Trang chủ Người thời nay Tấm gương Phật tử Chàng trai đi khắp TP.HCM phát cơm chay trong mùa dịch

Chàng trai đi khắp TP.HCM phát cơm chay trong mùa dịch

286
Nhóm của Lâm Quách đã gửi tặng hàng nghìn phần cơm chay cho người lao động nghèo trên địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội.

Lâm Quách cùng bạn bè rong ruổi khắp thành phố để trao tặng những phần cơm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát.

Từ ngày TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội đến nay, Lâm Quách (lifestyle influencer, biệt danh: Sư Tử Ăn Chay) cùng những người bạn của mình đã trao tận tay hơn 4.000 phần cơm chay miễn phí cho nhiều lao động nghèo, người vô gia cư khắp các quận.

“Các cô chú bán vé số, nhặt ve chai vốn đã rất khó khăn, dịch bệnh khiến họ càng vất vả hơn nữa. Mình không làm được gì nhiều, chỉ mong giúp họ có vài bữa ăn no để cùng nhau vượt qua giai đoạn này”, Lâm chia sẻ.

Lâm Quách cùng bạn bè rong ruổi khắp thành phố để trao tặng những phần cơm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn

Mỗi ngày, Lâm Quách và nhóm bạn của anh nhận cơm chay tại một bếp thiện nguyện rồi chia nhau đi khắp nơi, trao những suất ăn nóng hổi đến người lao động nghèo.

Thời gian đầu, nhóm thường nhận được những thắc mắc như “Vì sao lại phát món chay?”, “Liệu đồ chay có đủ chất dinh dưỡng cho sức khỏe của bà con hay không?”. Thậm chí, một số người còn “chê” và từ chối nhận khi biết cơm anh tặng không có thịt.

Tuy nhiên, Lâm và bạn bè không buồn chán và từ bỏ việc thiện nguyện vì những lần như vậy, chỉ chú tâm vào mục đích tử tế ban đầu của mình.

Bản thân là người ăn chay trường lâu năm, lại có kinh nghiệm luyện tập thể hình, mình biết cách để tạo nên bữa ăn có đầy đủ dưỡng chất. Thực đơn cũng đa dạng, thay đổi theo ngày, bếp nấu chuyên nghiệp nên mình càng tự tin hơn với những suất ăn gửi tặng mọi người”, Lâm bày tỏ.

“Có những người thừa nhận ban đầu nhận cơm vì… đói quá, nhưng sau khi ăn xong họ cảm ơn rất nhiều vì không ngờ đồ chay có thể ngon như vậy”, anh kể thêm.

Những hộp cơm thân thiện với môi trường

Sau một thời gian hoạt động, Lâm Quách nhận thấy việc phát cơm những ngày qua đã vô tình làm tăng lượng rác thải nhựa lên đáng kể.

Từng tham gia các hoạt động thu gom rác ở bãi biển, Lâm hiểu rõ rác nhựa gây ảnh hưởng xấu thế nào đến môi trường.

“Những hộp, thìa và túi đựng cơm trên thực tế chỉ được sử dụng một lần, có khi còn không quá 10 phút đã bị vứt đi. Mình hay nói đùa rằng sợ dịch Covid-19 chưa qua, ‘dịch plastic’ lại tới”, anh bày tỏ.

Để giúp người lao động có bữa cơm ngon, vừa bảo vệ môi trường, anh nhận thấy sử dụng hộp làm từ bã mía là lựa chọn tối ưu ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, Lâm gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp bởi hộp bã mía có giá thành cao.

Những phần cơm nóng hổi được gửi tận tay người lao động khó khăn.

Vấn đề được giải quyết khi anh tìm được đơn vị sản xuất hộp đưa ra giá hữu nghị dành cho các bếp thiện nguyện trong thời gian giãn cách. Bên cạnh đó, nhóm của Lâm còn được một mạnh thường quân tặng loại túi làm từ bột ngô để hoàn thiện “bộ đồ nghề phát cơm”.

Vừa giải quyết được nỗi lo về kinh phí, Lâm Quách gặp vấn đề mới khi hộp bã mía bị mềm, nhũn ra khi gặp hơi nóng, cơm dễ dính lên nắp hộp gây mất thẩm mỹ. Tiến độ công việc chậm đi nên nhà bếp đề nghị dùng lại hộp xốp như ban đầu.

“Sau khi trao đổi lại với đơn vị sản xuất hộp để hiểu rõ cách sử dụng, mình hướng dẫn và cùng đóng gói với bếp, nhờ vậy mọi thứ đã trở lại guồng hoạt động ổn định”.

Lâm Quách chọn sử dụng hộp làm từ bã mía và thìa gỗ để bảo vệ môi trường trong mùa dịch.

Theo kế hoạch, Lâm và nhóm bạn sẽ tiếp tục duy trì hoạt động đến khi dừng giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, nhóm bạn trẻ còn lên kế hoạch ủng hộ nhu yếu phẩm cho nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong các khu phong tỏa trên địa bàn TP.HCM.

“Dù vất vả, mình và các bạn luôn động viên nhau cố gắng, chung tay san sẻ phần nào gánh nặng cho những hoàn cảnh khó khăn. Mong ngày hết dịch sẽ không còn xa, mọi người được trở lại với công việc của mình. Việt Nam quyết thắng Covid-19!”, anh bày tỏ.

theo ZING