Trang chủ Tuổi trẻ Gia đình Phật tử Trại Lục hòa 2007: Sức sống màu lam nhìn từ phòng triển...

Trại Lục hòa 2007: Sức sống màu lam nhìn từ phòng triển lãm

233

Nhìn chung, khu triển lãm cũng đã toát lên phần nào sinh hoạt, “sức sống màu Lam” của đại Gia đình Phật tử (GĐPT) Việt Nam trong quá trình hình thành và phát triển hơn nửa thế kỷ qua.


Đến với “Sức sống Bà Rịa-Vũng Tàu”, khách tham quan sẽ được tiếp đón niềm nở của một em thiếu nữ và một chị Huynh trưởng giới thiệu về hai bức tranh đặc sắc: Bức tranh “Huy hiệu Hoa sen” và “Huynh đệ tỷ muội” làm bằng hai loại đậu quê hương. Đậu trắng làm nền hoa sen trắng và đậu xanh làm nền xanh. Đặc biệt là bức tranh nhan đề “Huynh đệ tỷ muội” với vật liệu là những hạt gạo, nếp và rêu màu xanh. Biết bao nhiêu ý nghĩa toát lên từ vật liệu và ý tưởng sáng tạo, từ gạo nếp, rong rêu đậm đà tình nghĩa đã làm thành năm đoá hoa sen tượng trưng cho “Ngũ đại đồng đường” của năm thế hệ các cấp huynh trưởng (Dũng, Tấn, Tín, Tập) và đoàn sinh.


Bước qua gian phòng trình bày “Sức sống Đồng Nai” chúng ta sẽ được nghe lời thuyết minh rất mặn mà, duyên dáng mạch lạc và trôi chảy của một em thiếu nữ về ngôi cổ tự Long Thiều (hơn 400 năm) – Di tích văn hoá và Tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng) làm từ vật liệu trái cây. Đặc biệt là lời thuyết minh giản dị và mộc mạc của một anh Huynh trưởng già về các vật dụng làm nền hạt gạo của người nông dân “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã giần sàng – Đất nước có từ ngày đó”. (Nguyễn Khoa Điềm). Rời nơi đây, khách đến với “Sức Sống Thành Phố Hồ Chí Minh”. Hai nét chủ đạo trong gian hàng triển lãm của đơn vị này là vừa cổ điển vừa hiện đại. Bên cạnh những bức mành thư pháp là những hiện vật thủ công mỹ nghệ. những bàn tay tài hoa đã làm nên những vòng vàng xuyến ngọc… bằng vật liệu gỗ, nhựa, len, trái cây rất “bắt mắt” khách thưởng lãm.


Sang “Sức sống Đắc Lắc” đập vào mắt người xem là Mụt măng vĩ đại nặng 15kg sản vật của đồng bào Tây Nguyên. Bên cạnh đó là những tác phẩm mỹ nghệ mang màu sắc rất riêng: Nhà sàn, tượng gỗ, các túi vải màu sắc sặc sỡ. Đây cũng là món hàng bán khá chạy cho người xem.


Vượt qua các gian hàng “Sức sống Kon Tum, Bình định, Bình Thuận” không rõ nét, chúng ta hãy dừng chân ở gian hàng “Sức sống Quảng ngãi”. Nét nổi bậc là mô hình chùa Thiên Ấn, Trại trường GĐPT Quảng Ngãi và hệ thống gút. Trại trường khá ấn tượng, còn mô hình gút được đính vào hệ thống cây, cành khá độc đáo.


Đến với “Sức sống Thành Phố Đà Nẵng”, ngoài những hiện vật bình thường, quen thuộc, người xem sẽ thú vị với hai bài hát của Huynh trưởng – Nhạc sỹ Trường Khánh mới sáng tác được viết bằng thư pháp “Bài ca Trại Họp bạn Lục Hoà” (8/2007) và bài “Chuông từ bi ngân nga”.


