Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Bài kinh Phật nói về kẻ tu hành lừa đảo

Bài kinh Phật nói về kẻ tu hành lừa đảo

710

1.    Xuất xứ bài kinh: Bài kinh “Chuyện kẻ lừa đảo” (“Tiền thân Kuhaka”), là bài kinh số 89, Kinh Tiểu Bộ, tập IV, HT. Thích Minh Châu dịch, nhà xuất bản TPHCM PL 2545-2001, trang 584.

2.    Mục tiêu bài viết: Qua tìm hiểu bài kinh, người đọc sẽ có nhận thức đúng đắn về những kẻ tu hành giả dối, về khả năng có thể xảy ra lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ những kẻ như vậy, về việc thận trọng khi tin người.

3.    Toàn văn bài kinh:

“Chuyện kẻ lừa đảo (Tiền thân Kuhaka)

Nghe lời của người nói…,

Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một kẻ lừa đảo. Các chi tiết của câu chuyện sẽ được kể trong Tiền thân Uddala (số 487).

Thuở xưa, khi vua Barhmadatta trị vì ở Bà-la-môn, gần một ngôi làng nhỏ, có một người tu khổ hạnh lừa đảo, thuộc ngoại đạo bện tóc. Một người điền chủ làm cho người ấy một cái chòi lá trong rừng để ở và nuôi sống kẻ ấy trong chòi với đồ ăn ngon lành. Người điền chủ tin người ngoại đạo bện tóc lừa đảo ấy là người có giới đức. Vì sợ ăn trộm, một hôm, người điền chủ đem đến chòi lá của người ngoại đạo ấy năm trăm đồng tiền vàng, chôn dưới đất và yêu cầu người ấy coi ngó dùm. Vị tu khổ hạnh nói:

– Thưa Hiền giả, đối với những người xuất gia, không nên nói lời như vậy. Chúng tôi không có lòng tham với gia sản của người khác.

– Lành thay, Tôn giả.

Người điền chủ, tin lời của kẻ ấy và ra đi. Kẻ ác khổ hạnh suy nghĩ: “Chừng ấy tiền đủ sống trọn đời người”. Sau một vài ngày, kẻ ấy lấy số tiền, chôn tại một chỗ bên vệ đường, rồi trở về sống tại chòi lá. Ngày kế tiếp, kẻ ấy đi đến nhà người điền chủ sau khi ăn cơm và nói:

– Thưa Hiền giả, nhờ ngài, tôi đã sống đây một thời gian dài. Sống tại một chỗ quá lâu cũng như người sống chung đụng với loài người. Sống chung đụng là một cấu uế đối với những người xuất gia. Do vậy tôi sẽ ra đi.

Nói vậy xong, dầu được yêu cầu nhiều lần, kẻ ấy cũng không muốn trở lại. Người điền chủ nói:

– Sự việc là như vậy, thưa Tôn giả, Tôn giả hãy đi.

Người điền chủ tiễn kẻ ấy ra tận cửa làng rồi mới trở về. Người tu khổ hạnh, đi một lát, rồi suy nghĩ: “Ta nên lừa dối người điền chủ này”. Nghĩ vậy, kẻ ấy cầm một ngọn cỏ giữa búi tóc và đi trở về. Người điền chủ hỏi:

– Sao Tôn giả trở về?

– Thưa Hiền giả, một ngọn cỏ từ mái nhà của Hiền giả đã mắc vào bện tóc của tôi. Người xuất gia không được lấy sự vật không cho. Vậy tôi trở về đem trả ngọn cỏ ấy.

Người điền chủ nói:

– Tôn giả hãy vứt ngọn cỏ rồi đi.

Và nghĩ: “Vị này không lấy gia sản của người khác dù chỉ một ngọn cỏ. Ôi, Tôn giả này thật tế nhị đối với ta”. Người chủ điền sanh tịnh tín, đảnh lễ kẻ ấy, rồi từ biệt.
Lúc bấy giờ, vì mục đích buôn bán, Bồ-tát đi đến biên địa, và ở tại trú xứ ấy. Nghe lời người tu khổ hạnh nói. Bồ-tát suy nghĩ: “Chắc hẳn kẻ ác khổ hạnh này có lấy tiền bạc gì của người điền chủ này”. Bồ-tát hỏi người điền chủ:

– Này bạn, bạn có giao cái gì cho người tu khổ hạnh này giữ không?

– Thưa bạn, tôi có giao cho vị ấy giữ năm trăm đồng tiền vàng.

– Vậy hãy tìm kiếm số tiền ấy.

Người điền chủ đi đến chòi lá, tìm không thấy số tiền, liền trở về hết sức nhanh báo cho Bồ-tát là tiền không còn nữa.

