Trang chủ Tin tức Tiểu sử: Cố Ni trưởng Thích Đàm Hảo

Tiểu sử: Cố Ni trưởng Thích Đàm Hảo

71















TIỂU SỬ
Ni Trưởng THÍCH ĐÀM HẢO- Đạo hiệu BẢO CHÂU
(1929 – 2014)
 
  • Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN
  • Chứng minh Phân ban Đặc trách Ni giới Trung ương GHPGVN
  • Phó trưởng ban Trị sự GHPGVN Thành phố Hà Nội
  • Nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam
  • Nguyên Ủy viên Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
  • Nguyên Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp.Hà Nội
  • Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Tp.Hà Nội
  • Viện chủ Tổ đình Nga My – Phường Hoàng Văn Thụ – Hoàng Mai – Hà Nội.
 
I.THÂN THẾ

Ni trưởng Thế danh Đỗ Thị Tỵ, Pháp danh Thích Đàm Hảo, Pháp hiệu Bảo Châu, sinh năm Kỷ Tỵ (1929) tại thôn Hiệp Thuận, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây trong một gia đình nông dân thanh bạch thuần tín Tam Bảo. Thân sinh Ni trưởng là hai cụ Đỗ Đình Chu và Đỗ Thị Hồi. Ni trưởng là người con thứ bảy trong gia đình có tám anh chị em. Khi mới sáu tuổi Ni trưởng đã phải chịu nỗi đau mồ côi cha, mười ba tuổi thân mẫu lại kế tiếp qua đời. Ni trưởng lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của các anh chị, cũng từ đó mỗi lần Ni trưởng Đàm Tín (dì mẫu) về thăm quê, hình ảnh uy nghi, tướng mạo hoan hỷ của bà dì xuất gia đã in đậm trong tâm trí, khiến người thiếu nữ như được nhớ lại nguyện xưa, mong được xuất gia làm sư ni.

II.SỰ NGHIỆP

1.Thời kỳ xuất gia tu học
 

Năm 1943, khi tuổi độ trăng tròn mười sáu, Ni trưởng được đến tu tập tại chùa Hoàng Mai dưới sự dìu dắt dạy bảo của nghiệp sư là Ni trưởng Thích Đàm Tín. Từ đây, Ni trưởng hôm sớm siêng năng chấp lao phục dịch phụng thờ Tam Bảo, hầu cận bên Thầy, chuyên cần không quản tấm thân bồ liễu, chẳng ngại thành kiến “Nữ nhân nan hóa”, quyết chí tu hành làm tròn bổn phận của người nữ sơ cơ nhập đạo, nên chẳng bao lâu đã được thầy mến bạn yêu, khen rằng tính tình hòa nhã, hiếu học chăm làm, kính tín lễ phép, có thể trở thành bậc Pháp khí Đại thừa trong hàng Ni giới.

Năm 1946 – 18 tuổi, Ni trưởng được Nghiệp sư cho phép thọ giới Sa di Ni tại Đại giới đàn chùa Bà Đá – Linh Quang với pháp danh Đàm Hảo, và sau đó một thời gian được cầu thụ Thức xoa – học giới pháp.

Năm 1948, tuổi vừa đến kỳ “đáo tuế” Nghiệp sư nhận thấy sức học khả kham cùng với tính siêng năng cần mẫn hiếu học, khiêm cung nên đã cho phép Ni trưởng lễ cầu Nhị bộ Hội đồng giới sư xin thụ Tỷ kheo Ni tại giới đàn Bà Đá – Linh Quang vào ngày 4/2 AL (lễ giỗ sư tổ khai sáng) do Tổ Vô Trụ – Thanh Thịnh làm đàn đầu Hòa thượng và Ni trưởng Thích Đàm Túc – Trụ trì chùa Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì làm đàn đầu Hòa thượng Ni.

Ni trưởng được nghiệp sư trực tiếp dạy bảo và cho phép tham học chư vị Ni trưởng danh tiếng trong pháp phái Tam Huyền – Hoàng Mai để học tập luật Sa di ni, Thức xoa ma na, cũng như các bộ kinh luận cốt yếu của Thiền môn cùng các phép tắc oai nghi của Tùng lâm, đồng thời được theo hầu chư Đại đức Ni an cư tại trường hạ Tam Huyền, Hoàng Mai, Vân Hồ.

