Trang chủ Quốc tế Ấn Độ: Lễ “Tam Hợp” (Vesak Day) tại trường Đại học Subharti...

Ấn Độ: Lễ “Tam Hợp” (Vesak Day) tại trường Đại học Subharti – Thành phố Meerut

210

Ngày 07 tháng 05 năm 2022 (nhằm ngày mùng 07 tháng 04 năm Nhâm Dần), Tăng Ni sinh Việt Nam đã tổ chức lễ “Tam Hợp” tưởng niệm đấng từ phụ Thích Ca Mâu Ni đản sinh PL. 2566. Tuy mang tính quốc tế, nhưng do Tăng Ni sinh Việt Nam chủ động mọi việc nên nội dung và hình thức đều theo nghi lễ truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Tham dự lễ có sự hiện diện quý báo của Tiến sĩ G.K. Thapliyal – Hiệu phó ĐH Subharti, Tiến sĩ Krishana Murti – Trưởng phòng hành chánh, Giáo sư Tiến sĩ K.T.S. Sarao – Giảng viên giảng dạy văn học Pali, Giáo sư hướng dẫn nhiều luận án Tiến sĩ và có nhiều đóng góp cho Phật giáo tại Ấn Độ, Tiến sĩ Heero Hiro – Phụ trách khoa Phật học cùng tất cả các Giảng viên và nhân viên văn phòng Khoa Phật học tham dự. Đặc biệt, buổi lễ có sự tham gia vô cùng trân quý của CEO Tiến sĩ Salaya Raj, bà là con gái của người đã xây dựng trường ĐH Subharti bằng tài sản riêng của gia đinh khi còn sống. Tăng ni sinh viên Khoa Phật học tham dự gồm 34 vị (Việt Nam 14 vị, Miến Điện 20 vị). Sinh viên từ các Khoa Luật, Y tế, Giáo dục, Mỹ thuật, Công nghệ, Bách khoa cũng tham dự khoảng 100 sinh viên.

Buổi lễ bắt đầu bằng việc rước kiệu diễu hành xuất phát từ New Sangha Hostel (Ký túc xá sinh viên khoa Phật học). Dẫn đầu đoàn là Giáo sư Tiến sĩ Sarao và Tiến sĩ Hiro. Tiếp đến chư Tăng Việt Nam khiêng kiệu tượng Bồ tát Đản sanh, chư Tăng Miến Điện khiêng kiệu tượng đức Bổn sư thành đạo và tượng Phật Niết-bàn. Nối tiếp là các Ni sinh rải hoa cúng dường và cuối cùng là sinh các khoa người Ấn Độ và một vài quốc gia khác cầm cờ Phật giáo diễu hành. Đoàn thỉnh rước vô cùng trang nghiêm và xúc động đi nhiễu quanh một vòng sân trường đại học Subharti. Đây là lần đầu tiên nghi thức này mới được thực hiện tại đây từ khi khoa Phật học được chính thức thành lập thành một khoa riêng của trường. Mỗi đoạn đường đi qua, hầu như tất cả mọi người đều bày tỏ lòng tôn kính với kim tượng đức Phật, họ dừng hẳn các việc đang làm đứng trang nghiêm chiêm bái, các chú bảo việc giơ tay lên trán chào theo kiểu rước quốc kỳ, một số lại chắp tay trước ngực thể hiện lòng tôn kính. Hòa trong nhạc niệm Phật tiếng Việt Nam, đôi lúc xen kẽ câu niệm Phật bằng ngôn ngữ Pali lòng người con Phật như giao hòa nhau trên tinh thần giác ngộ vượt lên trên biên giới của văn hóa hay dân tộc nào.

