Trang chủ Tin tức Vĩnh Phúc: Đại lễ đặt đá khởi công xây dựng Tịnh viện...

Vĩnh Phúc: Đại lễ đặt đá khởi công xây dựng Tịnh viện Vân Sơn Tam Đảo – Tu viện Tịnh Độ tông đầu tiên ở Việt Nam

291

Đại đức Thích Thanh Phương – Viện chủ Tịnh viện Vân Sơn đảm đương chủ trì hưng công xây dựng Tịnh viện.


Chứng minh và tham dự Đại lễ có Đại trưởng lão Hoà Thượng Thích Thanh Bích – Thành viên HĐCM TWGHPGVN, nguyên Trưởng BTSPG tỉnh Hà Tây, nguyên Viện chủ Tổ đình Đại Dương Sùng Phúc – Gia Lâm – Hà Nội – chốn Tổ phát tích của chư Tăng Tịnh viện Vân Sơn; chư Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức: Thích Mật Trọng, Thích Thanh Thế, Thích Tâm Hỉ, Thích Thiện Tri, Thích Thanh Vân, Thích Chân Tính, Thích Giác Minh, Thích Thanh Lâm, Thích Thanh Vượng, Thích Tỉnh Thuần, Thích Kiến Nguyệt cùng các vị lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Tam Đảo, vườn Quốc gia Tam Đảo, xã Hồ Sơn và gần một trăm chư Tôn Đức Tăng Ni đến từ nhiều nơi trong nước cùng 1.500 Phật tử cùng vân tập câu hội.


Ngay từ 8 giờ sáng, đại chúng Phật tử đã tề tựu trang nghiêm tại quảng trường trung tâm nghe Thượng toạ Thích Chân Tính đến từ chùa Hoằng Pháp thuyết giảng về giáo môn niệm Phật và công hạnh của các vị hộ trì Tam Bảo.


Đúng 9h30 sáng, trong không gian mù mịt mây khói, như huyễn như mơ, sau thời khoá lễ Phật, tuyên bố nguyên do câu hội, giới thiệu đại biểu, tuyên đọc các văn bản pháp quy, Đại đức Thích Thanh Phương tuyên đọc diễn văn Đại lễ đặt đá khởi công xây dựng Tịnh viện Vân Sơn Tam Đảo – Tu viện Tịnh Độ tông đầu tiên ở Việt Nam.


Trong diễn văn có đoạn: “Việt Nam là một trong số các quốc gia được Đạo Phật truyền đến sớm nhất – đã hơn 2.000 năm nay, có số lượng người theo Đạo rất đông đảo, trừ những đồng bào theo các tôn giáo khác và chưa có tôn giáo, còn lại là theo đạo Phật, ước chừng có hơn 80% dân số. Có nhiều Tông phái của đạo Phật được truyền đến nước ta, trong đó tiêu biểu hơn cả là Pháp môn Niệm Phật A Di Đà – Tịnh độ tông, Thiền tông mà Mật tông; mà đông đảo nhất, phổ biến nhất, gần gũi nhất là Pháp môn Niệm Phật; có lẽ không có ai là không thuộc lòng câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.


Danh sơn Tam Đảo là nơi phát tích của đạo Phật nước ta. Đây là nơi dừng chân truyền đạo đầu tiên của phái đoàn truyền giáo đến từ đất Phật thời vua A Dục – thế kỷ III trước công nguyên, với dấu tích chùa Địa Ngục – thành Nê – lê nổi tiếng trong lịch sử. Đây là nội hội tụ khí thiêng của giang sơn, của lịch sử dân tộc.


Nơi đây trong lịch sử đã được Tổ tiên ta tô thắm, chấn giữ bởi biết bao danh lam cổ tự. Chùa Vân tự – Tam Đảo chắc hẳn là một trong số đó.


Và rồi, trải qua thăng trầm của lịch sử, vô thường của thời gian, các danh lam cổ tự bị tàn phá, huỷ hoại chỉ còn là phế tích. Chùa Vân tự là một trong số đó.


Gần đây, xung quanh đỉnh thiêng Tam Đảo, vì một lẽ bất diệt trường tồn của Đạo Pháp, chùa chiền, tự viện lại được phục hồi. Thiền tông đã kiến tạo các thiền viện uy nghi sừng sững; Mật tông đang kiến tạo các chùa cốc rộng rãi khang trang, chỉ còn thiếu có pháp môn Niệm Phật A Di Đà là chưa được hiển phát. Nếu được hiển phát thì thật là đầy đủ, tố hảo hoàn toàn.


