Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Tư liệu lịch sử về nguy cơ từ những vùng đã cải...

Tư liệu lịch sử về nguy cơ từ những vùng đã cải đạo trắng tín đồ Phật giáo

253

Hình ảnh tư liệu về các đội dân quân Thiên Chúa giáo đã được chiếu lại. Và nay họ là những đơn vị thuộc quân đội quốc gia mới Nam Sudan.
 
Nam Sudan đã là một trong những ví dụ về nguy cơ chia cắt các quốc gia vì lý do tôn giáo mà chúng tôi đã có dịp trình bày trước đây. Hình thức dân quân dễ hình thành trong những vùng biệt lập, hoặc ốc đảo của một số tôn giáo, và diễn biến này vẫn đang tiếp tục ở một số nước trên thế giới.
 
Tại Việt Nam, những đợt cao điểm cải đạo trắng đối với tín đồ Phật giáo cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã dẫn đến việc hình thành các ốc đảo các tôn giáo mới du nhập, hoặc mới hình thành, ở cả vùng đồng bằng Bắc Bộ lẫn Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
 
Tuy nhiên, lực lượng dân quân U.M.D.C. trong tư liệu lịch sử được giới thiệu dưới đây ít được biết đến.
 
Hồi còn nhỏ, tôi có được nghe một vài lời kể về lực lượng dân quân này, gọi là “quân đức mẹ”. Những lời kể lại đều giống nhau ở chỗ, đây là một đội dân quân cải đạo bằng bạo lực. Trước những cuộc hành quân càn quét rất ác liệt của lực lượng dân quân này, người dân ở nhiều vùng đất ở tỉnh Bến Tre và Nam Bộ bị coi là cộng sản, bị đàn áp khốc liệt.
 
Muốn yên ổn, người dân phải theo học đạo Thiên Chúa La Mã rồi trở thành con chiên sẽ được bảo vệ, hoặc phải tản cư đi nơi khác, trong đó, một số lớn người dân phải bỏ nhà cửa ruộng vườn để lánh tạm vào các thành phố, không thuộc quyền kiểm soát của của lực lượng dân quân này.
 
Dù do Pháp kiểm soát, ở những thành thị Nam Bộ không có việc cải đạo bằng những trận càn quét đẫm máu.
 
Việc lực lượng dân quân U.M.D.C. rất ít được nhắc đến trong các tài liệu lịch sử cũng như các truyện ký lịch sử, dù hoạt động của nó không phải là không có ảnh hưởng, có thể có nhiều lý do, mà trong đó có thể vì nó đã bị giải tán vào năm 1952 từ các nguyên nhân nội bộ.
 
Việc này đã khiến đến năm 1955, U.M.D.C. không có mặt trong số những lực lượng dân quân hoạt động chính trị lúc đó ở miền Nam, gây nên những cuộc va chạm, giao tranh đẫm máu với chính quyền Ngô Đình Diệm.
 
Tài liệu được giới thiệu dưới đây được trích từ sách “Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn hình thành 1946 – 1955” do “Phòng 5 Bộ Tổng Tham mưu (khối Quân sử)” quân đội chính quyền Sài Gòn thực hiện, với ghi chú về người sưu khảo và biên soạn là Trung tá Lê Văn Dương, phụ biên là Thiếu úy Tôn Tích Đức (cấp bậc trong đơn vị nói trên của quân đội Sài Gòn).
 
Sách ấn hành năm 1972, đơn vị xuất bản được hiểu là đơn vị tổ chức thực hiện công trình nghiên cứu, kiêm nhiệm cả công việc in ấn và phổ biến. Dạng tài liệu này không bán rộng rãi, chỉ lưu hành trong nội bộ sĩ quan quân đội Sài Gòn và thường chỉ phổ biến đến lãnh đạo cấp tiểu đoàn.
 
Đoạn tư liệu lịch sử được trích từ công trình nói trên nằm ở các trang từ trang 274 đến hết trang 276. Trong phần trích dẫn có 3 tấm ảnh không được giới thiệu đến bạn đọc vì lý do tài liệu gốc quá cũ, nên ảnh sao chụp không bảo đảm chất lượng tối thiểu.
 
Chú thích lần lượt của ba bức ảnh nói trên như sau:
 
         Một đơn vị U.M.D.C.”
 
         “Le Roy” (tức chỉ huy U.M.D.C. – người trích dẫn tài liệu chú thích thêm).
 
         “Le Roy nói chuyện với các bà phước trong khi đi hoạt động”.
 
Mục tiêu của việc giới thiệu tư liệu lịch sử này là bổ sung tư liệu cho quan điểm của chúng tôi về nguy cơ chia rẽ đất nước như đã trình bày trước đây và lặp lại phần nào ở trên.
 
Dưới đây là phần trích dẫn tư liệu.
 