Sau 45 phút diễu hành, đoàn đến cội bồ đề nằm trong Khoa Phật học của trường, đây cũng là nơi lễ đài được tôn trí làm lễ “Tắm Phật”. Dưới cội bồ đề xanh um đang vươn mình trỗi nhịp ca trên từng kẽ lá xạc xào theo làn gió thổi, sinh viên các nước tề tựu về đây bày tỏ lòng tôn kính lên ngày Đản sinh của đức Phật. Lá bồ đề ở đây không to và xanh thẳm như bồ đề Việt Nam. Chúng có kích thước nhỏ hơn, nhưng bù lại lại trổ từng tán lá dày đặc. Màu lá xanh nhạt, hơi ngả vàng và luôn đung đưa trong gió bởi cuốn lá dài, mảnh nhưng chắc.

Khi kim tượng được tôn trí xong, ĐĐ. Hạnh Nghĩa thực hiện vai trò điều khiển chương trình mở đầu bằng việc nói lên cảm xúc của người đệ tử xuất gia từ bốn phương trời được hữu duyên học tập ngay trên miền đất Phật trong dịp Phật đản năm nay. Đây là niềm tịnh lạc và phước báu lớn lao tạo thành chỗ dựa tâm linh vững chắc cho việc hoàn thành các cấp học của Tăng Ni trong tương lai.

Tiếp nối chương trình là phần phát biểu của Giáo sư Tiến sĩ K.T.S. Sarao. Ngài nhắc đến một mẫu chuyện khi một người tu khổ hạnh mời đức Phật xuống tắm trên một dòng sông để cầu nguyện dòng nước tẩy rửa tội lỗi. Đức Phật đã từ chối và nhấn mạnh dòng nước kia không thể rửa sạch ác nghiệp cho con người. Chỉ có dòng nước Pháp (dhamma water) mới có thể xóa tan nhiễm ô phiền não mà thôi. Hôm nay, chúng ta thực hiện nghi lễ “Tắm Phật” là hình thức bên ngoài, còn ý nghĩa bên trong mỗi người phải biết thực hành lời Phật dạy mới là con đường tưởng niệm Đản sanh đúng đắn.

Sau phần phát biểu này, là nghi thức tụng kinh của chư Tăng Miến Điện theo truyền thống Theravada. Tiếp đến, Tăng Ni sinh Việt Nam hòa âm xướng tụng Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (Acchariya-abbhùtadhamma sutta), bản dịch của HT. Thích Minh Châu.

Sau 30 phút tụng kinh, CEO Tiến sĩ Salaya Raj đã có lời phát biểu thân tình bày tỏ niềm hoan hỷ khi lần đầu tiên bà được tham dự một đại lễ Phật giáo tại trường này. Bà cũng cho biết đang xây dựng một ngôi tu viện nhỏ trong khoa Phật học để thờ bảo tượng đức Phật và xây phần mộ tưởng nhớ người mẹ thân yêu của bà đã cống hiến cho giáo dục tại tu viện này. Thông qua buổi lễ, bà cầu nguyện sinh viên đến từ các quốc gia cũng thương yêu, đoàn kết với sinh viên Ấn Độ để xây dựng tinh thần bất bạo động, chia sẻ kiến thức và hợp tác hữu nghị trong việc dạy và học tại trường.

Nối tiếp chương trình, lần lượt chư Tăng Ni thực hiện nghi thức tắm Phật trong một cách nghiêm cẩn. Các vị quan khách, quý Giáo sư, Giảng viên và các sinh đều tham gia nghi thức vô cùng trang trọng. Khi thực hiện xong nghi thức tắm Phật, ĐĐ. Pháp Như đã tác bạch cúng dường phần tịnh tài do quý Phật tử phát tâm cúng dường lên quý Tôn đức Tăng Ni khóa Phật học. Và đại diện Tăng Ni cũng có phần quà kỷ niệm đến quý khách mời.

Cuối cùng, ĐĐ. Hạnh Nghĩa phát biểu đôi lời cảm tạ và cung thỉnh Tăng Ni cũng như trân trọng kính mời toàn thể quý khách trở về New Sangha Hostel dùng cơm thân mật.

Sau đây là một vài hình ảnh lưu niệm.

Xin giới thiệu thêm chùm ảnh ghi nhận:

Tin: Minh Điệp  – Ảnh: Pháp Như