Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Thực tiễn công tác hoằng pháp tại Tân Phú, Đồng Nai

Thực tiễn công tác hoằng pháp tại Tân Phú, Đồng Nai

270

Được thành lập vào năm 1991, theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về việc tách huyện Tân Phú (cũ) thành huyện huyện Định Quán và huyện Tân Phú (mới). Lúc này Tân Phú có 18 đơn vị hành chính gồm: 17 xã và 01 thị trấn. Phật giáo huyện cũng chính thức được thành lập từ đây với 02 cơ sở tôn giáo ban đầu. Đại đức Thích Pháp Cần, trụ trì chùa Linh Phú được suy cử làm Chánh đại diện Phật giáo huyện Tân Phú.

Trải qua25 năm hình thành và phát triển, Phật giáo Tân Phú ngày nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng tín đồ Phật tử gia tăng (hiện có là 80 ngàn).Tăng Ni là 100 vị (trong đó có 48 vịđã tốt nghiệp các trường thuộc hệ thống Phật giáo từ bậc trung cấp trở lên), đang hành trì tại 30 Tự viện và cơ sở thờ tự. Hiện có17 Tự viện đã được công nhận là cơ sở tôn giáo và có bổ nhiệm trụ trì, 13 ngôi thờ tự còn lại đang trong quá trình đề nghị Giáo hội và Nhà nước xem xét quyết định.

  Với đặc điểm của một huyện miền núi, nền kinh tế nông nghiệp là chủ đạo. Các xã như Núi Tượng, Đắc Lua, Nam Cát Tiên, xưa kia vốn là những khu căn cứ kháng chiến. Sau giải phóng, các xã này được thành lập với mục tiêu xây dựng và mở rộng vùng kinh tế mới.

Cộng đồng dân cư nơi đây ngoài người Kinh còn có nhiều đồng bào dân tộc cư trú như người Hoa, Châu Mạ, Stiêng, Tày…  Một số địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa giáp ranh với rừng quốc gia Cát Tiên là những khu vực phát triển về du lịch, có sự giao thoa các nền văn hóa bản địa và ngoại lai, có nguy cơ tiềm ẩn nảy sinh tệ nạn xã hội, cũng như sự cải đạo. Bên cạnh đó, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nên dễ lầm lạc vào con đường mê tín, dị đoan.

Mặt khác, đại đa số các cơ sở Tự viện trong toàn huyện là mới phát triển và thường “nhất Tăng nhất Tự”. Việc hướng dẫn Phật tử tu tập, tham gia các hoạt động Phật sự chủ yếu là “tùy nghi, bản tự”; tức là mỗi cơ sở tôn giáo tự đề ra nội dung sinh hoạt tương thích với Đạo tràng của mình,và vị trụ trì có vai trò thuyết giảng chứ không có sự hiện diện của các giảng sư Hoằng pháp. Do đó, công tác hoằng pháp ở đây vốn đã khó khăn nay trở nên khó khăn hơn.

Trước thực trạng này,Ban Trị sự Phật giáo huyện đã đề ra những biện pháp khắc phục và xác định:Sứ mệnh hoằng pháp nơi đây trước hết thuộc về các vị trụ trì. Bởi các vị trụ trì sống gần gũi với tín đồ phật tử, hiểu biết và nắm bắt được tâm lý người dân, nên có phương pháp “truyền giáo” hữu hiệu để người dân tiếp cận giáo pháp Như Lai và hướng tới mục tiêu đưa Phật pháp thâm nhập cộng đồng, đến với từng hộ gia đình, từng người dân.

 Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất và toàn diện của Thượng tọa Thích Pháp Cần -Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện. Mối quan hệ phối kết hợp chặt chẽ giữa các ban của Phật giáo huyện và các Tự viện được thiết lập. Hàng năm, cáccơ sở Tự viện xây dựng chương trình hoạt động phật sự, theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và trên cơ sở phù hợp thực tiễn đối với mỗi Đạo tràng.

