Trang chủ Thời đại Truyền thông Cách viết tin, bài truyền thông Phật giáo (phần 3)

Cách viết tin, bài truyền thông Phật giáo (phần 3)

92

Để đạt được điều này, bạn cần phải làm quen với ngôn ngữ khuôn hình và bố cục, động tác máy, ý nghĩa của góc quay và cỡ cảnh quay phim.

1. Cỡ cảnh:

– Các cỡ cảnh mô tả không gian, đám đông, không khí của sự kiện.
Viễn cảnh (Long shot): Cảnh xa, không chi tiết.
Toàn cảnh (Wide shot): Cảnh rộng ghi nhận những hành động thích hợp.

– Cỡ cảnh ước lệ theo tỷ lệ người:
Toàn cảnh (LS): Cảnh quay cả người.
Trung cảnh (MS) : Cắt trên hoặc dưới thắt lưng.
Trung cảnh hẹp (MCU): Cắt giữa ngực/túi áo ngực.
Cận cảnh (CU): Tập trung vào chi tiết. Bạn có cảnh cận khi đưa máy vào gần chủ thể với ống kính góc rộng hay dùng ống kính tele từ đằng xa.

Quay cảnh người còn được xác định bởi số người: cảnh đơn, cảnh quay đôi, ba, hay nhóm.  Muốn thấy rõ các nhân vật và hiểu nội dung sự kiện một cách nhanh chóng, thì bạn cần có nhiều cảnh trung và cận hơn những cảnh toàn. Nhiều cảnh cận quá sẽ cướp đi sự nhận biết của người xem về không gian và thời gian. 

2. Động tác máy:

– Lia máy (Pan máy) theo chiều ngang.  Động tác lia một đường quét ngang hình ảnh từ trái sang phải hoặc ngược lại. Mục đích để giới thiệu cảnh vật, nhân vật, sự sật theo chiều ngang trong không gian.  Bạn nên xác định trước điểm dừng ở cuối động tác máy. Nên làm thử động tác trước khi quay thật.  Không lia máy một đường quá dài.  Máy phải đặt ở giữa điểm lia hình.

Tốc độ Pan/ Lia nhanh khi quay cảnh rộng hoặc ống kính góc rộng. Lia chậm khi quay cảnh cận hoặc ống kính góc hẹp. Nếu quay vác vai thì nên mở ống kính góc rộng.

Phải ổn định hình, hình tĩnh tối thiểu 3 giây ở đầu và cuối động tác  máy. Tốc độ lia hình không được ngập ngừng, phải trơn mượt. Với những người ít quay phim, lia máy trơn mượt hình ảnh là một động tác khó, cần phải tập dượt thành kỹ năng.

Tuy nhiên, bạn có thể tập lia máy theo một “mẹo” nhỏ sau đây. Trước khi lia máy, bạn hãy theo dõi hơi thở vào/ hơi thở ra của mình. Bạn chỉ chú ý nhận biết hơi thở chứ không điều hòa, không can thiệp hơi thở. Với những Phật tử tu thiền, tập khí công thì việc theo dõi hơi thở là rất tự nhiên và dễ dàng.  Sau vài phút lắng tâm theo dõi hơi thở, bạn bắt đầu sẵn sàng động tác lia máy.  Bắt đầu, bạn  nhẹ nhàng lia máy theo hơi thở của mình. Cú lia máy ngắn hay dài là tùy thuộc vào hơi thở  của bạn ngắn hay dài, song tôi tin chắc cú lia máy của bạn sẽ trơn mượt hơn. Bạn hãy thử tập lia máy kết hợp với hơi thở nhé. Đây là  “mẹo vặt”  của một Phật tử quay phim!

– Lia dọc. Chuyển động máy quay dọc theo trục đường thẳng. Lia dọc lên phía trên tạo sự mong đợi và cảm giác phấn chấn. Lia dọc xuống phía dưới gợi ra sự thất vọng và sự buồn rầu, và tình cảm u uất.

–  Lia theo chuyển động. Lia máy theo chuyển động chỉ  thực sự cần thiết khi phải bám theo một vật chuyển động.

– Zoom máy. Thay đổi cỡ cảnh bằng cách thay đổi tiêu cự ống kính.  Khi Zoom không ngập ngừng, bạn phải xác định trước điểm dừng.

3. Góc quay. 
– Góc ngang (vừa tầm mắt của nhân vật): là góc quay thông dụng thể hiện trung thực.  Tầm mắt của nhân vật (chứ không phải của nhà quay phim) quyết định chiều cao của máy quay, và đặc biệt chủ yếu trong những khi quay cận cảnh.  Góc quay ngang tạo cảm giác bình đẳng.

–  Góc cao máy quay nhìn xuống sự vật. Với con người thì góc quay này sẽ hạ chiều cao nhân vật, hạ thấp tầm quan trọng. Với cảnh vật góc quay này sẽ cho thấy những đại cảnh  bao quát. Cảnh như vậy cũng sẽ có khuynh hướng làm chậm hành động lại và giảm bớt độ cao của sự vật hay nhân vật (theo luật xa gần).

– Góc thấp, máy quay thường đặt ở dưới nhìn lên sự vật. Hiệu quả của cách này thường là để tăng thêm quyền lực, sức mạnh cho nhân vật. Ví dụ, quay hình tượng Phật, quay hình Tăng, Ni với góc máy thấp hoặc lia máy từ dưới lên cao sẽ tăng giá trị  tôn vinh của hình ảnh.

4.  Thẩm mỹ trong khuôn hình:

– Quy luật 1/3 màn hình: Chia khuôn hình thành 03 phần đều nhau. Ta có các đường mạnh. Bốn điểm giao nhau của các đường gọi là 04 điểm mạnh.

Hình:  Điểm mạnh 1/3 màn hình

– Khi nhân vật nhìn về từ phía nào đó, ta phải chừa 01 không gian trống ở phía mắt nhìn gọi là Looking room.
– Không cắt cỡ hình nhân vật ở các khớp nối của cơ thể như mắt cá chân, cùi chỏ, đùi gối…
– Không để những vật khác thập thò ló vào khuôn hình.
– Không để cây mọc trên đầu nhân vật hoặc những góc cạnh của hậu cảnh đè lên đầu nhân vật.
– Tiền trung hậu cảnh phải có đủ trong khuôn hình.
– Đặc biệt với các Phật tử quay sự kiện Phật giáo, nên chú ý hậu cảnh. Ví dụ: bạn đang quay hình một vị Hòa thượng giảng pháp, phía hậu cảnh là tượng Phật. Vì bạn chăm chú quay hình hòa thượng mà không để ý hậu cảnh, hình  tượng Phật bị mất phần đầu, hoặc mất một bên vai.v.v…

Trên đây là những kỹ thuật cơ bản về quay phim. Các sự kiện, chương trình Phật giáo có nhiều chất liệu, nội dung để ghi hình.  Những tư liệu chất lượng cao của các chùa có thể là nguồn tư liệu cho truyền hình Phật giáo.

Trong bài viết phần sau, chúng tôi xin đề cập đến một số lỗi cần tránh khi quay phim, quay phim bằng máy du lịch cầm tay, và những thông số định dạng phù hợp với truyền hình An Viên.