Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Tinh tấn là gì?

Tinh tấn là gì?

938

Tinh tấn là phép thực tập thứ hai của sáu phép tu Ba la mật (Lục độ Ba la mật) có công năng giúp ta vượt qua bờ bên kia.


Ta đã được học và biết rằng trong tâm thức ta có rất nhiều loại hạt giống (chủng tử): hạt giống thiện và hạt giống bất thiện. Ta cần có đủ thì giờ và năng lực để trở về với tự thân và thực tập tưới tẩm những hạt giống của niềm vui, an lạc, tình thương, lòng tha thứ và bao dung trong ta mỗi ngày. Làm cho những hạt giống tốt, thánh thiện trong ta được phát triển liên tục, đó đích thực là sự thực tập tinh tấn. Muốn cho sự thực tập tinh tấn được thành công, ta phải thực tập như một Tăng thân, một cộng đồng, chúng ta phải giúp đỡ và yểm trợ nhau, nghĩa là phải tạo ra một môi trường sống thật tốt lành trong đó mọi người sống đúng theo tinh thần Năm giới, an trú vững chãi trong chánh niệm, không để cho những yếu tố độc hại của xã hội xâm chiếm, trấn ngự và làm ô nhiễm ta.

Ta phải tổ chức đời sống tu tập của ta như thế nào để những hạt giống tốt trong tâm thức của mỗi cá nhân và cộng đồng được tưới tẩm và phát triển mỗi ngày. Ta có thể mời những người thương của ta cùng thực tập chung. Ta có thể nói với người thương của ta như thế này: ”Anh yêu quý, nếu muốn chăm sóc em, muốn cho em có hạnh phúc, thì xin anh tưới tẩm những hạt giống tốt trong em mỗi ngày. Em biết trong em có khả năng thương yêu, hiểu biết, tha thứ và bao dung. Em rất cần sự yểm trợ, nâng đỡ của anh để sự thực tập của em được thành công dễ dàng. Em biết nếu em hạnh phúc, thì anh cũng hạnh phúc. Em nguyện thực tập để nhận diện những hạt giống tốt nơi anh và em sẽ cố gắng làm hết khả năng của em để tưới tẩm và vun trồng những hạt giống tốt ấy nơi anh để chúng được phát triển mỗi ngày. Em hứa sẽ không tưới tẩm những hạt giống tiêu cực như buồn giận, bực bội và nghi ngờ nơi anh và em cũng mong anh thực tập như vậy đối với em.” Đây là ngôn ngữ thương yêu đích thực. Mặt khác ta không muốn tưới tẩm những hạt giống tiêu cực, bất thiện trong ta như hạt giống thiếu niềm tin cậy, hận thù, ghen tỵ và kỳ thị… Ta cũng không muốn người thương của ta tưới tẩm chúng mỗi ngày, vì làm như vậy ta sẽ khổ. Nếu ta khổ, thì người thương của ta cũng sẽ khổ. Và đây là sự thực tập: ”Con nguyện sẽ không để cho những hạt giống tiêu cực trong con bị tưới tẩm mỗi ngày. Con nguyện ăn uống và tiêu thụ có chánh niệm để những hạt giống tiêu cực trong con không bị tưới tẩm. Con ý thức rằng nếu con không biết hộ trì thân tâm, để cho những hạt giống tiêu cực trong con bị tưới tẩm thì chúng sẽ phát triển lớn mạnh, như vậy con sẽ khổ và sẽ làm cho những người con thương khổ. Con ý thức rằng nỗi khổ của người kia sẽ ảnh hưởng đến con, sẽ làm cho con bị ngột ngạt.” Ta phải rất chánh niệm, phải quyết tâm trong sự thực tập. Đó là sự thực tập tinh tấn đích thực. Ta có thể ký một Hiệp ước sống chung an lạc với mọi người trong gia đình ta. Có những lúc ta sống rất hòa thuận với nhau, mọi người ngồi quây quần bên nhau, uống những tách cà phê, trà rất đầm ấm và hạnh phúc. Trong những dịp như thế, ta nhân cơ hội đó để ký hiệp ước cho hạnh phúc của ta, của con cháu ta, của cha mẹ và bè bạn ta. Tinh tấn phải được thực tập trong ánh sáng của giáo lý Tứ chánh cần – bốn phép thực tập siêng năng:

Thứ nhất: Khi những hạt giống bất thiện, tiêu cực như hạt giống của hờn giận, trách móc, ghen tỵ, kỳ thị trong tâm thức ta chưa phát khởi, ta phải làm mọi cách để cho những hạt giống tiêu cực, bất thiện ấy không có cơ hội bị tưới tẩm và phát khởi.

