Trang chủ Đời sống Chen chân đi giải hạn, cầu an

Chen chân đi giải hạn, cầu an

77

Dễ dàng bắt gặp cảnh tượng này trong những ngày trước rằm tháng giêng tại các chùa  lớn tại Hà Nội như: Đông Hạ, chùa Hà, Phúc Khánh, Hòa Mã…

Xếp hàng trước cả tháng 

Tại chùa Phúc Khánh trên đường Tây Sơn, ngôi chùa có tiếng lâu đời, nhiều người dân đã đăng ký dâng sao giải hạn từ rằm tháng Chạp. Các dịch vụ phục vụ khách vào lễ chùa cũng nhờ thế mà đua nhau mọc lên.

Đặc biệt, những hộ dân gần chùa trong vòng bán kính từ 500 m đua nhau lấn chiếm vỉa hè làm bãi trông giữ xe cho khách. Giá xe máy gửi tại đây cũng lên tới 10.000 đồng thậm chí là 20.000 đồng một chiếc. “Giá chung là thế rồi. Đất ở đây chật nên kiếm được chỗ gửi xe cũng vất vả lắm”, một chủ trông xe tại  232 Tây Sơn phân trần.

Các tín chủ lên danh sách thành viên gia đình bị “sao xấu chiếu” trong năm Canh Dần tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội, chiều 25/2.

Kể từ ngày hôm qua (25/2, tức 12 tháng Giêng), các chùa bắt đầu mở các “khóa” lễ giải hạn, cầu an cho người dân. “Mỗi khóa lễ đều có hàng trăm hộ gia đình đăng ký từ trước. Đáng lẽ tới 12 tháng giêng là chốt hạn nhưng vì yêu cầu còn nhiều nên chúng tôi đành để khách đăng ký để tổ chức khóa vét vào ngày 22 tháng Giêng tới”, đại diện Ban tổ chức chùa Hòa Mã (phố Phùng Khắc Khoan) cho biết.

Vừa cầm danh sách thành viên vừa dõi theo bảng tính sao năm Canh Dần cho từng người, chị Nguyễn Thị Kim Thanh (Kim Liên- Phương Mai) tâm sự: “Các thầy bảo Thái Bạch thì sạch bách cửa nhà. Năm nay tôi bị sao Thái Bạch chiếu hạn, vừa ra Tết đã bị mất túi xách khi đang đi lễ chùa. Đúng là đứa nào nó lấy cắp là gánh bớt hạn cho mình. Nhưng nghĩ lại, của đau con sót, biết vận hạn là vậy nên từ nay phải cẩn thận hơn”.

Tuy nhiên, hầu hết khách tới dâng sao giải hạn, cầu an đều cho rằng hoạt động này không mang tính chất mê tín. Bà Minh Nguyệt (Cầu Diễn, Từ Liêm) cho biết: “Đây là tín ngưỡng chứ không phải mê tín. Mình dâng sớ xem sao chiếu mệnh cũng chỉ với mục đích cầu an để cả năm yên tâm làm ăn công tác…”. Trong đại gia đình bà Nguyệt có tới ba thành viên là con, cháu đều “bị sao xấu chiếu” trong năm Canh Dần: Thái Bạch, La Hầu. “Năm ngoái các thành viên trong gia đình đều được “sao đẹp chiếu”, song tôi ngẫm ra tài, lộc cả năm cũng chỉ ở mức trung bình!”, bà Nguyệt nói.

Giá sớ tăng theo… giá cả 

Được biết, năm nay, mỗi sớ lễ cầu an có giá từ 100.000 – 300.000 đồng một hộ gia đình; nếu gặp sao “xấu”, tín chủ phải dâng sao giải hạn từ 50.000 -100.000 đồng một người. Bà Hoàng Thị Mai (phường Bách Khóa, quận Hai Bà Trưng) nói: “Giá cả mặt hàng cái gì cũng tăng, bây giờ đi lễ chùa, sớ cũng tăng theo”.

Giá sớ tăng nhưng vẫn rất "đắt hàng". Ảnh: Trung Kiên.

Ông Nguyễn Văn Giang, thành viên Ban Khánh tiết nhà chùa cho biết, trong một tháng nay, lượng khách ra vào tấp nập để xin dâng sao giải hạn, có khi tiền dâng sớ lên tới 200 – 300 triệu đồng một ngày. “Lượng sớ khách dâng lên mỗi ngày ở đây không tính bằng tờ mà là bằng kg, trung bình từ 20 – 30 kg sớ một ngày”.

Không chỉ ghi danh các thành viên trong nhà mình, theo ông Giang, nhiều người tới đây còn được phân công nhiệm vụ đặt lễ cho họ hàng, đơn vị cơ quan, thậm chí cả một phường dân cư. Cũng vì lượng khách quá đông nên nhà chùa đã phải huy động tới sinh viên khoa tiếng Trung của các ĐH Hà Nội, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn tới để viết sớ.

Thanh Nhàn, sinh viên năm cuối ĐH Hà Nội cho biết, đã lên chùa viết sớ được 5 hôm. Viết tại chùa cả ngày cũng không hết, Nhàn còn ôm cả đống sớ về nhà để tranh thủ viết tiếp vào buổi tối. “Hiện ở nhà vẫn khoảng 1.000 hộ, tối nay phải về viết hết để tới hôm 14 tháng Giêng nhà chùa làm lễ cầu an”, Nhàn vui vẻ nói.