Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Tu tập chánh tinh tấn

Tu tập chánh tinh tấn

193

 

 Thiền sinh: Thưa thầy, con biết rằng nếu thực hành đúng và chăm chỉ thì ngã kiến (ảo tưởng về một tự ngã, một cái tôi thường còn) sẽ biến mất và bị thay thế bằng Chánh kiến. Nhưng bản thân quá trình tu tập thì giống như phải làm việc cật lực để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Con cố gắng phấn đấu để thực hiện xong một công việc, và do đó luôn có một sự chấp thủ đi cùng với ảo tưởng về một cái ngã (cái tôi đang làm việc đó). Xin thầy giảng thêm cho con hiểu điều này. 
 
Thiền sư: Điều rất quan trọng là chúng ta phải có thông tin hướng dẫn đúng đắn trước khi bắt tay vào thực hành. Đừng tự đồng hóa mình với sự tinh tấn, với sự cố gắng đó mà hãy nhận rõ rằng: (quá trình mình) đang thực hiện công việc đó chính là sự tinh tấn, cộng thêm những phẩm chất tâm có liên quan khác. Tất cả những cái tâm đó đang thực hiện công việc , chứ không “tôi” đang tu tập. 
 
Bạn chỉ có thể thực hiện được Chánh Tinh Tấn nếu tâm có thông tin hướng dẫn đúng, nếu nó thực sự hiểu thế nào là Chánh Tinh Tấn. Chúng ta đang cố gắng tu tập để đạt đến mục đích của mình, nhưng đó là một việc sẽ xảy ra vào một ngày nào đó trong tương lai. Ngay bây giờ thì chúng ta chỉ cần hiểu được cách phải làm điều đó như thế nào. Chúng ta cần phải hiểu thế nào là Chánh Tinh Tấn và thế nào là thực hành đúng. 
 
Một cái tâm luôn luôn cố đạt đến một mục tiêu, luôn tập trung đạt đến một kết quả nhất định nào đó thường bị thúc đẩy bởi sự tham cầu. Trí tuệ hiểu rõ quan hệ nhân –quả và do đó sẽ tập trung hoàn thành các nhân duyên, các điều kiện cần thiết cho đầy đủ ( và quả sẽ tự động trổ sanh khi nhân duyên đã hội đủ ).
 
Thiền sinh: Đi kinh hành (thiền hành) thì dễ hiểu, tâm con thường sáng suốt và tỉnh thức trong suốt thời gian thiền hành. Nhưng ngồi thiền thì lại khác. Mới bắt đầu ngồi thì thấy tỉnh táo, nhưng sau đó tâm rơi vào trạng thái đờ đẫn, mù mờ. Con thực hành sai chỗ nào chăng? 
 
Thiền sư: Khi sự tỉnh thức mất dần đi, nó cho thấy bạn đang thiếu Chánh Tinh Tấn ( sự cố gắng một cách đúng đắn). Bạn phải chú ý nhiều hơn đến tâm quan sát của mình. Quan sát chất lượng (mức độ mạnh yếu) của tâm chánh niệm đó, và nhận biết sự lên xuống, thay đổi của nó. 
 
Cố gắng nhận rõ mức năng lượng nhiều ít khác nhau cần để giữ chánh niệm trong những tư thế khác nhau. Khi thiền hành, tâm tương đối bận rộn và chánh niệm trên nhiều đối tượng khác nhau. Khi ngồi, tâm ít việc hơn và do đó bạn phải học cách “hiệu chỉnh” tâm mình để giữ được sự tỉnh thức và sáng suốt trong tư thế đó. 
 
Thiền sinh: Con cố gắng dùng sức để giữ tỉnh táo khi ngồi, nhưng con nghĩ chắc là do con cố gắng quá mức hoặc cố gắng sai cách nên toàn tự làm mình mệt mỏi. Rồi sau đó con lại có ý nghĩ rằng cứ như thế này thật là phí thời gian vô ích. 
 
Thiền sư: Bạn cần sử dụng trí tuệ để giữ tâm tỉnh táo và có hứng thú. Làm cho tâm mình hứng thú với những gì đang diễn ra chính là “tinh tấn một cách có trí tuệ”. Loại tinh tấn của bạn mang tính chất dùng sức (cơ bắp) nhiều hơn nên mệt mỏi là chuyện không thể tránh khỏi. Nếu sự tò mò, ham tìm hiểu không thể khởi lên một cách tự nhiên thì bạn phải tự đặt những câu hỏi cho mình. Đặt câu hỏi giúp cho tâm hứng thú và do đó tỉnh thức hơn.
 
 
Theo: Chỉ mới chánh niệm thôi thì không đủ
Dịch giả: Tỳ kheo Tâm Pháp