Trang chủ Tu học Quảng Nam: TT TS Thích Chân Quang thuyết giảng Online tại chùa...

Quảng Nam: TT TS Thích Chân Quang thuyết giảng Online tại chùa Trân Bửu

229

Nhân dịp Lễ Vía Bồ Tát Quán Thế Âm, nhận lời mời của TT Thích Tịnh Tâm – Chứng minh Ban Trị Sự GHPGVN huyện Phú Ninh, Trụ trì chùa Trân Bửu, TT Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã có buổi chia sẻ đạo lý qua onlinevề chủ đề “Rủ nhau đi chùa cho đông” với sự tham dự trực tiếp của hơn 350 Phật tử tại địa phương và hàng nghìn Phật tử thính Pháp qua kênh Youtube Pháp Quang – Sen Hồng khắp trong và ngoài nước.

Chứng minh và tham dự buổi Pháp thoại còn có: Ni sư Thích Nữ Nhật Hòa – Trụ Trì chùa Xuân Trung, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh.

Trước khi thuyết Pháp, TT Thích Chân Quang đã gửi lời xin lỗi chân thành đến TT Thích Tịnh Tâm, cũng như toàn thế quý Tăng Ni, Phật tử đang tham dự Pháp hội tại chùa Trân Bửu. Bởi một vài lí do khách quan mà Người không trực tiếp đến thăm hỏi và thuyết giảng

Đi vào nội dung bài giảng, để mọi người thấy rõ tầm quan trọng của đạo Phật, cũng như hình ảnh những ngôi chùa ở Việt Nam, Thượng toạ đã nhắc lại lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam qua các thời kì phát triển của đất nước. Thượng tọa cho biết, từ thời chúa Nguyễn, khi xã hội còn đơn giản thì chùa đã là một chỗ dựa tinh thần rất lớn cho người dân. Lúc đó, chùa vừa là nơi linh thiêng, vừa là nơi giáo dục lễ nghĩa, kiến thức, cũng đồng thời là nơi hội ngộ, giao lưu… Cái quan trọng nhất của chùa là tính tâm linh, nó là một cái gì cao vời, vượt xa mọi giá trị, khái niệm bình thường trong xã hội. Vậy nên thời đó nói: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông” là nơi mọi người hướng về cũng không hề sai.

Với những người chuyên tâm tu tập, hướng về Phật pháp, hướng về giải thoát giác ngộ thì họ còn tìm thấy ở chùa có những giá trị cao vời, vượt hơn tất cả. Nên tùy trình độ mỗi người sẽ hiểu giá trị của chùa theo một cách khác nhau. Và dù hiểu như thế nào, chùa vẫn là nơi nương tựa tâm linh, tinh thần, nơi quy tụ nhiều giá trị, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Đặc biệt, chùa là nguồn mạch của Phật pháp, cũng là nguồn mạch của xã hội.

Đến khi đất nước độc lập, hội nhập thế giới, giá trị của chùa bắt đầu bị cạnh tranh dữ dội với nhiều giá trị khác. Dù xét về cơ sở vật chất, quy mô tổ chức hay việc truyền đạo thì đạo Phật đều yếu thế. Trong khi cơ sở vật chất, kiến trúc xây dựng của các tôn giáo khác đều hoàng tráng, hiện đại, còn cơ sở vật chất của đạo Phật chỉ là những mái chùa tre đơn xơ, mộc mạc. Trong khi các tôn giáo khác đều nỗ lực truyền đạo bằng nhiều cách thì các vị thầy Phật giáo lại xem mọi thứ là hư vô, không mong đợi, không tính toán, ai thích đến chùa thì đến, không thích đến thì thôi.

Kết quả, các tôn giáo khác ngày một đông tín đồ còn đạo Phật lại ngày một đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều nơi có chùa nhưng thiếu người tu nên chùa cứ bị bỏ hoang.Có lẽ một phần do đạo Phật ngủ quên trên chiến thắng, cứ nghĩ chùa ở đây bao đời rồi thì mọi người đều phải theo đạo Phật. Không ngờ, trước sự năng nổ của các tôn giáo khác, sức hút của chùa trở nên yếu thế.