“3. PHỤ LỰC QUÂN U.M.D.C.
 
Lực lượng U.M.D.C. được Pháp liệt vào loại phụ lực quân.
 
Danh từ U.M.D.C. là do chữ viết tắt của tiếng Pháp “Unités mobiles de défense de la chrétiente’”, tạm dịch là các đơn vị lưu động bảo vệ Thiên chúa giáo. Cũng danh từ này, còn được phiên âm “Union des milices pour la défense des chrétientés” tạm dịch là “hội của những dân quân bảo vệ Thiên chúa giáo”.
 
Cả hai danh từ đều cùng chung một ý nghĩa, tuy nhiên, cũng có đôi phần khác biệt: – danh từ “các đơn vị lưu động bảo vệ Thiên Chúa giáo” chỉ có tính cách chỉ định sự chiến đấu của các đơn vị có chiến binh nồng cốt Thiên chúa giáo chống cộng – còn danh từ “hội của những dân quân bảo vệ Thiên chúa giáo”, có ý nghĩa rộng rãi hơn, ngầm nói lên tham vọng của người chủ trương muốn gây nên một phong trào to tát và có ý thức chính trị.
 
Người chủ trương này là một Pháp lai tên Jean le Roy. Le Roy muốn khoác cho tập đoàn chiến sĩ của y danh nghĩa một lực lượng tôn giáo chống cộng. Nhưng ở đây ta cũng cần khẳng định ngay, lực lượng này không thể ví được với các lực lượng giáo phái khác, vì nguồn gốc của phong trào U.M.D.C. không phải từ nhân dân phát sinh ra, mà chỉ là sản phẩm bắt nguồn từ một chủ trương của người Pháp.
 
Đối với phong trào U.M.D.C. người dân hồi ấy thường gọi là “đoàn quân Thiên chúa giáo của Le Roy”.
 
Lực lượng U.M.D.C. phát xuất từ tháng 7-1947 tại làng công giáo Bình Đại. Ban đầu, ba biệt kích đội gồm toàn thanh niên công giáo được thành lập để thực hiện những cuộc bình định trắc nghiệm. Tới cuối năm, thấy có kết quả, người Pháp tiến tới việc thành lập thêm mười biệt kích đội khác.
 
Những đơn vị này bắt đầu được mang danh nghĩa của đoàn quân Thiên chúa giáo chống cộng. Công trình xây đắp lên lực lượng này là do Le Roy. Địa bàn hoạt động mạnh nhất của lực lượng là tỉnh Bến Tre, rồi tới Gò Công sau lan rộng tới Biên Hòa, Sóc Trăng, Vĩnh Long, và Sa-đéc v.v…
 
Các đoàn quân này tổ chức ở cấp đại đội. Mỗi đại đội chỉ có 60 người và do một sĩ quan U.M.D.C. chỉ huy. Mỗi đại đội được mang một danh số riêng và được trang bị toàn vũ khí nhẹ. Các đoàn quân này có cả quân kỳ mang theo một hàng chữ “     FRO DEO ET PATRIA” nghĩa là “Vì chúa và tổ quốc”.
 
Tất cả những đại đội U.M.D.C. đều được tổ chức tại những nơi nào có sự tập trung đông đảo của người Công giáo. Rồi từ những nơi này, các đại đội U.M.D.C. có thể hoạt động sang những khu vực khác, thường thường hay hoạt động ban đêm, nhằm tiêu diệt các cơ sở hạ tầng đối phương đã được điểm chỉ.
 
Bộ chỉ huy của lực lượng U.M.D.C. đóng tại tỉnh lỵ Bến Tre, nơi mà Le Roy làm tiểu khu trưởng và kiêm nhiệm tỉnh trưởng. Các đơn vị U.M.D.C. được chính thức chuyển sang quân đội quốc gia kể từ 1 – 12 – 1952 nghĩa là sau khi có Bộ Tổng Tham mưu. Các đơn vị này được chuyển biến thành những đại đội nhẹ phụ lực quân.
 
Le Roy đã áp dụng một chính sách bình định hết sức cứng rắn, hành động với phương châm “bàn tay sắt bàn tay nhung”. Le Roy đã chẳng gớm tay thi hành những sự giết chóc tàn bạo, chẳng cần cân nhắc đâu là bạn đâu là thù. Nơi nào có hoạt động lét lút của Việt Minh hay xảy ra những vụ khủng bố, ám sát thì địa phương này bị trả thù ngay tức khắc, trong đó có cả dân chúng phải chịu.
 
Tuy nhiên, cũng phải công nhận, Le Roy có nhiều sáng kiến đối với việc bình định, tỷ dụ như việc cho tập trung cả quyền hành chính và quân sự vào một cấp chỉ huy để được thống nhất chỉ huy, hầu giúp cho công cuộc bình định được xúc tiến một cách nhanh chóng và hiệu quả.
 
