Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Những người trẻ xa quê: Dịch Covid-19 khiến đường về nhà đón...

Những người trẻ xa quê: Dịch Covid-19 khiến đường về nhà đón tết… xa quá!

107
Những năm trước, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, Huyền Trâm (thứ năm từ phải qua) thường cùng các bạn đón tết với nhau

Tết Nguyên Đán trong khi ở quê nhà mọi người đang tấp nập chuẩn bị bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả để cúng ông bà tổ tiên, sum vầy bên nhau thì nhiều bạn trẻ xa quê hướng về quê hương với nỗi nhớ đong đầy.


Năm nay , nhiều người trẻ sẽ càng nhớ nhà hơn vì do ảnh hưởng dịch Covid-19 không có cơ hội về Việt Nam đón tết trên quê hương.

7 năm rồi chưa được về quê

7 năm trước, khi học xong Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, Tường Huyền Trâm (29 tuổi, Hà Nội) may mắn nhận được học bổng toàn phần và theo học thạc sĩ ngành phát triển bền vững tại Ecole européenne d’Intelligence Economique (Pháp). Và từ đó đến nay cô chưa có cơ hội về nước ăn tết với gia đình.
“Cứ mỗi lần đến tết lại nhớ nhà da diết, em nhớ không khí ngày tết lắm, đặc biệt là rất nhớ bố mẹ. Hồi xưa, cứ gần ngày tết là cùng mẹ đi mua đồ, đi thả cá chép, mua cây đào cây quất về chưng trong nhà. Nhớ mâm cơm đêm giao thừa, cả gia đình quây quần bên nhau vừa chuyện trò vừa chờ đón năm mới…”, Huyền Trâm tâm sự.
Vì nỗi nhớ nhà, Huyền Trâm thường tham gia tổ chức tết cùng bạn bè ở Pháp. Khi còn là sinh viên, cô tổ chức tết với hội sinh viên trong ký túc xá. Sau này, Huyền Trâm vẫn duy trì và hàng năm đều tổ chức hoạt động cùng bạn bè. Vào ngày này mọi người sẽ cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét, làm những món ăn truyền thống rồi quây quần bên nhau để vơi nỗi nhớ nhà, nhớ tết quê hương.
Năm nay tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang phức tạp, Huyền Trâm không biết có thể thực hiện được những hoạt động tương tự hay không. Pháp và Việt Nam múi giờ chênh nhau khá nhiều, nên cứ ngày 30 tết, biết bố mẹ sẽ thức muộn hơn nên Trâm cũng tranh thủ đi làm về sớm để có thể gọi điện về nhà và nói chuyện thật lâu để nguôi đi phần nào nỗi nhớ.

Có thể sẽ đón tết… online

Cũng ngậm ngùi chia sẻ về cái tết xa quê hương năm nay, Thanh Mi (29 tuổi, TP.HCM) cho biết cô theo chồng sang Na Uy lập nghiệp vào năm 2016. Ở đất nước xa lạ, cô cho biết thời gian đầu khá khó khăn vì có con nhỏ và chưa có phương tiện đi lại, Thanh Mi lại chưa có việc làm trong khi đó chi phí sinh hoạt rất đắt đỏ. Cô đã nỗ lực học thêm ngôn ngữ bản địa, học bằng lái xe, tích cực giao tiếp với mọi người để có thể hoà nhập với cuộc sống mới. Nhưng mỗi năm tết đến cô vẫn luôn mong mỏi được về quê đón năm mới cùng gia đình.
Những người trẻ xa quê: Dịch Covid-19 khiến đường về nhà đón tết... xa quá! - ảnh 1

Gia đình Thanh Mi đón Tết xa quê tại Na Uy. Vì dịch Covid-19, gia đình Thanh Mi và nhiều người khác không thể về quê dịp này

