Trang chủ Nghiên cứu Triết học Tinh thần đồng thể trong giáo lý Phật giáo Đại Thừa

Tinh thần đồng thể trong giáo lý Phật giáo Đại Thừa

107

Kinh Niết Bàn dạy: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”. Trong tất cả chúng sinh, từ loài côn trùng đến loài người, chư thiên đều mang trong mình một khả năng thành Phật. Trong thế giới loài người, thì ai ai cũng có khả năng này nhưng vì bị bức màn vô minh bao phủ nên Phật tính khó hiện lộ. Có thể thấy được Phật tính là bản thể bất sinh bất diệt tồn tại trong mỗi chúng sinh.


Xét đến danh xưng biểu đạt thì Phật tính có nhiều chủng loại. “Đại Thừa Huyền luận” nói: “Bậc Đại Thánh tuỳ diên thiện xảo nên việc thuyết danh trong các kinh khác nhau. Vì vậy, trong kinh Niết Bàn gọi là Phật tính, thì trong kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp giới, trong kinh Thắng Man gọi là Như Lai Tạng, kinh Lăng Già gọi là Bát thức, kinh Thủ Lăng nghiêm gọi là Thủ Lăng nghiêm Tam muộn, kinh Pháp Hoa gọi là Nhất đạo, Nhất thừa; Đại Phẩm gọi là Bát nhã, Pháp tính; kinh Duy Ma Cật gọi là Vô trụ, Thật tế. Các danh xưng như vậy, đều là tên gọi khác của Phật tính”.


Sự đồng thể dị danh của Phật tính vẫn không dừng lại ở các khái niệm nêu trên mà còn có các tên gọi khác như: Chân như, Chân tính, Thật tính, Thật đế, Nhất thật, Nhất như, Nhất tướng, Pháp thân, Vô vi, Chân đế, Chân không, Thật tướng, Niết bàn v.v…tất cả đều chỉ cho Phật tính. Song, các học giả Thiên Thai tông gọi đó là “Chư pháp thật tướng – thật tướng của các pháp”, còn học giả Hoa Nghiêm tông gọi là “Nhất chân pháp giới”.


Chư pháp thật tướng chỉ cho thể tính của vạn pháp, tức là bản thể chân như đồng nhất của các pháp. Cái bản thể này chân thật thường trụ và đó chính là thật tướng của vạn pháp. Vì vậy, thật tướng của các pháp là chân lý rốt ráo.


Xét về Nhất Chân pháp giới, Hoa Nghiêm Đại Sớ ghi: “Lấy Nhất Chân pháp giới làm Thể huyền diệu”. Tam Tạng Pháp Số nói: “Không hai nên gọi là Nhất; không hư vọng nên gọi là Chân; thấu triệt dung nhiếp nên gọi là Pháp giới. Tức là pháp thân bình đẳng của chư Phật, từ xưa đến nay, chẳng không chẳng có, lìa danh lìa tướng, không trong không ngoài, duy nhất chân thật không thể nghĩ bàn, đó gọi là Nhất Chân pháp giới”. Hai nghĩa được dẫn ra trên đây đều rất viên dung huyền diệu. Nhất Chân pháp giới là yếu nghĩa căn bản trong Phật pháp và sự hàm nhiếp của nó có ý nghĩa rất thâm viễn, quảng bác, sâu dầy và huyền diệu. Tham cứu các kinh điển để tổng hợp nên ý nghĩa chính, chúng tôi phân tích thành các mục như sau:


1. Ý nghĩa của Pháp giới có hai tầng là xét Sự và xét Lý. Xét về Sự thì “Pháp” là các sự vật hiện tượng; giới là phần giới; là ngằn mé; cực tận ngằn mé của các sự vật hiện tượng mà phân giới rõ ràng giữa chúng thì gọi là Pháp giới. Như “Sự pháp giới”, một trong 4 Pháp giới của các học giả Hoa Nghiêm tông là thuộc về Sự. Mười pháp giới được nói đến trong Tục đế của Thiên Thai tông đều thuộc về Sự pháp giới; 1. Phật pháp giới; 2. Bồ Tát pháp giới; 3. Duyên giáo pháp giới; 4. Thanh văn pháp giới; 5. Thiên pháp giới; 6. Nhân pháp giới; 7. Tu la pháp giới; 8. Quỷ pháp giới; 9. Súc sinh pháp giới; 10. Địa ngục pháp giới.


