Trang chủ Tuổi trẻ Gia đình Phật tử Ánh sao mai

Ánh sao mai

80

Thành đạo là một trong những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của đấng Giác ngộ dạy cho chúng ta những bài học vô cùng quý giá.  Là huynh trưởng GĐPT, ngoài việc tu tập cho bản thân, chúng ta còn có bổn phận trao truyền cho đàn em gia tài Phật pháp và hiểu biết về đạo Phật… nên những bài học lại càng có giá trị hơn. 


Đạo Phật dạy chúng ta giáo lý giải thoát và cách thực hành giáo lý ấy ngay trong đời sống hằng ngày. Vấn đề của Anh Chị Em chúng ta là biết thời đại hóa giáo lý ấy để có thể trang bị cho đàn em của mình những kiến thức cơ bản về vai trò của tuổi trẻ trước nhu cầu bức thiết của xã hội, đó là đối trị và hóa giải những bất trắc, những trở ngại, những ma chướng (tham, sân, si) từ trong lòng mình và trong lòng người khác để đem đến an lạc thật sự cho mọi người trong xã hội. 


Đó chính là chúng ta đã “góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo” thông qua con đường giáo dục thanh thiếu đồng niên Phật tử vậy.


Ví dụ điển hình như những bài học về Thành đạo; có vài người sẽ bảo rằng “những bài học này các em đã học từ Oanh Vũ đến ngành Thiếu ở các Bậc Cánh Mềm, Chân Cứng rồi Hướng Thiện, Sơ Thiện… đâu có phải bây giờ mới áp dụng!” – Xin thưa, cái mới không phải ở nơi bài học mà ở nơi sự áp dụng bài học vào cuộc sống, nơi cách mình hướng dẫn các em thực hành. 


Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau đi vào ý nghĩa Thành đạo và rút ra những bài học thực tế qua Thông điệp Thành đạo của Đức Thế Tôn.


Ý nghĩa thứ nhất của Thành đạo: Con đường đi đến giải thoát là Trung đạo.


Sau khi từ bỏ con đường khổ hạnh và thiền định ngoại đạo, Đức Thế Tôn nhập định theo hướng mới (thiền định Phật giáo) và đi đến chứng đắc Đạo Vô thượng.  Chúng ta áp dụng bài học này vào cuộc sống là để tránh xa 2 thái cực: một bên là quá hăng say, năng nổ, một bên là quá giãi đãi, buông lung, phóng dật. 


Thật vậy, chúng ta thử nhìn lại Anh Chị Em mình: sau mỗi kỳ Đại hội, mỗi Trại huấn luyện, hay các khóa hội thảo… ai nấy đều mang tâm trạng hăm hở, nôn nóng về đến Đơn vị để thực hiện, áp dụng, cải tiến y như là chỉ trong vài ngày là có sự chuyển hóa kỳ diệu trong sinh họat, tu học, v.v… nhưng cuối cùng thường thường là những ngọn lửa nhiệt tình ấy bị lụi tàn dần, trở nên rời rạc, rồi tắt ngấm, … thế là mọi chuyện vẫn diễn ra không có gì đổi mới ! 


Chúng ta chưa có kế hoạch để nuôi dưỡng sự nhiệt tình của chúng ta, chưa có quyết tâm vun bồi những chủng tử thiện lành như sự tinh tấn, thói quen tự soi rọi lại mình, v.v… Chúng ta tập cho các em viết Sổ Việc Thiện, Sổ Hạnh, Sổ Dũng hằng ngày, tập cho các em thực hành những thi kệ như  “thức dậy miệng mỉm cười” hay “đánh răng và súc miệng, cho sạch nghiệp nói năng”…


Còn huynh trưởng chúng ta thì sao? Có bền tâm vững chí thực hành tu tập của mình theo thời khóa biểu của riêng mình hằng ngày không? Hay là khi hứng lên thì tu học cả ngày đêm quên ăn quên ngủ mà khi dã dượi thì việc niệm Phật trước khi đi ngủ cũng bỏ qua ! J J !!  Đó chính là chúng ta đã xa rời Trung đạo rồi!


Ý nghĩa thứ hai của Thành đạo: Bằng nỗ lực của tự thân, với sự tu tập đúng Pháp, con người có thể Giác ngộ như Đức Phật.


Thật vậy, sinh ra là một con người, sống như một con người, Đức Phật đã thành đạt trạng thái Giác ngộ bằng chính sự kiên trì và nỗ lực cá nhân với 49 ngày đêm dưới cội Bồ đề nhập định… Ngài dạy rằng Ngài là Phật đã thành còn chúng sanh là Phật sẽ thành. 


Đức Thế Tôn đã mở ra cho chúng ta một niềm tin thoát khổ; sự kiện Thành đạo vì vậy, là một lời thọ ký cho tất cả chúng sinh sẽ thành Phật trong tương lai.  Là con của Phật, hơn nữa là huynh trưởng GĐPT có đàn em sau lưng, chúng ta nguyện nỗ lực tinh tấn trong sự tu sửa mình, để xứng đáng là đứa con của Như Lai.  Như Lai có nghĩa là nói gì làm vậy, làm gì nói vậy, đó chính là ý nghĩa sâu sắc của bài học về  thân giáo, một bài học quan trọng mà trại huấn luyện  huynh trưởng nào cũng đề cập đến, cũng hâm nóng lại và lưu ý trại sinh. 


