Trang chủ Văn hóa Trùng tu tôn tạo di tích Phật giáo đứng trước khó khăn

Trùng tu tôn tạo di tích Phật giáo đứng trước khó khăn

93

Cách đây hàng nghìn năm, Phật giáo đã được truyền bá vào nước ta, ngay từ những ngày đầu đạo Phật đã hoà mình với nền văn hoá tín ngưỡng bản địa để tạo nên một đạo Phật Việt Nam, hoà mình với dân tộc như là một tôn giáo của dân tộc với đặc điểm nổi bật nhất là hộ quốc an dân, đất nước thịnh vượng, đạo Phật được xiển dương, đất nước khó khăn, đạo Phật cùng chung vai gánh vác, trên tinh thần phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, đồng hành với đất nước với dân tộc, đặc biệt là các thời Đinh – Lê – Lý – Trần, Phật giáo được coi là quốc giáo, tư tưởng giáo lý đạo Phật được phát huy sâu rộng trong đời sống xã hội và có sự ảnh hưởng đến mọi tầng lớp nhân dân; nhiều chính sách khoan sức dân mang đậm nét của tư tưởng giáo lý Từ – Bi – Hỷ – Xả của đạo Phật được ban hành và thực thi; nhiều cơ sở chùa chiền được tạo dựng làm biểu tưởng cho văn hoá dân tộc, khuyến thiện lánh ác.

Đó cũng là lý do mà hàng nghìn cơ sở chùa tháp được triều đình, quan lại, dân chúng góp công, góp của, mua đất tạo dựng để cầu nguyện quốc thái dân an, Phật tử, nhân dân có nơi nương tựa, Tăng sĩ có nơi hoằng truyền Phật Pháp và duy trì mạng mach đạo pháp, bồi dưỡng văn hoá tâm linh từ thành thị đến chốn thôn quê, từ đồng bằng cho đến miền núi, coi việc xây chùa xây tháp là việc phúc, là gốc của giá trị đạo đức văn hoá, là nhân duyên để tác thành sự bền vững của quốc gia xã hội và mỗi gia đình.

Và có thể khẳng định chùa chiền Phật giáo là một trong cái nôi của nền văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có đoạn viết: “Văn hoá Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đầu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hoá Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”.

Với ý nghĩa đó, trong những năm qua các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu khảo cổ, lập hồ sơ đánh giá các di tích danh thắng và đã ra quyết định công nhận hàng nghìn chùa thờ Phật là di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật và di tích lịch sử cách mạng ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có hàng trăm di tích được xếp hạng đặc biệt, được Nhà nước quan tâm đầu tư ngân sách và nguồn tài chính công đức của thập phương để tôn tạo bảo vệ, tạo nên cảnh quan danh thắng cho đất nước như chùa Hương, chùa Yên Tử, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, v.v…

Tuy nhiên, sự đầu tư này cũng rất khiêm tốn so với con số hàng nghìn các di tích cần quan tâm đầu tư đã xuống cấp nghiêm trọng trong cả nước hiện nay.

Thực hiện chủ trương xã hội hoá trong quản lý và sử dụng di tích, nhiều địa phương đã làm tốt việc vận động, phối hợp các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử, nhân dân, doanh nghiệp phát tâm công đức hàng trăm tỷ đồng để tôn tạo hàng nghìn cơ sở thờ tự bị xuống cấp do bởi chiến tranh, thời tiết hoặc do thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến trước đây, song cũng còn nhiều cơ sở thờ tự mang dấu ấn quan trọng của lịch sử dân tộc mà nay chỉ còn là phế tích mà chưa có điều kiện khôi phục.

Dân ta thường nói: “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”, cách đây hàng nghìn năm, hầu hết mọi làng xã đều được Nhà nước cấp đất hoặc những gia đình có điều kiện mua đất xung công cho cộng đồng để dựng chùa thờ Phật, làm đình đền để thờ Thánh, làm nơi nương tựa tâm linh cho cộng đồng dân chúng.

Chính vì vậy, trật tự xây dựng trong làng xã được mọi thành viên rất chú trọng, nghiêm chỉnh chấp hành, lấy nóc đình, nóc chùa làm nóc nhà của làng, là trụ cột của xã tắc, nên mọi công trình của các hộ dân trong cộng đồng không được cao hơn. Như thế nó tạo nên một cảnh quan trật tự trang nghiêm, thống nhất trong quy hoạch xây dựng ở mỗi làng quê hay phố phường và quan sát ở mọi vị trí đều có thể nhìn thấy những nơi tôn nghiêm thờ Phật, Thánh, danh nhân văn hoá, lịch sử có công với nước.

Tuân thủ như vậy nó có ý nghĩa nhiều mặt không chỉ là văn hoá tâm linh mà còn là văn hoá dân trí quy hoạch của các nhà quy hoạch, quản lý thời đó cũng như dân trí cộng đồng dân cư.

