Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả Tổng hợp ý kiến bạn đọc Phattuvietnam.net về Phật Đản DL 2011

Tổng hợp ý kiến bạn đọc Phattuvietnam.net về Phật Đản DL 2011

63

1)  Tuyệt đại đa số ý kiến bạn đọc Phattuvietnam.net hân hoan nhìn về Lễ Phật đản Dương lịch 2011 đang đến gần, trong sự chuyển động chung theo hướng ngày càng tích cực của Phật giáo Việt Nam.

Nhiều hình thức tổ chức mừng lễ đã được bạn đọc đề xuất theo tinh thần nội dung thông bạch số 062/TB – HĐTS của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “…quần chúng hóa Đại lễ Phật đản trong nhân gian”.

2)  Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cũng nêu lên một số băn khoăn, cũng như một số khó khăn.

Một trong những khó khăn được nêu ra về việc Phật tử giáo viên học sinh và cả phụ huynh học sinh có thể gặp khó khăn khi thời gian diễn ra lễ Phật đản cũng là thời gian diễn ra kỳ thi cuối năm.

Trở ngại này thật sự là không nhỏ vì tổng số học sinh con em gia đình Phật tử có số lượng đông đảo đến dường nào.

Dưới áp lực kỳ thi, nếu diễn ra trùng vào hoặc ngay sau Tuần lễ Phật đản, chắc chắn tính chất “quần chúng hóa” của ngày Lễ Phật đản theo thông tư chỉ đạo việc tổ chức của Hội đồng Trị sự bị giảm mạnh.

Nó gây ra tâm lý nặng nề không chỉ cho các em, mà còn cho cả gia đình, vì trước dù thế nào đi nữa, trước cái lo thi cử thì không ai có thể vui vẻ thoải mái đón lễ cho được.

Một bạn đọc có đưa tin vui là một cơ quan giáo dục địa phương đã điều chỉnh lịch thi. Và với lịch thi mới, thì ngày thi không trùng vào những ngày cao điểm của Phật đản.

Tuy nhiên, đây chỉ là một tin vui từ một địa phương. Không rõ sự việc liên hệ ở các địa phương khác trong cả nước có cùng được sáng sủa?

Lịch thi được sắp xếp tuy là có căn cứ vào thời gian khách quan, nhưng đồng thời phục thuộc vào cụ thể vào từng địa phương, và thực tế là vẫn có thể điều chỉnh trong một giới hạn nào đó, không phải là chuyện bất di bất dịch.

Trong tinh thần “quần chúng hóa” Lễ Phật đản theo sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, Phật tử chúng ta có thể kỳ vọng ở các vị lãnh đạo Phật giáo cấp cao nhất, với tiếng nói mạnh mẽ và vốn được kính trọng của quý ngài, có thể góp phần giải quyết mối ưu tư “đến hẹn lại lên” của đại đa số Phật tử, đặc biệt là các em, các cháu, sao cho niềm vui Khánh đản của giới trẻ Phật tử luôn được trọn vẹn.

Chúng tôi nghĩ rằng tổ chức lễ Phật đản hàng năm hoành tráng với đông đảo quần chúng tham dự không chỉ  là vì lợi ích của riêng Phật giáo, mà còn là vì lợi ích chung.

Do đó, trên cơ sở lợi ích chung mà giải quyết một cách triệt để vấn đề này, đều khắp ở mọi địa phương, thì khả năng giải quyết là ở trong tầm tay.

3)  Một số bạn đọc nêu ý kiến và bàn luận về địa điểm tổ chức lễ Phật đản tập trung.

Có ý kiến băn khoăn nhằm vào chỗ một số sân chùa, dù là chùa lớn, trụ sở giáo hội Tỉnh, Thành phố, vẫn là không xứng tầm với Đại lễ Phật đản.

Đặt vấn đề như thế là hết sức có trách nhiệm trước sự phát triển của đạo pháp.

Không phải chỉ riêng một sân chùa trụ sở Ban Trị sự một tỉnh nào đó ở miền Nam hay miền Bắc là không phù hợp với việc tổ chức Lễ Phật đản, mà có thể nói là diện tích hầu hết sân chùa trong cả nước đều sẽ không còn phù hợp để tổ chức Đại lễ Phật đản,  nếu thực hiện đúng và trọn vẹn tinh thần thông tư chỉ đạo dẫn trên của Hội đồng Trị sự.

Muốn “quần chúng hóa” thì tất nhiên phải tập hợp đông người. Mà làm sao tập hợp đông người theo chuẩn “quần chúng hóa” trong khuôn viên một ngôi chùa, thường rộng lắm chỉ vài ngàn mét vuông?