Từ định hướng trên, công tác hoằng pháp của Tân Phú được triển khai đồng bộ và đã đạt được một số thành tựu nhất định trong việc tổ chức thuyết giảng, sinh hoạt giáo lý định kỳ hàng tháng cho tín đồ Phật tử, thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Có 2 chùa tổ chức khóa tu Thiền; 04 chùa tổ chức khóa tu niệm Phật; thọ Bát quan trai có 04 chùa, và sinh hoạt gia đình Phật tử có 04 nhóm … Ngoài ra, một số chùa còn thiết lập trang thông tin điện tử, nổi bật như chùa Linh Phú – Văn phòng Ban trị sự. Những việc làm này phần nào đã liên kết được các thông tin, hoạt động phật sự giữa các chùa và có sự tương hỗ, đẩy mạnh công tác hoằng pháp đến với đông đảo tín đồ Phật tử trong và ngoài địa bàn. Qua đó, tín đồ Phật tử có điều kiện nâng cao kiến thức, hiểu biết sâu rộng giáo lý và vận dụng vào việc xây dựng cuộc sống gia đình theo đạo lý truyền thống của con người Việt Nam; đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Công tác chăm lo, giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ hướng về Phật pháp được Ban Trị sự Phật giáo huyện quan tâm. Hàng năm, các cơ sở Tự viện đã tổ chức cho các em những sân chơi bổ ích, như tổ chức các khóa tu Thiền cho các em lứa tuổi thanh thiếu niên tham gia; vừa học giáo lý, vừa tu thiền và chơi các trò chơi dân gian, thi văn nghệ, sáng tác thơ văn và họa. Điển hình là chùa Linh Phú, đã tổ chức Trại hè có qui mô cấp tỉnh, với sự tham dự hào hứng của hàng ngàn trại sinh, đã đem lại kết quả tốt và có giá trị thiết thực trong việc phát triển nhân cách, gieo mầm thiện trong tâm hồn mỗi em.

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa cũng được nhân rộng và phát triển. Mỗi năm, Phật giáo Tân Phú đã đóng góp hàng tỷ đồng vào các chương trình từ thiện như: Xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa; giúp đỡ những người có hoàn cảnh neo đơn không nơi nương tựa; ủng hộ quĩ học sinh nghèo vượt khó; tặng quà thương bệnh binh các dịp lễ, tết; cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt và đồng bào khó khăn ở vùng sâu, vùng xa … Công tác thiện nguyện này đã được nhân dân đồng tình ủng hộ và các tổ chức xã hội ghi nhận, góp phần tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa việc đạo, việc đời. Đồng thời tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, trên tinh thần “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”.

Thật vậy, Phật pháp có trường tồn, phát triển và thu hút được đông đảo tín đồ Phật tử hay không, chính là ở những người “truyền giáo”. Vì vậy, đòi hỏi mỗi Tăng Ni cần phải nghiêm trì giới luật, trau dồi đạo đức Phật giáo, thấm nhuần nền tảng giáo lý; không ngừng rèn luyện kỹ năng, nâng cao trình độ và đổi mới phương pháp giáo hóa.Có như vậy, công tác hoằng pháp mới cuốn hút được tín đồ Phật tử tham gia huân tập, đem lại cuộc sống an vui, giải thoát khổ đau, tin và nương theo Chánh pháp.

Tuy nhiên, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các cấp cần chỉ đạo sâu sát hơn nữa trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Hoằng pháp cơ sở. Cần chú trọng đến mục tiêu, chiến lược lâu dài trong công tác đào tạo thế hệ Tăng Ni trẻ từ các trường Phật học, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của Phật giáo Việt Nam, song không làm mất đi hình ảnh đẹp của người tu sĩ Phật giáo chân chính mà các bậc tiền nhân lưu truyền.

Qua công tác hoằng pháp tại Tân Phú cho thấy, vị trụ trì vẫn là người đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện thành công chí nguyện “hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sinh” ở ngay tại địa phương mình./.