Trang chủ Văn hóa Du lịch Yên Tử, những giá trị vượt thời gian…

Yên Tử, những giá trị vượt thời gian…

152

Quần thể di tích – danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh – Hải Dương – Bắc Giang) đang được đề cử UNESCO công nhận là Di sản thế giới, đã trường tồn qua lịch sử cả nghìn năm với những giá trị vượt thời gian, được các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao.

Vậy những giá trị nào của Yên Tử có thể vươn tầm thế giới? Để hiểu thêm về điều này, cũng như tiến trình xây dựng hồ sơ di sản đề cử cho đến nay, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đại diện đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ Yên Tử.

– Theo nhận định của PGS, Quần thể di tích – danh thắng Yên Tử trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh – Bắc Giang – Hải Dương có những giá trị nổi bật nào có thể đề cử là Di sản thế giới?

+ Giá trị nổi bật toàn cầu của Yên Tử đã và đang được các chuyên gia thảo luận nhiều, trong đó có cả chuyên gia trong nước và quốc tế. Theo đó, giá trị thứ nhất là thể hiện sự giao thoa văn hóa rất đậm đặc và nổi bật trong khu vực này, với các giá trị văn hóa, tôn giáo nổi tiếng trên thế giới, như đạo Phật, Nho, Đạo giáo, thuyết phong thủy kết hợp với tín ngưỡng bản địa tạo ra nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam ở khu vực này.

Bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ (Trần Nhân Tông rời núi) thể hiện tính giao thoa văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm. (Ảnh thể hiện một phần tranh)

Thứ hai, các chứng cứ của di sản rất độc đáo, rõ nét như hệ thống lăng mộ nhà Trần, đền Thái – Thái Miếu nhà Trần, hệ thống chùa của giáo phái Trúc Lâm tập trung đầy đủ và tiêu biểu nhất, hệ thống di tích đạo giáo sớm nhất và tập trung nhất cũng ở đây… Các chứng cứ này phong phú nhưng lại là duy nhất ở Việt Nam về nền văn minh Đại Việt. Như chúng ta đã biết, nền văn minh Đại Việt rực rỡ nhất, lâu dài nhất trong thời kỳ độc lập, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, XX và tồn tại đến ngày nay.

Thứ ba là sự giao thoa văn hóa kết hợp với văn hóa Việt ở khu vực này tạo nên cảnh quan văn hóa riêng có của Việt Nam. Cảnh quan là núi rừng thiên nhiên, văn hóa là đền đài, miếu mạo, lăng tẩm… Sự kết hợp này ở khu di sản đã tạo nên những cảnh quan về phật giáo, cảnh quan về đạo giáo, cảnh quan về các tín ngưỡng bản địa… Những cái đó làm cho khu vực Yên Tử trở thành một “thánh địa” về Phật giáo, hay các tôn giáo ở Việt Nam và một trung tâm văn hóa của Việt Nam phát triển trong quá khứ và còn tồn tại đến ngày nay.

Thứ tư là ở đây chứa đựng nét văn hóa Việt vừa mang tính giao thoa với thế giới, vừa mang tính bản địa, thể hiện trong toàn bộ di tích, toàn bộ núi rừng cảnh quan Yên Tử còn trao truyền lại cho Việt Nam và cho thế giới những tư tưởng nhân ái, nhân văn, dân tộc, rồi tư tưởng về hòa bình, tư tưởng yêu thiên nhiên, quan niệm sống thuận theo tự nhiên, phát triển theo tự nhiên, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ hòa bình, bảo vệ phụ nữ. Đấy toàn là những nét đặc sắc cả, có thể nói là giá trị rất lớn.

Vườn tháp Huệ Quang tại Yên Tử (Quảng Ninh).

– 2 khu di tích của Quảng Ninh nằm trong Quần thể di tích – danh thắng Yên Tử có những nét đặc sắc gì có thể bổ sung vào hồ sơ di sản đang được đề cử, thưa PGS?

+ Khu di tích Yên Tử ở Quảng Ninh có 2 giá trị, đó là về nơi hình thành, khởi phát và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm – tông phái dân tộc thành công, đặc sắc nhất của Việt Nam và cũng là khác biệt trên thế giới. Quả núi Yên Tử cũng là nơi chứa đựng các di tích về Đạo giáo sớm nhất của Việt Nam và từ đó tạo nên những nét đặc sắc cho Đạo giáo thế giới khi nó được hội nhập vào văn hóa Việt.