NVCC

Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, các đường bay thương mại kết nối giữa Na Uy về Việt Nam hầu như chưa hoạt động. Muốn về phải đăng ký với Đại sứ quán và thuộc diện ưu tiên mới được xếp lịch, hơn nữa thêm thời gian cách ly tại Việt Nam khiến đường về khá gian nan nên cả gia đình cô quyết định đón tết ở xứ người, và đây là cái tết thứ 2 ở đất nước này.
Thành phố Trondheim nơi Thanh Mi sống có hội người Việt khá đông. Đón tết cổ truyền, mọi người thường dành một ngày thứ bảy trong tuần gần nhất để tổ chức. “Chương trình rất ấm cúng, ý nghĩa. Trước đó, ban tổ chức tổ chức ngày hội gói bánh chưng, bánh tét, có văn nghệ, rồi trang trí đúng chủ đề xuân từng năm. Ngoài ra trong ngày hội còn có tổ chức các trò chơi dân gian để trẻ con tham gia cũng như phong tục lì xì cho bé. Thế nên không chỉ người lớn, mà các bé cũng rất nhớ và thích, mong tới ngày Tết Việt”, Thanh Mi kể.
Năm nay do dịch bệnh, có lẽ mọi người không thể tổ chức được ngày lễ lớn cùng nhau đón xuân như mọi năm, nhưng thường vào đúng hôm giao thừa các gia đình người Việt cũng nấu mâm cơm nhỏ cúng đêm 30 để có không khí tết.
Đón năm mới ở đất nước khác Thanh Mi mới thấm thía được nỗi nhớ quê nhà. Với cô, tết vẫn luôn là một trong những ký ức đẹp nhất trong tuổi thơ khi gắn liền với những ngày cùng mẹ đi chợ chuẩn bị tết, cùng ba đi vườn hoa mua đào, mua mai. Nhớ những ngày tấp nập dọn dẹp, thu xếp nhà cửa tinh tươm đón tết; nhớ những lần đi lựa quần áo mới, những bộ áo dài xinh…
“Tới những ngày cận tết ở nơi xa nỗi nhớ càng trở nên cồn cào hơn. Có lúc mình chỉ ước gì khoảng cách ngắn lại, hay có chiếc cửa thần kỳ để chạy về nhà liền lập tức. Đó là khoảng thời gian mình mong manh nhất, dễ bị xúc động nhất và chỉ mong tết sau lại được về nhà, về bên gia đình”, Thanh Mi xúc động nói.

Mong được sớm về với vợ, con

Khi anh Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi, Hà Tĩnh) xách vali sang Hàn Quốc làm việc theo diện xuất khẩu lao động cũng là lúc vợ anh mang thai đứa con đầu lòng được hơn 3 tháng. Giờ con đã 4 tuổi anh vẫn chưa một lần được về nhà gặp mặt. Ngày thường nhiều khi vùi đầu vào công việc khiến anh nguôi ngoai nhưng những ngày tết đến càng khiến anh mong nhớ người thân, gia đình.
“Mình vì miếng cơm manh áo mà phải xa nhà, tết càng buồn thêm. Muốn về lắm chứ, nhưng nghĩ đến khoản chi phí đi lại vào ngày tết mình lại cố gắng động viên vợ con để mình ở lại, tiết kiệm thêm một khoản, sau này hết hạn 5 năm khi trở về có chút vốn liếng làm ăn để lo cho gia đình và không phải bôn ba nơi xứ người nữa”, anh Tuấn chia sẻ lý do.
“Vào khoảnh khắc giao thừa tôi sẽ gọi điện về hỏi thăm gia đình. Nhìn vợ con lủi thủi ở nhà đón năm mới nhiều khi tôi cũng không kìm được nước mắt. Chỉ biết tự nhủ bản thân cố gắng, tôi dành thời gian để làm thêm, nâng cao tay nghề của mình để năm sau có thể về đón tết bên gia đình bên gia đình”, anh Tuấn nói.