Trang chủ Bài nổi bật Quảng Ninh: Trang nghiêm lễ Tưởng niệm 715 năm Đức Phật hoàng...

Quảng Ninh: Trang nghiêm lễ Tưởng niệm 715 năm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn tại Yên Tử

Sáng nay ngày 13-12 (Tức ngày 01-11-Quý Mão), tại Cung văn hoá Trúc Lâm Yên Tử – khu du tích Yên Tử (TP.Uông Bí), TƯGH phối hợp cùng GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã trang nghiêm tổ chức Lễ tưởng niệm 715 năm ngày Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết - bàn (1308 - 2023).

93

Quang lâm chứng minh buổi lễ có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự TƯ GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN cùng chư tôn đức Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN: Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Hòa thượng Thích Gia Quang, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Hòa thượng Thích Khế Chơn, Hòa thượng Đào Như, Hòa thượng Thạch Sok Xane, Hòa thượng Thích Thanh Điện; Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN cùng chư tôn đức Văn phòng I TƯGH, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, các thành phố, huyện, thị xã trong tỉnh.

Đại lễ còn được đón tiếp: Ông Nguyễn Văn An – nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Quốc hội. Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh có: bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; bà Nguyễn Thị Hạnh – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, đại diện chính quyền thành phố Uông Bí, đại diện hội Họ Trần Việt Nam…

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đã cung tuyên đôi nét tiểu sử Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị hoàng đế anh hùng lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh tan đế quốc Nguyên Mông (1258 và 1288), giành độc lập, hòa bình cho đất nước. Theo đó, đức Phật hoàng sinh ngày 17-11-Mậu Ngọ (1258), tên húy là Trần Khâm, là con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu, được lập làm Thái tử năm 1274, lên ngôi Hoàng đế năm 1278, lên ngôi Thái Thượng hoàng khi Ngài mới 35 tuổi.

Sau khi hoàn thành trách nhiệm vẻ vang với dân tộc, năm 1299, ngài đã về Yên Tử xuất gia tu Phật, thống nhất 3 thiền phái Phật giáo Việt Nam, sáng lập Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, với tư tưởng “Hòa quang đồng trần”, “Cư trần lạc đạo”; xây dựng một nền Phật giáo nhập thế yêu nước, tư tưởng đó đã trở thành sợi chỉ đỏ, kim chỉ nam xuyên suốt của Phật giáo Việt Nam cho đến tận ngày nay. Trước khi nhập Niết-bàn vào ngày 01-11-Mậu Thân (1308), Ngài đã để lại bài kệ “Pháp thân thường trụ” nổi tiếng.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn thay mặt TƯGH đọc văn tưởng niệm Đức Sơ Tổ Điều Ngự Trần Nhân Tông, với tấm lòng thành: “Nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý Đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, làm rạng rỡ vang danh Non thiêng Phật Tổ huy hoàng tráng lệ, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở.

Đồng thành kính nguyện thực hành: Giữ gìn tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc, độc lập Tổ quốc; nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các tôn giáo, để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm ‘Tốt đời đẹp đạo’, duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy nội lực, đồng thời ngoại lực để phát huy Đạo pháp và xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ; tạo dựng một thiên đường cực lạc tại nhân gian trong lòng người bằng triết lý thiền là sống với tâm từ bi chan chứa mọi loài, trong kiếp hiện tại và mai sau của trần thế, thực hành Bồ-tát đạo”.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Hạnh – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Ðại lễ tưởng niệm 715 năm Ðức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn là dịp để bày tỏ sự tôn kính vị minh quân kỳ tài gắn liền với thời kỳ huy hoàng của đất nước ta. Những giá trị tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông tiếp tục được phát huy trong thời đại mới, là nhân tố quan trọng để khơi dậy truyền thống yêu nước tốt đẹp của dân tộc ta.

Dịp này, Hòa thượng Thích Thanh Quyết đại diện chủ đầu tư báo cáo quá trình xây dựng Cung Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử. Đây là công trình đặc biệt, được gắn biển chào mừng 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, tưởng niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn.

Kết thúc buổi lễ, chư tôn đức, các Phật tử đã nhất tâm trì tụng Bát nhã tâm kinh, hồi hướng cúng dàng Đức Phật hoàng, cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, đất nước phồn vinh, Phật pháp xương minh, Tăng già hoà hợp, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Đại lễ tưởng niệm 710 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn là sự kiện quan trọng, là ngày hội của Phật giáo cả nước, khẳng định phương châm Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, góp phần xây dựng xã hội văn minh, no ấm.

Ngay sau lễ dâng hương tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông đã diễn ra Lễ cắt băng khánh thành giai đoạn II Cung Trúc Lâm Yên Tử. Dự án do Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 5 -2017, khánh thành giai đoạn I năm 2018 nhân tưởng niệm 710 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Cung Trúc Lâm có diện tích hơn 6.000m2, sức chứa khoảng 5000 người với tổng kinh phí thực hiện hơn 200 tỷ đồng từ nguồn công đức và xã hội hóa.

Việc hoàn thiện cung Trúc Lâm Yên Tử trong Khu di tích lịch sử – danh thắng Yên Tử sẽ góp phần tạo diện mạo mới, đưa Yên Tử trở thành điểm đến hấp dẫn của tỉnh Quảng Ninh; đồng thời, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân, du khách thập phương./.

Nhuận Nguyện – Diệu Tường