Trang chủ Đời sống Tâm sự Bình yên và dịu dàng

Bình yên và dịu dàng

120

Tôi luôn tin rằng, cuộc đời của tôi là hàng ngàn hàng vạn cuộc đời khác hoà trộn lại trong từng khoảnh khắc. Và với mỗi đứa con của tôi, ngay khi chúng sinh ra, chúng giúp cho tôi sống với một cuộc đời mới. Chúng làm cho cuộc sống của tôi tươi mới với những nỗi buồn, niềm vui và nỗi đau đớn khác nhau, với một sự ràng buộc khác nhau và cũng là sự độc lập giữa hai con người khác nhau.


 


Bà tôi thường kể về những lần bà mang thai, bà có 10 người con. Mẹ tôi cũng kể lần lượt về những lần mang thai, mẹ có 5 dứa con. Và sau đó là đến lượt tôi.


Khi mới hoàn thai, cảm giác đầu tiên là tôi cảm thấy có một sự gắn bó giữa tôi và con tôi, và chúng tôi tập làm quen với nhau. Con tôi thì lớn dần trong bụng từng ngày, còn tôi ốm nghén ngả nghiêng suốt 3 tháng dòng. Tôi cố gắng chịu đựng mọi cảm giác khó chịu. Mọi người mẹ trên đời đều làm như tôi để nuôi nấng 1 bào thai. Có lẽ trong bụng của tôi, con cũng khó chịu lắm, vì nó đang phải làm quen với tôi. Dần dà, chúng tôi hoà hợp với nhau. Tôi lắng nghe tiếng máy thai như tiếng cá quẫy trong người tôi. Tôi lắng nghe tiếng tim thai đập như vó của một chú ngựa bé nhỏ khoẻ mạnh, lắng nghe từng tiếng đạp của con, đôi khi tôi sờ thấy cả cái đầu gối tròn vo của con. Và tôi cảm nhận được rằng, con tôi cũng thấy thích thú khi được ở trong tôi một cách bình yên và dịu dàng.


 


Cho đến khi đủ 9 tháng 10 ngày, cũng như mọi người mẹ khác, tôi bắt đầu hiểu được nỗi đau. Không một người mẹ nào lại không sợ hãi nỗi đau đớn khi sinh con. Chính những người đàn bà là những người trước tiên tiếp cận với nỗi khổ đau ấy – nỗi đau của sinh nở – một khía cạnh của cuộc sống.


 


Nhưng mỗi khi nhớ lại nỗi đau vượt cạn, tôi đều thầm cảm ơn cuộc sống cho tôi hạnh phúc làm mẹ. Trong cơn đau đớn điên cuồng, mặt mũi méo mó, nước mắt giàn giụa và người lấm lem máu, nhưng khi con tôi lọt lòng cất tiếng khóc trào đời thì đó là khoảnh khắc kỳ diệu nhất của sự sống. Tôi không thể nói gì được về cái khoảnh khắc đó, chỉ cảm nhận mà thôi.


 


Cũng như mọi phụ nữ khác, khi còn trẻ, tôi thường nghĩ đơn giản rằng nếu sống độc thân thì sẽ cô đơn, còn nếu sống trong gia đình, có chồng có con thì sẽ hết cô đơn. Tuy nhiên, càng ngày, tôi càng hiểu rằng thực sự, ngay cả khi một người phụ nữ có gia đình, có con thì mỗi người vẫn là một người. Và mỗi người, tuy hoà hợp trong một cộng đồng thân ái thì vẫn phải sống độc lập. Điều duy nhất mà tôi đem lại về mặt thân pháp cho các con tôi là gien di truyền của một người mẹ. Và điều tối đa mà tôi có thể cố gắng đó là mang lại cho các con tinh thần của tôi.


