Trang chủ Quốc tế Những ngày mưa gió tại Nepal

Những ngày mưa gió tại Nepal

276

Giáp với Trung Quốc về phía bắc và Ấn Độ về phía nam, quốc gia nhỏ bé này có 8 trong số 10 núi cao nhất thế giới, trong đó có núi Everest. Ngoài những phong cảnh đẹp mê hồn của dãy núi Himalaya, Nepal còn giàu di sản văn hóa và có hàng loạt công trình kiến trúc cổ kính ngoạn mục.


Tôi hạ cánh tại thủ đô Kathmandu vào giờ khuya. Đêm ấy nhiều quận thành phố mất điện, hơn nữa cơn mưa gió bắt đầu trút xuống tầm tã. Đây là lần đầu trong đời tôi trải nghiệm mưa gió nhiệt đới. Ở thủ đô Kathmandu, tôi được mấy ngày ở cùng gia đình một người bạn Nepal mà tôi quen ở châu Âu. Gia đình Pathak nói tiếng Anh vấp váp và tỏ ra rất hiếu khách, chu đáo với tôi. Mỗi bữa ăn là vỏn vẹn một món ăn đặc trưng được coi là trụ cột của ẩm thực Nepal: Dal Bhat.

Món ăn này được bày trên một mâm cơm bao gồm gạo ở giữa và các món ăn kèm xung quanh như dưa chua, cà ri, sữa chua, tương ớt. Chủ gia đình là anh Đi Lip, người tốt bụng và phinh phính đã dẫn tôi dạo chơi qua các điểm tham quan thủ đô. Kathmandu là một thành phố lộn xộn, bụi bặm với những dòng xe hai ba bốn bánh chen chúc nhau trên các đường hẹp đầy rẫy tiếng bấm còi inh ỏi.

 

Khu phố cổ của Patan

Tôi sớm phát hiện ra hai điều về con người Nepal: một là họ nghèo khổ đến mức khó tin và ngày càng nhiều người trẻ Nepal tin rằng tìm việc làm ở nước ngoài là cách duy nhất để thoát nghèo. Thứ giật mình thứ hai là, bất chấp cuộc sống nghèo túng, người Nepal sống một cách nhân hậu và giản dị, luôn luôn mỉm cười và chiều lòng khách du lịch. Họ thích úp hai bàn tay lại với nhau trước ngực, cúi đầu và chào namaste để bày tỏ lòng kính trọng.

Anh Đi Lip dẫn tôi khám phá các chùa đền lộng lẫy của Kathmandu. Điểm đến đầu tiên là Pashupatinath,  phức hợp đền thờ Hindu giáo linh thiêng của thần Shiva được ghi nhận là Di sản thế giới UNESCO. Điều đập vào mắt không chỉ là những ngôi đền khổng lô? đẹp đẽ hay lũ khỉ lang thang tự do khắp khu vực và sống chung với đền từ ngày xa xưa mà còn tôi nhận thấy một đám lửa thiêu xác dọc bờ sông: đó là lễ hỏa táng theo đạo Hindu.

Cảm giác là lạ dâng lên trong lòng khi tôi hít ngửi mùi tử khí hay thấy khói bốc lên từ các đống lửa hỏa thiêu. Người theo đạo Hindu tin rằng người nào được hỏa táng trên con sông thiêng này sẽ sớm được siêu thoát. Tại hợp đền đó tôi cũng bắt gặp nhiều Sadhu, những tu sĩ sùng đạo sống khổ hạnh, hóa trang và vẽ mặt cầu kỳ với nhiều màu sắc.

Họ thường hút cần sa (để liên lạc với thần Shiva) và sống dựa vào lễ vật của các tín đồ. Trở thành Sadhu là một lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều tín đồ; và ở Ấn Độ có tận 4-5 triệu Sadhu. Tôi sửng sốt đến mức nổi da gà khi đi ngang bóng người Sadhu: với tóc bù xù và râu rậm, họ chỉ mặc quần lót hay một chiếc áo choàng tồi tàn và trông hết sức lập dị. Đó đúng là một cú sốc văn hóa: là cảm giác mà tôi không ít lần trải qua ở Nepal và Ấn Độ.

 

Lễ hỏa táng theo đạo Hindu

Tuy ngày nay phần lớn dân số theo đạo Hindu, Nepal cũng là nơi sinh của Siddhartha Gautama, người khai sinh ra Phật giáo, và hiện nay khoảng 10% dân số Nepal thực hành Phật giáo. Anh Đi Lip đưa tôi đến Boudhanath, đại bảo tháp vừa là di sản văn hóa thế giới vừa là trái tim của tín ngưỡng Tây Tạng tại Nepal.

Tôi mê mẩn đưa mắt nhìn vào vô số chi tiết và biểu tượng đầy ý nghĩa của Phật giáo: hình đôi mắt to lớn của Đức Phạt trên thân tháp, những dây cờ rực rỡ bay trong gió mang theo những câu minh chú và điều lành tới chúng sinh, những tín đồ diễu hành thành vòng tròn theo chiều kim đồng hồ quay và đi xung quanh bảo tháp, quay bánh xe cầu nguyện và hát đi hát lại ”Om Mani Padme Hum”… Nơi này thu hút nhiều người Tây Tạng di cư ở Nepal từ khi Bắc Kinh cưỡng chiếm Tây Tạng năm 1959. Các di cư Tây Tạng thường mở những cửa hàng bán đồ lưu niệm hay nhà hàng ẩm thực Tây Tạng.

