Trang chủ Thời đại Phật triết trong xã hội hiện đại

Phật triết trong xã hội hiện đại

73

Là con đường giải thoát mối quan tâm cuối cùng của nhân loại, PG là một hệ thống tín ngưỡng, triết học khổng lồ và phức tạp, cũng là hệ thống giá trị, trở thành tín ngưỡng tinh thần của hàng trăm triệu dân suốt 2500 năm nay, điều đó chứng tỏ sức sống và giá trị vĩnh hằng của PG. Song việc tái tạo giá trị, phát huy tác dụng của PG trong xã hội tương lai như thế nào vừa là một vấn đề lý luận khó và lớn lại vừa là một vấn đề thực tiễn nghiêm túc, bức thiết.


Giá trị hiện đại của PG quyết định bởi tác dụng của nó đối với xã hội loài người ở thế kỷ XXI. Trong khi đạt được những tiến bộ chưa từng có, loài người lại có những biện pháp có thể hủy diệt trái đất. Kẻ đe dọa sự sinh tồn và phát triển của xã hội loài người cũng chính là loài người. Các hiện tượng tiêu cực tồn tại trong xã hội hiện nay như khủng hoảng lòng tin, đạo đức bại hoại, mất lương tâm đang mang lại thời cơ lịch sử chưa từng có để PG điều chỉnh tâm linh con người, tiến tới điều chỉnh mối quan hệ người-người, người-thiên nhiên, vì triết học PG vốn có tư tưởng chỉnh thể về vũ trụ, tinh thần nhân văn tôn giáo theo đuổi sự siêu việt sinh mệnh.


I. Đặc điểm cơ bản, mâu thuẫn cơ bản của xã hội loài người trong thế kỷ XXI


Hiện đại hóa với tiêu chí là công nghiệp hóa phát triển rất không đồng đều, có nước đã hoàn thành công nghiệp hóa, một số ít nước còn ở tình trạng xã hội nông nghiệp. Từ thập niên 70 thế kỷ XX, lại có bước ngoặt lớn là kinh tế tri thức trỗi dậy, kinh tế công nghiệp sụt giảm, đánh dấu sự hiện đại hóa mới, dùng tri thức hóa thay cho công nghiệp hóa. Kinh tế tri thức với ba đặc điểm tin học hóa, mạng hóa và toàn cầu hóa, sẽ có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển loài người.


Trong xã hội hiện nay, của cải vật chất và ham muốn vật chất cùng tăng trưởng nhanh chóng, có người coi nhẹ giá trị nội tại tự thân và đời sống tinh thần, thậm chí đánh mất nhân tính và giá trị con người. Trống rỗng tinh thần, nghèo nàn tâm linh là sự khủng hoảng tinh thần nhân văn, khủng hoảng giá trị, trở thành trở ngại lớn đối với sự tiến bộ của loài người.


Lòng ham muốn và nhu cầu của con người chịu sự chi phối của quan niệm giá trị nhất định, nếu nó dừng lại lâu dài trên tầng nấc hưởng thụ vật chất thì sẽ hình thành sự tiêu dùng xấu đồng thời đem lại sự phát triển xấu, do đó ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của xã hội, làm cho đời sống tinh thần u mê, hạ thấp tố chất quốc dân.


Toàn cầu hóa kinh tế đảy mạnh sự phát triển kinh tế và dự báo chuyển sang thời đại loài người sống dựa vào nhau nhiều hơn. Sự phát triển của các công ty xuyên quốc gia đã tăng mạnh phân hóa giàu nghèo. Các nước giàu chiếm 86% GDP toàn cầu và 82% giá trị xuất khẩu, các nước đang phát triển đông dân hơn chỉ chiếm có 14% và 18%. Một thế giới giàu nghèo cách nhau quá xa sẽ không ổn định, không an ninh.


Kinh tế toàn cầu hóa làm tăng sự căng thẳng xã hội, như cạnh tranh giành việc làm, tranh nhân tài, cạnh tranh giữa các quốc gia; xung đột chủng tộc và tranh chấp dân tộc nơi này nơi khác đều xảy ra, có lúc gây nên chiến tranh cục bộ.


