Trang chủ Văn hóa Văn hóa lễ chùa

Văn hóa lễ chùa

51

Chùa Hương là một trong những điểm hành hương hấp dẫn nhất mỗi dịp đầu xuân năm mới. Đây cũng là dịp để các loại hình dịch vụ bước vào mùa thu hái sau một năm chờ đợi…

 

Tuy nhiên, những biển thông báo của nhà chùa đã không được mọi người quan tâm, sự thanh tịnh vốn có đã phải nhường chỗ cho sự vội vàng và những mong ước của cõi trần mà hàng vạn lượt người đem đến chùa mỗi ngày. Và vì thế, những Vãi chùa cũng đã phải làm việc từ sáng sớm đến tối khuya mới mong xóa đi một phần sự vô ý thức của nhiều khách hành hương.

 

Vãi Dương Thị Sơn, chùa Hương cho biết: “Nhiều du khách rất cẩn thận, đặc biệt là người nước ngoài, một túi bóng, một mẩu thuốc cũng cho vào thùng rác. Tuy nhiên, còn rất nhiều người đã không làm thế”.

 

Phật tử thập phương đến với chùa Hương mỗi người một mong ước riêng, và tất nhiên, người ta cũng chỉ mong làm sao những ước nguyện thấu tới tai Phật.

 

Còn đối với Ban Quản lý di tích, trong những ngày này không còn mấy người quan tâm đến chuyện hướng dẫn khách thập phương giữ gìn sự tôn nghiêm cần có ở nơi thờ tự và nhắc mọi người nhớ rằng, mỗi hành động thiếu ý thức của bản thân nơi đền, chùa chính là một sự thiếu tôn trọng”.

 

Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Trần Lâm Biền bức xúc cho biết: “Họ còn dúi tiền vào tay các Thần linh, đó là một sự hối lộ, là sự đặt cược cho những sai phạm của mình ở cuộc đời, làm như thế chỉ có tội chứ không bao giờ có phúc cả. Đem tiền để vào tay thần linh, đặt lên đùi tượng hoặc để lên bệ thờ, đó là đem cái xấu xa nhuộm tâm hồn của những đấng tối thượng. Đó là điều tối kỵ”.

 

Trong cái xô bồ, hỗn loạn, người ta tìm đủ mọi cách chen lấn, xô đẩy để mong được thánh thần nhìn thấy mặt, biết đến tên. Lễ thật to, thật nhiều để mong thánh thần để mắt. Nhưng chắc chắn cái sự xô bồ, bát nháo mà người ta tạo ra ở chốn tôn nghiêm không thể là sự biểu hiện lòng thành một cách tích cực. Tất cả dường như đều đã quên rằng, điều quan trọng nhất của phong tục đi lễ đầu năm vẫn phải là cái Tâm thành kính.