Trang chủ Tuổi trẻ Gia đình Phật tử Cải cách Gia đình Phật tử, nên bắt đầu từ đâu

Cải cách Gia đình Phật tử, nên bắt đầu từ đâu

594

Cải cách là gì?


Cải cách, hiểu nôm na là sự thay đổi, sự làm mới cho phù hợp với tình hình thực tế trong hiện tại. GĐPTVN đang cần những sự thay đổi, sự làm mới mình để theo kịp sự chuyển biến nhanh chóng từng ngày của xã hội VN. Từ cái nhìn Phật giáo, sự thay đổi của một cá nhân hoặc tổ chức cho phù hợp với dòng chảy cuộc sống là tuân theo định luật vô thường và tùy duyên bất biến. Điều này hoàn toàn tương ứng với các lý thuyết về quản trị của khoa học quản lý (1), theo đó, có thể phân chia các hình thức thay đổi thành các thể loại như sau:


• Thay đổi có tính kế hoạch, ngược với thay đổi mang tính đột khởi,


• Thay đổi mang tính giai đoạn, ngược với thay đổi mang tính liên tục,


• Thay đổi mang tính phát triển, quá độ hay chuyển hóa.


Ở đây xin được miễn nêu ra tính chất, đặc điểm của các thể loại thay đổi. Riêng đối với quá trình cải cách sinh hoạt GĐPT, người viết nghĩ rằng đây là một sự thay đổi cần được lập kế hoạch cẩn thận, được thực hiện theo từng giai đoạn, lộ trình và hướng tới một mục tiêu chuyển hóa tổ chức sao cho phù hợp và hiệu quả nhất trong xã hội VN đương đại.


Tại sao phải cải cách sinh hoạt GĐPT?


Tại sao cần cải cách sinh hoạt GĐPT? Câu hỏi này đã được giải đáp một phần trong bài viết trước. Và 12 Lá Thư Huynh trưởng của tác giả Trần Kiêm Đoàn đăng trên Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo cũng góp phần làm sáng tỏ rất nhiều lý do tại sao cần phải hiện đại hóa và đổi mới tổ chức GĐPT.


Ở đây, nhằm tổng hợp tất cả các kiến giải về cơ sở lý luận để hiện đại hóa GĐPT, chúng tôi xin trình bày một phân tích SWOT (Strengths – Điểm mạnh, Weaknesses – Điểm yếu, Opportunities – Cơ hội, Threats – Thách thức) để đánh giá thực trạng GĐPTVN hiện nay. (2)


SWOT là một mô hình đơn giản, dễ sử dụng nhằm giúp cho một tập thể tự nhìn vào bên trong bản thân mình để nhận diện đâu là điểm mạnh, điểm yếu đang có, đồng thời nhìn ra môi trường bên ngoài để xác định những cơ hội và thách thức xung quanh. Mô hình này giúp cho tập thể nhận ra được những khoảng trống giữa cái đang có và cái xã hội đang yêu cầu trong hiện tại và tương lai.


Cải cách GĐPT, cải cách cái gì?


Từ trước tới nay, khi nói đến việc cải cách sinh hoạt GĐPT, có nhiều ý kiến cho rằng cần điều chỉnh trang phục, cấu trúc lại các bộ môn sinh hoạt, biên tập lại tài liệu tu học các ngành, củng cố lại đội ngũ huynh trưởng v.v…


Các ý kiến này đều xác đáng nhưng chưa mang tính thuyết phục vì chưa đưa ra được phương pháp luận để làm cơ sở xây dựng, dẫn đến các ý kiến mang nặng tính tiểu tiết, chủ quan và cảm tính.


Trong thế kỷ 20 vừa qua, khoa học quản trị hiện đại đã giới thiệu nhiều phương pháp hữu ích nhằm giúp các cá nhân, tổ chức trả lời cho câu hỏi “Thay đổi cái gì, hiện đại hóa cái gì?”. Chúng tôi xin trình bày một phương pháp đơn giản và dễ áp dụng trong môi trường GĐPT, đó là phương pháp Cây Vấn Đề.