Trước xu hướng phát triển của xã hội, tốc độ đô thị hoá nhanh, sâu và rộng, dân số ngày một gia tăng, qua đó đặt ra nhiều nhu cầu khác của đời sống cộng đồng xã hội. Nhiều vùng quê, phố phường thuần tuý trước đây, nay không còn điều kiện để thể hiện tính truyền thống là nơi “chôn nhau cắt rốn”, thay vào đó là sự cư trú của nhiều dân cư có xuất xứ từ nhiều vùng miền, gắn với những đặc điểm dân trí chênh lệch, nếp sống văn hoá bị xáo trộn.

Những trật tự về xây dựng, lối sống ứng xử “tối lửa tắt đèn có nhau” của cộng đồng làng xã, phố phường hầu hết không được đề cao, mà thay vào đó là cách ứng xử “đèn nhà ai nhà đó rạng” “đất của ai người đó làm” và Nhà nước thống nhất quản lý bằng những quy phạm pháp luật đương thời.

Vậy là hầu hết những cơ sở di tích thờ tự của cộng đồng dân cư như đình đền, chùa là biểu tượng văn hoá, thì nay đang có nguy cơ bị nhấn chìm bởi các toà nhà cao tầng của cá nhân và cơ quan mọc lên trong khu vực liền kề, thậm chí còn có nhiều cơ sở đang bị các hộ dân ở liền kề lấn chiếm, làm cho không gian của nơi thờ tự bị thu hẹp lại.

Như thế cảnh quan quy hoạch, trật tự xây dựng bị phá vỡ, những giá trị văn hoá dân tộc, tâm linh có nguy cơ bị mai một, không tạo nên điểm nhấn của văn hoá cộng đồng, tính trang nghiêm long trọng của nơi tôn quý không được đề cao.

Tình hình đó, một số cơ sở thờ tự đã bị biến dạng, không theo nguyên bản, tự lắp cho mình cái “phao” để nổi, kiểu chùa tầng được mọc lên và sử dụng bằng những vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống.

Bên cạnh đó, những chất liệu tạo dựng các cơ sở di tích cũng gặp phải những khó khăn. Trước đây hầu hết các di tích được sử dụng bằng những chất liệu xây dựng truyền thống như gỗ (đinh, lim, sến, táu). Việc sử dụng gỗ để xây dựng là đã tính đến điều kiện thời tiết nóng ẩm, tính truyền thống dân tộc và sức bền có tính ổn định tương đối lâu dài của công trình.

Song do sự huỷ hoại của chiến tranh, những cánh rừng có khả năng cung cấp gỗ quý để tôn tạo các di tích cũng không còn, cộng với sự khai thác thiếu ý thức của một bộ phận người dân đã làm cho tài nguyên rừng ngày một cạn kiệt, không có khả năng tái tạo, môi trường tự nhiên sinh thái đang đứng trước nguy cơ huỷ diệt và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người và sự bền vững của trái đất.

Trước những diễn biến phức tạp đó, cộng đồng thế giới cũng như chính phủ các quốc gia đều phải có những biện pháp tích cực và mạnh tay “đóng cửa rừng” để bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái.

Như thế việc tôn tạo trùng tu các di tích danh thắng sử dụng chất liệu gỗ truyền thống cũng hết sức khó khăn mà chủ yếu hiện nay là sử dụng gỗ nhập khẩu từ nước ngoài.

Thực tế đó đã đẩy giá thành đầu tư trùng tu di tích lên rất cao, trong khi đó điều kiện kinh tế xã hội của đất nước vẫn còn những khó khăn nhất định, đó cũng là nguyên do dẫn đến một bộ phận người dân bất chấp pháp luật tìm mọi cách để phá rừng lấy gỗ bán, làm giầu bất chính.

Xuất phát từ tình hình đó, vấn đề đặt ra đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hoá, xây dựng và tôn giáo, cũng như các nhà nghiên cứu quy hoạch, kiến trúc, tổ chức tôn giáo và các thành phần xã hội khác phải lựa chọn phương pháp tối ưu để giải quyết tốt nhất bài toán truyền thống và hiện đại trong quá trình tôn tạo trùng tu các di tích.

Vấn đề quan trọng là phải giải quyết được bài toán quy hoạch cảnh quan kiến trúc không gian văn hoá ở những khu vực di tích, thờ tự sao cho phù hợp và để làm được việc đó thì những quy phạm pháp luật của Nhà nước tham gia hỗ trợ trên phương diện quy hoạch như thế nào để việc thực thi có hiệu quả; tiếp thu những vật liệu mới để thay thế chất liệu truyền thống mà vẫn bảo đảm được những yêu cầu của mỗi di tích đặt ra; và phải đẩy mạnh chủ trương xã hội hoá di tích.

Kết thúc bài viết này, xin được trích một đoạn trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc: “Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống (bác học và dân gian), văn hoá cách mạng, bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể”.