Trang chủ Quốc tế Ấn tượng ở đất nước triệu voi: Sắc áo vàng ở Luông...

Ấn tượng ở đất nước triệu voi: Sắc áo vàng ở Luông Prabăng

145

Nghe nhà thơ Dư Thị Hoàn kể lại, sáng hôm sau chúng tôi quyết phục bằng được khoảnh khắc hiếm hoi ấy. Khoảng 6g, trời còn mờ tối và hơi se lạnh, bất chợt chị Hoàn kêu ở ngoài hành lang: “Đến rồi!”. Tung cửa chạy ra. Một hàng nhà sư khất thực trong sắc áo vàng yên lặng rẽ vào con đường như cái ngõ nhỏ.


Thế là tất cả bỏ bancông chạy ào xuống đường. Trước cửa mỗi nhà người ta đã mang ghế ra ngồi, cái thẩu mây đựng xôi đặt trên lòng chờ các nhà sư đi đến. Người thì trải một tấm chiếu nhỏ rồi quì lên chờ. Hàng các nhà sư đi qua trước mặt. Mỗi nhà sư chìa ra cái bình bát, cũng bằng mây tre đan, để nhận một nắm xôi nhỏ. Người cúng dường không nói. Người khất thực cũng không nói. Đường phố rất yên lặng thanh bình.


Cũng vừa lúc đoàn nhà sư đi đến cuối đường. Ở phía cuối ấy, bất ngờ một đoàn nhà sư khác từ một ngõ nhỏ cắt chéo qua, cảnh tượng như thể có một bàn tay đạo diễn điện ảnh bài bản, tạo ra được một cảnh phim xao động.


Tôi cứ nghĩ đó chính là hình ảnh của tăng đoàn Phật giáo từ thời Phật tổ Thích Ca. Như thể Luông Prabăng khoảnh khắc này là bảo tàng sống lưu giữ nguyên vẹn một tập tục của tăng đoàn Ấn Độ hơn 2.500 năm trước. Khi Đức Phật đã nổi danh là một hiền triết, đã lập ra một tăng đoàn hàng trăm tín đồ, tin bay về kinh thành của Người rằng nhà hiền triết cùng đồ đệ sáng sáng mang bát đi ăn xin.


Buổi trưa, họ tập hợp trở lại, người được nhiều chia cho người được ít rồi cùng ăn một bữa đạm bạc. Vua cha của Đức Phật sai quân đi điều tra. Trời ơi, con trai của nhà vua, một hoàng tử dòng dõi, đã trở thành kẻ ăn mày! Nhà vua tìm tới tăng đoàn gặp Đức Phật, được Đức Phật khẳng định rằng khất thực là tập quán của tăng đoàn. “Tập quán nào? – Nhà vua gầm lên – Ngươi sinh ra trong dòng họ các nhà vua chưa một lần trong đời biết xin xỏ cái gì hết.


Tập quán của chúng ta là ăn thức ăn trong bát đĩa bằng vàng bằng bạc chứ không phải trong bát gỗ!”. Đức Phật khi ấy mới ôn hòa đáp lời: “Thưa phụ vương, người xuất thân dòng dõi hoàng gia, đó là sự thật. Nhưng con thuộc dòng dõi các nhà sư, những Người Giác Ngộ. Chẳng phải những người này không biết làm lấy mà ăn, nhưng khi đi xin bố thí họ muốn khơi gợi ở người đời lòng trắc ẩn, lòng muốn làm điều thiện. Con nói “tập quán” là tập quán của những Người Giác Ngộ này”.


Chuyện kể lại rằng sau đó giáo lý của Đức Phật đã cảm hóa được cả nhà vua và tất thảy dân chúng kinh thành Kapilavastu.


Buổi sáng sớm ở Luông Prabăng nước Lào, tôi lại ngỡ mình đang ở chính giữa sinh thời Đức Phật. Không khí cổ kính ấy còn ở ngay trong lời văn bản qui định của chính quyền thành phố về việc cúng dường. Chính quyền coi việc các nhà sư đi khất thực là một nét đẹp của thành phố. Vật cúng dường phải được mua từ chợ mang về, hoặc được chế biến tại nhà, nhất thiết không được vội vàng mua ở hàng quán ngay tại chỗ các nhà sư đi ngang.


Du khách có thể chụp ảnh, nhưng không được để đèn flash hoặc chạy cắt ngang lối đi của nhà sư. Người ta không thể ngồi trên ôtô buýt đuổi theo đoàn nhà sư mà chụp ảnh, chính vì thế chính quyền đã không cho phép ôtô buýt hoạt động trong thành phố. Cũng như vậy, không ai được nhìn xuống các nhà sư từ một độ cao như bancông các tầng gác…


Có lẽ du khách nào khi đọc qui định này cũng thầm cảm ơn chính quyền Luông Prabăng. Nhờ vậy mà cố đô đã bảo tồn nguyên vẹn một tập tục tưởng đã thất truyền gần ba thiên niên kỷ.