2. Xét về Lý, tức chỉ cho Lý tính của Chân như nên gọi đó là pháp giới, hoặc gọi là Chân như pháp tính. Pháp có nghĩa là các pháp, giới có nghĩa là nhân, hoặc là tính, là tính sở y của các pháp. Xét kỹ thì đó là thể tính đồng nhất của các pháp, nên gọi là Pháp giới. Pháp giới chính là bản thể có mặt trong tất cả chúng sinh. Xét các pháp trong tất cả chúng sinh, như Sắc pháp và Tâm pháp, tuy có sai biệt nhưng thể tính của chúng thì đồng nhất, nên gọi là Nhất Chân pháp giới. Đây là Lý pháp giới trong bốn pháp giới của Hoa Nghiêm tông.


3. Trong mời pháp giới, chỉ có pháp thân của Phật là hoàn toàn nhất như mà biến khắp cùng với pháp giới tính. Chính pháp giới còn lại đều có đầy đủ pháp giới tính này, chứa trong Như Lai tạng để làm bản tính cho chúng, nhưng dựa vào tính giác hay mê của tâm mà triển hiện ra nhiều thứ lớp sai biệt. Các hạng sai biệt này tuyệt đối không hề thiếu trong bản thể, do bản tính bị vô minh che lấp nên khi vọng tưởng được đoạn trừ thì bản thể tự hiện. Muốn đoạn trừ vọng chấp thì hành giả cần phải đi từ bản tính để khởi tâm tu tập, vì bản tính thông với pháp giới tính. Bản tính được mài giũa tức là đại tâm được khai phát mà khế hợp với Nhất Chân pháp giới, phù hợp với tinh thần đồng thể của chư Phật.


4. Tất cả các pháp hữu vi trong thế gian đều do nhân duyên hoà hợp mà sinh, nên các tướng hiện bày của pháp duyên sinh đều là giả tướng hư vọng. Các giả tướng này sinh diệt vô thường, nếu chấp trước chúng, lấy huyễn hữu làm thật hữu thì còn luân hồi sinh tử. Song, cái vô tự tính của pháp vốn thuộc không tướng, nên chân như của pháp tính cũng là chân không như như, bất sinh bất diệt. Phẩm “Đang Tu di sơn đỉnh” trong kinh Hoa Nghiêm có đoạn: “Quan sát nơi các pháp, vốn không có tự tính, tướng sinh diệt của chúng, do giả danh mà nói. Tất cả pháp không sinh, tất cả pháp không diệt, nếu thường hiểu như vậy, chư Phật thường hiện tiền. Pháp tính vốn không tịnh, không thủ cũng không kiến, tính không tức là Phật, không thể nghĩ bàn được. Nếu biết tất cả pháp, thể tính đều như vậy, người này không hiểu được, nên bị nhiễm phiền não. Phàm phu thấy các pháp, chỉ theo nơi tướng chuyển, không hiểu cái vô tướng, của tất cả các pháp, nên họ không thấy Phật…Các pháp không chân thật, vì nhằm chấp thủ kiến, mà cho là chân thật, cho nên các phàm phu, luân hồi trong địa ngục, chịu phiền não sinh tử, người này không thể có, được thanh tịnh pháp nhãn…Tất cả các pháp tính, không sinh cũng không diệt. Lành thay, đại Đạo sư! Tự giác thường giác tha… Thường biết thực thể này, là tịch diệt chân như, thì thấy bậc Chính giác, vượt thoát đường ngôn ngữ”.


Chúng sinh do vọng khởi niệm bởi ngã kiến, luôn chấp thủ hình tướng, thường sinh tâm phân biệt đối với các giả tướng huyễn hoá hoà hợp hình thành nên nghiệp lực tạo ra từ đây, thì quả khổ cũng từ đây mà chịu. Đối với giáp pháp của Phật, họ cũng dùng vọng kiến để đo lường, suy xét nên không thấy được thâm ý Chân như mà bậc Đạo sư đã tuyên thuyết ngoài đối đãi của Nhị nguyên. Sinh ra những kiến thủ như vậy là do khôg hiểu được pháp tính chân thật có đầy đủ nơi Như Lai tạng của chúng sinh, mà tính thể này xưa nay vốn thanh tịnh vô nhiễm, chân không như như. Nếu có khả năng lìa tướng để hội tính thì tự nhìn thấy được ta, chư Phật và chúng sinh vốn có cùng cái thể Chân như này thì không hề sai biệt. Nếu đoạn trừ vọng niệm thì sẽ tự chứng đắc tướng tịch diệt chân như này.


5. Tất cả các pháp do nhân duyên sinh, không có tự tính vì tính thể của nó là pháp tính chân như đồng nhất. Do “vạn pháp duy tâm tạo” nên tất cả sự vật hiện tượng do tâm mà trình hiện. Trong kinh Hoa Nghiêm có dạy: “Nếu người muốn hiểu rõ, tất cả Phật ba đời, nên quán pháp giới tính, tất cả do tâm tạo”. Pháp giới tính là chân như pháp tính, cũng gọi là chân tâm. Mặc dù Tâm là chân không vô pháp mà pháp do tâm hiện, nên bản thể của pháp trong mười pháp giới không lìa khỏi chân tâm. Chân tâm này tức là lý thể chân thật không hư dối, thanh tịnh vô nhiễm, có đầy đủ trong tất cả các pháp. Lý thể ấy không những quán thông khắp mười pháp giới mà còn là thể tính chân thật của tất cả các pháp, cho nên gọi là Nhất chân pháp giới.


