Trang chủ PGVN Cửa thiền Chuyện về cô bé ở chùa

Chuyện về cô bé ở chùa

98

Sự kỳ thị do thiếu hiểu biết, tiếc thay lại xảy ra không phải ở nơi núi cao, rẻo sâu mà ngay tại một vùng ngoại thành Hà Nội.

Bây giờ, em đã được đưa về Hà Nội nhờ tấm lòng của một nhà sư nhân hậu, đã được phẫu thuật lần đầu tại Viện Nhi Trung ương. Cuộc đời em đã sang một trang mới, tươi sáng hơn, dẫu rằng, việc chữa bệnh vẫn còn đang phải tiếp tục. Khi tôi đến chùa Vòng Tăng, một ngôi chùa nhỏ nằm trên đường Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội, nơi đang cưu mang em, cô bé đã bắt đầu đi lại tha thẩn chơi ở sân chùa. Sư thầy Thích Đàm Hướng, trụ trì nhà chùa, mấy hôm nay người khó ở, lưng đau đi lại khó khăn nhưng không dám nằm dưỡng bệnh mà vẫn phải ra ngồi ngoài sảnh chính để "chơi với con bé cho nó đỡ tủi".

Thấy có khách, con bé chạy lại, chắp tay chào rồi sà vào lòng thầy Hướng âu yếm: "Bà chùa nghỉ đi, bà chùa đang ốm mà". Thầy Hướng bảo, con bé thiếu thốn tình cảm từ nhỏ nên ai cũng gọi là ông, là bà. Thầy Hướng thì gọi là "bà chùa", ông bán nước ngoài cổng chùa thì gọi là "ông ngoại", còn bà Bộ, một phật tử tự nguyện đến chăm sóc bé từ khi ở Viện Nhi đến giờ thì cháu gọi là "bà nội".

Tôi vẫy tay gọi em lại gần, hỏi tên. Cô bé nhoẻn cười, trả lời rất rành rọt: "Con là Nguyễn Thị Hà, 9 tuổi". Thân hình gầy gò, bé nhỏ của em khiến tôi không tin là em 9 tuổi. Nhìn em, chỉ đoán em độ lên 5. Nhưng thầy Hướng bảo, trong giấy khai sinh em sinh năm 2000. Song do bị mắc bệnh từ lúc mới sinh lại không được chăm sóc cẩn thận nên em mới gầy yếu thế. Hôm mồng 10 tết, khi đón Hà về đây, cháu chỉ nặng có 10 kg, da xanh mướt, cả mắt lẫn mặt đều vàng ệch như xát nghệ, bụng chướng to như cái trống.

Ôm bé trong lòng, thầy Hướng mắt ngấn nước khi kể về cuộc sống của Hà ở quê. Thì ra, con bé ở cùng quê với thầy – thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Nhưng thầy xuất gia tu hành từ lâu nên không biết gia đình bé.

Chỉ có mẹ thầy ở quê là biết đến Hà, dù bà không có họ hàng hay thân thiết gì với cha mẹ bé. Nhà bà ở cuối làng, nhà bé ở đầu làng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bà thường thấy con bé lang thang khắp nơi nhưng không ai dám chơi với em vì sợ lây bệnh. Thương con bé quá gầy yếu ì ạch vác cái bụng chướng to phềnh, cứ lầm lũi, lủi thủi một mình, bà thường gọi vào cho quà. Khi thì tấm bánh, khi thì cái kẹo, có khi chỉ là cốc nước lọc suông.

Tìm hiểu, bà mới biết, con bé có đầy đủ cha mẹ nhưng từ lâu phải sống trong cảnh côi cút. Khi em chưa đầy tuổi thì cha mẹ bỏ nhau. Cha em rời làng đi làm ăn xa. Mẹ em đưa con về nhà bà ngoại ở. Nhưng đến năm em 3 tuổi thì mẹ bế em về trả lại cho ông bà nội rồi bỏ đi nốt. Từ đó em ở với ông bà nội nhưng gia đình của ông bà em cũng không yên ấm.

Bệnh tình của em phát từ khi em còn ẵm ngửa. Nhưng trong cảnh gia đình tan vỡ, ly tán nên em hầu như không được chữa trị, vì thế bệnh mỗi ngày một nặng. Ông bà nội em già yếu, cuộc sống khó khăn nên chỉ nuôi được em ngày hai bữa ăn đạm bạc. Em cũng không được đến trường, vì thế đã 9 tuổi rồi mà Hà không biết chữ.

Tôi hỏi:"Hà có nhớ mẹ không?". Hà tròn xoe mắt nhìn tôi, lắc đầu quầy quậy: "Con không có mẹ". "Thế bố có hay thăm con không?". Hà lại nhìn tôi, nhoẻn cười: "Bố có vợ khác rồi". Tôi nhìn con bé cười mà thấy cay nơi sống mũi. Em còn quá nhỏ, chưa đủ lớn để biết buồn…

Tôi lại hỏi: "Lên chùa ở, con có nhớ các bạn ở quê không?". Hà lắc đầu: "Con không có bạn". Thầy Hướng kể, Hà thường đi lang thang ở làng và giống như mọi đứa bé khác, Hà rất muốn vui chơi với các bạn cùng trang lứa nhưng hầu như không ai dám gần gũi em vì sợ lây bệnh.

