Trang chủ Tết Việt Phong tục Bàn thờ Tết ở Nam bộ

Bàn thờ Tết ở Nam bộ

146

Cây có gốc, sông có nguồn, con người có tổ tông. Vì vậy đối với mỗi gia đình, bàn thờ tổ tiên được xem là nơi thiêng liêng nhất, tôn kính nhất, thể hiện sự ghi nhớ về nguồn gốc, công ơn của tổ tiên, ông bà.


Trong quan niệm dân gian, mặc dù con người đã chết nhưng linh hồn vẫn còn sống về phù hộ cho con cái làm ăn phát đạt, mạnh khỏe. “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn” nên những dịp giỗ chạp, lễ tết, người ta hay cúng cầu mong ông bà về ăn cơm với mình, đó là sợi dây vô hình nối giữa người còn sống và người đã chết. Và đó cũng là yếu tố vững chắc nhất để liên kết các thành viên trong mỗi gia đình. Những dịp cúng quảy ông bà, tổ tiên, con cháu, dòng họ từ các nơi đổ về cùng cúng ông bà, cùng vui chơi, tâm sự, sẻ chia những nỗi niềm giúp cho sự gắn bó của những người trong dòng họ thêm vững chắc hơn.


Theo nhà văn Sơn Nam thì ngày xưa, ở Nam bộ cái bàn thờ ông bà còn gọi là cái giường thờ. Đem cái giường mà cha mẹ thường nằm để thờ ngay giữa nhà, giữ nguyên vị trí cái ô trầu, cái gối. Phía trước giường thờ, xưa kia bố trí cái bàn bốn chân. Trên mặt bàn chưng bộ lư, chân đèn, vùa hương. Gọi đó là cái “bàn nghi”, để phủ dưới chân bàn dùng tấm vải đỏ, thêu rồng phượng hoặc chữ Hán, chúc phước.


Lúc cúng giỗ, dọn thức ăn lên giường thờ, hơi thấp, sát vách khách không thấy được, trên “bàn nghi” thì thắp nhang. Nhưng lần hồi, đơn giản hóa, cái giường thờ thu hẹp, như cái bàn nhỏ, đủ dọn bốn món cúng.


Đầu thế kỷ thứ 20, Pháp đã đưa thợ sang Thủ Dầu Một (Bình Dương) để tận dụng nguồn danh mộc địa phương để đóng tủ theo kiểu thời Louis XVI, dạng cách ráp mộng, cùng chạm trổ vài mô típ mới. Thời thượng nhất lúc bấy giờ là những hàng chuỗi màu đen chạy dài từ trên xuống dưới, mặt tiền thì bít kín với tấm ván to, hình hột xoài, uốn cong. Sau đó, ta đã mô phỏng cái tủ thờ này thay cho cái giường thờ. Ở Gò Công, thợ đóng tủ sau năm 1930 đã nổi danh với kiểu tủ Gò Công, mặt tiền chạm hai hàng chuỗi khít nhau, gợi hình dáng hai cánh cửa để tượng trưng.


Về tranh thờ, trước kia viết những chữ Hán to tướng như Từ đường, Phước, Thọ, hoặc tranh vẽ vách núi chênh vênh, với dòng suối chảy, cây tùng… hầu hết là tranh sơn thủy, vẽ từ sau mặt kiếng, với phong cảnh sông núi, đồng quê, công cha nghĩa mẹ, kèm theo hai bên bức tranh là đôi câu liễn đối, nội dung như:


Tổ tông công đức thiên niên thạnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh


Hoặc:


Phụ nghĩa sinh thành sơn nhạc trọng
Mẫu ân cúc dục hải hà thâm


Những gia đình giàu có thường mua tủ thờ bằng loại cây tốt, sơn màu đen bóng, có cẩn xà cừ, hoặc có khi người ta mua một tủ kính lớn để làm tủ thờ. Phía trên đặt bàn thờ gia tiên, trong tủ dùng để chưng đồ đạc. Trên bàn thờ có bài vị và ảnh của ông bà, cha mẹ, hoặc có thêm bức bình phong lộng kiếng trông thật lộng lẫy. Trên bức bình phong ghi những câu liễn đối bằng chữ Hán nói về công đức của ông bà. Cách bài trí trên bàn thờ thường có bình hương để chính giữa, cặp chân đèn để hai bên bình hương, bình bông dùng để cắm bông tươi. Ngoài ra, còn có trà rượu, trái cây, nhất là những dịp cúng kiến, người ta còn cúng thêm xôi thịt…


