Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Ăn tết ở Sài Gòn

Ăn tết ở Sài Gòn

114

Những ngày trước Tết ở Sài Gòn hẳn nhiên không phải cuống cuồng như lúc còn ở miền Trung. Không có cảnh lẽo đẽo theo vợ đến đủ các chợ để lỉnh kỉnh tay xách nách mang bao thứ mà chính mình cũng không biết Tết có dùng đến không.

Cũng không có cảnh co ro trong cái mưa phùn rét đến thấu xương để lặn lội về làng đi thắp hương cho ông bà, đi từng nhà chào hỏi mọi người.

Thôi thì cũng bằng lòng với cái không hoàn hảo của cuộc đời. Không có được niềm vui pha chút cực nhọc đó nữa, bù lại cả gia đình lại có những khoảnh khắc thong dong ở một nơi mà quanh năm dòng đời luôn cuồn cuộn chảy. Một cảm giác thanh thản không dễ gì có được.

Và Tết Sài Gòn dẫu không có được cái quây quần sum họp của đại gia đình như ở quê, nhưng vẫn đậm hương Tết. Chiều cuối năm, lòng vòng chở hai cô con gái qua bến Bình Đông xem cảnh trên bến dưới thuyền vang bóng một thời mà bản thân tôi ngày xưa cũng thầm ao ước được một lần mục sở thị.

Cảnh mua bán hoa ngày Tết bao giờ cũng gợi lên trong lòng người một cảm giác ấm cúng. Không đơn giản chỉ là sự mua bán, trao đổi thường tình, sòng phẳng, mà đó là sự san sẻ sắc màu Tết cho nhau.

Chính vì vậy, cuộc ngã giá trước mỗi cây hoa bao giờ cũng nhẹ nhàng và thân thiện. Thích nhất là đi chợ hoa Tết Sài Gòn không phải co ro trong mưa. Người ta có thể ung dung nhìn ngắm, lựa chọn, trao đổi.

Người bán, người mua, người đi chơi hoa đều vui vẻ tươi cười. Chỉ có một điều thấy tiêng tiếc là bến Bình Đông không còn tấp nập như từng thấy trước đây (trong trí tưởng tượng của tôi khi đọc truyện của nhà văn Sơn Nam). Tôi vẫn thầm ao ước một ngày nào đó bến thuyền dọc dòng kinh Tàu Hũ sẽ được cải tạo khang trang, chợ hoa giáp Tết sẽ lại trở thành một điểm nhấn của bờ đông, không thua gì bờ tây luôn rực rỡ sắc màu đại lộ.

Cuối năm, phố cũng thôi không còn lam lũ. Những người bán hàng rong, những cụ già bán vé số dường như cũng đã vội vàng về quê chăm chút lại khói hương cho ông bà tổ tiên.

Chạy xe trên phố không còn phải lo canh cánh về chuyện bị kẹt cứng ở một nơi bất kỳ nào đó. Những cơn gió se se cuối năm cũng được dịp tung tăng dọc theo các con đường, luồn lách vào các ngõ ngách của Sài Gòn.

Chạy xe vào phố người Hoa, mùi Tết vẫn rất nồng nàn như trong trí tưởng. Những lúc như vậy chợt thấy Sài Gòn đáng yêu đến lạ dù cũng vẫn là những đường phố ấy, những ngôi nhà ấy và những gương mặt ấy.

Đêm giao thừa cũng vẫn thiêng liêng và thành kính dù cho ai đó có than thở về một cái Tết đang ngày càng nhạt nhòa hương sắc Việt. Vợ cũng vẫn tất tả chuẩn bị đồ Tết và mâm cỗ đón giao thừa. Con gái vẫn thắc thỏm hỏi ba ơi bao giờ thì đến giao thừa.

Tết đâu phải là cái gì vĩ đại mới vui. Chỉ cần được ngồi đón năm mới cùng những người ta yêu quý nhất cũng đủ thấy trọn sự ấm cúng của cái Tết cổ truyền. Hai cô con gái bấm điện thoại liên hồi và luôn cập nhật cho ba mẹ nhất cử nhất động đang diễn ra ở nhà nội, nhà ngoại ở quê.

Giờ này ông ngoại đang nhờ cậu Nguyên kê lại chậu mai trước bàn thờ. Ông nội vừa mới tắm xong, chuẩn bị hương đèn trên bàn thờ ông cố.

Cậu Diễn sắp đến giao thừa rồi mà chưa đóng được cửa tiệm thuốc tây vì người đến mua thuốc dự phòng đau bụng, tiêu chảy nhiều quá… Một chương trình trực tuyến rộn ràng không thua kém những gì đang diễn ra trên truyền hình.

Và ăn Tết Sài Gòn cũng không phải đơn độc. Những bạn bè vì lý do nào đó như con còn quá nhỏ, công việc trực gác đột xuất hay không mua được vé máy bay… cũng đủ làm nên một cộng đồng nho nhỏ ở giữa thành phố đông đúc này.

Ngày thường không dễ gặp nhau nên tranh thủ ba ngày Tết để hàn huyên trăm chuyện. Nỗi hoài hương còn bàng bạc đâu đó nhưng lòng vẫn được sưởi ấm bởi cái sắc Xuân rạng rỡ và màu nắng phương Nam hào phóng tình người.