Phương pháp Cây vấn đề


Phương pháp này giúp chúng ta phân tích sâu vấn đề đang diễn ra để tìm ra nguyên nhân gốc rễ và nhận thức được hậu quả của vấn đề đó. Phương pháp này được ứng dụng hữu hiệu khi chúng ta liệt kê được càng nhiều càng tốt các vấn đề mà một đoàn thể đang gặp phải.


Lấy ví dụ: Một vấn đề lớn mà tổ chức GĐPT đang gặp phải là đa số các đơn vị GĐPT không giữ chân đoàn sinh ngành Thiếu được lâu dài. Các bước tìm hiểu về vấn đề này theo phương pháp Cây Vấn Đề được liệt kê như sau:


– Bước 1: Viết vấn đề trọng tâm ra giữa tờ giấy (ứng với THÂN CÂY)


– Bước 2: Thảo luận nguyên nhân gây ra vấn đề và viết ý kiến xuống phần dưới tờ giấy theo các cấp độ nguyên nhân (ứng với các tầng RỄ CÂY)


– Bước 3: Thảo luận những hậu quả của vấn đề và ghi ý kiến lên phía trên tờ giấy theo cấp độ hậu quả (NGỌN CÂY)


Trong quá trình thảo luận, ta sử dụng ít nhất 5 lần câu hỏi Tại Sao để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề .(3)



Qua biểu đồ 1, chúng ta thấy phương pháp Cây Vấn Đề là một bài tập động não rất dễ hiểu, dễ sử dụng, thuận tiện cho việc áp dụng mọi lúc mọi nơi, từ trong buổi trò chuyện, họp định kỳ của đơn vị GĐPT cho đến việc áp dụng chính thức cho chuyên mục “Nhóm nghiên cứu cải cách sinh hoạt GĐPT”.


Làm gì với kết quả của Cây Vấn Đề?


Quá trình cải cách GĐPT cần phải thực hiện theo phương châm “được lập kế hoạch, mang tính giai đoạn và hướng tới chuyển hóa chất lượng thật sự”.


Như vậy, sau khi bài tập Cây Vấn Đề đã được thực hiện xong và ví dụ chúng ta xác định được 10 vấn đề trọng tâm, nên chăng chung ta tập trung giải quyết cả 10 vấn đề cùng một lúc?


Câu trả lời khôn ngoan chắc chắn là “Không!”. Thay vào đó, chúng ta phải thực hiện phương pháp xếp hạng ưu tiên trong 10 vấn đề để lựa chọn những vấn đề nòng cốt và khả thi nhất. Ví dụ, có thể chọn 5 vấn đề quan trọng nhất/khẩn cấp nhất/khả thi nhất theo bảng hướng dẫn sau.



Cải cách sinh hoạt GĐPT – cải cách như thế nào?


Sau khi đã đánh giá thực trạng hiện tại của tổ chức thông qua phương pháp phân tích SWOT (Điểm mạnh – Điểm yếu – Cơ hội – Thách thức) và sử dụng phương pháp Cây Vấn Đề để tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ các vấn đề nóng bỏng nhất của tổ chức, bước tiếp theo quan trọng là xác định phương hương cải cách như thế nào. Muốn trả lời câu hỏi này, cần thực hiện ít nhất 4 công việc như sau:


Tổ chức khảo sát, lấy ý kiến đoàn sinh và phụ huynh


Trước hết, ta cần thấy rằng, trong hoạt động của tổ chức GĐPT, đối tượng trung tâm là ai? Chắc chắn không phải là các bác Gia trưởng, các anh chị Liên đoàn trưởng, Huynh trưởng.


Chính các em, các bạn Thiếu Nam, Thiếu Nữ, Nam nữ Oanh vũ mới là đối tượng trung tâm, là gốc gác của mọi sự đổi thay, và là hạt nhân nòng cốt nhất của quá trình cải cách sinh hoạt GĐPT.


