Trang chủ Blog chùa Cao Bằng: Đại lễ Phật đản lần đầu tiên tổ chức tại...

Cao Bằng: Đại lễ Phật đản lần đầu tiên tổ chức tại chùa Phật Tích

85

Đến chứng minh tham dự đại lễ Phật Đản:

– Về phía T.Ư GHPGVN có: TT.Thích Đức Thiện – Tổng thư ký HĐTS GHPGVN – Trụ trì chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc; TT. Thích Chân Quang – Phó trưởng ban Kinh tế Tài chính TW GHPGVN – Trụ trì chùa Phật Quang (BRVT); ĐĐ Thích Giác Đạt – Phó ban kiêm Chánh thư ký GHPGVN tỉnh Điện Biên.

– Về phía lãnh đạo chính quyền có: Ông Nguyễn Hoàng Anh – Bí thư  Chủ tịch tỉnh Cao Bằng; ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra tỉnh Cao Bằng; ông Trần Hùng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng; ông Thái Hồng Thỉ – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường; bà Đồng Kiều Anh – Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Cao Bằng; ông Đỗ Quang Thành – Chỉ huy trưởng Bộ Đội Biên Phòng tỉnh Cao Bằng; ông Phạm Văn Cao – Phó giám đốc Sở thông tin Văn hóa tỉnh Cao Bằng; ông Lâm Thanh Tùng – Tỉnh ủy viên Bí thư huyện ủy huyện Trùng Khánh; ông Mông Văn Lục – Chủ Tịch UBND huyện Trùng Khánh; ông Lê Văn Đạt – Bí thư, Chủ tịch xã Đàm Thủy, Cùng Lãnh đạo Sở, Ban, Ngành của tỉnh, huyện, xã và trên 1.000 tăng ni, phật tử trong và ngoài tỉnh đến dự.

Được biết, chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, ngay bên cạnh địa danh lịch sử thác Bản Giốc. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc thuần Việt trên diện tích 3 ha. Đây  là công trình có ý nghĩa thiết thực, phục vụ nhu cầu tôn giáo tâm linh và có tầm quan trọng trong việc phát triển khu du lịch thác Bản Giốc thành khu du lịch trọng điểm quốc gia.

Sự hiện diện của ngôi chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc góp phần nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc và sự bình yên, hữu nghị tại khu vực biên giới. Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc nằm ở vị thế đắc địa: Triền núi ngay phía trên thác Bản Giốc. Từ trên chùa, du khách có thể quan sát toàn cảnh khu thác nước đẹp như tranh vẽ.

Theo chương trình, tối ngày 20/05/2015, TT Thích Chân Quang – Phó Trưởng ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã có bài thuyết giảng với chủ đề NGÔN NGỮ CỦA ĐẤT TRỜI. Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa nêu về một thời điểm cao quý, một địa điểm cao quý. Nơi mà mọi người chung một tấm lòng mừng ngày Đức Phật đản sinh và cũng mở lòng mình ra đối với tình yêu quê hương đất nước. 

Nói về NGÔN NGỮ CỦA ĐẤT TRỜI, Thượng tọa phân tích mọi sự việc trên đời không có gì là ngẫu nhiên. Đất trời có lý do của nó, quả đất này hay gương mặt, tướng đi, tướng đứng, giọng nói đều có ngôn ngữ của nó, mà nếu ai có con mắt đọc được những ngôn ngữ này, họ sẽ hiểu lịch sử của vùng đất đó, bản chất của con người đó, chẳng hạn người đi cũng phát xuất bộ tướng sang hèn thọ yểu.

Và thông qua rất nhiều ví dụ giàu hình ảnh, Thượng tọa đã giúp mọi người hình dung ra được vấn đề mà Người muốn truyền đạt, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố đất có ngôn ngữ của đất và đất chọn người, người cũng chọn đất bao hàm những triết lý rất nhân văn, cho thấy có sự tương quan về nhân quả. Khi bắt đầu thành lập trái đất với con sông như thế, ngọn núi như thế thì trời đất đã bày sẳn một đường đi của thế giới này. Đất chọn người, người không có đức không đến chỗ đất linh mà ở, mà chon, mà chết được.  Ngược lại, người cũng chọn đất, nghĩa là người có phúc đức, có trí tuệ tự nhiên có cái cảm ứng để họ tìm về nơi quý địa mà sống hay tán mã.

