Biên) ở đây chỉ nói tới “tháp” không nói tới chùa. Có lẽ đây là những ngôi tháp lớn mang tính chất chùa của phái Tiều thừa chăng? Những ngôi tháp này thường lòng rộng, giữa có đặt tượng Thích Ca; đó là Phật điện chính của phái Tiều thừa.



2 Truyện kể thời Sĩ Nhiếp có sư ông Khâu Đà La đến ở chùa Dâu, trong vùng có gia đình ông Tu Định ở làng Mãn Xá sinh được Man Nương, cho ra ở chùa với sư ông. Chùa chật, Man Nương nằm ở cửa ra vào, sư ông bước qua, nàng có thai. Đến ngày sinh, sư đưa Man Nương lên rừng, đến trước cây dung thụ, đọc thần chú thì cây tự nứt ra. Man Nương sinh ra hòn đá, gửi vào cây dung thụ, cây tự khép lại. Về sau cây đổ, trôi theo sông về trước chùa Dâu, quan quân vớt mãi không được, nhưng Man Nương vứt dải yếm ra kéo vào ngay được. Dân khiêng về, đi đến đâu có mưa đến đấy, mới cắt cây làm bốn đoạn tạc tượng thờ trong các chùa Tứ Pháp.



3 S. Lévi: Les “marchands de mer” et leur rôle dans le bouđhismé primitif. Bulletin Ass. Amis de l’Orient. N0 3-1929.


4 Xem Trần Văn Giáp: Le bouđhisme en Annam, des origines au XIII è siècle. B.E.F.E.O, XXXII, 1932.

5 Bia Sùng Thiện Diên Linh tự bi minh.

6 Bia Vạn Phúc đại thiền tự bi.

7 Bia Trùng tu tái tạo Tiên Du sơn đệ nhất Quỳnh Lâm tự bi.

8 Bia Sùng Thiện Diên Linh tự bi minh.

9 Bia Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh.


10 Bệ tượng Phật chùa Phật Tích này đã mất phần giữa, phần trên thì được làm lại ở thời sau. Tuy nhiên, nhìn chung thì nó rất giống bệ tượng Phật chùa Ngô Xá, Nếu phần giữa còn, ắt hẳn ta có thể gặp ở đây cảnh sư tử vờn ngọc. Tất nhiên, đấy chỉ là giả thuyết của chúng tôi. Dù sao, trong những phế tích của chùa Phật Tích, người ta đã tìm lại được mảng chạm sư tử vờn ngọc trên đá.



11 Bệ tượng chùa Bà Tấm chỉ còn có đầu hai con sư tử đặt cạnh nhau, rất gống đầu sư tử chùa Hương Lãng. Bệ tượng chùa Thầy và bệ tượng chùa Một Mái nhỏ hơn nhiều, có thêm phần đế hình khối: ở hai bệ, kỹ thuật chạm đều đơn giản.


   Theo Hoàng Xuân Hãn, thì chùa Báo Ân (Thanh Hóa) cũng có một bệ tượng Phật gồm “tòa sen đạt trên lưng một con vật bằng đá điêu khắc tinh xảo. Con vật ấy đầu hình đầu lợn, có nanh, mắt hung dữ, chân có vuốt nhọn, đuôi to, có hình lông xoắn ốc” (Lý Thường Kiệt, Nhà xuất bản Sông Nhị, Hà Nội, 1949, tr.441). Con vật ấy có lẽ là sư tử, và bệ tượng Phật này hẳn cùng loại với bệ tượng chùa Hương Lãng.



12 Nếu là hai hòn, thì cũng có khi người Mường gọi là “Bụt đực” và “Bụt cái”. Một số chùa thời Lý cũng có một hoặc hai hò đá ở trước chùa, như cột đá tròn ở cổng chùa Bà Tấm (Hà Nội) bấy lâu vẫn nằm cạnh thành bậc cửa chạm sấu và chim phượng múa, hay “hai tảng đá nhọn đứng” ở trước cửa chùa Báo Ân (Thanh Hóa) mà chính bia An Hoạch sơn Báo Ân tự bi (dựng ngay sau lúc khánh thành chùa) đã nói rõ. Có lẽ phải kể vào đây cả những cột đá được gọi là “cột kiểu” như ở chùa Dạm (Hà Bắc) và chùa Linh Xứng tự bi minh.


Không hiểu những hòn đá như thế ở trước cửa chùa mang ý nghĩa gì, nhưng về hiện tượng thì có thể gắn với phương thuật và không khỏi có một khối liên hệ nào đó với cái lin-ga thường thấy ở vùng Phật giáo Tiểu thừa. Đây là một nghi vấn mà chúng tôi đưa ra để xin ý kiến các nhà nghiên cứu.