Sau khi thụ giới, Ni trưởng luôn luôn tâm niệm lời khai đạo của Hòa thượng đàn đầu: “Làm sao cho xứng danh con gái nhà họ Thích, tỏ rạng nề nếp “ái đạo gia phong””. Đối với bản thân Ni trưởng khép mình cẩn trọng trong luật bát kính , nghiêm trì giới luật, khiêm cung với chư Tăng, hòa ái với Ni giới.

Những năm tháng tuổi trẻ của Ni trưởng là cả thời gian dài đất nước chiến tranh, đạo pháp suy vi: nhiều vị Tăng ni hoàn tục, chùa chiền bị tàn phá, trăm mối tơ vò vậy mà dù thời thế biến động đổi thay, cuộc thế thăng trầm suy thịnh, Ni trưởng cùng Ni trưởng Đàm Kim sách tiến nhau một lòng một dạ vững tin sự gia hộ của Tam Bảo, Hộ pháp long thiên, tinh tiến tu hành vượt qua khó khăn chướng duyên cản trở; theo hầu chư Tôn túc cao tăng, học tập, khi thì trường hạ Tam Huyền, khi thì Tổ đình Bà Đá, lúc trường Ni Vân Hồ, lúc Quán Sứ học đường,… chẳng hề trễ nải.

Thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng “Hạ an cư tỷ khiêu chi yếu vụ”, Ni trưởng tòng tăng an cư các khóa hạ trong mọi hoàn cảnh khó khăn, đất nước loạn ly, nhân dân nghèo đói cũng như khi Tổ quốc hòa bình, xã hội phồn vinh. Trong các khóa hạ, Ni trưởng được cử giữ chức Duy na… rồi đến Thủ chúng ni, tất cả ở đâu Ni trưởng cũng luôn thượng cầu thân cận tôn túc Tăng già, tăng trưởng công đức, hạ lân mẫn thân tình, chỉ bảo giúp đỡ Ni giới sơ cơ học đạo.

Năm 1969, Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam khai giảng Trường tu học Phật pháp Trung ương tại Tổ đình Quảng Bá dưới sự giảng dạy của quý Hòa thượng Thích Trí Độ, Hòa thượng Thích Tâm An, Hòa thượng Thích Đức Nhuận và cư sĩ Lê Đình Thám, Ni trưởng đã được theo học và tốt nghiệp.

2. Thời kỳ trụ trì – Hóa duyên hoằng đạo

a. Công tác trụ trì
 

Tháng 11 năm 1982, nghiệp sư viên tịch, Ni trưởng đã cùng Ni trưởng Đàm Kim nhận sự ủy thác của Nghiệp sư: xây dựng, duy trì nề nếp Tông phong Hoàng Mai – Nga My mà trước đây bao thế hệ Tổ sư và Nghiệp sư đã dày công vun đắp.
Năm 1998, Ni trưởng và Ni trưởng Đàm Kim, chư Ni huynh đệ trong pháp phái cùng nhân dân Phật tử địa phương xa gần trùng tu Đại hùng Bảo điện, tăng phòng. Tiếp theo, năm 2001 trùng tu Tổ đường. Ngoài ra Ni trưởng còn tham gia trùng tu, tham gia các Phật sự tại Tổ đình Tam Huyền – Hà Nội và các chùa Dày Quý, Cần Đơ – Hà Tây, vì các công trình này bị hủy hoại do ảnh hưởng chiến tranh đánh phá miền Bắc của Đế quốc Mỹ cũng như thời gian, sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Từ ngày tiếp nối đèn Thiền, kế đăng Tổ nghiệp tại Tổ đình Nga My – Hoàng Mai, Ni trưởng cùng Ni trưởng Đàm Kim và nhân dân, Phật tử địa phương xa gần sửa sang trùng tu phạm vũ nguy nga, tổ đường tăng xá, nhất nhất trang nghiêm tố hảo. Ngôi cổ tự Nga My vốn là danh lam thắng cảnh địa phương, nay càng thêm nguy nga tráng lệ, góp phần tô điểm vùng đô thị mới Hoàng Văn Thụ – quê hương danh tướng Trần Khát Chân. Ngoài việc tác phúc hưng công tu sửa, giữ gìn chùa cảnh, tham gia Phật sự và công tác xã hội, Ni trưởng không bao giờ sao lãng trong việc tu tập, đặc biệt Ni trưởng chuyên tu tịnh niệm Lục tự hồng danh, chỉ một lòng nguyện cầu vãng sinh Tịnh độ Tây Phương. Ngày đêm trì niệm Quán Âm Bồ tát hồng danh, mong noi gương tế độ chúng sinh.