Ngày hôm nay, khoa học phát triển mạnh mẽ như vũ bão. Chúng sinh lại càng có nhiều cơ hội cọ xát với các nền văn hóa đa dạng trên thế giới. Hơn lúc nào hết, đạo Phật lại càng bị đặt trước nhiều thử thách khốc liệt. Nếu trước đây, chùa từng là chỗ dựa tâm linh văn hóa duy nhất thì giờ lại trở thành một nơi lạc lõng, không quan tâm. Những người từng yêu đạo một cách tự nhiên trong xương máu thì giờ đã già yếu, chết dần. Giới trẻ lại chỉ mải ham vui, không ai biết chùa là gì.

Vậy một người con Phật, ta có chấp nhận để hình ảnh chùa, hình ảnh đạo Phật bị nhạt phai không?

Thượng tọa khẳng định, nếu đã là người trí truệ, hiểu sự giác ngộ của Đức Phật là phi thường, siêu việt, thì không thể để đạo Phật bị phai lạtđược. Sự giác ngộ ấy chính là ánh sáng, là đường đi cho cả thế giới, cứu đỗi thế giới không bị chìm đắm trong vô minh, hỗn loạn. Nhờ sự giác ngộ của Phật kiềm chế tâm trí loài người trong từ bi, đạo đức, yêu thương, khiêm hạ nên dù nền văn minh phát triển tột bậc, hành tinh của chúng ta vẫn tồn tại.

Để mọi người ai cũng biết yêu quý chùa, quý đạo thì ta đừng nhìn chùa với hình ảnh là một làng quê hiền lành, dễ thương nữa. “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông” chỉ là một cách hiểu thấp, đơn giản, khiến chùa không chịu nổi sự cạnh tranh khốc liệt với các tôn giáo khác, cũng như sự tiến bộ ngày càng nhanh của các loại khoa học kĩ thuật. Dần dần, mọi sự văn minh sẽ nhấn chìm đạo Phật trong sự lãng quên, làm ta mất chùa, mất đạo. Vậy thayvào đó, ta phải hiểu giá trị của chùa là nguồn mạch, là vị trí nếu được phát huy đúng mức sẽ cứu đỗi thế giới trước sự tự hủy diệt bởi nền văn minh của chính nó.

Hiểu chùa bằng một cách khác, đồng nghĩa với việc ta đòi hỏi, yêu cầu, hy vọng giá trị nơi chùa phải cao lên. Mà muốn chùa trở thành nơi chứa đựng, duy trì, truyền đạt, kế thừa sự giác ngộ cao siêu của Đức Phật thì tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm gìn giữ và rủ nhau đến chùa cho đông. Hiện nay, thế giới gần như không cần tâm linh đạo đức bởi họ chưa hiểu đạo Phật. Cả một nền đạo Pháp cao quý vậy mà không mấy ai hiểu thì chùa vắng liền.

Lại thêm, rất nhiều tôn giáo, đạo sư mới, nhờ khéo léo đánh bóng, tự dựng lên tên tuổi, giá trị mình bằng các phương tiện truyền thông khác nhau khiến tâm ta bị định hướng bởi những thông tin đó. Lúc này, những trang mạng, ứng dụng mạng chính là người chèo kéo, thay đổi tâm lý quần chúng. Cuộc chiến của thông tin, tâm lý và dư luận lúc này trở nên rất khốc liệt. Nếu ai chèo kéo được tâm lý con người thì sẽ nắm được cả thế giới.

Muốn đi chùa đông thì ta phải hiểu chùa là gì? Thêm nữa, trong chùa phải có những giá trị mà tất cả chúng ta cần. Thế giới này là vậy, chỉ cần có lợi vật chất, vui tinh thần thì dù có là cái vui ảo, cái lợi độc hại thì con người vẫn đi tìm. Nhưng trong chùa chắc chắn không có cái vui, cái lợi kiểu đó. Cho nên, muốn gìn giữ giá trị giác ngộ cao quý của Đức Phật, ta phải chứng minh được cho mọi người thấy chùa là nơi vừa vui, vừa có lợi. Và để chứng minh được điều này thì chính bản thân chư Tăng Ni, Phật tử phải hiểu, tu tập và được rất nhiều lợi ích, sự hạnh phúc từ trong đạo.

Nói rõ hơn về điều này, Thượng tọa nhấn mạnh, người thầy muốn chứng minh được đến chùa vừa vui, vừa có lợi thì bản thân phải có sức hút, dù xuất hiện ở đâu thì mọi người xung quanh cũng đều vui vẻ, hạnh phúc. Điều này đòi hỏi vị thầy phải có đạo hạnh tu hành sâu dày, nghiêm túc, đúng đắn kĩ lưỡng từ nhiều kiếp. Thầy phải thuyết pháp, tổ chức tu tập, giáo dục, tạo ra cái lợi trước, vui sau.

