Trang chủ Tin tức Hướng tới ĐH ĐB PG TP. Hồ Chí Minh lần VII: “Quản...

Hướng tới ĐH ĐB PG TP. Hồ Chí Minh lần VII: “Quản lý Tăng Ni, tự viện thích ứng với hoàn cảnh mới”

83

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã được trình bày rất xác thực và kiên quyết. Chư tôn đức Tăng Ni đã đề nghị cần phải chấn chỉnh tệ nạn này để giữ uy tín cho GH và Tăng Ni. Các hệ phái có truyền thống khất thực đã tạm thời đình chỉ khất thực trong thời gian chờ hướng dẫn của THPG.


Ban Tăng sự cùng với Kiểm Tăng kết hợp với Ban Đại diện PG quận huyện và chính quyền địa phương điều tra và xác minh để có biện pháp chấn chỉnh việc này. Kết quả thành phần lợi dụng, giả danh Tăng Ni đi khất thực phi thời phi pháp giảm đáng kể trên địa bàn thành phố đồng thời hạn chế được tình trạng khách Tăng không mời mà đến tại các dịp lễ có tổ chức cúng dường ở các tự viện. Đây là thành công bước đầu của Ban Tăng sự dưới sự chỉ đạo của Thường trực Ban Trị sự, góp phần trang nghiêm GH, tạo được tín tâm cho Phật tử tại gia, ổn định sinh hoạt Phật sự tại các địa phương, tự viện.


Năm 2005, Ban Tăng sự tiếp tục tổ chức thêm một hội nghị với chuyên đề Quản lý Tăng Ni, được chư tôn đức quan tâm. Hội nghị tập trung vào việc Tăng Ni thuê nhà ở bên ngoài, lập am cốc riêng…, thoát ly sự quản lý của BTS. Chư tôn đức đã đề xuất một số biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng này. Việc xây cất am cốc tràn lan dẫn đến việc không quản lý được Tăng Ni. Nhiều chư tôn đức đã phản ứng quyết liệt trước tình trạng “Tăng ly chúng Tăng tàn” này. Tình trạng ra cất am cốc ở riêng sẽ rất khó quản lý con người, đặc biệt là phạm hạnh người xuất gia. Ban Tăng sự cùng với Ban Đại diện các quận huyện bước đầu đã thống kê sơ bộ số lượng Tăng Ni trong thành phố theo ba diện: thường trú, tạm trú và ở nhà cư sĩ.


Theo kết quả kiểm tra, số Tăng Ni ở các tỉnh về thành phố trọ học thuê nhà ở bên ngoài nhiều đến nỗi không thể quản lý được. Bên cạnh đó, việc Tăng Ni tự ý bỏ chùa ra ngoài ở cũng là vấn đề nan giải. Ban Tăng sự đã đề nghị Kiểm Tăng trình phương án để có biện pháp giải quyết triệt để nhưng nhiệm kỳ qua cũng chưa thực hiện được.


Cùng với việc tổ chức thành công hai hội nghị trên, Ban Tăng sự kết hợp với các ban khác tổ chức thành công hai Đại giới đàn Thiện Hòa năm 2003 và Linh Nhạc-Phật Ý năm 2006. Đặc biệt Giới đàn Linh Nhạc-Phật Ý có trên 1.500 giới tử xuất gia thọ giới. Đây là giới đàn tổ chức quy mô nhất từ khi thành lập GH đến nay. Số lượng giới tử là người tại gia thọ Thập thiện và Bồ tát giới cũng lên đến trên 1.000 người.


Về tổ chức an cư kiết hạ hàng năm, Ban Tăng sự đã thông báo cho các quận huyện tổ chức các điểm an cư tập trung. Riêng cấp thành phố tổ chức 2 điểm tại chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình) dành cho chư Tăng và chùa Vĩnh Phước hoặc Phổ Đà (tùy theo năm) dành cho chư Ni. Riêng mùa An cư năm 2006, THPG không tổ chức điểm an cư tập trung của Thành hội mà chỉ tổ chức các điểm an cư tại quận huyện. Nhìn chung các điểm an cư tập trung có nhiều Tăng Ni tham gia an cư tu học. Ban Tăng sự cũng đã kết hợp với Ban Hoằng pháp, Ban Giáo dục Tăng Ni xây dựng chương trình giảng dạy cho hành giả tại các điểm an cư này.


Đó là những thành tựu sơ nét mà Ban Tăng sự làm được trong nhiệm kỳ vừa qua. Trong quá trình hoạt động, Ban Tăng sự cũng có những khó khăn nhất định vì GH chưa có định hướng và kế hoạch cụ thể về quy hoạch phát triển Tăng già. Do đó, giới tu sĩ nói chung và Tăng Ni trẻ nói riêng đã xuất hiện một số tư tưởng cũng như quan điểm mới đi ngược với giới luật và truyền thống thiền môn; tự ý hội nhập không đúng pháp với xã hội, tạo nên không ít mâu thuẫn trong nội bộ Tăng Ni.


Điển hình như đời sống tự do phóng túng, tác phong đạo đức ngoài giới luật, chạy theo thế tục về ăn, ở, mặc… Tăng Ni đi học không trụ xứ tại tự viện nên khó quản lý, dẫn đến một số không ít đánh mất phẩm hạnh của người xuất gia, ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của đoàn thể Tăng già cũng như của GH.


Vì thế, trong nhiệm kỳ tới, Ban Tăng sự đề xuất một số kiến nghị: 1- GH nên có văn bản cụ thể  quy định trách nhiệm, quyền hạn và biện pháp xử lý đối với cá nhân Tăng Ni vi phạm giới luật, Nội quy của Ban Tăng sự T.Ư; 2- GH nên thành lập cơ sở nội trú cho Tăng Ni lưu học tại TP.HCM, đồng thời tạo điều kiện cho BGH quản lý Tăng Ni trong suốt thời gian học; 3- GH có quy định cho các trường Phật học nghỉ hè trong ba tháng an cư để Tăng Ni được an cư tu học tại các trường hạ tập trung theo nề nếp; 4- GH nên xây dựng một trung tâm tịnh dưỡng dành cho chư tôn đức Tăng Ni lớn tuổi để có nơi an tịnh tu niệm cũng như nghiên cứu kinh điển, làm gương sáng mô phạm cho hàng hậu học.