b. Tiếp chúng độ nhân
 

Với bản hoài “hoằng pháp vi gia vụ, độ sinh vi sự nghiệp”, Ni trưởng đã suốt đời tận tụy với sự nghiệp giáo dục, đào tạo Tăng ni.

Từ năm 1970, Ni trưởng được thỉnh làm giới sư trong Hội đồng truyền giới với các vị Tôn chứng giới đàn, A xà lê, và từ năm 1995 đến nay, Ni trưởng làm Hòa thượng đàn đầu Ni tại các giới đàn do Thành hội Phật giáo Hà Nội và các tỉnh thành như Vĩnh Phúc, Phú Thọ…. tổ chức.

Sinh thời với đức hạnh khiêm cung, giữ gìn nề nếp gia phong của hàng Ni giới, tận tâm cung kính chư Tăng mong hữu duyên được gần Tăng Bảo, vì thế Ni trưởng đã tạo nhiều duyên thù thắng, hỗ trợ chư vị Tăng trên bước đường sơ cơ học đạo đến nay các vị đó đã trưởng thành.

Tháng 2 năm 1989, Thành hội Phật giáo Hà Nội khai giảng trường cơ bản Phật học, Ni trưởng tham gia vào ban giảng huấn giảng dạy Ni giới.

Từ năm 2000 đến nay, sau khi trùng tu chùa Hoàng Mai – Nga My khang trang, Ni trưởng đã tổ chức trường hạ cơ sở III tại đây và được Hạ trường suy cử làm Viện chủ trường hạ.

Ngoài công việc giáo dục đào tạo Ni giới, Ni trưởng đã truyền thụ tam quy, ngũ giới cho hàng vạn Phật tử tại gia; hàng tháng, tổ chức tu bát quan trai giới, thỉnh quý vị giảng sư của Ban hoằng pháp Thành hội hướng dẫn Phật tử tu học theo chính đạo, làm cho Tổ đình Nga My trở thành một trong những đạo tràng Phật tử tu tập lớn trong thành phố.

c. Tham gia Phật sự Giáo hội
 

Năm 1966, Ni trưởng tham gia vào Ban đại diện Phật giáo huyện Thanh Trì, rồi được cử làm Chánh đại diện. Uy tín ngày một nâng cao, trách nhiệm ngày một thêm gánh nặng, tháng 8/1981, tại đại hội Phật giáo thành phố Hà Nội nhiệm kỳ I (Giáo hội Phật giáo Việt Nam), Ni trưởng được cử vào thường trực Ban Trị sự, đảm nhiệm chức ủy viên thủ quỹ cho đến nay.

Năm 1992, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ II, Ni trưởng được tấn phong giáo phẩm Ni trưởng. Ni trưởng được bầu làm Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN và Ủy viên thường trực Ban trị sự Phật giáo Thành phố Hà Nội từ năm 1997 đến nay.

Khi trường cơ bản Phật học Hà Nội khai giảng khóa III (nay là trường Trung cấp), Ni trưởng được Ban giám hiệu cung thỉnh giữ chức vụ Hiệu phó, kiêm giảng sư Ni.

Năm 2002, Đại hội lần thứ V Thành hội Phật giáo Hà Nội, Ni trưởng được suy cử chức vụ Phó trưởng ban trị sự kiêm đặc trách Ni chúng.

d. Tham gia công tác xã hội
 

Với tinh thần Đại thừa Phật giáo: Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, phục vụ chúng sinh tức là cúng dàng chư Phật, Ni trưởng đã tham gia các công tác xã hội ích nước lợi dân:

Từ năm 1970 đến 1991, Ni trưởng là ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Trì. Với cương vị được giao phó, Ni trưởng đã tận tâm, dốc sức phục vụ Đạo pháp – Dân tộc, đưa các phong trào Phật giáo phát triển trên mọi lĩnh vực. Với các việc làm đó, Tăng ni Phật tử kính quý mến thương, nhân dân tín nhiệm tôn trọng nên Ni trưởng được đắc cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Thanh Trì các khóa XI, XII, XIII.