Ngoài ra, đất quý không phải chỉ có đất với người mà còn có Thần thánh trên cao giữ gìn. Cho nên, ta thấy phạm trù “Thiên địa nhân” là một sự tổng hòa, tức đất quý chờ người quý và được Thần thánh giữ gìn chứ không phải tự nhiên. Ví dụ như đất Bản Giốc ở đây , ta nhìn bằng con mắt thì không thấy gì, nhưng phải hiều đây là linh địa, ở trên cao có thần tiên tới lui thăm viếng giữ gìn, không phải ai muốn làm gì mà làm được.

Cái hay nhất của ta là dựng được một ngôi chùa đầu tiên trên biên cương tổ quốc, xác định tâm linh và chủ quyền của dân tộc Việt, nên càng khiến cho Thần thánh tới lui hộ vệ thành một tiền đồn về tâm linh cho dân tộc ta. Mà người nào tâm thành đến đây Lễ lạy, khởi lời cầu nguyện vị tha, tức cầu nguyện cho đất nước yên bình, thịnh vượng và cầu nguyện cho thế giới được hòa bình thì người đó hưởng được linh khí của trời đất ở đây. Về sau, trong cuộc sống của họ chắc chắn sẽ gặp nhiều điều may mắn.

Không chỉ Bản Giốc, ở những nơi khác sự thật cũng có nhiều linh địa như vậy. Tuy nhiên cái hay ở đây là linh địa này chúng ta cúng dường cho Phật, nhà nước cúng cho Phật, chứ  không giữ cho riêng một cá nhân nào, hay một dòng họ nào mà ta dành cho cả dân tộc, dành cho Phật pháp, nên đây gọi là linh địa và cũng là Phật địa. Thế nhưng cái linh của trời đất phải được chiếu cố đến bởi những người xứng đáng như câu nói “Quý địa đãi quý nhân”, tức đất quý đón tiếp người cao quý, nhưng ai có thể được gọi là người cao quý đáng được quý địa tiếp đãi thì chúng ta hãy nghe Thượng tọa lý giải, qua đó chúng ta sẽ học hỏi được bao điều hay.

Trong bài Pháp thoại này, Thượng tọa cũng đề cao nhân tố con người. Thượng tọa nhắc nhở: Ông cha ta giữ nước, mở rộng đất nước cũng bằng cái đức của mình. Ngày nay chúng ta cố gắng xây dựng – bảo vệ đất nước nhưng đừng quên một yếu tố rất quan trọng chính là tâm linh của dân tộc ta, đây mới là vũ khí bí mật để ta đánh thắng  mọi kẻ thù dù là nguy hiểm nhất từ bao đời nay.

Vì vậy, toàn dân tộc ta hãy nâng đức mình lên cao để giữ gìn đất nước. Và ta kế thừa cái đức của Tổ tiên thì phải phát huy cái đức đó bằng sự tu dưỡng của chính mình. Phải hoàn thiện tâm hồn mình lên từng ngày, từng giờ, để xứng đáng với đức độ mà cha ông ta đã để lại cho ta, chứ không ỷ lại, không phải hưởng rồi ngồi chờ.

Mà cái đức độ đó, cái tâm linh đó, một lần nữa may mắn thay cha ông ta đã chọn đạo Phật để đồng hành với dân tộc của mình. Tín ngưỡng thì nhiều, bao gồm tín ngưỡng độc thần, đa thần, tín ngưỡng của bản địa, tín ngưỡng của những người du mục, rồi đạo Nho, đạo Lão, nhưng cha ông ta bởi trí tuệ sắc bén của mình đã chọn đạo Phật làm quốc đạo, bởi vì giáo lý đạo Phật có những ưu điểm rất tuyệt vời, tạo thành một hướng đi đích thực trong cuộc sống cũng như trong yếu chỉ tu hành mà nhân loại đang cần.

Và Thượng tọa đã nêu ra những ưu điểm này đi kèm với nhiều chứng minh cho thấy lúc nào đạo Phật cũng đồng hành cùng dân tộc trong việc chống lại ngoại xâm, đồng thời hướng tới  xây dựng, bảo vệ, phát triển bền vững đất nước thân yêu của mình. Điều này cho thấy suốt mấy nghìn năm qua sự lựa chọn của cha ông ta là cực kỳ chuẩn xác. Nhân đây, Thượng tọa cũng cảnh báo, hiện nay nếu chúng ta nhìn thấy một người nào đó mang hình thức đạo Phật, tự tuyên bố mình là đạo Phật, nhưng nếu không đứng về phía dân tộc thì người đó không phải là một đạo Phật chân chính.