Ngoài những ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được tổ chức vào các ngày đầu năm của dịp Tết âm lịch. Đúng giao thừa, người ta đặt những thức cúng lên bàn thờ gia tiên, thắp hương tưởng niệm, khấn vái, rước ông bà, ông vải về nhà cùng con cháu vui Xuân. Sau ngày cúng giao thừa đó, các ngày Tết tiếp theo, người ta đều có đặt những chén cơm, đồ ăn lên bàn thờ để cúng cho đến hết Tết, người ta mới làm lễ tiễn ông bà thì việc thờ cúng gia tiên trong ngày Tết mới coi là xong.


Song song với các sản vật được đặt lên bàn thờ của tổ tiên là mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả được bày biện rất gọn ràng, đẹp mắt trên một cái dĩa to, chiếm một nơi trang trọng ở bàn thờ. Theo như tên gọi thì mâm ngũ quả phải có đủ 5 loại trái cây, việc chọn các loại quả để cúng tổ tiên cũng có sự khác nhau ở từng vùng, ở những quan niệm khác nhau. Có nơi người ta dùng ý nghĩa của màu sắc để thể hiện quan niệm tốt lành của mình trong ngày Tết, như: màu xanh tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, đó là những quả chuối xanh; màu vàng tượng trưng cho sự ấm no, đó là trái bưởi, trái đu đủ… Nhưng có nơi lại dùng ý nghĩa tên gọi của từng loại quả để thể hiện ước vọng an lành của mình trong ngày xuân, như: hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ tượng trưng cho sự thành đạt; phật thủ như bàn tay che chở… Riêng ở Nam bộ, mâm ngũ quả vẫn cứ như truyền thống là: mãng cầu, sung, dừa xiêm, đu đủ, xoài, mà quan niệm dân gian thường gửi gắm một ước mơ đơn sơ, bền bỉ, có chút khiêm nhường: cầu sung vừa đủ xài, hay cầu vừa đủ xài mà thôi.


Mâm ngũ quả ngày Tết đã tạo cho gia đình thêm một không khí ấm áp, trang nghiêm, hòa quyện cùng các sản vật khác thể hiện sự phong phú của hoa trái thiên nhiên, thành quả lao động mệt nhọc sau một năm gặt hái, giúp cảnh xuân và tình xuân thêm ý vị và vui tươi. Đồng thời cũng thể hiện được theo triết lý phương Đông của nền văn hóa nông nghiệp dân tộc, thể hiện được đạo lý nhớ về cội nguồn “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, có lộc trời thì thành kính dâng lên tổ tiên, tạ ơn trời đất… mà mâm ngũ quả ngày Tết là một minh chứng cho đạo lý này.


Ngoài bàn thờ gia tiên, ở Nam bộ, người ta còn có trang thờ, bàn thờ ông Táo, thờ ông Địa, ông Thần Tài. Trang thờ được bố trí ở trên cao, nơi gian giữa. Trên trang thờ có đôi chân đèn nhỏ, có lư hương, bình bông, đĩa trái cây, chun rượu, tách nước. Bàn thờ ông Táo được đặt ở sau bếp. Đây cũng chính là vị “nhất gia chi chủ”, có nhiệm vụ coi sóc việc gia cư, định họa phước, trừ ma diệt quỷ. Còn các vị Thần Tài, ông Địa chỉ thờ dưới đất, trong góc hẹp.


Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam là một điều vô cùng hệ trọng có truyền thống lâu đời, là một biểu hiện của văn hóa dân tộc, đến mức nâng lên thành đạo – đạo thờ ông bà, đạo làm con. Do vậy, dù ngoài việc theo bất cứ tôn giáo nào, nhưng tín ngưỡng tổ tiên vẫn tồn tại trong đời sống tâm linh của họ. Và những khi trong nhà có việc vui mừng như sinh con, cưới gả, khao vọng… người ta đều làm lễ cáo yết gia tiên.


Bởi vì:


Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu
Có cha mẹ trước rồi sau có mình