Tạo ra cái lợi trước tức là vị thầy phải chuyển hóa được tâm hồn chúng sinh, giúp họ hiểu đạo, thay đổi tâm hồn, tăng trưởng đạo đức, biết làm lợi cho gia đình, xã hội.Sự tích lũy lâu dài ấy sẽ tạo thành đạo lực vô hình rất mạnh, đánh vào tâm, khiến chúng sinh gặp rồi thương luôn được vị thầy chân tu đó mà không biết tại sao.

Thực sự, xã hội dù có tiến đến đâu thì bản chất của con người vẫn là vô minh, thù hận. Do đó, đạo Phật vẫn mãi cần thiết để con người hóa giải sự sân hận, mâu thuẫn. Và chỉ đạo Phật mới có thể giáo dục đạo đức hiệu quả, bởi:

– Thứ nhất, ta có một Đức Phật tuyệt vời để tôn kính.

– Thứ hai, trong đạo Phật có Luật Nhân quả cực kì sâu sắc.

– Thứ ba, đạo Phật có phương pháp thiền hướng về vô ngã.

Vậy nên, nếu ta biết lễ kính Phật với lòng tôn kính tuyệt đối; biết tin và hiểu Nhân quả sâu sắc; biết nhiếp tâm trong thiền định, hướng về vô ngã thì đạo đức ta thay đổi rất nhiều. Lòng tham, sân, si bớt đi, tự nhiên tâm ta tỏa ra sự từ bi, bao dung, nhẫn nhục, siêng năng. Lúc ấy, mọi người quanh ta cũng được lợi ích, an vui.

Để chùa ngày một đông, bên cạnh sự cố gắng của vị thầy, cũng cần sự nỗ lực, tích cực từ phía các Phật tử. Mọi người đến chùa phải học được cách tự xoay sở, giáo hóa, chiến thắng chính mình. Chỉ có vậy, sau này ta mới giáo hóa, chia sẻ đạo lý, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục đạo đức, giúp chúng sinh thay đổi tâm hồn.

Đạo đức cũng là cái lợi mà chúng sinh nhận được mỗi khi đến chùa. Khi nào chùa đem đến sự tu dưỡng đạo đức thì mọi người sẽ rủ nhau về chùa đông. Đây cũng là bản lĩnh rất quan trọng của vị thầy.

Nhưng một vấn đề là, nếu thầy không giỏi thì trách nhiệm kéo mọi người đến chùa thuộc về những Phật tử biết đạo, hiểu chuyện. Vì lợi ích chung của Phật Pháp, vì sự nghiệp giữ gìn đạo Phật cho muôn đời, chúng ta không được phân biệt chùa này chùa kia, không được mặc cảm mình chỉ là cư sĩ. Nhìn thấy vấn đề bất ổn, ta phải mạnh dạn nói chuyện, thuyết phục thầy. Đồng thời, vận động huynh đệ đóng góp, hỗ trợ, giúp thầy mình giỏi lên, thực hiện được nhiều hoạt động Phật giáo, xã hội tốt đẹp. Làm sao để chùa lúc nào cũng tràn đầy ánh sáng, niềm vui, lợi ích.

Một cái lợi rõ ràng nhất của người đến chùa là được niềm vui. Tại sao trên đời ta gặp rất nhiều người nhưng không vui, chỉ có đến chùa gặp nhau mới vui? Đó là bởi suốt quá trình tu, ngày nào chúng ta cũng lạy Phật, tác ý xin từ bi, yêu thương. Dần dần, ta phát triển được tâm từ bi, yêu thương. Tình yêu thương này bao la, ngập tràn, giúp ta không chỉ yêu thương huynh đệ mình mà con yêu thương được tất cả chúng sinh khắp chốn.

Ai mà tình yêu thương hạn hẹp, chỉ thương được gia đình, huynh đệ mình thì tình thương đó coi vậy rất mong manh, ích kỉ. Đây chỉ là một góc nhỏ trong tình yêu thương tất cả chúng sinh. Chỉ khi nào ta yêu thương được vạn vật chúng sinh, khi đó tình yêu thương của ta mới bền chặt, hạnh phúc.