Là người Anh, người Chị, chúng ta phải luôn soi rọi lại mình từ hình thức bên ngoài đến nội tâm, phải luôn tự hoàn thiện mình để xứng đáng là tấm gương sáng cho đàn em noi theo.  Chúng ta không những dạy Phật pháp cho các em trong sách vở, với phấn trắng, bảng đen… mà phải dạy Phật pháp cho các em bằng chính bản thân mình. 


Thật vậy, chúng ta không chỉ dạy các em ở Đoàn, ở Đơn vị, trong điện Phật mà cả khi ở nhà, ở ngoài đường, nói chung là ở mọi nơi, mọi lúc. Lấy một ví dụ vô cùng đơn giản, nếu chúng ta đi câu cá hay săn bắn, thậm chí còn rủ các em ngành Thiếu đi theo, thế là bài học “Em thương người và loài vật” hay “Phật tử mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống” coi như mất hết tác dụng rồi! 


Đó là chưa nói đến sự hổ thẹn, lúng túng dâng lên trong lòng chúng ta, nếu có em nào ngây thơ hỏi rằng “Anh dạy chúng em đừng giết hại loài vật mà sao Anh lại đưa em đi săn, đi câu cá?”  Tương tự như vậy, nếu chúng ta dễ dàng nổi sân, đập bàn đập ghế, to tiếng với nhau trong những buổi họp huynh trưởng tại Đoàn quán hay tại nhà một huynh trưởng… thì rõ ràng uy tín của chúng ta đã giảm đi rất nhiều trong lòng đàn em, các em sẽ mất tin tưởng, sẽ cảm thấy lạc lõng  ngay khi biết được Anh /Chị Trưởng của mình “nói một đường, làm một nẻo”. 


Chúng ta cũng đã dạy các em là ngay khi em trở thành một Đội /Chúng Trưởng hay Đầu Thứ Đàn em đã phải làm gương cho các bạn trong Đội/ Chúng/ Đàn của mình rồi, không phải sao, thưa các bạn?


Ý nghĩa thứ ba của Thành đạo: Giải thoát khỏi tham ái, chấp thủ, nguyên nhân của đau khổ phiền não.


Thật vậy, tự ngã và lòng ham muốn bám víu mãnh liệt nơi tâm ta chính là ngục tù to lớn nhất giam giữ ta trong sinh tử luân hồi, trong triền miên đau khổ mà ta không hay biết. 


Người huynh trưởng chúng ta, mặc dù đã được trang bị lý tưởng, sứ mệnh,  châm ngôn, điều luật, lời phát nguyện, … trước khi bước vào nghề Trưởng, nhưng vẫn có những lúc trái gió trở trời làm cho anh chị em chúng ta mệt mỏi, chán nản, thất vọng… để phải thốt lên: “Làm việc GĐPT là vướng vào phiền não, vừa tốn hao năng lượng, thời gian và tiền bạc…” 


Đó là bởi vì chúng ta quên rằng cái làm cho chúng ta phiền não, tiêu hao năng lượng một cách vô ích không phải vì sinh hoạt GĐPT, mà vì thái độ và tâm tư của chúng ta.  Nếu đến với GĐPT mà chúng ta đem theo những tham vọng của riêng mình, những cố chấp, thành kiến, thị phi… vào đó thì mọi việc sẽ bị nhuốm màu xanh đỏ tím vàng của tâm phân biệt hết, thì phiền não sẽ theo sau ngay.


Trái lại nếu chúng ta đến với GĐPT với tâm vô tư không chấp trước, không phân biệt, không phê phán, không kể công… chỉ có phục vụ đàn em là công việc chính, nghĩa là tâm tư tình cảm của chúng ta đều hướng về “tất cả vì đàn em thân yêu” thì ta sẽ được nhẹ nhàng thanh thản, bởi vì tất cả chúng ta đều đã biết “khi tâm thanh tịnh, ta thấy thế giới thanh tịnh”, còn với một tâm nhiễm ô rồi thì đến đâu cũng gặp ô nhiễm phiền não hết! J J !!


Người Anh /Chị Trưởng có tu tập, không từ chối môi trường nào, hoàn cảnh nào, con người nào cả, họ thương và lo cho các em đồng đều, đối xử từ ái với mọi người không phân biệt tuổi tác, địa vị xã hội, giàu sang hay nghèo hèn, v.v… tất cả đều là đạo tràng để cho họ tu học, thực tập hạnh từ bi và trí tuệ của người Huynh trưởng GĐPT; họ biết rằng muốn sống chung hòa thuận, thương yêu, vui vẻ, chúng ta không thể thay đổi tha nhân được mà phải thay đổi chính mình: thay đồi cách nhìn, cách suy nghĩ, cách ăn nói, cách dạy và cách học…


Nếu chúng ta không biết tự thích nghi với tập thể thì lập tức sẽ cảm thấy phiền não, đau khổ ngay. Nhờ có một cái tâm mềm dẻo, ôn nhu chúng ta sẽ thích ứng với tuổi trẻ, sẽ thông cảm dễ dàng với các em cũng như sẽ tìm ra được những phương pháp giáo dục thích hợp, gây được sự chú ý, hào hứng theo dõi của các em. 