Đã từ rất lâu, người viết tự hỏi GĐPT đã tổ chức được bao nhiêu đợt khảo sát, lấy ý kiến đoàn sinh để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, cảm tưởng, nhận xét, nhu cầu của các em về mọi mặt hoạt động của tổ chức Áo Lam mà các em đã phát tâm gắn bó cuộc đời mình?


Thực tế, có anh chị trưởng đã trao đổi với người viết là tại sao không thử đề xuất một vài mô hình mới lạ trong sinh hoạt GĐPT nhằm thu hút và giữ chân các em nhiều hơn với tổ chức và chia sẻ kinh nghiệm này với các đơn vị GĐPT bạn.


Ý kiến này có 2 điểm đáng băn khoăn. Thứ nhất, việc đề xuất một vài mô hình nào đó dường như mang tính đột khởi, nhất thời và thiếu một phương pháp luận làm nền tảng vững chắc cho mọi sự thay đổi.


Thứ hai, ý tưởng một khi chỉ đơn thuần xuất phát từ phía người huynh trưởng thì dù người đó có giỏi dang, nhạy bén đến bao nhiêu vẫn sẽ đi vào con đường áp đặt chủ kiến lên các em, làm điển hình cho một kiểu hoạt động “từ trên xuống” và đi ngược hoàn toàn với khuynh hướng “từ dưới lên” (cũng chính là nguyên tắc lấy dân làm gốc trong đạo trị nước).


Vì vậy, con đường cải cách mái nhà Lam phải được xuất phát từ chính các em đoàn sinh. Ý kiến của các em mới chính là những viên gạch lót đường đầu tiên cho con đường làm mới tổ chức GĐPT.


Một khi nguyên tắc “Lấy đoàn sinh làm gốc” này đã được thống nhất cao trong tập thể huynh trưởng thì công việc tổ chức phỏng vấn, điều tra theo bảng hỏi, thảo luận nhóm.v.v… chỉ là các yếu tố kỹ thuật.


Ngoài ra, vì đối tượng của tổ chức GĐPT đa phần là thanh thiếu nhi nên việc quyết định gửi các em đến tổ chức GĐPT hay không phụ thuộc một phần rất lớn ở bố mẹ. Nhóm nghiên cứu cũng cần quan tâm đặc biệt đến đối tượng này.


Khảo sát, lấy ý kiến từ huynh trưởng và những người quan tâm đến sinh hoạt GĐPT.


Đây là đối tượng thứ hai của lộ trình hiện đại hóa tổ chức. Nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức khảo sát, thảo luận sẽ cần được thiết kế sao cho phù hợp với các huynh trưởng và các thiện tri thức tâm huyết với sự nghiệp phát triển tổ chức GĐPT.


Đặc biệt phải đảm bảo được rằng các kinh nghiệm quý báu trong đời và đạo của các anh chị đi trước sẽ được chắt lọc, giữ gìn và truyền đạt lại đầy đủ cho các thế hệ đàn em đi sau để làm hành trang khi đi vào một giai đoạn mới của lịch sử GĐPT.


Nghiên cứu, học hỏi các kinh nghiệm hoạt động hiệu quả từ các đoàn thể thanh thiếu niên trong và ngoài nước.


Trong Lá thư Huynh trưởng số 8, tác giả Trần Kiêm Đoàn nhận xét rằng sinh hoạt của GĐPT hiện tại đã rất cổ điển và có khuynh hướng già nua trong khung trời tuổi trẻ.


So với nếp sinh hoạt thanh niên cởi mở, sáng tạo, độc lập và hồn nhiên của tuổi trẻ Âu, Mỹ trong các sinh hoạt đoàn thể trẻ như Hướng Đạo (Boy scouts, Girl scouts); YMCA (Young Men’s Christian Association – Thanh Niên Tin Lành);  UNYA (United Nations Youth Associations – Tuổi Trẻ Liên Hiệp Quốc)… thì nếp sinh hoạt của GĐPT đang bị chững lại ở ngã ba đường của “sinh hoạt tu học” hơn là hoạt động thanh niên.


