Trang chủ Văn hóa Trầm Kim Hòa với tranh Thiền

Trầm Kim Hòa với tranh Thiền

69

Trầm Kim Hòa sinh tại Sài Gòn năm 1959 trong một gia đình người Hoa từ Vũ Hán di cư sang Việt Nam; đến năm 1984 ông sang Úc sinh sống, sáng tác và hiện định cư tại Melbourne. Trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây, Trầm Kim Hòa đắm mình vào dòng tranh Thiền, kết hợp với phong cách thủy mặc, đặc biệt là tranh vẽ bằng mực nho, không màu và nghệ thuật thư pháp Trung Hoa đã có từ nghìn năm trước.



Sinh, lão, bệnh, tử


Từ năm 1990, ông đã có nhiều triển lãm tranh và thư pháp tại Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Canada, Mỹ và các bang của nước Úc. Còn triển lãm “Bóng trăng” của ông, theo tiến sĩ Mae Anna Pang, nhà tuyển trạch về nghệ thuật châu Á cho Nhà trưng bày Victoria, là “một cuộc du hành vào sự khai giác tâm linh và khám phá nghệ thuật. Tranh và thư pháp của tác giả cho thấy sự minh triết, giản dị và hóm hỉnh của Thiền tông”.



Đạo


Sự xuất hiện của Thiền tông với tư cách một tông phái Phật giáo được ghi nhận lần đầu tiên tại Trung Quốc vào thế kỷ thứ VII và sau đó lan tỏa đến nhiều nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam với dòng thiền Trúc Lâm. Trong quá trình tu tập, các thiền sư đã mượn nghệ thuật để mô tả những chứng nghiệm tâm linh. Nhiều bộ môn nghệ thuật Thiền có xuất xứ từ Trung Hoa nhưng lại phát triển mạnh tại Nhật, chẳng hạn như kiến trúc, hội họa, trà đạo, thơ haiku, cắm hoa và ẩm thực.


Tranh Thiền đã xuất hiện ở Trung Hoa từ cuối đời nhà Đường và phát triển mạnh vào đời nhà Tống. Tranh Thiền được biết đến nhiều nhất là Thập mục ngưu đồ (tranh chăn trâu) với 10 bức, thể hiện các giai đoạn của việc tu tập Thiền. Song song với sự phát triển của hội họa Thiền thì thư pháp Thiền cũng ra đời và phát triển.


Trầm Kim Hòa cho biết: ý tưởng đến với tranh Thiền đã hình thành nơi ông từ năm 1986 và từ đó ông bắt đầu nghiên cứu về nghệ thuật hội họa Thiền tông. Trong quá trình đó ông không chỉ nghiên cứu triết học Thiền tông mà còn tu tập thiền; chính từ đó ông tìm được sự hài hòa giữa tu tập, thiền định với các kỹ thuật vẽ tranh Thiền, nhờ đó giúp ông tìm được một phong cách mới của tranh Thiền; chỉ dùng mực nho với những nét bút lông mạnh mẽ, đơn giản nhưng biểu đạt được nội tâm cũng như kinh nghiệm tu tập và sống với Thiền.