Việc đẩy nhanh toàn cầu hóa kinh tế và hình thành mạng thông tin toàn cầu sẽ tăng tốc quá trình va chạm và giao lưu văn minh Đông Tây, giao lưu tôn giáo. Mặt khác, một số phái tôn giáo cực đoan duy ngã độc tôn gây ra xung đột tôn giáo, thậm chí xung đột bạo lực. Tôn giáo trở thành một nhân tố quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế. Hóa giải sự xung đột tôn giáo là một vấn đề lớn cần giải quyết.


Khoa học kỹ thuật (KHKT) thế giới phát triển chưa từng có. Song KHKT là con dao hai lưỡi, nó có thể tạo phúc và hủy diệt nhân loại. Môi trường sống đang bị phá hoại nghiêm trọng, trái đất nóng lên, khủng hoảng năng lượng, lương thực, bùng nổ dân số … Đây là một mâu thuẫn lớn của xã hội nhân loại trong thế kỷ XXI.


II. Giá trị hiện đại của triết học PG


Các trình bày ở trên cho thấy: trong xã hội hiện đại, ba nhóm mâu thuẫn cơ bản là con người với tự ngã, người với người, người với thiên nhiên có cái đã thay đổi hình thức, có cái lại càng gay gắt hơn. Giá trị của triết học PG là ở chỗ các nguyên lý của nó ngày càng được trình bày đầy đủ hơn, và qua sự giải thích có sáng tạo, tác dụng của nó càng rõ hơn. Vận dụng tư tưởng triết học PG để làm dịu các mâu thuẫn cơ bản của xã hội loài người tất sẽ giúp nâng cao tố chất tinh thần loài người, giảm nỗi đau khổ của họ, đáp ứng các nhu cầu mới của họ, từ đó đẩy mạnh sự chung sống hòa bình và phát triển chung của xã hội loài người.


1) Quan tâm tới mâu thuẫn người với tự ngã, nâng cao cõi tinh thần của con người


PG dùng đạo giải thoát đời người để luận bàn một cách hệ thống về điạ vị của con người trong vũ trụ, bản chất, giá trị và lý tưởng của con người; trong đó quan điểm vô ngã và quan điểm giải thoát lại càng là sự chuyển hóa, sự điều tiết tâm lý, sự hoàn mỹ tâm linh đối với quan niệm tự ngã của thế nhân.


Dựa vào thuyết Duyên Khởi muôn vật hòa hợp mà sinh, PG đề ra quan niệm vô ngã. “Ngã” trong vô ngã là chỉ cái tự thể (bản thể) thường trú, chỉnh nhất mà có tác dụng chi phối; cái bản thể mãi mãi không đổi ấy chính là ngã. PG phủ nhận sự tồn tại của cái ngã có thực thể, của linh hồn, loại trừ quan niệm hữu ngã. Vô ngã là quan niệm cơ bản của PG.


Nội dung chủ yếu của quan niệm vô ngã là vô ngã chấp, vô ngã kiến, vô ngã ái, vô ngã mạn v.v…Ngã chấp là sự chấp trước (bám riết, không vượt ra được) đối với tự ngã. Ngã kiến là sự chấp trước kiến giải ngông cuồng có thực ngã. Ngã ái là sự ái chấp với tự ngã, cũng tức là ngã tham. Ngã mạn là nói tâm thái ngạo mạn lấy tự ngã làm trung tâm.


Do ngã chấp tất nhiên đem lại ngã kiến, ngã ái và ngã mạn. PG cho rằng ngã chấp là nguồn gốc của mọi cái ác, cái gốc của phiền muộn; PG chủ trương vô ngã, vô ngã chấp. Trong xã hội hiện nay, có người trở thành nô lệ của nhu cầu sinh lý, dục vọng vật chất, tôn thờ chủ nghĩa bái kim, hưởng lạc, cực đoan cá nhân chủ nghĩa, thậm chí tham ô hủ hóa, trộm cắp buôn lậu, ma túy, mãi dâm …Quan niệm vô ngã của PG giúp làm giảm sự chấp trước với hiện thực, làm phai nhạt sự hưởng thụ, danh lợi, nâng cao cõi tinh thần.