Qua những phương pháp làm việc chặt chẽ, cộng với một biện pháp thi hành tàn bạo, Le Roy đã tạm thời vãn hồi an ninh những khu vực trách nhiệm (4), sự kiện này đã tạo cho y được một sự tín nhiệm để từ cấp thiếu úy năm 1947 được thăng tới cấp đại tá năm 1952, được giao liên tiếp các trách vụ bình định tỉnh Kiến Hòa rồi tới cả miền Hậu Giang. Y cho đó là một thành công lớn nên đã viết cuốn sách “un home dans la riziére” (một người trong đồng ruộng) để tự giới thiệu những kinh nghiệm bản thân, qua công tác bình định và chiến đấu chống cộng.
 
Đương sự là một tên đại thực dân, luôn luôn nuôi dưỡng ý hướng khuynh đảo chính quyền quốc gia để biến thành tay sai của Pháp. Mưu đồ chính trị của đương sự đã bị đổ vỡ theo những ngày tàn của thực dân Pháp. Ta thử tìm hiểu con người này, đi sâu vào cuộc đời chính trị của y đã có một thời gian gắn liền với đất nước chúng ta.
 
Jean Léon Le Roy sinh ngày 25-12-1920 tại Bình Đại, tỉnh Mỹ Tho, con của René Théophile, cựu binh sĩ thuộc địa và Võ Thị Cảnh người Gò Công.
 
Le Roy học tại trường Taberd Saigon, năm 1935 chuyển sang học trường Chasse – loup Laubat cho tới năm 1938 thì bị gọi nhập ngũ. Đương sự được theo học trường sĩ quan trừ bị Tông (Bắc Việt) và mãn khóa được mang cấp bậc chuẩn úy vào năm 1940. Kế đó được bổ nhậm vào Trung đoàn thuộc địa số 9 trấn đóng ở vùng biên thùy Lạng Sơn và Cao Bằng.
 
Tiếp đến đương sự được bổ nhậm vao ngành vệ binh Đông Dương với chức vụ Phó thanh tra. Le Roy phải sang chiến đấu tại măt trận Siem Reap và Stung Streng, mặt trận đã xảy ra giữa Pháp và Xiêm La năm 1941.
 
Sau đó, lại được đổi ra Bắc vào năm 1942 và giữ chức vụ đại lý hành chánh Pho Ba Chi thuộc tỉnh Quảng Yên.
 
Tới năm 1943, lại được gọi về quân ngũ, đương sự phụ trách huấn luyện tân binh cho Trung đoàn thuộc số 11 tại Long Thành rồi được bổ nhậm vào một tiểu đoàn chiến đấu.
 
Sau vụ đảo chính 9/3/1945, không chịu đầu hàng, Le Roy cùng một số đơn vị vào bưng, rồi bị bắt làm tù binh. Nhật giam ở Saigon.
 
Khi quân Pháp tới tái chiếm, Le Roy được thăng thiếu úy trù bị và là người đầu tiên tổ chức một toán phụ lực quân để tham gia vào việc chiếm đóng các tỉnh Mỹ Tho, các quận Hóc Môn, Bình Thủy, Cái Vồn và Phụng Hiệp v.v…
 
Tháng 2/1947, Le Roy chiếm cù lao An Hóa và được cử làm đại lý hành chánh tại đây. Y đã tổ chức việc phòng thủ đảo này kể từ tháng 7/1947 và thành lập những đơn vị đầu tiên của đoàn quân Thiên chúa giáo.
 
Tháng 12/1949, y tiếp nhận chức vụ chỉ huy trưởng quân sự và dân sự tiểu khu và tỉnh trưởng Bến Tre.
 
Tháng 12/1952, y tiếp nhận chức vụ chỉ huy trưởng phân khu các tỉnh cũ miền Tiền Giang cho tới ngày 10/4/1953 thì rời khỏi chức vụ này để về Pháp.
 
Việc rời khỏi chức vụ này xảy ra do một sự bất kính của y đối với một giới chức cao cấp của Việt Nam kinh lý khi tới tỉnh lỵ Kiến Hòa. Thái độ bất kính này đã được công khai hóa trong buổi họp từ biệt các thuộc cấp gồm có các sĩ quan U.M.D.C. Trong buổi họp này, Le Roy đã tuyên bố y không biết đến thẩm quyền của quốc trưởng Bảo Đại cũng như của Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm và nhắn nhủ các thuộc cấp cứ tự tiện hành động một khi y đã về Pháp.
 
Bất chợt, vào đầu năm 1955, y trở lại Việt Nam khi có những sự rắc rối giữa chính phủ và các phe phái đối lập.
 
Sự hiện diện của Le Roy là một bằng cớ có thể chứng minh chính phủ Pháp muốn khuynh loát chính phủ Ngô Đình Diệm, để thiết lập một chính phủ thân Pháp.
 
