Trang chủ Văn hóa Chúng ta phải tự quyết định giá trị nào mình muốn giữ...

Chúng ta phải tự quyết định giá trị nào mình muốn giữ gìn

58

Tôi làm cho “sở tây” từ ngày mới ra trường, nhưng tôi lại luôn làm cùng người của “sở ta” và sống ở trời ta nên có nhiều cơ hội chiêm nghiệm sự khác biệt trong hành xử giữa hai môi trường văn hoá khác biệt: ta và tây.

Và tôi bắt đầu cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của những sự khác biệt ấy và rất thích thú với mô hình tảng băng văn hoá (hình trên) mà Edward Hall – một nhà nhân chủng học – giới thiệu năm 1976.

Theo Edward Hall, văn hoá là tổng hoà các biểu hiện có thể nhìn thấy được (hành vi, nghi lễ, đồ tạo tác) và các yếu tố ngầm không thể nhìn thấy (giá trị, quan niệm, tôn giáo, lịch sử…). Chính những yếu tố ngầm này chi phối cách thức hành xử của mỗi cá nhân trong cuộc sống hàng ngày.

Với việc nhìn nhận văn hoá theo mô hình tảng băng, chúng ta hãy cùng phân tích một số ví dụ khác biệt trong biểu hiện hành vi giữa ta và tây.

Đội mũ bảo hiểm. Mỗi khi có cơ hội tôi lại hỏi, nếu không vì sợ cảnh sát giao thông, chúng ta có đội mũ bảo hiểm? 95% dân ta sẽ trả lời là không và 95% dân tây sẽ trả lời là có. Tại sao?

Đội mũ bảo hiểm là một biểu hiện hành vi nằm bên trên tảng băng văn hoá. Chìm phía dưới là các giá trị và thái độ về an toàn tính mạng chi phối hành vi đội mũ bảo hiểm. Vậy giá trị của tây trong ví dụ này là gì? Mọi thương vong có thể phòng tránh được, và đội mũ bảo hiểm là một cách hiệu quả để phòng tránh thương vong khi lưu thông trên đường bằng xe hai bánh. Do vậy dù có cảnh sát hay không, vẫn phải đội mũ để đảm bảo an toàn. Với người Việt ta, an toàn là “do số”. Nếu có chuyện gì xảy ra là do số, số phải gặp tai nạn thì ở nhà cũng gặp tai nạn, đội mũ chỉ vì sợ bị công an phạt thôi!

Cũng nằm trong phần nổi của tảng băng văn hoá là các nghi lễ. Ở nơi tôi làm hiện nay có một nghi lễ rất hay, đó là mỗi khi có ai mới đến làm việc tại công ty (người nước ngoài có nhiệm kỳ tại Việt Nam, người Việt Nam mới vào được tuyển vào làm), chúng tôi có một buổi ra mắt trong một bữa tiệc nhỏ tại cơ quan. Đó là một nghi lễ rất đầm ấm bắt nguồn từ giá trị cộng đồng của người Việt ta: Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Trong khi đó, trong văn hoá của các công ty Âu Mỹ thì tổ chức phải làm mọi việc để người lao động hội nhập với nơi làm việc mới vì họ coi việc giúp đỡ người lao động làm quen với môi trường mới là cách thức tốt nhất để họ gắn bó với tổ chức của mình.

Mở rộng phạm trù “Bán anh em xa mua láng giềng gần” của ta, chúng ta có thể có thêm các ví dụ khác về ảnh hưởng của ý kiến xã hội đối với cảm xúc của từng cá nhân. “Sướng là khi ta được (thằng) hàng xóm khen là ta sướng” (Trích lời của một đồng nghiệp rất sâu sắc của tôi) hay như “Con làm thế thì cha mẹ còn mặt mũi nào nhìn mặt hàng xóm láng giềng nữa”.

Trong một bộ phim Mỹ có tựa Những đứa trẻ nhỏ (Little children – 2006) lại phản ánh quan hệ hàng xóm khác hẳn với ta. Mẹ của một phạm nhân từng đi tù vì tội quấy rối tình dục trẻ em đã nói với con trai mình rằng: được làm người là điều kỳ diệu nhất trong đời và đối với bà thì cậu con trai dù có mắc sai lầm gì chăng nữa, thì bà vẫn luôn yêu thương và tôn trọng, dù đối diện với sự tẩy chay của hàng xóm mỗi ngày. Bà đã chết vì nhồi máu cơ tim khi bênh vực con mình khỏi những lời lăng mạ của một người hàng xóm cực đoan.

