Trang chủ Văn hóa Vu lan dành cho người nghèo khó tại Thiên Quang Ni Tự

Vu lan dành cho người nghèo khó tại Thiên Quang Ni Tự

117

Gần 200 hộ và hơn 100 học sinh con em gia đình nghèo khó, cùng các phật tử xa gần hoan hỷ về chùa dự lễ.

Chùa Thiên Quang vừa được Ban trị sự Phật giáo tỉnh và chính quyền các cấp tỉnh Bình Dương cho phép thành lập, cở sở vật chất còn sơ sài, nên buổi lễ phải tổ chức dưới tán lá của những cây tràm bốn mùa xanh tươi, nhưng vẫn tràn ngập cảm xúc tri ân, báo ân đến hai đấng sinh thành.

Mở đầu buổi lễ, ni sư trụ trì cùng ni chúng bản tự thành kính niêm hương bạch Phật, cầu nguyện cửu huyền thất tổ siêu sinh tịnh độ, cha mẹ hiện tiền tăng phúc tăng thọ, thế giới an hòa, sau đó đại chúng đồng tụng bài sám Vu lan ngắn gọn nhằm nhắc nhở mọi người luôn sống hiếu đễ với ông bà, cha mẹ.

Tiếp đến, các cụ ông cụ bà có tuổi đời từ 70 trở lên được ni sư Hương Nhũ trao những tràng hoa vạn thọ vàng rực như là sự cầu mong cho các cụ sống vui, sống khỏe, sống lâu trăm tuổi, để mang những kinh nghiệm sống quý truyền dạy cho con cháu.

Các ca sĩ: Hùng Thanh, Mai Phương, Ngọc Huy, Nhật Quốc, Tấn Quốc, Lâm Minh Chi (Sài Gòn), nhóm T3, anh em nghệ sĩ cải lương Mộng Hùng (thị xã Thủ Dầu Một) và các thiếu nhi phật tử trong ban văn hóa chùa Quan Âm (huyện Tân Uyên) với những ca khúc trữ tình, ngọt ngào ca ngợi công ơn trời biển của cha mẹ, khiến cho tất cả những ai có mặt đều nghẹn ngào xúc động.

Nhiều người không cầm nổi giọt lệ tuôn trào khi nghe đại diện các bạn trẻ, các gia đình nghèo khó kể lại kỷ niệm về một thời chạ mẹ tần tảo sớm khuya nuôi cho ăn học nên tấm nên người.

Xúc động và ấn tượng hơn cả, tại buổi lễ, ni sư Hương Nhũ hướng dẫn các bạn trẻ quỳ dưới chân hai đấng sinh thành, dâng những đóa hoa hồng, những mòn quà nhỏ, thể hiện lòng tri ân, báo hiếu ngay khi cha mẹ hiện tiền, mà không phải chờ đến khi cha mẹ nhắm mắt xuôi mới chắp tay quỳ lạy và làm văn tế ruồi.

Kết thúc buổi lễ, mỗi hộ nghèo khó tham dự lễ được ni sư trụ trì trao tận tay một phần quà, gồm thực phẩm và tiền mặt, trị giá 250.000 đồng, còn các học sinh thì được tặng vở bút để chuẩn bị bước vào năm học mới.

Chẳng biết từ bao giờ, lễ Vu lan – Báo hiếu đã trở thành truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, của mọi người con Phật khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, chọn mô hình tổ chức lễ này như thế nào để có thể mang lại lợi ích thiết thực nhất, phù hợp với tinh thần Đức Phật dạy về bốn ân lớn là điều đáng suy ngẫm.

Cách thức Thiên Quang Ni Tự tổ chức lễ Vu lan kết hợp tưởng niệm người quá vãng, báo hiếu công ơn cha mẹ hiện tiền, và chia sẻ tinh thần cũng như vật với tất cả những người sống xung quanh ta là một mô hình rất đáng được nhân rộng.

Tin, ảnh: Thái Anh