 Bồ tát nói:

– Không có ai khác lấy tiền vàng của bạn ngoài tên khổ hạnh bện tóc lừa đảo. Chúng ta hãy đuổi theo bắt lấy nó.

Họ chạy đuổi theo, bắt được tên tu khổ hạnh lừa đảo, đánh nó và bảo nó đem trả tiền vàng. Thấy số tiền vàng đã được trả lại, Bồ-tát khinh bỉ nói với tên tu khổ hạnh:

– Ngươi thật không dính một ngọn cỏ, mà lại dính đến năm trăm đồng tiền vàng!

Rồi Bồ-tát đọc bài kệ này:

Nghe lời của ngươi nói,
Lời nhẹ nhàng êm dịu,
Không dính đến ngọn cỏ,
Mà dính năm trăm vàng.

Rồi Bồ-tát nói thêm:

– Này kẻ bện tóc gian dối kia, chớ làm như vậy nữa.

Khuyên giáo, và khiển trách kẻ ấy xong, Bồ-tát sống làm các công đức đến lúc mạng chung, Bồ-tát đi theo nghiệp của mình.

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo này mới lừa đảo mà trong quá khứ cũng đã lừa đảo rồi.

Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

– Lúc ấy, người tu khổ hạnh lừa đảo là Tỷ-kheo lừa đảo này, còn người hiền trí là Ta vậy”.

4.    Phân tích sơ lược:

Trong bài kinh “Chuyện kẻ lừa đảo” chúng ta thấy về phía người điền chủ, tức là người bị lừa đảo, là sự cả tin, và về phía kẻ tu hành giả dối, thuộc ngoại đạo bện tóc, là sự lừa gạt, dối trá.

Tiền bạc là mồi lửa của lòng tham. Năm trăm đồng tiền vàng người điền chủ gửi chôn dưới đất là đầu mối cho sự việc. Vì vậy, điều cần rút ra là không nên tin người, cũng như không tạo tình huống để xảy ra việc chiếm đoạt tài sản.

Nếu không có 500 đồng tiền vàng làm mờ mắt, sôi sục lòng tham, thì kẻ tu hành giả dối lấy gì để trở thành tội phạm?

Trong bài kinh, kẻ tu hành lừa đảo sau khi lấy số tiền vàng, thì đã khoa trương, cường điệu việc tu hành: “Sống tại một chỗ quá lâu cũng giống như sống chung đụng với loài người. Sống chung đụng là một cấu uế đối với những người xuất gia. Do vậy, tôi sẽ ra đi”. Đi ở đây là chạy trốn sau việc cuỗm tiền vàng.

Đó cũng là một thủ đoạn đánh lạc hướng quan tâm của người điền chủ chủ số tiền, điều tất nhiên phải làm của một tên tội phạm. Ở trong cương vị người xuất gia tu hành thì lấy chính lý do xuất gia tu hành.

Việc quay lại trả ngọn cỏ mắc vào bện tóc là việc làm nối tiếp cùng tính chất. Yếu tố cường điệu, phóng đại rất rõ: hoàn trả lại dù chỉ một ngọn cỏ. Hành động này làm chúng ta nhớ tới kiểu thề thốt “Quá lời nguyện hết thành hoàng thổ công” trong Truyện Kiều.

Với một người khôn ngoan, thì sự bất thường như thế sẽ là một điều nghi vấn. Đức Bồ tát, tiền thân Đức Phật dù chỉ là người buôn bán, đặt ngay câu hỏi: “Này bạn, bạn có giao cái gì cho người tu khổ hạnh này giữ không?”.

Câu chuyện kể phát triển rất tự nhiên. Cường điệu khoa trương ắt đi đối với khuất tất, mờ ám: “Họ chạy đuổi theo bắt được tên tu khổ hạnh lừa đảo, đánh nó và bảo nó đem trả lại tiền vàng”.

Giá trị nghệ thuật của bài kinh là sự đối lập giữa “Không dính một ngọn cỏ, mà dính đến năm trăm đồng tiền vàng”. Bài kinh thâm thúy ở chỗ chỉ ra sự giả trá của lời “êm dịu”: “Nghe lời của ngươi nói

Lời nhẹ nhàng êm dịu
Không dính đến ngọn cỏ
Mà dính năm trăm vàng”
Vì khéo nói, mà người ta mới thực hiện được vụ lừa đảo.

5.    Ứng dụng trong cuộc sống

–    Người tu hành vẫn có thể là kẻ lừa đảo.
–    Đừng đem của bẹo người.
–    Đừng cả tin.
–    Cảnh giác trước những lời nói, việc làm cường điệu, khoa trương.
MT