Trang chủ Tuổi trẻ Tích hạt thương yêu

Tích hạt thương yêu

49

Tình thương như những hạt, nảy mầm…

Nắm lấy bàn tay

Chiều thứ bảy 22.11, đã được hẹn trước, Thành Trung ở nhà chờ chúng tôi. Kéo ghế mời ngồi quanh bàn nhựa nhỏ trước cửa nhà, cười xã giao, Trung nói, giọng mới đầu ngang ngang: “Cái gì đã qua, cho qua luôn, không muốn nhắc lại. Mọi chuyện đều là nhân – quả. Xui thì nhiễm bệnh. Mình làm mình chịu. Có sức chơi, có sức chịu, không đổ thừa cho bất kỳ ai”.

Sư cô Thích Nữ Thanh Nguyên dịu dàng: “Bữa nay coi bộ Trung khoẻ hơn đó!”. Sau cái cười há há, giọng Trung bỗng run run: “Tự chiến thắng chính mình thôi! Bệnh ba năm rồi. Khi biết mình nhiễm HIV, em không hề sốc. Cha mẹ sinh ra em là đứa lỳ lợm, có máu liều”. “Trung là con út trong nhà?” – tôi hỏi. Trung cười, hất đầu về người đàn ông đứng phía trong nhà: “Con trai đầu. Kia là daddy (cha)”.

Trung móc từ cổ áo sợi dây màu đen buộc chùm mặt tượng Phật màu xanh, thánh giá màu đỏ và chân dung một đức cha. “Nhà bên cha theo đạo Phật, bên mẹ theo đạo Tin lành – Trung lại cười há há – Đức tin cũng là một chỗ dựa tinh thần. Em đọc nhiều sách về tâm linh. Bọn bạn vẫn gọi em là con mọt sách. Thích truyện về Thập bát La hán, chuyện vì sao Quan Âm cư sĩ không được coi là đệ tử chính thức của Phật tổ Như Lai. Đã biết tin vào sự tốt đẹp. Thiện lai thiện báo, ác lai ác báo”.

Sư cô Thích Nữ Trung Tựu nhẹ nhàng: “Bữa nay bạn của mình cởi mở hơn đó”. “Đã được coi là bạn rồi nhá, vui nhá, vui nhá” – Trung cười. “Thế bây giờ cái gì là chán nhất với Trung?” – tôi hỏi.
 
“Không phải chán, mà là trở ngại nhất: Sự kỳ thị. Vẫn thấy nặng nề. Vẫn còn nhiều điều để nói. Nơi em sống, dân trí cao, nhiều người hiểu biết, còn đỡ. Ở chỗ một vài người bạn đồng cảnh ngộ, vẫn còn người xua đuổi họ, ê SIDA, ê, đi đi… Đối với người nhiễm HIV, sự không kỳ thị – và nếu được – sự tôn trọng còn quan trọng, cần thiết hơn cả thuốc đặc trị! Không bị phân biệt đối xử, kỳ thị thì “người ta” không lây lan qua đường tình dục, bởi đã có người nghĩ tiêu cực muốn trả thù đời bằng cách lây nhiễm cho người khác… Không phân biệt, kỳ thị là đã cho “người ta” cơ hội quay đầu vào bờ. Xã hội rộng lượng dang tay đón nhận, đơn giản, như hàng xóm nhìn “người ta” không ngờ vực. Nhưng quan trọng nhất, không bao giờ tự mình kỳ thị mình. Phải chứng tỏ bản lĩnh của mình để người ta nhìn mình với con mắt khác”.

Bây giờ Trung là tình nguyện viên tích cực của Mạng lưới tình thân (TT huy động cộng đồng VN phòng, chống HIV/AIDS), làm ở mảng hồi gia – tái hoà nhập cộng đồng. Ngày ngày đều đặn hai lần uống thuốc, tập khí công. “Em được các sư cô đến thăm, chia sẻ và lắng nghe. Và em đã học cách chia sẻ, lắng nghe để trò chuyện với những thân chủ đến với mạng lưới. Đời vui. Nào, ta bắt tay cái nhỉ?”. Những bàn tay nắm chặt tay Trung. Ánh một nét vui trong đôi mắt người thanh niên tuổi đời chưa tới 25.

Dũng cảm đứng lên

Nhà Hữu Tuấn cách nhà Thành Trung một con phố. Cả hai đều ở chung một phường trong quận Bình Thạnh. Tuấn là giáo dục viên đồng đẳng, trưởng nhóm tiếp cận, làm ở mảng phát bơm kim tiêm, bao caosu nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV mới (Khoa tham vấn – hỗ trợ cộng đồng quận Bình Thạnh). Nghiện ma tuý gần 10 năm, Tuấn phải đi cai tới 6 lần.

Trở về Trường Bố Lá đầu năm 2007. Hôm đầu tiên chúng tôi tới nhà, Tuấn chỉ đồng ý chụp hình không rõ mặt. Hai ngày sau, sáng 24.11, tại khoa, Tuấn và cả nhóm đồng ý chụp hình rõ mặt. “Hai đêm qua em suy nghĩ nhiều – Tuấn nói – Em muốn chia sẻ với những người như em, đã vấp ngã, mất mát, hãy dũng cảm đứng lên, vui sống, sống có ích, đã biết bị nhiễm HIV thì phải biết cách giữ gìn, không lây lan ra cộng đồng. Quan trọng hơn cả, không bao giờ, đừng vì bất cứ lý do gì thử dùng ma tuý!”.

