Trang chủ Quốc tế Bangkok ký sự – phần 1: Khu bán tượng Phật, tháp đựng...

Bangkok ký sự – phần 1: Khu bán tượng Phật, tháp đựng xá lợi, pháp khí và đồ thờ cúng

1390

Đúng vậy,ở Bangkok nói riêng, hay có lẽ ở Thái Lan nói chung, chính pháp dường như vẫn đang ngự trị và có lẽ sẽ tiếp tục  phát triển vững mạnh theo thời gian nhờ vào sự thành tâm hộ trì và tu tập tinh tấn của giới tăng sĩ và Phật tử.


Trước lễ Giáng Sinh vài hôm,  tôi có duyên tháp tùng một đoàn Phật tử dẫn đầu là thầy Quảng Nghiêm trụ trì chùa Phước Hậu ở Úc sang Bangkok để xin thỉnh xá lợi của Phật và các Thánh Tăng.  Do thầy Quảng Nghiêm quen với một vị sư người Việt sang tu học tại Bangkok và nhờ sư hướng dẫn chúng tôi trong những ngày chúng tôi ở Bangkok, chúng tôi – nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của sư – đã có phước duyên lớn đến tham quan các ngôi chùa và các cơ sở Phật giáo tại Bangkok, những nơi mà nếu bạn đi tour, bạn sẽ chẳng bao giờ được đưa đến trừ ngôi chùa Phật Ngọc (Grand Palace).


Khu bán tượng Phật, tháp đựng xá lợi, pháp khí và đồ thờ cúng


Nằm ở phố Xaochinja của thủ đô Bangkok. Nếu bạn muốn biết tình hình phát triển của Phật giáo ở Thái Lan như thế nào mà bạn không có dịp ghé vào các ngôi chùa thì bạn có thể đến nơi đây để tham quan. Dạo một vòng quanh khu phố này có thể giúp bạn hình dung được phần nào lòng thành tín của Phật tử địa phương qua việc thờ bái.


Tại đây, những cửa hiệu san sát nhau trưng bày vô số tượng Phật làm bằng các chất liệu khác nhau với nhiều kích thước khác nhau và kiểu dáng khác nhau. Có tượng làm bằng đồng, có tượng làm bằng sáp, bằng đá hoặc có tượng làm bằng nhựa trong và áo của Phật dát toàn đá quý. Có rất nhiều tượng còn lớn hơn kích thước của người thật. Có tiệm do không đủ chỗ để trưng nên phải “ăn gian” bày tượng Phật ra cả lề đường.


Tuy lớn như vậy, nhưng các tượng Phật ở đây chủ yếu là chỉ để bán cho các Phật tử mua về thờ phượng hoặc bày biện trong nhà. Do ở Bangkok có hẵn một khu phố của người Hoa nên mặc dù là nước theo Phật giáo Nam Tông (Theravada) nhưng phần lớn các cửa hiệu tại khu phố này đều thấy bày bán tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và một số chùa lớn theo truyền thống Nam Tông ở đây vẫn xây tượng Ngài để thờ.


Ngoài tượng Phật, đồ thờ cúng ở bán ở khu phố này thì không thiếu thứ gì. Tuy hầu hết  các cửa tiệm ở đây đều lớn, có những tiệm rất lớn vì là vừa nơi bán vừa nơi sản xuất,   nhưng lối đi thì lại rất chật vì tiệm nào cũng bày đầy tượng, tháp xá lợi, trên các kệ thì chất đầy đồ thờ cúng, từ lọng, chén, bát khất thực và tay nải của quí sư cho đến nhang, trầm, đèn chùm, đèn ly, hoa vải (hoa sen) …


Do quá nhiều thứ được bày bán và thứ nào cũng đẹp, cũng khiến chúng tôi muốn mua đem về Việt Nam để trang trí trong phòng thờ của mình nên sư hướng dẫn đoàn nói vui với chúng tôi rằng khi nào tâm mình khởi lên ý thích một món đồ gì thì nên theo pháp tu Minh Sát Tuệ, cứ nhìn vào sự ham thích đó rồi niệm “thích, thích, thích” để tâm tham đắm lắng xuống. Cũng nhờ thực hành lời khuyên của sư mà chúng tôi đã không bị “viêm màng túi” trong thời gian lui tới khu phố này.


Một số Phật tử trong đoàn chúng tôi muốn mua các tháp để thờ xá lợi của Phật đã phải lóa mắt trước vô số  tháp xá lợi đủ màu sắc và  kích cỡ bày bán trong mỗi tiệm. Tháp thì mạ vàng, tháp thì mạ vàng rồi gắn thêm đá trắng, tháp thì bằng nhựa trong hoặc bằng nhựa có nhiều màu khác nhau, có những tháp còn cao hơn cả một người đang đứng. Do vì lóa mắt nên đoàn chúng tôi phải trong bốn ngày ở tại Bangkok phải lui tới khu phố này đến ba lần để trả giá tới lui mới chọn mua được những cái tháp ưng ý nhưng vừa túi tiền của mình.


Người bán rất vui vẻ và hòa nhã. Bạn cứ vào tiệm coi hàng thoải mái, thích cái gì thì yêu cầu người bán lấy xuống đưa cho mình xem, coi cho đã nhưng không mua thì chỉ việc trả lại, cảm ơn, rồi đi ra. Người Thái bán hàng ở những khu này thường không rành tiếng Anh lắm, và nếu như bạn không rành tiếng Thái thì trong trường họp này việc trả giá sẽ được thực hiện qua máy tính. Bạn chỉ cần chỉ vào một vật hỏi “How much?”, người bán sẽ bấm vào máy tính giá của món hàng mà bạn muốn mua và chìa máy tính cho bạn xe.


Để trả giá, bạn cũng sẽ bấm vào máy số tiền tiền mà bạn muốn trả, cuộc đối thoại cứ diễn ra như vậy cho đến khi giá được thỏa thuận. Lúc đó bạn sẽ được người bán vui vẻ  trao cho món hàng đã mua kèm với một tràng tiếng Thái, có lẽ là cám ơn và hẹn gặp lại, và nhận một cái chào chắp tay theo lối Thái trước khi bạn bước ra khòi cửa tiệm.



Tượng sáp một vị sư chứng đắc được bày bán trong cửa tiệm


Một cửa hàng bán tượng Phật và đồ thờ cúng


Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đang làm dở tại xưởng sản xuất


Tượng Phật Thích Ca và Savaly Tôn Giả bày bán trong một cửa tiệm


(Còn nữa)