6. Bậc Bồ tát thì “Hiểu rõ thể tính của pháp giới là bình đẳng, phổ nhập ba đời, vĩnh viễn không lìa đại Bồ đề tâm, thường hằng không thối chuyển chúng sinh tâm”. Ý nói, bậc Bồ tát thấu đạt sâu sắc tinh thể đồng thể của chư Phật và chúng sinh, Tinh thần đồng thể phát tiết thành tâm đại Bồ đề, vĩnh viễn không hề thối chuyển để hoá độ chúng sinh tâm. Tâm đại Bồ đề này chính là đại tâm đồng thể không sai biệt của ba thể Tâm, Phật và Chúng sinh. Phàm là người dốc chí tu hành theo Đại thừa thì cần phải giờ giờ khắc khắc tu dưỡng cái đại tâm đồng thể này. Nếu có khả năng thấu đạt một phần nào đó trong cái Đại tâm đồng thể này thì chí nguyện tu hành theo Phật pháp của hành giả sẽ tiến bộ rất nhanh. Nếu là người tu hành theo pháp “Tiệm giáo” thì nên gọt giũa cái tiểu tâm đồng thể được phóng quang, có như vậy mới phù hợp với tinh thần Phật pháp.


7. Chúng sinh bị vọng niệm chi phối, bị ngã kiến trói buộc nên đại tâm đồng thể khó hiển hiện mà căn bệnh lớn nhất của sự trói buộc này là nằm ở chỗ “chấp trước”. “Chấp ngã”, “chấp pháp” vốn dĩ là hai căn bệnh khó chữa mà “chấp không” lại là căn bệnh trầm kha khó trị hơn. Kinh Duy Ma Cật có đoạn: “Tứ đại hoà hợp, do giả danh mà thành thân này, trong đại ấy không có chủ tể, thân này cũng không có ngã; nếu bệnh mà dấy khởi thì cũng do chấp ngã; vì vậy ở nơi ngã không nên vọng sinh tâm chấp trước. Nên hiểu rõ cái chấp này là căn bản của bệnh…”


Thông thường, chúng sinh đều mắc vào bệnh chấp ngã và chấp pháp. Ngã là tứ đại hoà hợp, pháp là tâm duyên hoà hợp. Tất cả đều không có thể tính riêng mà chúng đều thuộc không tướng. “Không” này cũng là giả nên nói là không, nếu chấp cái “không” là pháp cứu cánh thì cũng mắc vào bệnh không. Phật tính thông với tất cả các pháp, làm thành thể tính chung nhất của nó nên các pháp mang tính bình đẳng. Nếu còn thấy được chút sở đắc nào thì lại rơi vào chấp dị, mà không thấy triệt được tinh thần bình đẳng, đồng đẳng của các pháp.


8. Chúng sinh bị ràng buộc bởi ba món chấp: chấp ngã, chấp pháp và chấp không. Cư sĩ Duy Ma Cật bảo: “Nêu phát lòng khẩn thiết làm vị y lương đến cứu tất cả hữu tính, phát khởi tâm đại bi, đoạn trừ các khổ đau kia của họ”.


Kinh Duy Ma Cật, quyển 3 ghi: “Lúc bấy giờ Phật bảo ngài Bồ tát Văn Thù rằng: Nay ông đến chỗ ở của Vô Cấu Xưng để vấn an bệnh của ông ta!…


Bồ tát Văn Thù nói: Đức Thế Tôn ân cần bảo tôi đến hỏi ông nhiều điều, vậy bệnh đây của cư sĩ có được thuyên giảm chút ít nào không? Hơi thở ra vào có được an ổn không? Nguyên nhân căn bệnh, từ đâu mà khởi? Sinh đã bao lâu? Làm thế nào mới diệt được?