Chúng tôi nhận gánh vác trách nhiệm trụ trì chùa Vân (một nơi danh lam mà hiện còn đang là một phế tích, “có tên mà chưa có chùa”), phát Đại nguyện, mong mỏi xây dựng nơi đây trở thành một Đại danh lam – Tịnh viện Vân Sơn Tam Đảo uy nghi, bề thế, thanh tịnh, trang nghiêm để hoằng dương pháp môn niệm Phật, không chỉ cầu mang đến cõi Tịnh Độ sau khi lâm chung cho tất thảy chúng sinh mà còn mong mỏi kiến tạo nơi đây trở thành một Tịnh viện – một Đạo tràng tu tập – một cõi Tịnh độ ở trần gian – một danh lam thắng cảnh – một địa chỉ đỏ du lịch tâm linh, không chỉ cho Tam Đảo, cho Vĩnh Phúc mà còn cho Lịch sử và Dân tộc.”


“Ngày nay ở nước ta, phần đông chúng Phật tử thường tu tập theo Tịnh độ tông – Pháp môn niệm Phật. Tuy nhiên, để hiểu rõ yếu chỉ của pháp môn này là điều không đơn giản, trong khi điều đó là hết sức quan trọng, có tính quyết định đến thành tựu tu tập.


Pháp môn niệm Phật chủ yếu dùng cái niệm nhớ đến Phật để giữ tâm được thanh tịnh, không mắc vào tà niệm”.


“Phép niệm Phật còn để kết duyên với Phật, tạo ra cái nhân để tương lai được gần gũi Phật.


Kinh Lăng nghiêm có nói:


“Thập phương Như lai thương nhớ chúng sinh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn tránh thì tuy nhớ cũng không được gì. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con gần nhau, không trái xa nhau. Nếu tâm chúng sinh nhớ Phật, nghĩ Phật, thì hoặc hiện tiền hoặc tương lai, chắc chắn thấy Phật, cách Phật không xa; thì không cần phương tiện, tự nhiên tâm được khai ngộ, như người ướp hương tự có mùi thơm”.


Cũng vì pháp môn niệm Phật có lợi ích lớn lao như thế nên không những các hàng phàm phu mà cho đến các vị Đại bồ tát cũng đều nên niệm Phật để về sau được gần gũi Phật”.


“Ở xứ ta, căn cứ vào kinh A Di Đà, hàng đệ tử thường niệm đức Phật A Di Đà để được vãng sinh về thế giới cực lạc của Ngài.


“Trong kinh A Di Đà, Phật có dạy là không thể do nhân duyên thiện căn phúc đức ít ỏi mà được sinh về cõi cực lạc. Vì thế những người tu hành pháp môn niệm Phật cần nắm giữ thiện niệm, phát lòng tin chắc chắn đối với Tam bảo, làm nhiều điều phúc thiện và tránh các điều ác để cho đủ tư lương phúc đức mà sinh về tịnh độ”.


“Hiện nay trong thế giới chúng ta, có rất nhiều người muốn tu thành chính quả, nhưng vì hoàn cảnh không thuận lợi, thiếu thầy thiếu bạn nên sự tu hành không được kết quả mong muốn. Trong chúng ta cũng có người tiếc không được sinh trong lúc Phật còn tại thế để nhờ Phật trực tiếp dạy bảo. Thế thì hiện nay ở thế giới cực lạc Phật đang thuyết pháp, lại có rất nhiều các bậc Bồ tát, các bậc Thanh văn hiện đang dìu dắt những người tu hành. Vậy còn gì quý hoá bằng được sinh về cõi cực lạc để phát huy khả năng tu tập của mình, đi đến thành đạo chứng quả”.


Được biết, Tịnh viện Vân Sơn Tam Đảo có diện tích xây dựng và khuôn viên cảnh quan rộng gần 30 ha, nơi đây sẽ kiến tạo Đại điện A Di Đà Phật, Đại điện Tam Thế Phật, khu nội viện, các tịnh cốc, giảng đường, thư viện, v,v, với gần 30 hạng mục lớn nhỏ, đảm bảo vừa là nơi tu trì miên mật, thâm nhập nội điển cho các tu sĩ, vừa là nơi mở các khoá tu cho các giới cư sĩ chuyên trì về pháp môn Tịnh độ – niệm Phật A Di Đà.


Được biết, dịp Đại lễ này đồng thời cũng là một khoá tu Tịnh độ cho gần 1.000 Phật tử đến từ nhiều địa phương. Tối hôm trước tại đây, chư Tăng đã khai thời khoá tu tập và tổ chức Đại Trai đàn chẩn tế Mông sơn thí thực cầu siêu cho pháp giới chúng sinh.


Sau phần nghi lễ hành chính của Đại lễ là phần hành lễ Phật giáo trì chú mật ngữ.


Có lẽ nhờ oai lực của chư Tăng, đến lúc này, mây khói cuồn cuộn bốc lên, bay đi, không gian bỗng chốc thoáng đãng như vừa được lau sạch, cảnh trí Tịnh viện được phô bày như một bức tranh thêu gấm thêu hoa ở cõi Tịnh độ.


Đại lễ đã thành tựu viên mãn trong không khí đại hoan hỉ./.