Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Tiêu thụ

Tiêu thụ

108
Có một mối quan hệ biện chứng giữa tiêu thụ và đau khổ. Tiêu thụ nhiều, đưa đến lệ thuộc nhiều. Lệ thuộc nhiều, đưa đến đau khổ nhiều.
Con người hiện đại hầu hết bị lệ thuộc trong tiêu thụ. Chủ nghĩa tiêu thụ trở thành nền tảng phát triển kinh tế của thế giới. Sản xuất và mua sắm bùng nổ khắp nơi. Người ta dường như không có mục đích sống gì tốt đẹp hơn là làm, tích luỹ và mua sắm. Cạnh tranh nhau làm, cạnh tranh nhau tích luỹ và cạnh tranh nhau mua sắm.
Tiêu thụ đã nô lệ hoá chính người tiêu thụ. Ai tiêu thụ nhiều, người đó lệ thuộc nhiều. Tiêu thụ nhiều cái gì, người đó sẽ lệ thuộc nhiều vào cái đó. Căng thẳng, bất an và bạo động trong tâm là kết quả của lệ thuộc mà cá nhân có thể nhìn thấy. Xa hơn, kết quả của tiêu thụ quá mức còn có thể nhìn thấy ở môi trường ô nhiễm, thực phẩm nhiều độc, con người căng thẳng và xã hội bất an.
Nhìn lại, có lệ thuộc là có đau khổ. Muốn có hạnh phúc, lệ thuộc cần phải được giải thoát. Con người ngày nay đã lệ thuộc quá nhiều vào tiêu thụ, nhất là tiêu thụ nội dung số. Người ta đã đánh mất quá nhiều năng lượng quý giá của xác thân và tâm thức mình cho việc tiêu thụ tin tức. Chính tâm lý sợ hãi và cô đơn buộc người ta phải tiêu thụ. Giải thoát được sợ hãi và cô đơn sẽ giải thoát được tiêu thụ.
Đức Phật nói có năm cam kết đạo đức nếu thành tựu người ta sẽ loại bỏ được sợ hãi: (1) Từ bỏ sát sinh; (2) Từ bỏ lấy của không cho; (3) Từ bỏ tà hạnh trong các dục; (4) Từ bỏ nói láo; (5) Từ bỏ say sưa nghiện ngập. Ngài cũng cho biết người không tuỳ tiện (không phóng dật) và có chánh niệm tỉnh giác, người ấy cũng sẽ không có cô đơn.
Tiêu thụ nhiều, lệ thuộc nhiều. Lệ thuộc nhiều, khổ đau nhiều. Thời đại sản xuất công nghiệp và truyền thông đa phương tiện ngày nay đã cho thấy con người ngày càng lệ thuộc nghiêm trọng vào tiêu thụ. Từ tiêu thụ hàng hoá cho đến tiêu thụ tin tức và các loại nội dung số khác. Đến một ngày nào đó, sự lệ thuộc quá mức vào tiêu thụ không được kiểm soát, rối loại tâm trí, bùng nổ bệnh tật và huỷ diệt hệ sinh thái (bao gồm loài người) là điều không thể tránh khỏi.
Giảm tiêu thụ và tiêu thụ có ý thức bằng đời sống không tuỳ tiện, có cam kết đạo đức và có chánh niệm tỉnh giác là lối thoát đẹp nhất cho hiện thực lệ thuộc từ tiêu thụ quá mức đang ngày càng nghiêm trọng. Không giảm tiêu thụ và tiêu thụ có ý thức được, mơ ước về một sức khoẻ thể chất, an yên tinh thần, môi sinh trong lành và tương lai tươi đẹp sẽ không bao giờ có.
Để có một tương lai cho mình và cho nhau, trong ấy thể chất khoẻ mạnh, tinh thần an yên, tâm trí tự do và môi trường trong đẹp, giảm tiêu thụ và tiêu thụ có ý thức bằng cam kết đạo đức (như trên), bằng đời sống không tuỳ tiện và có chánh niệm tỉnh giác là một ưu tiên không thể không nghiêm túc trong chính hành vi, lời nói và suy nghĩ cuả mình.

NHUẬN ĐỨC