Thực chất của quan niệm giải thoát là siêu việt ý nghĩa sinh mệnh, là nâng cao cõi tinh thần, khiến cho con người có thể dùng nhãn quang chung cực lâu dài để khách quan và bình tĩnh suy xét lại quãng đường đã qua, xem xét các khiếm khuyết của tự thân và không ngừng cố gắng chuẩn mực hóa tự thân. PG coi giải thoát là nghiệp báo của cá nhân, là lạc quả mà thiện nghiệp giành được.


2) Làm hòa dịu mâu thuẫn người với người, gìn giữ hòa bình thế giới


Mối quan hệ người-người nói ở đây cũng là quan hệ giữa người này với người khác, người với xã hội, người với dân tộc, người với quốc gia. Mối quan hệ người-người trên thế giới hiện nay có hai vấn đề chính là: – Xung đột cục bộ diễn ra không dứt gây ra bởi các nhân tố va chạm lợi ích dân tộc, tôn giáo, lãnh thổ, tài nguyên, nhân dân một số nơi đang chịu khổ nạn chiến tranh; trong khi vấn đề an ninh truyền thống chưa được giải quyết thì các vấn đề an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố lại ngày một gay gắt; – Phân hóa giàu nghèo Nam Bắc ngày càng mở rộng, khá nhiều người còn sống nghèo khổ, đói rét. Xét về lý luận, một số quan niệm cơ bản của PG có ý nghĩa hiện thực nhất định trong việc hóa giải các vấn đề trên.


Hòa bình và chung sống hòa bình là vấn đề lớn nhất. Nếu thế kỷ XXI lại xảy ra đại chiến thế giới thì loài người có thể bị tiêu diệt. Muốn tránh chiến tranh thì phải tiêu diệt nguồn gốc chiến tranh; một trong các nguồn gốc đó là không hiểu lý lẽ Duyên Khởi: loài người phải dựa nhau mà sinh tồn, lợi ta phải lợi người; không coi trọng hòa giải, hiểu nhau, mà coi kẻ khác là cừu địch, không tôn trọng sinh mệnh kẻ khác. Tư tưởng bình đẳng của PG có nghĩa là tôn trọng nhau, là hòa bình. Tư tưởng từ bi thể hiện sự đồng tình, thương yêu quan tâm người khác, cũng xa rời chiến tranh, gìn giữ hòa bình. Từ bi tế thế và “ngũ giới”, “thập thiện” đều lấy “không sát sinh” làm đầu. Từ ngày pháp sư Thái Hư ra sức đề xướng PG nhân gian, PG Trung Quốc luôn quan tâm gìn giữ hòa bình thế giới.


Sự phân hóa giàu nghèo Nam Bắc, một số người sống nghèo khổ còn là căn nguyên gây ra loạn lạc, trực tiếp đe dọa hòa bình. Quan niệm bình đẳng từ bi là phương hướng hóa giải các vấn đề đó. Bố thí là một pháp môn tu trì quan trọng, tức dùng lòng từ bi để tạo phúc cho người khác, cho họ của cải, sức khỏe và trí tuệ.


Quy phạm đạo đức của PG, như “Thập thiện”: không trộm cắp, không nói càn, không tà dâm, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không nói xiên xẹo, không tham dục, không sân huệ, không tà kiến đều giúp cho sự hòa hợp mối quan hệ người-người. Bốn giới đầu trong “Ngũ giới”, tức không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm và không nói xằng đều có thể tham khảo khi xây dựng đạo đức chung toàn thế giới.


3) Điều chỉnh mâu thuẫn người với thiên nhiên, xúc tiến sự phát triển chung và phát triển bền vững


Hòa bình và phát triển là hai vấn đề lớn nhất của loài người hiện nay. Nếu gìn giữ hòa bình đòi hỏi hài hòa mối quan hệ người-người thì phát triển chung và phát triển bền vững không những đòi hỏi hài hòa quan hệ người-người mà còn đòi hỏi phải điều chỉnh thích hợp quan hệ người với thiên nhiên, sao cho môi trường sinh thái được gìn giữ tốt. Việc con người khai thác thiên nhiên quá mức, thậm chí cướp đoạt dã man thiên nhiên đang hủy hoại nghiêm trọng sự hài hòa người-thiên nhiên, đe dọa sự sinh tồn của loài người.


