Trang chủ PGVN Cửa thiền Ai đem con bỏ chùa này

Ai đem con bỏ chùa này

162

“Mái chùa che chở hồn dân tộc


Nếp sống muôn đời của tổ tông”


                                                (Huyền Không)


Hai câu thơ trên trong bài phát biểu của Ni sư Thích nữ Huệ Đức đọc tại buổi lễ khánh thành chùa Diệu Pháp (nơi có Nhà tình thương Diệu Pháp) vào một buổi sáng ngày rằm, tiết trời trong lành đậm đà hương vị Tết Trung thu. Với âm giọng nhỏ, thanh mỏng như một lời tự sự, Ni sư đã kể lại cho Tăng Ni, Phật tử và bá tánh thập phương hiểu được quá trình hình thành của ngôi chùa Diệu Pháp.


 


Ngôi chùa toạ lạc trên một khu đất rộng 2,8 héc-ta. Cách đây hơn 30 năm, khu đất này là của bà Bùi Thị Ngọc Bích, một nữ thương nhân vừa giỏi giang trong mua bán, lại vừa đẹp nết đẹp người; chẳng hiểu nguyên do gì bà không lập gia đình và đương nhiên cũng không con cái. Khi vầng trăng của cuộc đời bà chớm khuyết, bà đã gói ghém lại chuyện mua bán, biến ngôi nhà và khu đất của mình thành túp thảo am thờ Tam Bảo. Từ đó, bà phát nguyện xuất gia học đạo, thọ Sa di giới với pháp tự Tuệ Châu.


 


Năm 1983, Sư bà Diệu Không, một bậc Ni trưởng trụ trì một ngôi chùa lớn ở Huế đến thăm thảo am. Nhân dịp này, Sa di ni Tuệ Châu đã phát nguyện cúng thảo am cùng hơn 2 héc-ta đất hương hoả cho nhà Phật. Sư bà đã tiếp nhận, đặt hiệu chùa là “Diệu Pháp ni tự”, cử Ni sư Thích nữ Diệu Thân, Tịnh Đức, Trí Hải và sau đó là Ni sư Huệ Đức từ Huế vào trụ xứ nơi đây cùng với Sa di ni Tuệ Châu (Sa di ni Tuệ Châu đã viên tịch tại chùa Diệu Pháp vào ngày 12-3-1999, tháp mộ hiện đặt trong khuôn viên chùa).


 


Vào thời điểm đó, hoàn cảnh thiếu thốn, đói khổ diễn ra khắp nơi trên đất nước ta, tại ngôi chùa Diệu Pháp cũng vậy. Đời sống của các sư cô ở đây vô cùng khốn khó, chỉ trông vào liếp khoai, nương sắn được trồng trọt trên 2 héc-ta đất chùa. Các sư cô đã khổ, nhưng hoàn cảnh của người dân địa phương còn khổ hơn nhiều. Họ không có đất để canh tác nên từ sáng sớm đã đi xa để làm nương rẫy thuê, kiếm cái ăn đến tối mịt mới về. Trong những lần đi như thế, lúc quay về nhà, những đứa con nheo nhóc của họ đã có đứa vì lọt vũng sẩy chân mà chết. Lúc bấy giờ những trường hợp như thế xảy ra rất thường xuyên ở vùng này.


 


Cảnh tượng thật thương tâm đến không cầm lòng được. Các sư cô ở chùa Diệu Pháp đã tìm đến những ngôi nhà này đón các đứa trẻ về chùa chăm nom, tắm rửa, dạy chữ và chia sẻ củ khoai, rau cháo buổi trưa; buổi chiều cha mẹ chúng đến chùa đón về. Lúc này, số các cháu ở chùa dao động từ 30-40 cháu. Các sư cô gọi đó là nhóm cháu “hoàn cảnh”. Còn một nhóm khác nữa, đông hơn, được các cô gọi là “nhóm lượm”. Nhóm lượm là những trẻ con còn đỏ hỏn chẳng biết ai đã đem đến bỏ ngoài cổng chùa, các sư cô thương xót bế vào nuôi. Thời bấy giờ, trong chùa có khoảng mươi sư cô tuổi từ 16-35, tưởng rằng đi tu là thoát được nợ trần gian, ngờ đâu bỗng nhiên phải làm mẹ, lại là mẹ của rất nhiều con. Vì vậy, các sư cô phải lao động cật lực, dãi dầu vào ban ngày để kiếm thêm rau rủ nuôi con và cực khổ vào ban đêm để chăm sóc các bé vì chúng còn rất nhỏ.


 


Cuộc sống tuy cơ cực nhưng thắm đượm tình người, các sư cô không quạnh quẽ, đơn chiếc dù phải ở nơi cô tịch. Những người dân địa phương dù không có của nhưng có lòng đã phụ giúp các sư cô gánh củi, xách nước, tắm rửa, nấu ăn, may vá cho các cháu. Các cô giáo quanh vùng cũng vậy, ngoài những giờ lên lớp chính thức, họ đến chùa giúp các sư cô dạy chữ cho các em nhỏ. Từ đó, ngôi chùa Diệu Pháp trở nên nhộn nhịp, đông vui, ấm áp như một gia đình lớn giữa xóm nghèo.


 


Đến nay, các em “nhóm hoàn cảnh” và “nhóm lượm” đã lên đến con số 155, chưa tính 36 em hiện nay đã trưởng thành, tốt nghiệp trung học, đại học và đã có công ăn việc làm ổn định. Cứ vào dịp cuối tuần, nghỉ hè hay Tết Nguyên đán, các em lại quay về chùa như con tìm về mẹ, nước tìm về nguồn, lá rụng về cội. Cũng có những cháu đã trưởng thành, sớm ổn định được cuộc sống, dành dụm gởi tiền phụ các Ni sư nuôi em như trách nhiệm của người anh, người chị ruột thịt. Hiện nay, nguồn thu nhập chính của chùa là 2 héc-ta đất trồng cây giống để bán cho các mối lái. Ngoài ra chùa còn có thêm 10 héc-ta đất ở Đăk Nông để làm rẫy (quỹ đất này do Phật tử chuyển nhượng với giá thật thấp là 3 triệu đồng/héc-ta).


 


Sau một thời gian dài làm việc cật lực, các Ni sư dành dụm được 250 triệu dự định dành để xây chùa rộng rãi hơn cho các cháu. Biết chuyện, hai vị thầy đang định cư ở Mỹ đã phụ giúp chùa thêm 300 triệu. Các Phật tử, bá tánh khắp nơi cũng đã cúng dường thêm hơn 200 triệu để các Ni sư lo việc xây dựng. Những người dân địa phương dù chưa khá giả cũng góp nhặt: gạch, cát, ngói, xi măng, sắt, thép… để mong ngôi chùa sớm được hình thành.


 


Ngày 14 tháng Giêng năm Ất Dậu (2005), chùa khởi công xây dựng với tổng kinh phí là 750 triệu, và ngày rằm tháng Tám vừa qua, chùa đã làm lễ khánh thành. Trong ngày vui này, các cháu, các em đã tựu về đông đủ khoảng 200 em.


Không biết trong số khách thập phương về chùa dự lễ khánh thành, liệu có ai đã tìm về chùa vì một lẽ nữa: lén nhìn ngắm núm ruột của mình đã bỏ lại chùa này?