Dẫn tôi tham quan khoa, Dũng cười: “Em coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Ở đây chúng em an toàn, không có cảm giác bị cô lập. Bác sĩ Đông – phòng khám Ngoại trú – tin tưởng em. Các anh chị Thuý, Hương, Khang – phòng Hỗ trợ cho người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng – hỗ trợ kỹ thuật, kỹ năng nói không với ma tuý cho tụi em”. “Làm ở mảng của Tuấn, dễ bị tái nghiện?” – tôi hỏi. Tuấn cười: “Phải có lý trí, giữ mình. Ngoài ra, phải tuân thủ nội quy của chương trình, đã tham gia làm giáo dục viên đồng đẳng, 100% không được tái nghiện”.

Nhóm truyền thông của Tuấn có 5 người, anh Hiến thì “gia đình tan nát hết khi biết tôi bịnh. Vợ bỏ đi, con trai đầu xa lánh, chỉ còn thằng út 15 tuổi thương tui. Tình thương của con giúp tôi sống tiếp”. Hằng hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, phụ bán quần áo với chị, chồng đã mất cũng vì nhiễm HIV, vẫn còn bị hàng xóm kỳ thị. Bây giờ Hằng đang phập phồng chờ kết quả xét nghiệm của con trai khi nó được 24 tháng. Hằng đi truyền thông ở một địa bàn nóng nhất quận Bình Thạnh về ma tuý: Cầu Văn Thánh, Tân Cảng. Tháng nay, có tuần, Hằng phát hết 6 hộp (600) ống kim tiêm.

Anh Thuận thì “ai kỳ thị, kệ họ. Vẫn có nơi nhiều người gần mình, giúp mình như ở khoa thì đời vẫn phải ráng sống để làm việc giúp, ngăn chặn HIV không lây lan”. “Các sư cô tới trò chuyện, thăm hỏi, có khi lại tặng quà. Có những bàn tay chìa ra nắm lấy tay mình, em thấy vui – Tuấn nói – Nhưng bên cạnh đó, điều những người như chúng em cần nhất, đó là việc làm ổn định”.

Tích hạt thương yêu







Nhóm giáo dục viên đồng đẳng trao đổi công việc tại phòng họp – Khoa Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng (quận Bình Thạnh).
Sư cô Thích Nữ Thanh Nguyên xuất gia 20 năm, hiện tu ở chùa Đại Tùng Lâm, là lương y làm ở Tuệ Tĩnh đường (trực thuộc Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai). Có chuyên môn đông y, sư cô được Đại đức Thích Quảng Thiện – Trưởng phòng Sinh vụ, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM (học viện) – mời cộng tác với dự án “Tăng cường khả năng đáp ứng của tôn giáo trong phòng, chống HIV/AIDS” (DA) của học viện với tư cách Trưởng nhóm Chăm sóc.

Đây là lần đầu tiên DA được thực hiện tại TPHCM. DA diễn ra trong giai đoạn từ tháng 10.2007-2013, được hỗ trợ về chuyên môn và kỹ thuật từ Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV) và UBMTTQVN. Kinh phí DA do NAV tài trợ từ nguồn vận động từ Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAIDS – cũng là nhà tài trợ chính cho Khoa tham vấn và hỗ trợ cộng đồng quận Bình Thạnh).

“Chúng ta có một số cơ sở tôn giáo đón nhận, chăm sóc người nhiễm HIV. Còn điểm khác biệt của DA là các tu sĩ đi giáo dục truyền thông, nhờ sự giúp đỡ của phường, xã, tu sĩ đi tìm gặp, chăm sóc người nhiễm HIV tại gia. Nhớ những hôm đầu tiên, nói thiệt, sư cô cũng có ngại ngần… Nhưng tâm đã nguyện thực hành hạnh từ bi của Đức Phật, lại được tham dự các khoá tập huấn, sư cô vững bước trên đường…” – hai sư cô Thích Nữ Thanh Nguyên và Thích Nữ Trung Tựu tâm sự với chúng tôi.

Học viện có 1.600 tăng – ni sinh, 32 người với tâm cống hiến tự nguyện tham gia DA theo hai nhóm Truyền thông và Chăm sóc. “Sau khi tham dự truyền thông, các tu sĩ ở chùa/tịnh xá, sinh viên học viện cởi mở, tin tưởng, biết, quan tâm hơn về chương trình phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt sự giảm kỳ thị, phân biệt đối xử.

Nhóm Chăm sóc đã vãng gia, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng cho 120 người bị nhiễm HIV, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV – thầy Quảng Thiện nói – Đã nguyện theo lòng từ bi của Đức Quán Thế Âm, thực hiện hạnh nguyện đó trong đời này và mọi đời sau lại có thể ngồi yên đọc mật chú đại bi trong lúc loài hữu tình bất hạnh đang chết đuối trước mắt mình sao?

Tham gia DA cũng là một cách thực hành giáo lý nhà Phật. Hoạt động của các tăng-ni sinh thể hiện tinh thần dấn thân của tu sĩ Phật giáo. Tích hạt thương yêu khi còn là sinh viên, khi tốt nghiệp, về các chùa, các vị tăng ni sẽ làm tốt hơn Phật sự của mình. Trước mắt, góp phần đẩy lui nguy cơ đại dịch HIV/AIDS”.

Ngày 7.12 này, học viện sẽ tổ chức chương trình nhân Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS. Trong 100 khách mời sẽ có các vị trụ trì các chùa trong TPHCM và khoảng 20 người nhiễm HIV. Mọi việc chuẩn bị được thực hiện một cách chu đáo, tế nhị, kể từ hàng chữ trên băngrôn, để sao người nhiễm HIV không mặc cảm. Băngrôn sẽ mang hàng chữ: “Chào mừng quý vị đại biểu nhân Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS”.