Tóm lại, với giọng nói thanh tao, nhẹ nhàng, truyền cảm làm ấm lòng người. Bài Pháp thoại giản dị, gần gũi, khiến ai nghe cũng cảm thấy rung động, sâu xa như nghe được những tiếng nói chân chính từ nội tâm của một bậc tu hành có sở đắc tâm linh, có đạo đức rất vững. Buổi thuyết Pháp chấm dứt. Mọi người như vẫn còn say sưa với hương vị Pháp mầu huyền nhiệm tại một thời điểm vô cùng thiêng liêng và một địa điểm rất đặc biệt.  

Tiếp theo, cũng nhân mùa Phật đản PL.2559 – DL.2015 Chư tôn đức, Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các Sở, Ban, Ngành các cấp đã làm Lễ cầu nguyện quốc thái dân an tại chính điện chùa Phật Tích trong không khí thiêng liêng và trang trọng.

Sáng hôm sau, đúng 8h00” ngày 21/05 cũng tại Lễ đài chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, trong niềm hoan hỷ đón mừng ngày Khánh đản thiêng liêng, một chương trình Lễ chính thức diễn ra thật trang nghiêm, mà mỗi người là mỗi đoá vô ưu về đây góp phần mở hội khai hoa kính dâng lên Phật nhân mùa Đản Sanh PL.2559.

Thể theo chương trình sau phần tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần tham dự, hát Quốc ca;Đạo ca và niệm Phật cầu gia bị. Tại buổi lễ, TT.Thích Đức Thiện thay mặt Chư tôn đức HĐTS GHPGVN tuyên đọc Thông điệp Phật đản của Hòa thượng Pháp chủ GHPGVN gửi đến Tăng Ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước nhân dịp Đại lễ Phật đản PL.2559.

Cũng tại đây, ông Nguyễn Hoàng Anh – Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng luôn mong muốn GHPGVN có nhiều hoạt động Lễ hội Phật giáo nhiều hơn nữa. Khi chùa là điểm đến tâm linh của mọi người thì nên thường xuyên có những hoạt động tu học, thuyết giảng, xây dựng con người tại chỗ, nhất là hướng dẫn cho bà con phật tử các dân tộc ít người giảm bớt các hủ tục mê tín dị đoan, quay về với chánh pháp.

Tiếp theo, ông Trần Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND, thay mặt Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Đại lễ Phật Đản. Ông đánh giá cao những kết quả mà GHPGVN cùng các vị Tôn túc GHPG cả nước đã chung tay góp sức xây dựng ngôi chùa mang dấu mốc tâm linh, góp phần khẳng định chủ quyền biên giới Quốc gia.

Với những đóng góp tích cực của Phật giáo Cao Bằng nói riêng và Phật giáo cả nước nói chung, ông Hùng khẳng định “Đạo Phật luôn đồng hành cùng Dân tộc và đạt được sự tín nhiệm chính trị của Đất nước Việt Nam”.

Nhân đây, ông đề nghị các Sở, Ban, Ngành và đặc biệt là Bộ Chỉ Huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Trùng Khánh, tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm phát huy hiệu quả giá trị ngôi chùa, thu hút đông đảo du khách phật tử cả nước đến chiêm bái, dâng hương,lễ Phật nơi miền đất thiêng với nhiều cảnh sắc thiên nhiên cực đẹp.

Trong buổi lễ này, TT Thích Chân Quang tiếp tục giảng về ý nghĩa cao quý của đại lễ Phật đản hằng năm mà các chùa cùng tổ chức. Đây là cơ hội để các phật tử xác quyết niềm tin vào giáo lý của Ngài, đồng thời phát huy tinh thần từ bi, trí tuệ và hoà bình mà Đức Phật đã truyền trao.

Theo Thượng tọa, chúng ta cử hành lễ Phật đản không phải là cùng nhau vinh danh ca ngợi Đức Phật rồi thôi. Đức Phật không cần sự ca ngợi, vinh danh cho mình vì Ngài vô ngã.