Tư tưởng triết học PG có ý nghĩa tham khảo về mặt điều chỉnh nhận thức tính nghiêm trọng bức thiết của vấn đề môi trường. Trước hết, thuyết Duyên Khởi nhấn mạnh mọi sự vật đều do nhiều nguyên nhân điều kiện hòa hợp mà thành, không sự vật nào tồn tại riêng rẽ. Như trái đất là do đất, biển, trời và các loài động vật họp thành; nếu đất thoái hóa, biển nhiễm độc, tầng ô-dôn mỏng dần, các loài động thực vật không ngừng biến mất thì sự tồn tại của trái đất sẽ khó khăn, loài người sẽ khó sinh tồn. Thuyết Duyên Khởi và thuyết chỉnh thể hữu cơ PG có thể cung cấp căn cứ lý luận cho triết học môi trường hiện đại.


Thứ hai, thuyết Y Chính Quả Báo của PG nhấn mạnh môi trường sống của chúng sinh đều là báo ứng do hành vi của chúng sinh đem lại. PG còn tuyên truyền tư tưởng “Tâm tịnh (sạch) tắc quốc thổ tịnh”, đề xướng báo ơn quốc thổ.


Thứ ba, dựa vào thuyết Duyên Khởi, PG đề xướng tôn trọng kẻ khác, loài khác, tôn trọng sinh mệnh, chúng sinh nhất luật bình đẳng, chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật.


Quan niệm này khác với hành vi lạm sát dị loại, chà đạp môi trường, phá hoại cân bằng sinh thái, cũng khác với quan điểm coi sự bảo vệ môi trường là sự thương hại, ban ơn cho kẻ yếu.


Quan niệm chúng sinh bình đẳng ấy cũng khác với “chủ nghĩa trung tâm nhân loại” và “chủ nghĩa trung tâm môi trường”, “chủ nghĩa trung tâm sinh vật”. PG còn đề xuất ăn chay, phóng sinh, vừa có lợi cho sức khỏe, vừa giúp gìn giữ cân bằng sinh thái.


Thuyết lý tưởng của PG coi thế giới cực lạc là thế giới lý tưởng, là nơi môi trường tuyệt hảo, trong lành, cỏ cây tươi tốt, chim hót vượn kêu. Xưa nay PG thích xây chùa dựa núi, bên suối. Có thể nói PG gương mẫu coi trọng môi trường gìn giữ sinh thái.


Tóm lại, chúng ta cần coi trọng cao độ công cuộc hiện đại hóa và sự biến đổi các mâu thuẫn cơ bản do nó gây ra, có liên quan tới mệnh vận toàn nhân loại và sự phát triển của thế giới. Làm thế nào xử lý tốt mối quan hệ người với tự ngã, người-người, người-thiên nhiên, vấn đề này liên quan tới chế độ xã hội, kinh tế, cũng liên quan đến khoa học kỹ thuật và tâm trí của loài người.


Trong PG cũng có các tư tưởng sai lầm, triết học PG cũng không thể giải quyết các mâu thuẫn cơ bản và nhiều vấn đề cụ thể của xã hội loài người, nhưng nó có thể từ một số phương diện nào đó cung cấp cách tư duy giải quyết mà xã hội thế tục còn thiếu.


Đó là cao độ coi trọng việc xây dựng tâm linh của tự thân nhằm điều chỉnh định hướng giá trị, thay đổi tâm thái, chuyển đổi ý thức, nâng cao trí tuệ con người, từ đó giúp cho việc giải quyết nhiều mâu thuẫn và vấn đề của xã hội. Cần nhấn mạnh: triết học PG muốn phát huy đầy đủ chức năng xã hội của mình thì cần đi sâu khai thác nguồn tài nguyên tư tưởng tự thân và đưa ra sự giải thích hợp thời cuộc, cần không ngừng tăng cường quan tâm đến xã hội hiện đại, ứng đối kịp thời với các vấn đề mới xuất hiện.


Không nghi ngờ gì nữa, triết học PG có giá trị hiện đại; và điều quan trọng là mọi người phải cố gắng hơn nữa trong việc quán triệt thực sự và phô bày đầy đủ giá trị của triết học PG trong xã hội hiện đại.