Muốn đến chùa đông thì mọi người phải thương nhau. Nhưng thương nhau không phải là tất cả, nó chỉ là một trong vô số đạo lý Phật dạy. Ngoài thương nhau, ta còn đến chùa để tìm sự giải thoát, giác ngộ, hoàn thiện đạo đức của mình. Nhìn bên ngoài vậy thôi chứ bên trong, tâm hồn chúng ta thực sự lở lói, rất nhiều khuyết điểm. Chúng ta đến với đạo Phật để chữa lành những vết lở đó, để tâm hồn ta trở nên tròn trịa, đầy đặn.

Ví dụ, khiêm hạ là cái tâm ta phải huân tập mỗi khi đến chùa. Nguyên nhân, khi ta mơ ước một điều gì cao siêu thì ngay lập tức cái kiêu mạn sẽ xuất hiện, khiến ta bị mất đạo đức. Vậy nên, khi hướng về sự giác ngộ, ta phải lui về sự khiêm hạ. Lúc nào cũng chỉ thấy mình là cỏ rác tầm thường. Càng tu cao chừng nào, sự dằn vặt, chiến đấu với sự kiêu mạn càng gay gắt, dữ dội chừng ấy. Đây là một bài toán khó ta buộc phải vượt qua, nếu không sẽ rơi xuống vực thẳm. Thật vậy. Chỉ có khiêm hạ, không thấy mình là gì ta mới tôn trọng được mọi người, mọi loài. Người càng khiêm hạ kĩ lưỡng thì càng tôn trọng được mọi người một cách sâu sắc, tràn đầy.

Mỗi đạo lý Phật dạy, càng tu ta càng thấy những chiều sâu thẳm bên trong, mới nghe thôi đã thấy hạnh phúc rồi. Nếu ứng dụng được vào trong cuộc đời, tâm hồn, sự đối nhân xử thế của ta thì niềm vui, hạnh phúc đó càng lớn. Nó cứ lan tràn từ người này sang người kia, khiến cả cõi đời ngập tràn hạnh phúc. Lúc đó, chùa trở lại là nơi nương tựa tinh thần cho mọi người.

Tăng Ni, Phật tử muốn tạo nên giá trị cho ngôi chùa thì phải bắt đầu từ giáo dục đạo lý, đạo đức ở mức độ sâu. Được vậy, dù bên ngoài nền văn minh tiến bộ như thế nào, truyền thông lan tràn ra sao, trò vui trần tục phát triền rầm rộ cũng không bao giờ sánh được niềm vui trong đạo lý ở mức độ cao tột, sâu dày. Lúc ấy, chùa sẽ trở nên đông vui bởi người ta không bao giờ tìm thấy những giá trị cao thượng như vậy ở bên ngoài hay trong các ứng dụng mạng.

Là con Phật mà ta không làm cho mọi người hiểu được giá trị giác ngộ của Đức Phật; không phát huy, kế thừa được những giá trị Đức Phật để lại thì thật là một tội rất lớn. Nếu đã quy y với Phật rồi ta phải có trách nhiệm gìn giữ, kế thừa sự giác ngộ của Phật cho muôn đời sau.

Có thể khẳng định, chùa không cao sang nhưng rất cao thượng. Chùa không giàu vật chất nhưng ngập tràn tình yêu thương. Chùa không ồn ào, tấp nập nhưng cực kì hạnh phúc. Khi cố gắng xây dựng chùa thành nguồn mạch tâm linh, giáo dục đạo đức, đạo lý, ta phải cẩn thận đề phòng sự chống phá của các thế lực thù địch. Đừng để ai nói xấu thầy mình, chùa mình, huynh đệ mình rồi tự đánh mất niềm tin, đạo tâm. Lúc nào cũng phải nguyện sống chết một lòng bảo vệ Phật Pháp, chư Tăng, thầy mình và mọi người.

Từ ngàn xưa đến giờ, đạo Phật luôn bị chống phá nên chúng ta không được lơ là cảnh giác. Việc hộ pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người Phật tử. Muốn làm tốt nhiệm vụ này, chúng ta phải đoán được âm mưu của các thế lực chống phá. Từ đó, chủ động lên kế hoạch ứng phó.

Dịp này, Thượng tọa cũng liệt kê một số âm mưu chống phá tiêu biểu mà các thế lực xấu hay sử dụng. Thứ nhất là rỉ tai nói bậy khiến mọi người mất niềm tin với đạo, với chùa và thầy mình. Nếu phát hiện việc này, ta phải trình báo lại với thầy trụ trì, đừng để trong lòng. Nếu không, những sự đặt điều ấy sẽ giết chết đạo tâm của ta.