Khi từ Pháp trở lại Việt Nam, Le Roy ngụ tại số 56/1 đường Eparges và bí mật tái lập đạo quân U.M.D.C. Y đã thu thập được một số quân, đa số là cựu binh sĩ của Trung đoàn Lê dương thuộc địa số một tại Mỹ Tho, chừng một đại đội, cho đóng tại khu rừng Võ Đắc tỉnh Biên Hòa, giao quyền chỉ huy cho đại úy U.M.D.C. Nguyễn Văn Nam.
 
Lương bổng của đám quân này chia làm ba loại: Loại 1.000đ, 1.500đ, 2.000đ tùy theo thâm niên của mỗi người trong hàng ngũ.
 
Để giữ kín công cuộc hoạt động của mình Le Roy có những bộ hạ cử đi các tỉnh mộ quân, phao tin là lấy người để khai phá rừng Võ Đắc, hoặc ra Vũng Tàu bổ sung nhân công cho những tàu đánh cá của y hiện giao cho viên cựu đại úy Samarcelli chỉ huy.
 
Trong số bộ hạ này có những sĩ quan lai Pháp như chuẩn úy Ibrahim, trung úy Vileo đang phục vụ trong quân đội Pháp và một số người ở rải rác các nơi đã tích cực tuyên tuyền để tổ chức đạo quân này. Những người này đa số là Pháp lai và những cựu quân nhân trong quân đội U.M.D.C. cũ.
 
Sau ngày Bình Xuyên thất bại tại đô thành, mặt trận U.M.D.C. bị thất thế. Loạn quân U.M.D.C. tại rừng Võ Đắc bị quân chính phủ ruồng bỏ và cuối cùng đã phải ra đầu hàng. Dư đảng Le Roy tan rã. Cuối cùng y trở về Pháp và từ đó phong trào U.M.D.C. bị chìm dần vào quên lãng.
 
Tóm lại sự hoạt động của lực lượng U.M.D.C được chia làm ba thời kỳ:
 
Thời kỳ đầu là lúc các đơn vị U.M.D.C. được hình thành, hoạt động trong các làng mạc đồng ruộng. Những đơn vị này được coi như những đơn vị phụ lực quân của Pháp, hưởng lương bổng theo quy chế của phụ lực quân.
 
Thời kỳ thứ hai là lúc các đơn vị U.M.D.C. giải chuyển sang quân đội quốc gia cuối năm 1952. Một số cán bộ U.M.D.C. được xuất ngũ trở về đời sống dân sự.
 
Thời kỳ thứ ba là lúc Le Roy trở lại muốn tái lập mặt trận U.M.D.C. để làm hậu thuẫn cho Pháp khuynh loát chính phủ Ngô Đình Diệm, nhưng ý đồ này thất bại. Bởi có phong trào U.M.D.C. mà chính phủ Ngô Đình Diệm rất ghét những phần tử lai Pháp. Còn các phần tử này, thấy hết bề làm ăn tại Việt Nam, cũng có ý muốn được trở về Pháp. Chính phủ Pháp phải giải quyết vấn đề này bằng cách giúp đỡ, tập trung họ vào khu trại Lyautey Saigon để dần dần đưa về Pháp.
——————————————————-
 
(4) Tình hình những khu vực này chỉ lắng dịu một thời gian để tránh các hành động khát máu của Le Roy, tới năm 1960 hoạt động của Việt Minh lại rất tích cực ở tỉnh Kiến Hòa” [chú thích trong sách].
 
Như vậy, bình luận về U.M.D.C và  kẻ cầm đầu lực lượng này, được viết bởi một trung tá chuyên gia quân sử của quân đội Sài Gòn, với thái độ như chúng ta đã thấy từ tư liệu, tự nó sẽ thể hiện tính khả tín của tư liệu. Dưới cái nhìn của một nhà viết sử của quân đội Sài Gòn, U.M.D.C. còn được miêu tả đến mức “khát máu” như thế, thì có thể, trong thực tế, mức độ của tính chất “khát máu” đó của Le Roy và U.M.D.C. chắc chắn còn hơn rất nhiều lần.
 
Điều cần chú ý là tính chất ly khai cực đoan của đội quân Thiên chúa giáo này. Nó đối kháng không chỉ với lực lượng Việt Minh mà là tất cả chính quyền do người Việt Nam đứng đầu, mà như đã kể có chính quyền Bảo Đại, Nguyễn Văn Tâm, Ngô Đình Diệm.
 
Từ “tổ quốc” trong khẩu hiệu quân kỳ “Vì chúa và tổ quốc” chỉ nước Pháp, và chúa được đặt trên cả tổ quốc Pháp của họ trong các hoạt động quân sự.
MT