Tóm lại, đi sinh hoạt GĐPT là một hạnh phúc hay phiền muộn cũng đều do chính trong lòng chúng ta mà ra cả.


Ý nghĩa thứ tư của Thành đạo: Mười đạo quân của ma vương không phải là một thế lực vô minh từ bên ngoài mà chính là ngay tại tâm ta.


Thật vậy, trong phim “The Little Buddha” kể một chuyện về tái sinh của một vị Lạt Ma Tây Tạng trong đó có giới thiệu lịch sử Đức Phật Thích Ca từ sơ sinh đến Thành đạo.  Trước lúc Thành đạo, Ngài phải chiến thắng với 10 đạo quân của Ma vương…


Trong phim, đoàn quân mặc áo giáp, hùng hổ tiến về phía Đức Phật; người xem phim gồm cả người lớn và con nít, vậy mà các em vẫn hiểu qua sự thuyết minh của đạo diễn! Đức Phật kể rõ ràng tên của 10 đạo quân đó: 1. tham dục (kāmā) 2. bất mãn với đời sống thánh thiện (arati) 3. đói và khát (khuppipāsā) 4. ái dục (tanhā)  5. hôn trầm và dã dượi (thina-middha) 6. sợ hãi (bhiru) 7. hoài nghi (vicikicchā) 8. gièm pha và ngoan cố (makkha-thambha) 9. lợi lộc và khen tặng, vinh dự và thanh danh bất chính (lābha, siloka, sakkāra, yasa) 10. tự phụ và khinh thường người khác (attukkamsanapara-vambhana). 


Đức Phật dạy đó là 10 vị khách luôn luôn lưu trú trong tâm ta, nếu ta yếu đuối, hèn nhát thì sẽ bị chúng thao túng, sai bảo, nếu ta chế ngự được chúng thì ta sẽ tìm ra hạnh phúc.  Do đó, thành công hay thất bại là do ta có thắng lướt được “10 tên giặc trong nhà” này hay không, chứ không có lực lượng bên ngoài nào quậy phá chúng ta hơn chúng được. 


Mười tên giặc này không những chỉ quấy phá bản thân chúng ta mà còn quậy phá tổ chức, đoàn thể của chúng ta nữa; ví dụ như “con ma” số 8 dèm pha và ngoan cố, có khả năng làm mất tình đoàn kết thương yêu giữa Anh Chị Em Áo Lam, con ma số 10 tự phụ và khinh thường người khác làm cho ngã chấp tăng trưởng, xét đoán sai lầm, khiến cho ta trở nên dễ ghét, khó thân cận dưới mắt bạn bè và anh chị em; con ma thứ 3 đói và khát cũng không kém nguy hiểm, vì đói khát ở đây không phải là đói cơm khát nước mà đói khát ở đây là lòng tham không đáy về tất cả mọi thứ, lòng tham dẫn đến chiếm đoạt những thứ không thuộc về mình như danh thơm tiếng tốt, như công lao của người, v.v…


Đội quân ma vương này luôn xúi giục chúng ta thấy mình đúng người khác sai, mình hay người khác dở, mình phải người khác trái, v.v… nó lôi kéo ta quay mòng mòng theo những dục vọng đen tối, những điên đảo thị phi, xa dần bản tâm thanh tịnh của mình. 


Để đối trị, chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức để nhận diện được chúng ngay khi chúng vừa xuất hiện dưới bất cứ hình thức nào.  Nếu chúng ta thường xuyên quán sát tâm mình, nếu chúng ta biết thực hành hạnh “muốn ít, biết đủ”, khiêm tốn, bao dung, nỗ lực tinh tấn không ngừng nghỉ thì “ma vương” sẽ không thể lôi kéo mình hay tác yêu tác quái lên mình được.


Từ bốn bài học lớn và tổng quát của sự kiện Thành đạo, chúng ta có thể rút ra những bài học nhỏ áp dụng một cách cụ thể, sống động, riêng cho bản thân mình, Đơn vị mình, các em của mình, hay gia đình nhỏ của mình nữa. 


Mùa Thành đạo cũng là mùa thi Vượt Bậc của các em, mùa thi đua của mỗi người huynh trưởng trong công cuộc phong phú hóa và hữu hiệu hóa môi trường giảng dạy và tu tập cũng như cập nhật hóa phương pháp truyền đạt, giảng dạy để việc giáo dục đàn em của chúng ta ngày càng thích hợp với bối cảnh, thời đại và quốc độ chúng ta đang sống và  nhất là với tuổi trẻ Phật giáo hôm nay.


Thân kính chúc Anh Chị Em một mùa Thành đạo an lạc và giải thoát.