Trang chủ Văn hóa Ảnh hưởng của Phật giáo trong nghệ thuật điện ảnh

Ảnh hưởng của Phật giáo trong nghệ thuật điện ảnh

162

Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời, Ngài đã thể hiện nhân cách và năng lực siêu việt của Bậc Toàn giác. Vì thế, có thể khẳng định rằng trong mọi lĩnh vực, Ngài đã chỉ dạy tất cả mọi người những phương cách hành xử tốt đẹp nhất, phương cách sống cao quý, an lạc, và hạnh phúc nhất. Nói theo ngày nay, Đức Phật là người đa tài, đa năng xuất chúng. Thậm chí trong sinh hoạt hằng ngày, có những việc làm bình thường mà người ta tưởng rằng Đức Phật xuất thân từ dòng dõi vua chúa không thể biết; nhưng trái lại, Ngài cũng biết rõ tường tận. Trong kinh ghi rằng một hôm trên bước đường giáo hóa độ sinh, Ngài đã dừng lại bên đường để chỉ cho người nghệ sĩ cách lên dây đàn, cách khảy đàn sao cho âm thanh phát ra hay nhất.


Với tuệ giác và đạo lực của Đức Phật luôn tỏa sáng trong từng phút giây của cuộc sống trên bước đường vân du hóa độ, cho nên từng lời nói, cử chỉ, việc làm của Ngài đều đi sâu vào lòng người, có sức thuyết phục và chuyển hóa được họ theo nếp sống thánh thiện. Vì vậy, người ta thường tôn kính Đức Phật qua mười hiệu mà kinh điển diễn tả là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Nói cách khác, mười tôn danh này cho thấy trí giác, đức hạnh và việc làm siêu tuyệt của Đức Phật đã bao phủ trọn vẹn mọi sinh hoạt của con người.


Và sau khi Đức Phật vắng bóng trên thế gian, những lời chỉ dạy trong sáng và đúng đắn hoàn toàn của Ngài vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường, hướng dẫn nhân loại tạo dựng cuộc sống hiểu biết, thương yêu, hòa hợp, hòa bình, phát triển và hạnh phúc. Vì vậy, để hình dung ra một bậc mô phạm thánh thiện vĩ đại nhất trong loài người, cuộc đời của Đức Phật đã được người ta diễn tả dưới nhiều hình thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau như thơ ca, hội họa, điêu khắc và sau này là điện ảnh được gọi là nghệ thuật thứ bảy ra đời, chúng ta thấy xuất hiện những cuốn phim mô tả đời sống của Đức Phật và Thánh chúng.


Cho đến khi phim hoạt họa xuất hiện trong ngành điện ảnh, đã có không ít những cuốn phim diễn tả cuộc sống thánh thiện của Đức Phật, của hàng đại đệ tử Phật, hoặc các vị Bồ tát vô hình được đại đa số quần chúng tin tưởng, kính trọng, lễ bái, cầu nguyện mà điển hình là Bồ tát Quan Âm luôn ban vui cứu khổ cho những ai hướng tâm đến Ngài. Cuộc sống vị tha và hạnh nguyện cứu giúp chúng sinh của Đức Quan Âm luôn là hình ảnh đẹp nhất tạo thành sự xúc động khiến cho người ta dựng thành phim nhiều nhất và được nhiều người ưa thích, phải kể đến là phim Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu Thiện…


Và nói rộng hơn, các phim Việt Nam dù không phải là phim liên quan đến Phật giáo cũng thường mượn cảnh đẹp trang nhã của những khu vườn ở chốn thiền môn tỏa không khí trong lành, rợp bóng mát cây cỏ hoa lá, chim muông, nói lên hình ảnh bình an, hiền hòa của những người thiện tâm hiện hữu ngời sáng bên cạnh những cảnh đời tranh giành, hơn thua, phiền muộn, khổ đau. Hoặc những cuốn phim được thực hiện ở cảnh chùa tọa lạc uy nghi trên đỉnh núi non hiểm trở, với những con người thoát tục âm thầm trải rộng tình thương và hiểu biết đến muôn loài sinh vật trong thiên nhiên như những người anh em đồng đẳng. Trong các phim ảnh của Việt Nam nói riêng và các nước Á châu nói chung hầu như thường có ít nhiều sự minh họa các hình ảnh của Phật giáo, hoặc thể hiện tính cách triết lý của đạo Phật.


Điều này dễ hiểu, vì  đạo Phật luôn luôn là người bạn thân thiết cùng đồng lao cộng khổ với nhân dân Việt Nam trải qua giai đoạn lịch sử dài lâu, từ thuở dân tộc ta dựng nước, giữ nước cho đến ngày nay. Và Phật giáo cũng đã đóng vai trò quan trọng ở một số nước như Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Sri Lanka, Trung Quốc, Nhật Bản, v.v…; cho nên sinh hoạt của người dân về nghệ thuật, văn hóa, tư tưởng, v.v… ở đất nước chúng ta và ở các quốc gia vừa nói đã chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần Phật giáo.


Gần đây nhất, một sự kiện nổi bật trong lĩnh vực điện ảnh đã gây kinh ngạc không ít đối với giới làm phim quốc tế; đó là Tiến sĩ Modi, Chủ tịch Maha Bodi Society sẽ thực hiện cuốn phim về cuộc đời của Đức Phật căn cứ trên quyển sách Đường xưa mây trắng của Hòa thượng Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đây cũng là một tin vui đối với giới Phật giáo chúng ta.


Hiện nay, đối trước sự tràn ngập các phim ảnh bạo lực, thác loạn gây tác hại không ít cho lớp thanh thiếu niên, từ đó tạo ảnh hưởng bất an cho xã hội; chúng tôi mong rằng những nhà làm phim Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến sự tác động lợi ích của những cuốn phim mang đậm màu sắc Phật giáo. Thật vậy, những hình ảnh đạo đức thánh thiện của các nhân vật trong phim sẽ gióng lên tiếng chuông thức tỉnh giới trẻ nói riêng và mọi người nhận ra con đường dẫn đến cuộc sống hạnh phúc, an lạc không thể xây dựng bằng những việc làm xấu ác, ích kỷ, hận thù, sa đọa. Chỉ có cách sống từ ái, cảm thông, hài hòa, chia sẻ, giúp đỡ theo Phật pháp, mới đem lại cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng xã hội tình thân thiện, niềm hạnh phúc, sự an bình và phát triển trong tinh thần hiểu biết, thương yêu. Và phim ảnh thể hiện tinh thần Phật giáo có thể góp phần cho những việc làm tốt đẹp này.