Trong dịp Phật đản vừa qua, Trung ương Giáo hội và Phật giáo Hà Nội đã có sự chuyển đổi quan trọng về địa điểm tổ chức Lễ Phật đản, từ khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam ở Sóc Sơn, về tại quảng trường Cung Hữu Nghị, trung tâm Hà Nội.

Đây là một trường hợp điển hình về việc đổi mới phương thức tổ chức Lễ Phật đản, từ hướng nội bộ sang hướng “quần chúng hóa”.

Bước chuyển dịch địa điểm tổ chức nói trên đã thể hiện tầm vóc mới của Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Hà Nội nói riêng, cả về mặt tầm nhìn và thực lực.

Hai lễ khai mạc Hội thảo Hoằng pháp tổ chức hết sức thành công tại 2 sân vận động trung tâm tỉnh Kiên Giang (20.000 người tham dự) và tỉnh Bình Dương (45.000 người tham dự) cũng là những bước tiến theo tinh thần nói trên.

Vậy, không vì lẽ gi mà Phật giáo các địa phương không vận động theo hướng phát triển “quần chúng hóa” đó.

Từ khi lễ Phật đản được tổ chức tập trung ở khắp các địa phương (tại miền Nam vào năm 1964), thì có lẽ, đến nay, dân số nước ta đã tăng gần gấp đôi.

Nhưng diện tích những sân chùa nơi diễn ra các cuộc lễ Phật đản tập trung vào là cố định.

Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là dân số gia tăng, số lượng Phật tử cũng theo đó mà gia tăng, mà điều quan trọng là những nhà lãnh đạo Phật giáo đã có sự phát triển vượt bậc về tầm nhìn.

Chủ trương “quần chúng hóa” đại lễ Phật đản của Hội đồng Trị sự đã nói lên rất rõ điều đó.

Quan điểm đạo Phật toàn dân do Thượng tọa Bảo Nghiêm cũng là một khía cạnh thể hiện cụ thể điều đó.

Quý tôn đức lãnh đạo Phật giáo tại các địa phương, tất nhiên, cũng không thể tách rời bước tiến quan trọng này của Phật giáo Việt Nam.

Vị trí mới của Đại lễ Phật giáo “quần chúng hóa”, với tư duy “Đạo Phật toàn dân”, “Hoằng pháp toàn diện” là các quảng trường, các sân vận động, như chúng ta đã thấy ở những cuộc mở đường ngoạn mục, chứ không thể dừng lại trong khuôn viên các ngôi chùa.

Yêu cầu tổ chức đại lễ Phật đản trên tinh thần mới, theo chủ trương “quần chúng hóa” của Trung ương giáo hội khiến cho việc không có những chuyển biến tích cực trong việc tổ chức lễ Phật Đản, mà trước hết là địa điểm phù hợp với số đông, sẽ trở thành sự việc ảnh hưởng đến diện mạo sinh hoạt Phật giáo của từng địa phương.

Ở một chừng mực nào đó, nó cũng nói lên năng lực, tầm nhìn của hàng lãnh đạo Phật giáo tại các địa phương. Không theo kịp bước tiến Trung ương thì tức là tụt hậu.

Nó cũng còn là thể diện Phật giáo tại địa phương đó so với các tôn giáo khác.

Cho đến bây giờ, việc Phật giáo các địa phương chọn địa điểm tổ chức đại lễ Phật đản năm nay tại các quảng trường, sân vận động vẫn còn kịp.

4)  Cá biệt, có ý kiến phản ánh việc treo cờ Phật giáo, băng rôn chào mừng đại lễ Phật đản ở một số ít địa phương có gặp khó khăn

Chúng tôi nghĩ rằng, nếu có, chỉ là trường hợp hết sức cá biệt, hiếm hoi và không khó giải quyết.

Có lẽ, không cần dùng văn bản để trao đổi ý kiến với nhau, dễ gây mích lòng.

Mà chỉ mong Hội đồng Trị sự Giáo hội, Ban Hoằng pháp, hoặc Ban Văn hóa tổ chức phát hành các áp phích cổ động các cỡ (từ nhỏ đến lớn) thể hiện hình ảnh cờ Phật giáo bay rợp các phố chính Hà Nội trong dịp Đại lễ Phật đản năm rồi cũng như các dịp lễ lạc Phật giáo khác trong năm, phổ biến đến các địa phương để căng, treo, dán,… ở các chùa.

Như thế thì mọi việc đã rõ ràng. Tại Thủ đô là như thế, thì tại các địa phương sao có thể khác?

Từ đây đến Đại lễ Phật đản vẫn còn thời gian đủ để các bạn đọc nêu ý kiến, chúng ta cùng bàn luận.

Phatttuvietnam.net mong nhận được nhiều ý kiến hơn nữa của bạn đọc về việc tổ chức lễ Phật đản, để chúng ta tiến đến một lễ hội Phật giáo toàn dân tưng bừng, hoan hỷ với tất cả mọi người.

MT