Sự thật chúng ta vinh danh ngài vì chính chúng ta và vì tất cả chúng sinh. Mỗi khi chúng ta quỳ lạy dưới chân Người, mỗi khi chúng ta tưởng nhớ lại cái giây phút mà Người đến với trần gian này thì tâm hồn, đạo đức, tâm linh của chúng ta bước thêm một bước tiến mới. Bước tiến mới đó như thế nào, Thượng tọa đã phân tích và nêu khá nhiều ví dụ minh hoạ để khuyến khích con người ta phải có khát vọng, phải biết ước mơ bước lên trên một tầm cao mới vượt khỏi thân phận mình, đó là tu dưỡng để chứng một tầng bậc Thánh quả nào đó.  

Nếu nói về tâm linh, về các bậc Thánh trong đạo Phật thì không thiếu xuyên suốt trong lịch sử từ thời Đức Phật đến mãi sau này. Chỉ có điều là càng xa Phật thì các vị Thánh vắng bóng dần, đó là điều ta phải đắn đo. Đồng thời, Thượng tọa cũng nêu phương danh vài vị Thánh được thế giới ca ngợi và nhân dân ngưỡng mộ, công nhận nhưng không thuộc về tâm linh trong đất nước ta.

Bên cạnh đó, Thượng tọa còn phân tích cho thấy giáo lý đạo Phật là giáo lý căn bản nhất, hiền lành nhất thế giới mà sau nhiều năm nghiên cứu các nhà khoa học, các nhà xã hội học, các nhà lãnh đạo thế giới phải công nhận. Thật vậy, Đức Phật không bao giờ dạy đệ tử mình phản ứng mạnh, mà lúc nào cũng sống với tâm hiền lành, từ ái, bao dung, vị tha, nhẫn nhục và không thấy ai là kẻ thù. Do đó mới không xảy ra xung đột, đối kháng nhau. Cho nên, đạo Phật ra đời trên dưới 2600 năm, trải qua các cuộc thịnh suy thăng trầm của thời đại, nhưng không bao giờ có đổ máu, hận thù.

Và thực tế được ghi nhận bởi lời phát biểu thể hiện sự tin cậy vào đạo Phật của ông Trần Hùng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, rằng ông đã lập đi lập lại rất nhiều lần chỉ với câu nói xác quyết, đó là “Sự tín nhiệm chính trị đối với đạo Phật của quốc gia ta, mà không phải mới ở đời này, từ nhiều đời xưa cũng như vậy.”

Vậy! để không phụ lòng tin của Nhà nước đối với đạo Phật, Thượng tọa nhắc nhở những người đệ tử Phật hãy phát huy, giữ vững cái niềm tin chính trị của đất nước ta đối với đạo Phật. Tức là người đạo Phật chỉ có yêu nước, cống hiến, phụng sự, xây dựng và bảo vệ tổ quốc mà thôi. Chúng ta không bao giờ đi sai lạc ngoài cái trách nhiệm, hay mục đích này.

Tuy nhiên, ngoài lời nhắc nhở Thượng tọa còn kêu gọi mọi người đừng quên cảnh giác, đừng đánh đồng, đừng có tưởng nhầm hễ giống đạo Phật, na ná đạo Phật, danh nghĩa đạo Phật là họ đã là đạo Phật, vì nếu ta tiếp nhận lầm thì hậu quả cũng rất khó lường.

Có thể nói đại lễ Phật đản lần đầu tiên tổ chức tại tỉnh biên giới trong hai ngày đã để lại nhiều ấn tượng, nhiều cảm xúc tốt đẹp với mọi giới nhưng sâu sắc nhất có lẽ chính là những ý tưởng mới được Thượng tọa gợi mở nhằm phát triển Thiền Phật giáo tại Việt Nam.

Theo Thượng tọa, với tầm vốc chùa Phật Tích Trúc Lâm như hiện nay chưa đủ, mà nên xây dựng thêm thiền đường lớn có đủ chỗ đón nhận được nhiều đồng bào phật tử trong nước và người quốc tế về đây tu tập, đồng thời được thưởng ngoạn cái cảnh đẹp hùng vĩ nơi này. Nếu được vậy, không bao lâu ngôi Tam Bảo tại thác Bản Giốc sẽ rực sáng lên, xứng đáng là nơi mà mấy mươi năm trước Bác Hồ đặt chân về đầu tiên để chuẩn bị cho một cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc ta.

Kết thúc buổi lễ, Chư tôn đức, quý vị đại biểu đã cử hành nghi lễ tâm linh bao gồm: Dâng hương, lễ Phật, hát bài NGƯỜI ĐÃ ĐẾN (mừng Phật Đản), tụng bài sám Phật Đản, tụng tam tự quy y và dâng hoa cúng dường./