Chúng ta hãy đến với “Sức sống Quảng Trị”, cái gió Lào khắc nghiệt của vùng này không làm cho sức sống màu Lam ở đây nhợt nhoà mà ngược lại, thổi bùng lên ý chí, nghị lực của những “Hoa sen trong biển lửa” (Thiền Sư Nhất Hạnh). Bộ ảnh về các Trại Huấn luyện các cấp, các trại họp bạn đều được lưu giữ một cách có hệ thống. Những sản vật quê hương như chiếc thuyền, máy đạp nước bằng gỗ, nón lá, gàu sàng, cối xay… được thể hiện một cách cụ thể. Đặc biệt là có 2 bức tranh do một đoàn sinh vẽ. Ảnh Chị Hoàng Thị Kim Cúc – Nguyên Phó ban Hướng dẫn GĐPT Việt Nam và Chị nguyễn Thị Vân – thiếu nữ GĐPT Thành Nội tự thiêu trong mùa Pháp nạn 1966. Ngoài ra còn có 2 bức thêu chỉ trắng nền xanh 2 bài hát “Sen Trắng” và “Trầm Hương đốt” rất công phu, đẹp. Bài hát “Chí Hướng” cũng được khắc trên đá trắng. “Sức sống QT” vừa có chiều sâu vừa có chiều rộng.


Tiếp tục miền Trung với “Sức sống của Thừa Thiên -Huế’, người xem có lẽ dừng lại lâu hơn vì khoảng không gian và thời gian suy tưởng anh Nguyễn Hữu Hùng, người phụ trách gian hàng “Sức sống của đơn vị chúng tôi được thể hiện cho quá trình hình thành và phát triển của GĐPT Thừa thiên – Huế gắn liềng với các phong trào, các bước thăng trầm của lịch sử Phật giáo Huế nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung trong hơn 5 thập kỷ qua”. Từ những bức ảnh ngành Thiếu quyết tử trong phong trào đấu tranh các mùa Pháp nạn 1963 – 1966 đến các bức hoạ, điêu khắc gỗ của Thiếu Nam những năm 1956, 1970. Từ những tờ báo tập, báo viết tay của ngành thiếu, các gia đình An Lạc, Dương Biều, An Hoà, Tịnh Bình, Ba La Mật… những năm 50, 60, 70 thế kỷ trước đến những tập san đầu những năm đầu thế kỷ này.


Từ bức chân dung chị Nguyễn Thị Vân (thiếu nữ Thành Nội, Thánh tử đạo 1966) chị Hoàng Thị Kim Cúc – nguyên phó Trưởng ban hướng dẫn GHĐPT Việt Nam đến những bức tranh vẽ hình ảnh “Bỏ tất cả để được tất cả” (Thiếu niên Nguyễn Trọng vẽ năm 1964) đến bức điêu khắc ngành Thiếu lao động từ thiện xã hội. Tất cả những dòng chữ trong Nhật ký của Thiếu nam An Lạc, Dương Biều (1956) đều toát lên những suy nghĩ say sưa, gợi biết bao cảm xúc cho thế hệ hôm nay. Những ngày tháng hôm nay lại được tiếp tục ghi nhận. phản ánh qua hơn 50 tập tài liệu, ấn phẩm của GĐPT Thừa Thiên – Huế. Bên cạnh đó là một số công trình đề tài của các Huynh trưởng trẻ trong định hướng sinh hoạt cho ngành Thiếu trong tương lai (Tôn Thất Kỳ Văn – Cẩm nang xây dựng chương trình tu học, sinh hoạt ngành Thiếu.


Còn nhiều “Sức sống màu Lam” đáng nói nữa của các đơn vị tỉnh thành nhưng do “đất” của bản tin Nhật ký có hạn nên không thể trình bày thêm. Xin chân thành xin lỗi với các bạn


Chào thân ái, xiết tay nhau trong tình Lam “Lục Hoà”