Nói không xa, Hội Tuổi trẻ Phật tử Malaysia cũng là một điển hình đáng ngưỡng mộ trong phong trào tập hợp thanh thiếu niên Phật tử tại Đông Nam Á.


Vậy, những tổ chức, hội đoàn đó đã làm cụ thể những gì để đạt được thành công như hôm nay? “Nhóm nghiên cứu cải cách sinh hoạt GĐPT” phải hết sức cầu thị, thậm chí là chủ động tiếp cận để nắm bắt thông tin và học hỏi kinh nghiệm từ các đoàn thể đó.


Tổng hợp thông tin, công bố báo cáo khuyến nghị và đề xuất thử nghiệm mô hình trước khi áp dụng đại trà


Để kết thúc lộ trình cải cách sinh hoạt GĐPT thành công, các nghiên cứu viên nòng cốt cần kết hợp kết quả khảo sát ý kiến của đoàn sinh, phụ huynh, huynh trưởng, các thiện tri thức với việc tìm hiểu các phương thức hoạt động tập hợp thanh thiếu niên hiệu quả tại VN và các nước, các tổ chức bạn.


Sau đó, nhóm công tác tổng hợp thông tin, đăng tải trên website và chọn một dịp thích hợp, tổ chức một buổi thuyết trình báo cáo với BHDTƯ và đại diện các tỉnh thành về kết quả nghiên cứu và đề xuất khuyến nghị.


Hẳn nhiên, mô hình cải cách và những điều chỉnh trong chương trình tu học sinh hoạt, nếu có, sẽ không có sự áp dụng đại trà mà sẽ thí điểm ở một số tỉnh, thành phố, sau đó, rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung để có thể vừa mang tính phổ quát, vừa có đặc điểm linh hoạt tùy nghi áp dụng theo từng vùng miền, điều kiện, hoàn cảnh, kinh tế … của các đơn vị GĐPT ở các tỉnh, thành, khu vực.


Nói tóm lại, theo lý thuyết quản trị hiện đại, giai đoạn hoàn thiện cuối cùng của lộ trình hiện cải cách sinh hoạt GĐPT cần thực hiện các bước liên tiếp, nối kết trong một vòng tròn theo tiến trình: lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch; theo dõi, kiểm tra, phản hồi, đánh giá; điều chỉnh và bổ sung hoạt động.


Quảng Tâm – Tôn Thất Kỳ Văn


1.  Mintzberg, H. (1989) Mintzberg on Management: inside our strange world of organisations. Chicago: Free Press


2.  Tự điển bách khoa toàn thư thế giới Wikipedia (2008) Giới thiệu về SWOT.  http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A2n_t%C3%ADch_SWOT


3.  Senge, P., Kleiner, A., Roberts, C., Ross, R. B. and Smith, B. J. (994) The Fifth Discipline Fieldbook: Strategies and Tools for Building a Learning Organisation. New York: Doubled.







Kính mời quý chư Tôn đức và độc giả tham gia ý kiến về vấn đề cải cách Gia đình Phật tử Việt Nam theo một số vấn đề sau:


– Vai trò của Gia đình Phật tử với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, đối với việc giáo dục thanh thiếu niên


– Phân tích hiện trạng của Gia đình Phật tử Việt Nam hiện nay: Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức (mối đe dọa)


– Mô hình sinh hoạt của Gia đình Phật tử Việt Nam trong tương lai (Mô hình tổ chức, nội dung sinh hoạt, hình thức sinh hoạt…)


– Hướng phát triển gia đình Phật tử tại các địa phương đặc thù (hải ngoại, miền Bắc Việt Nam…)


Mọi ý kiến xin bấm vào đây, hoặc gửi email về địa chỉ: [email protected], hoặc gọi điện thoại về số 095 3553777