Sao vậy? Cùng là quan hệ hàng xóm thôi sao ta và tây lại khác nhau vậy? Đó là sự khác biệt về giá trị (phần chìm của tảng băng). Ta coi trọng ý kiến cộng đồng, tây coi trọng sự riêng (khác) biệt và lựa chọn của mỗi cá nhân.

Tôi đưa ra vài ví dụ minh hoạ. Việc nhiều phụ nữ kết hôn không phải vì tình yêu, chỉ vì áp lực xã hội đối với tuổi tác của mình không phải là sự lạ. Là một phụ nữ độc thân tôi thường xuyên được “thăm hỏi” bởi những người xung quanh (đôi khi dưới góc độ là do yêu quý tôi nên mới nhắc tôi đối diện sự thật: “Trai ba mươi tuổi còn xoan, gái ba mươi tuổi đã toan về già), câu trả lời của tôi (một người coi trọng sự riêng (khác) biệt và lựa chọn của tôi) là: Cháu cám ơn sự quan tâm của cô/dì/chú/bác, nhưng cháu sẽ cảm động hơn nếu cô/dì/chú/bác hỏi cháu trước là cháu có hạnh phúc với cuộc sống hiện tại không và cô/dì/chú/bác có thể giúp được gì cho cháu nếu cháu không hạnh phúc.

Rất nhiều người muộn lập gia đình tôi biết đã mất dần sự tự tin và dẫn đến trầm cảm vì không đủ can đảm đối mặt với những câu hỏi kiểu quan tâm như ví dụ của tôi từ những người xung quanh.

 

Tác giả đã có 16 năm kinh nghiệm làm việc cho các công ty đa quốc gia và từng điều hành một công ty đào tạo do chính mình sáng lập. Đam mê của tác giả là về lĩnh vực văn hoá tổ chức và văn hoá lao động.

Trong một chuyến du lịch nếu hỏi chuyện nhau anh/chị đi chơi một mình à thì tây sẽ chẳng nghĩ gì cả còn ta sẽ nghĩ (anh/chị) này chắc có vấn đề gì đó thì mới không có ai đi cùng!

Nếu chúng ta để ý thì gần đây trong các chương trình/hoạt động thuộc ngành công nghiệp giải trí nước ta thì có thêm nghi lễ cám ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Và nói thật là tôi thấy phần lớn những người phát biểu đều không nói trôi chảy (hoặc chân thành) như các diễn viên đoạt giải Oscar trong phần phát biểu của họ, thậm chí như Kate Winslet còn có sẵn một bức thư cám ơn được chuẩn bị trước.

Ở “sở tây” thỉnh thoảng chúng tôi lại đùa nhau: Ở Việt Nam mình, chỗ kín đáo là để hôn nhau còn chỗ công cộng là nơi tè bậy.

Ghi nhận sự đóng góp hay khen ngợi vợ/chồng đặc biệt là trước mặt mẹ đẻ (hoặc mẹ vợ/mẹ chồng) là điều hiếm có khó tìm nếu không nói là “mơ à?”

Vì sao vậy? Bởi người Việt ta coi trọng sự kín đáo trong biểu hiện cảm xúc. Rất nhiều người thuộc thế hệ 7x chúng tôi còn được giáo dục từ bé là chỉ những người ruột để ngoài da, là người hời hợt, bồng bột hay nông nổi (hoặc nông cạn) mới thể hiện cảm xúc của mình đặc biệt là với lời khen. Những người ý nhị, tinh tế sẽ biết cách khen ngợi một cách tế nhị, kín đáo. Còn đối với trẻ nhỏ thì áp dụng phương pháp “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Lưu ý: hơn bao giờ hết những ai áp dụng triệt để “yêu cho roi cho vọt” có thể bị truy cứu tội bạo lực đối với trẻ.

Trong một thế giới phẳng khi mà sự giao thoa văn hoá diễn ra mỗi ngày, không chỉ trực diện mà cả thông qua thế giới ảo như các mạng xã hội, mỗi chúng ta sẽ phải tự ra quyết định giá trị nào chúng ta muốn giữ gìn vì đó là nền tảng tạo dựng nên hình ảnh của người Việt ta nói chung và từng cá nhân ta nói riêng, giá trị nào từ tây chúng ta muốn bổ sung để hành xử văn minh hơn, đến gần hơn với các nền văn hoá khác.