 

Cùng gia đình Pathak

Trong một quán bia hơi địa phương, tôi thử đồ uống kỳ dị nhất trong đời: là tongba, một loại bia kê Himalaya được lên men với nấm men và được phục vụ trong một cái bình có hình dạng giống như cái thùng. Sau khi người phục vụ đổ thêm nước nóng vào, tôi uống thử bằng một cái ống tre (để lọc các hạt ngũ cốc), cảm giác vừa buồn nôn vì hương vị lạ vừa chao đảo vì chất cồn mạnh.

Nhưng các địa điểm linh thiêng không phải là điểm hấp dẫn duy nhất của Kathmandu: tôi cũng tham quan những khu phố cổ đẹp đến lạ lùng với hàng loạt đền thờ và cung điện cổ kính tắm trong những gam màu đỏ trầm mặc được làm từ gạch nung, gỗ và đá. Khi lang thang qua khu phố cổ, tôi phát hiện ra một ngôi nhà bằng gỗ lạ thường với đám người chen chúc tại sân bên trong, ai cũng chăm chú nhìn vào một ban công. ”Ai sống tại ngôi nhà này mà người ta nhìn mong đợi thế?”, tôi hỏi anh Đi Lip.

”Vị nữ thần Kumari!”, anh Đi Lip trịnh trọng trả lời. Quả thật, Nepal có vị thần sống, đó là một bé gái đồng trinh được tuyển chọn một cách hết sức gắt gao: những thí sinh phải đáp ứng 32 điều kiện nghiêm ngặt của tình trạng thể chất rồi phải vượt qua hai thử nghiệm đáng sợ: một là lễ nghi tại sân đền thờ khi 108 đầu trâu và dê bị giết được trưng bày và nhóm đàn ông đeo mặt nạ nhảy một cách rùng rợn; và hai là thí sinh trẻ phải dành một đêm một mình tại căn phòng tràn đầy những đầu động vật bị đứt. Nếu thí sinh vẫn chưa sợ thì em ấy thực sự xứng đáng để trở thành vị thần. Một khi vị thần Kumari có dấu hiệu dậy thì em ấy sẽ xuất cung, trở lại làm người bình thường và một em gái khác sẽ được tuyển chọn để thay thế.

Nếu các quảng trường cổ kính của Kathmandu và Patan tạo ra ấn tượng mạnh mẽ thì phố cổ Bhaktapur khiến tôi choáng ngợp đến mức tôi có cảm giác tại đó thời gian đã ngừng lại. Phố cổ Bhaktapur vừa là khu dân cư của người địa phương vừa là không gian đi bộ nên tôi rất khoái việc thong thả đi bộ qua những con phố nhỏ lát gạch trần và ngắm nhìn hàng loạt công trình kiến trúc nghệ thuật được trang hoàng tinh xảo bằng gỗ và gạch trần.

 

Một tu sĩ sùng đạo Sadhu

Đồng thời tôi cũng quan sát cuộc sống hằng ngày của người dân bản địa ngồi nhàn rỗi trước bậc cửa nhà, những nghệ nhân cặm cụi làm việc, lũ trẻ em mặc đồng phục đi học về hay những phụ nữ mặc áo xa-ri trang nhã màu sặc sỡ và cầm ô để che nắng.

Thi thoảng và một cách đột ngột, những đám mây đen ùn ùn kéo đến, vần vũ bầu trời và mưa to rơi xuống. Vào lúc như thế, tôi đứng dưới mái hiên của một đền thờ và ngắm vẻ đẹp huyền bí của phố cổ. Đồng thời tôi cảm thấy buồn vì mình đến Nepal đúng vào giữa mùa mưa khi các ngọn núi lộng lẫy phủ tuyết của dãy Himalaya bị đám mây triền miên che phủ nên tôi bị tước đi cơ hội chiêm ngưỡng những khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh.

Do vậy, tôi đành phải từ bỏ kế hoạch khám phá núi non Himalaya và quyết định xuống khu vực đồng bằng về phía nam đất nước gần sát biên giới Ấn Độ. Tôi tới điểm đến cuối cùng của mình ở Nepal: Lâm Tỳ Ni (Lumbini). Tại đấy, trời nóng nắng gay gắt đến mức tôi nhớ da diết mưa nhiệt đới của thủ đô. Ở Lâm Tỳ Ni, tôi thuê một chiếc xe đạp, mang lấy một chiếc ô che nắng và đến thăm đền Maya Devi được đặt tên theo người đã sinh ra Thái tử Siddhartha (Tất Đạt Đa).

Tôi đến nơi mà Siddhartha đã ra đời và lớn lên trước khi giác ngộ và suy tôn là Đức Phật. Ngày nay, Lâm Tỳ Ni đã thành một địa điểm hành hương và nhiều tu viện quốc tế được xây dựng, mỗi công trình đều đậm chất phong cách kiến trúc của quốc gia mình: Nhật Bản, Myanmar, Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc, Tây Tạng…

Ngơ ngẩn giữa thế giới linh thiêng đó, tôi nhận ra rằng trong cuộc hành trình này tôi đã không chỉ tìm hiểu về nền văn hóa và hiện thực sống của một phương Đông xa xôi mà còn được biết hơn về các tôn giáo vĩ đại mà xưa nay người phương Tây biết rất ít ỏi. Bản thân tôi đã xuất thân từ một dân tộc độc thần (theo Kitô giáo) và lớn lên tại một gia đình không theo đạo nên tôi rất ấn tượng khi đến Nepal và tận mắt nhìn thấy các tín ngưỡng ảnh hưởng đến mỗi khía cạnh của cuộc sống người bản địa tới nhường nào.

Vậy, tôi rời khỏi Lâm Tì Ni và sang biên giới vào quốc gia tỷ dân nhằm mục đích tìm kiểu hơn về các tôn giáo và thần thánh của Ấn Độ.

(Còn nữa)


Nhà văn Marko Nikolic (Nguyên tác tiếng Việt)/ ANTĐ