 


Tôi buộc phải suy nghĩ rất nhiều về tinh thần của cá nhân. Tôi mong muốn là một người tự do trong tư tưởng và mọi suy nghĩ. Tôi mong muốn là một người mẹ dịu dàng và âu yếm các con. Tôi mong muốn là một người mẹ hiểu biết có thể giúp các con tôi vượt qua mọi khó khăn và thử thách trong cuộc sống với một tinh thần vô uý. Tôi mong muốn là một người bạn đời dài lâu của các con tôi, ngay cả khi tôi đang còn sống cũng như khi tôi đi qua cuộc đời này. Và tôi muốn tinh thần của tôi được các con tôi hoan hỷ đón nhận. Tôi cũng mong muốn chúng tha thứ cho tôi những giây phút nóng giận và bất công mà vô tình tôi đã làm ảnh hưởng đến chúng. Tôi cũng mong muốn các con tôi được sống và lớn lên trong sự hiểu biết, tình yêu thương, sự trân trọng cái đẹp của cuộc sống và quan trọng nhất là chúng tự do. Để chúng được tự do, có thể tôi phải hy sinh những lợi ích của một người mẹ. Nhưng tôi vẫn mong muốn các con tôi phải tự do và làm những điều chúng mơ ước, chúng thích thú (tất nhiên ngoại trừ những điều sai và xấu). Để làm được tất cả những điều này thật gian nan biết bao!


 


Tôi vốn là một phụ nữ yếu đuối, hay lo âu và sợ hãi, đối với tôi, tất cả các mong muốn nêu trên đều không đơn giản. Đôi khi tôi thường khóc rất nhiều và lo nghĩ: nếu tôi có bề gì thì các con tôi sẽ ra sao. Đó là khoảng thời gian rất khó khăn trong cuộc sống của tôi, khi tôi ốm đau nhiều, suy sụp tinh thần và thể chất. Và những biến cố tai hại của cuộc sống đến rất nhiều với gia đình tôi. Đôi khi tôi bị rơi vào một tình trạng thật tồi tệ, cảm giác như mình sẽ mất tất cả, từ cuộc sống, gia đình, nhà cửa, và quan trọng là các con của tôi. Bị day dứt và dày vò tôi thường khóc rất nhiều, nhất là vào ban đêm, khi các con ngủ.


 


Vào một đêm, khi tôi đang khóc, con trai bé nhỏ của tôi nằm cạnh mẹ rờ tay lên gối thấy đầm đìa nước mắt, cháu ngồi dậy và nói: “Mẹ hãy nín đi, khóc chẳng giải quyết được gì cả, chính mẹ hay nói với con như thế mà” (tôi thường dỗ các con như vậy khi chúng buồn và khóc). Và lần thứ hai cháu làm tôi giật mình là một buổi chiều đón cháu đi học về ngồi sau lưng mẹ trên xe máy, cháu nhất định không chịu ôm mẹ, và nói: “Mẹ yên tâm, con tự xoay xở được mà. Con đã vào học kỳ II của lớp 1 rồi, con không còn là em bé nữa đâu”… Câu nói của cháu tuy rất ngây thơ, nhưng giúp tôi hiểu rằng thực sự các con tôi hoàn toàn có thể sống được, cho dù không may nếu tôi chẳng còn trên đời này nữa. Nếu không có mẹ, chúng có thể vất vả, khổ sở, nhưng bù lại chúng có can đảm để sống một cách tự lập.


 


Thật bất ngờ, chính điều này làm tôi vượt qua bệnh tật và những hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc sống. Để làm được những điều mà tôi mong muốn, nghĩa là làm cho tinh thần của tôi đến được với các con tôi, mỗi ngày, tôi đang nỗ lực trong việc rèn luyện tinh thần. Và bằng cuộc sống và những khó khăn của một người mẹ, tôi nhìn thấy rõ nỗi đau buồn và niềm vui của bà tôi, của mẹ tôi và của cả những người mẹ quanh tôi. Nhờ đó mà tôi có thể cảm thông với con tôi, với mọi người xung quanh và cảm thấy một tình yêu thương lớn dần lên trong tôi từng ngày.