Trang chủ Văn hóa Giới thiệu sách Văn hóa PGVN với chuyên đề "Vượt lên nỗi sợ"

Văn hóa PGVN với chuyên đề "Vượt lên nỗi sợ"

119

“Người ta bảo con thuyền chắc chắn là con thuyền dám tiến xa bờ và người can đảm sẽ là người đi xa hơn trên con đường truy tìm chân lý. Trong nhiều tình huống, nỗi sợ hãi của con người giống nhau, nhưng cách đối mặt và giải quyết lại có những khác biệt. Sự khác biệt ấy không chỉ do nền văn hoá tạo ra, mà còn là chiều sâu nhân cách khi những trải nghiệm sống và sự tự chủ của ý thức đã được tô bồi bởi lòng từ bi cao cả. Không có nỗi sợ hãi nào bằng nỗi sợ hãi khi phải sống trong một xã hội mà con người thiếu lòng từ bi, khoan dung đối với nhau.

Bà Aung San Suu Kyi người Myanmar gần đây được thế giới nhắc đến như một con người đã chinh phục mọi thự thách khắc nghiệt bằng sức mạnh nội tâm. Sức mạnh của lòng từ, sức mạnh của Phật pháp đã giúp bà tìm thấy tự do thật sự. Vượt lên nỗi sợ, không chỉ để bỏ qua một điều gì đó khủng khiếp mà còn tôi luyện và thử sức trước những nghịch cảnh đến từ ngoại giới và nội tâm. Bà Aung San Suu Kyi trở thành “người đàn bà không biết sợ” khi dành tình yêu mãnh liệt cho dân tộc của mình bằng việc nói lên sự thật của tâm tư, của thân phận con người.

Bà Aung San Suu Kyi nói: “Căm thù và sợ hãi luôn luôn đi chung với nhau. Tôi không có căm thù thì tôi không có sợ hãi. Tôi chưa biết căm thù là gì, vì cha mẹ tôi chưa bao giờ dậy tôi điều đó. Nếu tôi bắt đầu căm thù những người đã giam cầm tôi, thì tôi đã tự mang đến thất bại cho chính mình”.

Chọn lựa chuyên đề “Vượt lên nỗi sợ” để giới thiệu đến độc giả, VHPGVN không mong muốn gì hơn là được chỉ ra những giá trị trung đạo trong đời sống ứng xử của người Phật tử. Chắc chắn những ví dụ làm sáng tỏ được đặt trong hoàn cảnh cụ thể mà thực tiễn đòi hỏi phải có những nhân cách vượt lên và vượt qua hết thảy bạo lực gây ghê gớm và những mất mát trầm trọng về tự do.

Vượt lên nỗi sợ là vượt lên mọi trạng huống của vô thường để tìm đến các giá trị đích thực của chân lý. Karl Marx từng nói: “Sự thật là tiêu chuẩn của chân lý”. Sự thật có nhiều giằng xé, nhưng luôn thúc bách những đam mê tự do… Không có sự thật nào hơn trước sự thật đạo Phật đã, đang và sẽ là một tôn giáo của từ bi và hòa bình. Không có mối đe dọa nào trong quá trình xây dựng đời sống văn hoá, xã hội, chính trị… ở một dân tộc thấm nhuần tính Phật.

Văn hoá của một dân tộc là đạo lý ứng xử dẫn dắt dân tộc ấy đi lên. Chắc chắn trong quá trình hội nhập văn hoá, việc xác định một giá trị nguyên vẹn mang tính hồn cốt đòi hỏi cái nhìn tỉnh táo, không bị chi phối bởi định kiến về ý thức hệ tư tưởng. Có một đặc điểm chung nơi các quốc gia chịu ảnh hưởng của Phật giáo, đó là khả năng tạo ra một nền hoá tự chủ khôn ngoan trước những hiểm họa nội chiến, ngoại xâm. Dù gặp không ít những thách thức, nhưng đạo Phật đã tạo ra một truyền thống cao đẹp trong việc chính hoá nhân tâm. Để rồi, những nhân tâm ấy bừng sáng, phục vụ dân tộc của mình bằng chính tình yêu và lòng từ bi, khoan dung mang đậm chất Phật ấy.

“Người đàn bà không biết sợ” có thể giúp chúng ta nhìn thẳng vào nỗi sợ của chính mình?”