Năm 1986 – 1991 tham gia Ban chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội khóa IX.

Năm 1997 – 2002 tham gia Ban chấp hành Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa VIII.

Năm 1994 tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội khóa XI, Ni trưởng tham gia ủy viên Ủy ban cho tới nay.

III.NHỮNG NĂM THÁNG CUỐI ĐỜI

Những năm gần đây, tuy tuổi cao sức yếu, Ni trưởng vẫn tinh tiến trong mọi Phật sự của Giáo hội, Thành hội Hà Nội, trụ xứ, Tổ đình và luôn chuyên chú nhất tâm hành đạo tu trì.

Tấm thân tứ đại già nua, cỗ xe hơn tám thập kỷ đã mòn mỏi theo luật vô thường. Tất cả các pháp thế gian là vô thường huyễn hóa, như bọt nước, như sương ban mai, như mây trôi, nước cuốn, như mặt trời xuất hiện ở phương Đông rồi lại lặn về phương Tây, thân tứ đại sinh diệt là lẽ đương nhiên. Chính ứng thân của Đức Thế Tôn khi hóa duyên viên mãn còn thị hiện tịch diệt ở chốn Song Lâm.

Lúc 4 giờ 30 phút ngày 19 tháng 10 năm 2014 (nhằm ngày 26 tháng 9 năm Giáp Ngọ) Ni trưởng đã an nhiên thị tịch tại thiền phòng, trụ thế 86 năm, hạ lạp 66 mùa an cư.

Ôi, sương mờ Hoàng Mai, mây ám Nga My, cây cỏ ủ ê, đất trời sụt sùi ảm đạm. Ni trưởng Hoàng Mai – thủ chúng Ni Hà Nội, bậc cao thiền của Ni giới Việt Nam đã vĩnh biệt cõi Ta bà dương trần đa chướng, theo tràn phan bảo cái của Bồ tát Quan Âm, Bồ tát Thế Chí về cảnh giới Tây Phương của Đức Phật A Di Đà. Ni trưởng ra đi là sự tổn thất lớn lao của môn đồ đệ tử, Thành hội Phật giáo Hà Nội vắng bóng vị Phó phân ban đặc trách giáo dục Ni chúng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vắng bóng một vị Đại đức Ni suốt đời phụng sự đạo pháp, đất nước mất đi một công dân mẫu mực. Sự ra đi của Ni trưởng phải chăng là:

Trời Đao Lợi đức Kiều Đàm thiếu đi một người hầu cận
Hay: Ao bát đức nảy nụ sen vàng rước Ni trưởng về nơi An dưỡng.

Phải nói rằng: “Suốt cuộc đời từ tuổi niên thiếu đến lúc thị tịch, Ni trưởng Thích Đàm Hảo đã sáng ngời như sao “Vụ”, thực là “Kiều đàm dạng tử”, cuộc sống áo nâu sồng trai giới đạm bạc, giản dị mà thanh cao nhưng luôn siêng năng cần cù trong bất cứ mọi công việc Tăng sai, nhẫn nhục nhu hòa bình tĩnh ứng xử khỉ gặp cảnh nghịch duyên. Tuy nghiêm khắc với bản thân nhưng luôn nở nụ cười từ ái thân thương với hàng đệ tử và mọi người. Đối với Phật tử gần xa, Ni trưởng đều ôn tồn hướng đạo thật xứng đáng danh đức Ni giới Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

Hà Thành hôm nay ngả nắng vàng
Nga My buồn bã đượm màu tang
Thày đi không hẹn ngày trở lại
Đệ tử môn đồ lệ chứa chan
 
Nam mô Nga My đường thượng đệ tam đại trụ trì Tịnh Đức tháp, Tỷ khiêu ni Bồ tát giới pháp húy thượng Đàm hạ Hảo hiệu Bảo Châu ni trưởng giác linh – tọa hạ.

 

Ban Tổ Chức