Ta biết đi chùa được lợi ích, được niềm vui nhưng đừng chỉ dừng ở nơi mình. Đi chùa mà chỉ đi một mình, kiếp sau ta sẽ gặp lại đạo Phật rất muộn màng. Do vậy, lúc nào cũng phải tìm cách rủ thêm người đi chùa cùng. Ai biết Phật pháp thì cố gắng chia sẻ lại những đạo lý cao đẹp cho người khác. Giúp mọi người biết đến Phật pháp, chúng ta được cái phước thông minh, trí tuệ, dễ khai mở tâm linh, sớm gặp được Phật pháp. Do đó, hãy cố gắng gieo duyên, gõ cửa từng nhà rủ rê làm sao để cả cộng đồng ta đều phải đi chùa.

Có một nguyên lý là tà đạo sẽ tự nhiên tồn tại mãi mãi, còn Phật pháp tự nhiên sẽ suy yếu. Nguyên nhân bởi tà đạo thuận theo bản ngã, bản năng của con người. Vậy nên, hễ con người còn vô minh, sân si thì tà đạo còn. Trong khi đó, đạo Phật lại đi ngược với bản năng, bản ngã của con người. Đây là một sự chiến đấu cực kì vất vả nên chỉ khi có những bậc Đạo sư lỗi lạc xuất hiện, ảnh hưởng của các vị mới khiến đạo Phật được dựng lên. Nếu các vị ấy qua đời mà không có người kế thừa, duy trì, phát huy, bảo vệ thì đạo Phật sẽ lại chìm xuống.

Bởi vậy, chúng ta nguyện với nhau phải cố gắng tu hành. Làm sao để mỗi người là một nguồn mạch, là đại sứ Phật Pháp cho muôn đời.Tức là, chúng ta cố gắng tinh tấn tu hành để đạt được sự giác ngộ. Từ nơi tâm linh của ta, truyền cảm hứng cho muôn đời sau để không còn tình trạng đạo Phật tự nhiên suy yếu nữa. Hiểu vậy rồi, ta không ngồi chờ tìm ngôi chùa tốt để đến nữa. Thay vào đó, ta quan niệm mình tới làm cho ngôi chùa tốt lên để mọi người tự tìm về nương tựa.

Trước khi kết thúc bài Pháp thoại, Thượng toạ gửi lời chúc tốt lành đến Thượng tọa Trụ trì Thích Tịnh Tâm cùng toàn thể Tăng Ni, Phật tử đang hiện diện trong Pháp hội. Người hy vọng chùa Trân Bửu sẽ sớm trở thành một mái già lam hưng thịnh, một nguồn mạch giác ngộ của địa phương, nơi có nhiều hoạt động giáo hóa, đạo đức để chúng sinh tìm về nương tựa, tu học.

Tóm lại, dù không giảng trực tiếp nhưng buổi giảng online này Thượng toạ vẫn đưa ra được nhiều gợi ý hay về đạo lý cho tất cả mọi người. Thông qua bài Pháp thoại này mọi người đã hiểu rõ về nguồn gốc hình thành, phát triển của Phật giáo Việt Nam; tầm quan trọng của ngôi chùa trong việc gìn giữ giềng mối văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của con người, cũng như những nguy cơ, thách thức, mối đe dọa mà Phật giáo, các ngôi chùa ở Việt Nam phải đối mặt khi nền văn minh đang phát triển mạnh mẽ. Qua đó, đánh thức tình yêu của Tăng Ni, Phật tử với Phật pháp, để mọi người thấy rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong việc hộ Pháp, bảo vệ chùa.

Hiểu tận cùng giá trị của chùa, chúng ta sẽ thấy thứ tạo nên những giá trị cao tột ấy chính là đạo lý, sự giác ngộ của Đức Phật. Còn những đạo lý ấy, còn sự giác ngộ ấy thì chùa còn đông, còn tồn tại. Đồng nghĩa với đó là chúng ta còn, vạn vật chúng sinh còn, hành tinh này còn.

Để bảo vệ sự tồn tại của bản thân, gia đình, xã hội và hành tinh này, chúng ta nguyện cùng nhau bảo vệ, gìn giữ, kế thừa và phát huy đạo lý, sự nghiệp tu hành cùng sự đắc đạo cao siêu của Đức Phật. Dù có gian nan, vất vả bao nhiêu đi chăng nữa, dù có hy sinh cả thân mạng này, chúng ta cũng quyết phải làm cho được.

Sau đây là hình ảnh ghi nhận:

Tâm Trụ