Còn Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều chứa đựng minh chứng gần như duy nhất về những đền, miếu của nhà Trần, quê hương của nhà Trần và để nói với thế giới về truyền thống đoàn kết, về tư tưởng thương dân, vì dân. Nơi đây cũng nói lên câu chuyện Phật giáo Trúc Lâm khởi phát từ Yên Tử nhưng được minh chứng là viên mãn, phát triển cao ở khu vực Đông Triều, ghi dấu nơi Phật hoàng hóa và nhập niết bàn, hình thành một hệ thống di tích thể hiện cho sự thành công đó của Phật giáo Trúc Lâm. Các di tích cứ nối tiếp như thế nhưng đều có nét đặc sắc cao cả.

Du khách hành hương nghe giới thiệu về các giá trị của Yên Tử tại chùa Hoa Yên (Quảng Ninh), nằm trong quần thể di sản Yên Tử đang được đề cử.

– Như vậy liệu có khó khăn, thách thức nào trong bảo vệ các giá trị di sản đề cử trước UNESCO không?

+ Khó khăn lớn nhất mà mọi người cũng dễ nhận thấy là yêu cầu rất cao và khắt khe của UNESCO về các di tích hiện còn. Do điều kiện khách quan về thời gian, lịch sử để lại, do khí hậu, chiến tranh, nhiều di tích của Quần thể di tích – danh thắng Yên Tử bị mất mát, hủy hoại, sụp đổ, tính nguyên gốc hầu như không còn. Các dấu vết nguyên gốc, nguyên vẹn chỉ còn dưới lòng đất mà dưới lòng đất thì chúng ta cũng đã nghiên cứu khai quật, có cái bảo vệ khá tốt nhưng có cái thì bảo vệ chưa đúng theo yêu cầu của UNESCO. Đấy là điều chúng ta cũng phải suy nghĩ, nghiên cứu để bổ sung, làm thế nào đó để vừa bảo vệ cũng vừa bảo tồn và phát huy được.

– Việc xây dựng hồ sơ Yên Tử hiện nay đã đi vào giai đoạn hoàn thiện, cũng là quyết định nhất, vậy quá trình này có những thuận lợi, khó khăn gì?

+ Việc xây dựng hồ sơ Yên Tử có chủ trương từ Chính phủ, có sự đồng thuận, nhất trí cao của lãnh đạo và các cơ quan liên quan 3 tỉnh. Khó khăn là về các thủ tục theo quy định hiện nay khá phức tạp, ảnh hưởng lớn tới tiến độ các phần việc.

Làm hồ sơ di sản liên vùng như Yên Tử cũng rất khó khăn vì địa bàn quá rộng, sự phối hợp và nhận thức chung về nhiều vấn đề xung quanh là khác nhau và không đồng đều giữa các cơ quan và cán bộ 3 tỉnh. Rồi việc đi điều tra trong tình trạng di tích ở những nơi hiểm trở, cheo leo, nhiều cuộc mặc dù có người dân dẫn đường mà anh em khảo cổ vẫn bị lạc đường, phải bỏ dở về để chờ một đợt khác. Đó là chưa kể dịch bệnh phức tạp, làm các công việc bị gián đoạn liên tục…

PGS.TS Tống Trung Tín và các nhà khoa học tham quan dấu tích khảo cổ thời Trần phát hiện được tại đền An Sinh, Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều.

Chúng ta đã có thời gian nghiên cứu lâu dài rồi nhưng thời gian bắt tay vào làm hồ sơ chính thức thì mới được mấy tháng thôi. Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì thời gian từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc cần khoảng 2 năm trở lên. Với hồ sơ Yên Tử, tới tháng 7 này khi các chuyên gia xem xét thì chỉ còn 3 tháng. Sau đó thì có thêm 2 tháng nữa sửa sang để các chuyên gia nước ngoài vào thẩm định, như vậy tổng cộng chỉ được có 6-7 tháng thôi nên sự gấp rút, vội vã là điều khó tránh. Nhiều vấn đề đặt ra chúng ta cần có sự tham khảo từ các chuyên gia quốc tế nhưng dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng nên rất khó, khắc phục như thế nào vẫn là vấn đề nan giải đặt ra cho các nhà khoa học, quản lý.

Có thể nói, Quần thể di tích – danh thắng Yên Tử có giá trị rất lớn nhưng quá trình xây dựng hồ sơ thì khó khăn cũng chồng chất, đòi hỏi một sự quyết tâm rất cao. Riêng tinh thần của các nhà nghiên cứu, chuyên gia như chúng tôi đã vinh dự nhận nhiệm vụ được giao thì vẫn sẽ là cố gắng hết sức, cố gắng tối đa.

– Xin cảm ơn PGS.TS Tống Trung Tín về cuộc trò chuyện!

Ngọc Mai (Thực hiện)