Thứ hai: Khi những hạt giống tiêu cực đã biểu hiện lên trên vùng ý thức, ta hãy thực tập nhận diện, ôm ấp và đưa chúng trở lại tàng thức dưới trạng thái của hạt giống. Nếu một hoặc hai hạt giống bị tưới tẩm và biểu hiện trên vùng ý thức, ta hãy chăm sóc chúng và đưa chúng trở về với nguồn gốc của chúng càng nhanh càng tốt. Nếu ta nhởn nhơ, đùa giỡn với chúng, để cho chúng hiện hành quá lâu trong vùng ý thức của ta, thì chúng sẽ gây ra nhiều tai họa và đổ vỡ.

Thứ ba: Nếu những hạt giống tốt, tích cực trong tâm thức ta chưa biểu hiện thì ta thực tập tưới tẩm để làm cho chúng biểu hiện lên trên vùng ý thức của ta. Ta biết rằng trong chiều sâu tâm thức ta có những hạt giống tốt như những hạt giống thương yêu, hiểu biết, tha thứ và bao dung…; ta phải cố gắng làm đủ mọi cách để tiếp xúc với chúng mỗi ngày để cho chúng có cơ hội biểu hiện lên trên vùng ý thức của ta.

Thứ tư: Khi những hạt giống thiện đã biểu hiện lên trên vùng ý thức, ta phải tìm cách khéo léo để duy trì chúng ở lại càng lâu càng tốt. Những tâm hành đó là những khách quý của ta. Những năng lượng ấy càng ở lâu trên vùng ý thức của ta chừng nào, thì tàng thức của ta càng được nuôi dưỡng, trong sáng và hùng mạnh chừng ấy.

Đó là phép thực tập tinh tấn thứ tư của Tứ chánh cần. Tinh tấn không phải là một danh từ trừu tượng, mà là sự thực tập rất thiết thực. Ta thực tập chung với cha mẹ, con cái và xã hội ta. Thực tập tưới tẩm cho nhau những hạt giống tốt sẽ giúp ta vượt qua được bờ bên kia rất mau chóng. Đây gọi là sự thực tập chuyển căn – chuyển hóa tận gốc.

Bây giờ chúng ta hãy trắc nghiệm lại tất cả những gì mình đã được học trong gần ba tuần qua. Trong khóa tu hai mươi mốt ngày, chúng ta đã tạo cơ duyên, môi trường tốt cho những hạt giống lành, tích cực trong ta được tưới tẩm. Tất cả những gì tôi đã cống hiến, trao truyền cho quý vị đều đã có sẵn trong tự thân của quý vị dưới hình thức của hạt giống. Tăng thân và tôi chỉ giúp khai mở, tưới tẩm những hạt giống ấy nơi quý vị mà thôi. Đất tâm của chúng ta đã được thấm nhuần bởi những cơn mưa pháp và nhờ chúng ta đã mở lòng đón nhận một cách chân thành nên những cơn mưa pháp đã chạm tới được những hạt giống tốt trong ta. Nhiều người trong chúng ta đã gặt hái được nhiều kết quả, nếm được hương vị của an lạc, thảnh thơi, hạnh phúc và giải thoát; đã thiết lập lại được niềm tin của mình trong sự thực tập. Ta làm được như vậy là nhờ sự dìu dắt, nâng đỡ và muôi dưỡng của Tăng thân.

Tổ chức khóa tu là chúng ta tạo cơ duyên, điều kiện cho những cơn mưa pháp có cơ hội thấm vào lòng đất tâm của chúng ta để cho hạt giống thương yêu, hiểu biết, tha thứ, bao dung trong ta được nẩy mầm và người nào cũng được thừa hưởng. Trong khóa tu, có khi chúng ta chưa cần làm gì cả, không cần tu tập có tính cách sít sao mang nặng hình thức, ta chỉ mở lòng và cho phép những cơn mưa pháp và năng lượng của tăng thân đánh động tới những hạt giống tốt trong tâm thức ta thôi cũng đủ cho ta được nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa. Chúng ta nên tổ chức khóa tu thường xuyên hơn – khóa tu dài hạn hay ngắn hạn, điều đó tùy khả năng và điều kiện. Tổ chức một ngày chánh niệm hoặc chỉ nửa ngày chánh niệm cũng tốt, bởi vì đó là cơ hội cho mọi người thuộc nhiều Tăng thân đến để tu tập, để cùng nuôi dưỡng, nâng đỡ và yểm trợ nhau; có mặt cho nhau và cùng nhau đi thiền, ngồi thiền, ăn cơm trong chánh niệm, chia sẻ những khó khăn và phương cách thực tập để chuyển hóa khó khăn, khổ đau v.v… Một ngày hoặc nữa ngày tu chánh niệm như thế chắc chắn sẽ đem lại rất nhiều lợi lạc và nuôi dưỡng.


 HT.THÍCH NHẤT HẠNH/HƠI THỞ NUÔI DƯỠNG VÀ TRỊ LIỆU