Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Cây đèn đá cổ chùa Khánh Hưng

Cây đèn đá cổ chùa Khánh Hưng

103

Cây đèn đá hay còn gọi là cây hương đá hay thiên đài được đặt trong khuôn viên chùa Hưng Khánh, là một những tác phẩm điêu khắc bằng đá tuyệt đẹp của người Việt vào đời Lê.


Đèn được chia làm 4 phần: đế, thân, cửa và chóp che đèn (có thể tách ra từng phần, rồi lại lắp khi di chuyển). Các mộng đá ăn khớp với nhau, không cần chất kết dính mà vẫn vững chắc.


Chóp đèn là một khối đá xanh được những người nghệ nhân xưa tạo tác vuông bốn góc, hình mui luyện, dẫn lên chóp nhọn như búp sen. Mỗi cạnh vuông 60 cm, bề dày 40 cm, bốn mặt như nhau. Mỗi cạnh đều chạm hoa lá cách điệu uyển chuyển, thanh thoát.


Cửa đèn gồm bốn tấm đá dựng, từng cặp đăng đối với nhau. Hai tấm chính dựng hai bên chắc chắn, nối thân và chóp đèn.


Giữa tấm đá đục thủng hoa sen bốn cánh, tạo sự thông thoáng và toả ánh sáng sang hai bên. Xung quanh chạm khắc thành khung đố hình vuông, chữ nhật và hoa văn tô điểm.


Hai cửa chính của đèn là hai khuôn đá hình chữ U vuông góc, có mộng đá khớp với hai tấm, tạo thành cửa đèn thông thoáng hình chữ T. Hai mặt tạo hai con nghê ngồi chầu nhau như canh giữ cho sự bất tử của lửa.


Thân đèn là một khối đá nguyên, trắng đục, phần trên to ra theo bốn cạnh để đỡ phần cửa đèn, phần dưới phình ra khớp với đế đèn. Bốn mặt của thân đèn đều đục chìm và khắc chữ Hán Nôm và trang trí hoa văn chạm xung quanh rất tinh xảo. Mặt trước thân đèn chạm hình rồng quấn: biểu tượng của thần quyền và nguồn gốc của tổ tiên. Nổi bật bốn chữ: “Phúc – Lộc – Nhật – Đông”, ý là hàng ngày như mặt trời phía đông toả sáng đem lại phúc lộc cho mọi người. Mặt sau thân đèn tạo hình chim phượng hoàng một linh vật quý, đẹp cũng là tên quê hương Đan Phượng. “Tạo – Tác – Thiên – Đài”, bốn chữ đề như ý tưởng cổ nhân tạo dựng.


Mặt bên phía trái là hình chim hạc cắp bông sen, biểu tượng của sự thanh cao, sang trọng và khắc bốn chữ: “Yên – Hương – Thượng – Biến”. Ví như làn hương khói bay cao và biến toả khắp nhân gian. Thân đèn ở mặt bên trái có bốn chữ “ Nhĩ – Hưng – Khánh – Tự” là tên của ngôi chùa Hưng Khánh cùng với những bông hoa dâu dân dã, hoa cỏ ở miền quê êm ả bên sông Nhị Hà (nay là sông Hồng).


Đế đèn là khối đá hình vuông có hoa văn viền xung quanh và mộng đá giữ thân đèn chắc chắn. Cả bốn mặt trên thân đèn đều khắc những bài minh, ghi công đức những người góp công xây dựng chùa Hưng Khánh và tạo dựng cây đèn.


Qua gần ba thế kỷ tồn tại, cây đèn đá vẫn còn nguyên vẹn. Sự trường tồn của nó cùng với những nét chạm khắc tinh xảo của các nghệ nhân như một trong những biểu tượng quý giá về văn hoá và điêu khắc Việt Nam thế kỷ 18.


Hiện, ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) cũng có một vài cây đèn đá đặt dọc hai bên đường vào Khuê Văn Các. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu văn hoá dân tộc, những cây đèn này được chế tác theo hình mẫu của Nhật Bản với bốn góc lồng cong nhọn rất đặc trưng khác với cây đèn đá cổ đặt ở chùa Khánh Hưng.