Duy Ma Cật đáp: Như các loài hữu tình từ vô minh mà có ái, sinh ra đã lâu. Bệnh đây của tôi cũng từ đó mà sinh ra. Từ vô lượng kiếp từ trước lâu xa đến nay, nếu có chúng hữu tình có bệnh thì tôi cũng bệnh theo. Nếu hữu tình hết bệnh thì bệnh tôi cũng lành. Vì sao vậy? Tất cả Bồ tát vì hết thảy hữu tình mà đường sinh tử. Do ở trong sinh tử nên mới có bệnh. Nếu có hữu tình xa lìa được bệnh khổ thì chư Bồ tát sẽ hết bệnh. Thí như ông trưởng giả cư sĩ trên đời này chỉ có một người con, thương con tột độ, tâm thường hoan hỷ, không muốn tạm rời trong gang tấc. Hễ người con ấy bị bệnh thì cha mẹ cũng bệnh theo, nếu bệnh của con lành thì cha mẹ cũng mạnh. Bậc Bồ tát cũng vậy, đối với các hữu tình, thương mến như con, nếu hữu tình bệnh thì Bồ tát cũng bệnh, nếu hữu tình lành thì Bồ tát cũng hết bệnh. Ngài lại hỏi: Bệnh ấy do đâu mà sinh? Bồ tát có bệnh là do lòng từ bi mà sinh.


Ở đây có thể thấy được chư Phật, Bồ tát và chúng sinh có cùng một thể không hai, tức là “đồng thể đại bi” nên các Ngài thường lo lắng cho những khổ đau của chúng sinh. Nếu còn một chúng sinh nào chưa được cứu độ thì chư Phật, Bồ tát xem tính thể của mình còn có chỗ thiếu sót, vì “chư Phật Như Lai lấy địa bi tâm làm thể”.


9. Mọi người thường cho rằng Bi tâm là lòng thương xót những người cùng khổ mà họ không biết được nghĩa cao thượng của Tâm Đại bi. Tâm Đại bi không dừng lại ở lòng thương xót hoặc lòng đồng tình, vì tâm thương xót hoặc tâm đồng tình xuất hiện như là sự bộc lộ tình cảm nhất thời, tức theo cảnh mà sinh.


“Tâm Đại bi” mà Phật gia nói đến hoàn toàn không xuất phát từ sự kích thích lâm thời cũng không phải xuất phát từ những xung động tình cảm cá nhân mà là cái đồng thể của Phật tính, tức sự đồng thể, tâm pháp vận hành theo tình thương quảng đại nên Tâm Đại bi chính là tâm đồng thể, là pháp giới tính, và cũng là tinh thần đại bình đẳng trong Tam vô sai biệt “Tâm, Phật và chúng sinh”.


Vì vậy, người tu hành theo Đại thừa không nên phát triển Đại bi tâm từ cảm tình cá nhân mà phải mở rộng cái bản tâm của chính mình, hoà nhập cùng với cái đồng thể của mười pháp giới chúng sinh, tức là xem tất cả hàm linh đều là cha mẹ anh em nhiều đời nhiều kiếp của mình và là những vị Phật sẽ thành trong tương lai, nên phải một lòng bình đẳng, tôn trọng, kính lễ và sẵn sàng ra tay cứu giúp họ. Mối tương quan mật thiết của tâm đồng thể đều là lẽ đương nhiên của lý tính, không phải là thứ tình cảm ngẫu nhiên, hiểu được như vậy đúng chân nghĩa của Tâm Đại bi.


10. Chúng ta nên nhìn vấn đề Tâm Đại bi từ hành vi thực tiến. Tinh thần tâm đại bi thể hiện rõ nhất trong giới sát của người Phật tử, vì ăn thịt chúng sinh sẽ đoạn mất hạt giống đại bi, tức là đánh mất tinh thần đồng thể. Người tu theo Đại thừa, vì chúng sinh mà phát tâm Bồ đề, nhờ tâm Bồ đề mới thành tựu Đẳng chính giác. Đối với sự nghiệp hành Bồ tát đạo trong nhiều kiếp quá khứ, Đức Phật cũng từng xả bỏ từ tài sản, vợ con cho đến đầu mắt, tuỷ não, tay chân của mình để cứu độ chúng sinh thì làm người con Phật ai nỡ ăn thịt chúng sinh để tự vỗ béo thân mình!


Tóm lại, vì chúng sinh đi ngược lại với tinh thần Nhất chân pháp giới mà thác sinh vào sáu nẻo luân hồi, nếu ngộ được Nhất chân pháp giới thì dễ quay về với bản tâm, ngược lại, nếu một niệm điên đảo khởi lên, chấp thủ các giả tướng các pháp thì rơi vào mê vọng. Nếu tâm không chấp trước, tâm hành xứ diệt, nhìn nhận thật tướng các pháp là không thì lúc đó sẽ quay về nguồn gốc của chân tính. Chân tính là biển giác tròn đầy. Vì vậy, vô lượng vô biên chúng sinh và chư Phật, Bồ tát đều là Nhất chân pháp giới, bình đẳng vô sai biệt.


Chú thích:


1. Do ngài Cát Tạng ở chùa Diên Hưng đời Đường soạn.


2. Do Nhất Như đời Thanh soạn


3. Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Hạnh


4. Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyên.