Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay TT. Minh Hiền: Văn hóa nghệ thuật – phương tiện hoằng pháp...

TT. Minh Hiền: Văn hóa nghệ thuật – phương tiện hoằng pháp hữu hiệu

118

Nhân dịp xuân mới Quý Tỵ 2013, Tạp chí Chùa Hương đã có cuộc phỏng vấn Thượng Tọa Thích Minh Hiền – Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) về vấn đề này.

Chào mừng thành công Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ 7 vừa qua, đã có rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức. Xin Thượng tọa cho biết rõ hơn về các hoạt động này?

Vừa qua, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII diễn ra tại Hà Nội đã có trên 1.500 tăng ni, đại biểu về dự và thu hút sự quan tâm của Phật tử trên cả nước. Cùng với Bản tin nhanh hàng ngày được ra mắt dịp này, Đại hội có các chương trình hoạt động văn hóa thể hiện rõ tinh thần Phật giáo, với định hướng “ổn định, kế thừa và phát triển”. Đó chính là việc phát huy bản sắc văn hóa của Phật giáo Việt Nam, đưa nghệ thuật Phật giáo vào cuộc sống đúng với tinh thần “Phật hóa nhân gian” (đưa Đạo vào Đời), biểu hiện qua văn học nghệ thuật, thi ca, hội họa…

Cụ thể, đã có 2 cuộc triển lãm ảnh tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Triển lãm ảnh thứ nhất về hoạt động Phật sự của GHPG VN và Phật giáo các tỉnh thành trong những năm qua, tập hợp những bức ảnh được gửi tới từ 10 ban trực thuộc Trung ương và các Ban trị sự Phật giáo các tỉnh, thành trên toàn quốc. Bên cạnh đó là triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật PG mang tên “Chùa Việt”, trưng bày 108 tác phẩm của một số chư tăng và các nhiếp ảnh gia Phật tử.

Về biểu diễn nghệ thuật, đã có 3 chương trình âm nhạc. Vào đêm 21/11/2012, chương trình ca múa nhạc Phật giáo do Chùa Giác Ngộ ở TP HCM thực hiện, Thượng tọa Thích Nhật Từ đảm trách. Đêm 22/11/2012, chương trình ca nhạc Phật giáo mang tên Việt Nam Phật tâm ca do Ban văn hóa trung hóa trung ương GHPG và Ban Văn hóa Thành hội PG Hà Nội tổ chức cúng dàng, do tôi đảm trách. Đêm 23/11, chùa Hoằng Pháp (TP HCM) tổ chức chương trình văn nghệ âm nhạc tổng hợp mang tên “Trở về nguồn cội” để cúng dàng lên đại hội, do TT Thích  Chân Tính đảm trách và thực hiện. Đây là chương trình ca múa nhạc tạp kỹ rất phong phú đối với âm nhạc quần chúng Phật giáo, với các loại hình nghệ thuật âm nhạc giao duyên, tân nhạc, vọng cổ. 

Được biết, chương trình Việt Nam Phật tâm ca đã dể lại ấn tượng mạnh mẽ với các đại biểu tham dự đại hội cũng như đông đảo công chúng, Phật tử thủ đô. Xin Thượng tọa cho biết thêm về công tác chuẩn bị, tổ chức cho chương trình này?

Chương trình Việt Nam Phật tâm ca được tổng đạo diễn bởi Phật tử Việt Tú, đạo diễn âm nhạc do Phật tử Anh Quân và Phật tử Diệu Thiện đảm nhiệm, đây là những Phật tử nghệ sĩ âm nhạc, đã gắn bó với Phật giáo nhiều năm nay. Chương trình gồm 15 tác phẩm: 2 vở múa và 13 ca khúc. Trong đó, nhiều ca khúc quen thuộc, khán thính giả đã được nghe tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành: Hương sen màu nhiệm, Thế tôn ca, Lạy Phật con về, Sám hối mười phương… Đặc biệt, điểm nhấn của đêm ca nhạc là 2 nhạc phẩm mới vô cùng đặc sắc: Tiếng chuông trên đảo Trường SaViệt Nam Phật tâm ca đều do Phật tử Diệu Thiện – Cù Lê Duyên sáng tác.

Đặc biệt, Việt Nam Phật tâm ca với ca từ thuần túy Phật giáo, giai điệu hùng tráng, trang nghiêm, có thể nói đây là một bản đạo ca mang tính tầm cỡ của Phật giáo. Còn nhạc phẩm Tiếng chuông trên đảo Trường Sa với lời lẽ da diết, tình cảm, cũng chính là tiếng chuông làm thức tỉnh ý thức của con dân đất Việt về chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. Nhạc phẩm Tiếng chuông trên đảo Trường Sa đã được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Truyền hình Khánh Hòa và đã gửi tới thầy trụ trì ở chùa Trường Sa.

Thượng Tọa nhận định thế nào về hoạt động sáng tác nghệ thuật Phật giáo trong thời gian 5 năm qua?

Nhìn chung trong 5 năm vừa qua, những hoạt động văn hóa Phật giáo của Ban Văn hóa trung ương GHPG và ở các tỉnh thành rất phát triển, đặc biệt ở 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM. Hội họa, mỹ thuật Phật giáo đã phát triển rầm rộ từ xưa tới nay, như ở Huế, TP HCM có rất nhiều anh chị em họa sĩ Phật tử. Đặc biệt là Phật giáo Hà Nội có CLB Mặc Hương đã quy tụ được 15 họa sĩ Phật tử, tất cả đều tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Yết Kiêu. Với những tên tuổi như Phật tử Thành Chương, Phật tử Tâm Hiếu, Phật tử Pháp Lạc… chúng ta có thể thấy rằng phong trào văn hóa nghệ thuật PG trong 5 năm gần đây phát triển đồng bộ, theo đúng tinh thần “Hoằng pháp lợi sinh”, đem ánh sáng Phật Pháp vào cuộc sống.

Rất nhiều CLB âm nhạc Phật giáo ra đời và hoạt động dưới sự chỉ đạo của chư tăng trụ trì các chùa, như Thượng tọa Chân Tính, Thượng tọa Nhật Từ (ở TP HCM),  Thượng tọa Chân Quang (ở Vũng Tàu). Ở Hà Nội, CLB âm nhạc cũng đã tập hợp được một đội ngũ anh chị em nghệ sĩ Phật tử, đặc biệt những nghệ sĩ mới tham gia như Phật tử Diệu Thiện – Cù Lệ Duyên vừa là cán bộ lý luận âm nhạc Phật giáo, vừa sáng tác âm nhạc. Các chị là những là Phật tử thuần thành với nhiều album, nhiều đĩa CD chuyên về Phật giáo ra mắt trong 5 năm vừa qua, như “Hương Sơn ca 2”, “Hương Sơn ca 3”. Phật tử Anh Quân có những hòa âm phối khí, những sáng tác rất hiện đại – có thể nói đây là dòng tân nhạc Phật giáo trong thời hiện tại.

Thông qua sân khấu âm nhạc – phương tiện có thể là mới trong thời gian gần đây đối với hoằng pháp Phật giáo, khi đến với công chúng, những nhạc phẩm mới sáng tác và biểu diễn đều thuần túy Phật giáo, đầy ắp tư tưởng triết học của Phật giáo ở trong các nhạc phẩm, trong từng ca từ của các bài hát. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng, mình ăn cơm Phật, ở nhà Phật thì phải làm việc Phật. Lấy âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh là một trong những phương tiện hoằng pháp, tất cả đều mục đích đem ánh sáng Phật pháp đến với mọi tầng lớp quần chúng, từ giới tri thức đến những người lao động chân tay để mọi người cảm thụ rằng âm nhạc Phật giáo đã có, đang có, và sẽ phát triển theo đúng tinh thần hoằng pháp lợi sinh.

Trên tinh thần đó, chỉ riêng năm 2012 vừa qua đã có 6 chương trình âm nhạc Phật giáo được tổ chức tại các tỉnh thành. Khởi đầu là chương trình âm nhạc “Hương Sơn Ca” mừng Khánh Đản Bồ Tát Quan Thế Âm tại Thiên Trù (Hương Tích, Mỹ Đức, Hà Nội) ngày 19/2 năm Nhâm Thìn tức ngày 10/3/2012; Kế đó là chương trình ca múa nhạc Hương sen màu nhiệm mừng Phật đản, tổ chức tại thành phố Huế ngày 12/4 (tức 2/5/2012); chương trình ca múa nhạc mừng Phật đản tổ chức tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) ngày 14/4 (tức 4/5/2012); chương trình ca nhạc Phật tâm ca tổ chức tại thành phố Vinh (Nghệ An) tối 2/7 (tức 18/8/2012). Rồi đến Chương trình ca múa nhạc Việt Nam Phật tâm ca chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VII, tổ chức tại Cung Hữu nghị Hà Nội ngày 22/11/2012. Và cuối cùng là chương trình ca múa nhạc Tâm hướng đài sen ngày 2/12/2012 thành phố Việt Trì (Phú Thọ) do các Phật tử chùa Hương thực hiện dưới sự chủ trì của tôi.

Có thể nói, trong thời gian gần đây, GHPGVN đã chú trọng đến việc gợi mở, bồi dưỡng, định hướng kiến thức Phật giáo cho thanh thiếu niên. Xin Thượng tọa cho biết thêm về vấn đề này.

Việc bồi dưỡng niềm tin trong giới trẻ, hướng các em đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ là vấn đề đang được GHPGVN rất quan tâm. Trong những năm gần đây, tháng nào chúng tôi cũng tổ chức sinh hoạt văn hóa cho thanh niên, sinh viên Phật tử. Tại địa phương, chúng tôi đã tổ chức lễ hội Đức Quan Âm trong 3 ngày (dịp 19/6 âm lịch, trại hè Hương Sen Đại bi), để các cháu học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở trong huyện về dự. Mục đích của chương trình là tạo không gian văn hóa tu học cho các cháu học sinh, sinh viên Phật tử của các chùa trong vùng, với tôn chỉ Từ bi, Trí tuệ, Giải thoát, Tín tâm, Dũng mãnh và Tinh tiến. Tại đây, các em được nghe giảng giáo lý, trau dồi kiến thức, tham gia vào các trò chơi và hoạt động tập thể… Thông qua đó, hướng các em tới nếp sống Chân – Thiện – Mỹ, đặc biệt là Hạnh hiếu, biết tri ân và báo ân tới mọi người trong gia đình, ông bà, cha mẹ, thầy cô và người xung quanh. 

Xin cảm ơn Thượng Tọa!   

Theo Tạp chí “Chùa Hương” Xuân Quý Tỵ