Hà kể: "Con thường xuyên đau", vừa kể Hà vừa chỉ vào bụng. "Lúc đầu con hay khóc, gào ầm lên. Nhưng sau không dám khóc nữa vì sợ". "Sợ ai?", tôi hỏi. "Con toàn ngủ một mình, trời tối thui, sợ lắm", Hà đáp rồi lấy tay che mặt. Lại cười: "Bây giờ chả sợ nữa vì đêm nào cũng được ngủ cạnh bà chùa".–PageBreak–

Thầy Hướng kể, do cô đơn từ nhỏ, phải một mình vật lộn với những cơn đau nên Hà rất can đảm. Sau hôm phẫu thuật ở Viện Nhi, phải cắt đi một khối u nặng 3,2 kg ở lá lách, người lớn cũng đau vật vã chả chịu nổi nhưng Hà hầu như không kêu rên. Thầy Hướng bảo: "Chắc là Hà cũng rất đau nhưng cháu chịu đựng quen rồi thành ra bình thản".

Những hôm mới đón Hà về chùa, đêm nào cháu cũng đau, cứ lăn lộn trên giường, gập bụng lại, mồ hôi vã ra như tắm. Thế mà con bé tuyệt nhiên không khóc. Thầy Hướng nhìn em xót xa, lo lắng, còn Hà, em vẫn thường xuyên bị  những cơn đau như vậy hành hạ trong những đêm tối thui, chỉ có một mình với bóng tối ở quê nhà…

Như một cơ duyên, trước tết âm lịch Kỷ Sửu, em gái thầy Hướng lên chùa thăm chị, tình cờ kể cho thầy nghe về tình cảnh của bé Hà. Em gái thầy ướm hỏi: "Liệu nhà chùa có thể đón bé về nuôi dưỡng được không?". Sống theo đạo của người tu hành – "cứu được một người phúc đẳng hà sa" – không đắn đo thầy nhận lời. Mồng 10 tháng Giêng, bà nội Hà đưa bé từ quê lên, xin gửi bé nhờ nhà chùa nuôi dưỡng, chữa bệnh. Thế là từ đây, Hà bắt đầu cuộc sống ở chùa, nương nhờ cửa Phật…

Thầy Hướng bảo, phật tử ở chùa rất đông và tất cả họ đều sẵn lòng chung tay với thầy làm việc thiện. Các phật tử đã đưa bé Hà tới Viện Nhi Trung ương để thăm khám. Các bác sĩ ở đây chẩn đoán em bị thiếu máu trầm trọng và hiện đang có một khối u lớn ở lá lách, đồng thời khẳng định bệnh của em không phải là bệnh lây.

Một tuần sau, sau khi làm tất cả các xét nghiệm cần thiết, ngày 30 tháng Giêng, Hà được lên bàn mổ, phẫu thuật lần thứ nhất. Một khối u nặng 3,2 kg ở lá lách của em đã được bóc tách. Ca mổ diễn ra an toàn, thành công.

Sau mổ, em phải nằm tại Viện Nhi để các bác sĩ theo dõi thêm 10 ngày nữa. Các phật tử thay phiên nhau chăm sóc em. Người nấu cháo, người giặt đồ, người trông ngày, người trông đêm. Nhưng có một người gắn bó với em nhiều nhất, lúc nào cũng túc trực ở bên em là bà Lê Thị Bộ.

Không phải là người thân thiết, ruột rà với Hà nhưng bà đã tình nguyện bỏ hết nhà cửa, ruộng đồng ở quê lên chăm sóc Hà. Bây giờ, Hà đã ra viện, vết mổ đã lành, em cũng đã bắt đầu đi lại được nhưng bà Bộ vẫn ở bên em hàng ngày, tắm rửa, cơm nước cho em.

Thầy Hướng bảo, Hà bây giờ vẫn đang phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và bệnh viện dặn phải tiếp tục bồi bổ sức khỏe cho em vì có thể em sẽ phải tiếp tục phẫu thuật. Bà Bộ và các phật tử đã lên thực đơn riêng cho em hàng ngày, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng để em còn tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Cứ nhìn cách Hà nép vào lòng thầy Hướng toe toét cười rồi âu yếm gọi bà Bộ là "bà nội" là đủ thấy cuộc sống mới của em ở chốn cửa Phật bác ái từ bi này…

Hôm Hà chuẩn bị lên bàn mổ, theo thủ tục chung, bệnh viện yêu cầu đại diện gia đình phải ký cam kết. Khó khăn lắm thầy Hướng mới tìm được số điện thoại của cha em. Ông đã lấy vợ mới, hiện đang sống ở Hà Nội. Ông và người vợ mới có đến Viện ký cam kết cho em và có đến chùa thăm em một lần rồi từ hôm bấy đến giờ không thấy đến nữa.

Thầy Hướng kể, ông cũng thật lòng nói rằng không có điều kiện để chữa bệnh cho con nên thôi thì trăm sự  nhờ nhà chùa. Còn mẹ em thì thầy cũng đã cố công tìm nhưng không thấy. Không biết bây giờ bà ở đâu và liệu có biết nỗi đau đớn của đứa con gái bé bỏng mà trong nó có một phần máu thịt của bà…

Về phần mình, là người tu hành, thầy Hướng coi việc cứu giúp cháu Hà như là một việc thiện phải làm. Thầy và các phật tử thiện tâm đã, đang và sẽ cố gắng hết sức để bé Hà khỏi bệnh, được sống cuộc sống bình thường như tất cả những đứa trẻ khác.

Thầy tâm niệm rằng, nếu số phận cho Hà được sống, nhà chùa sẽ tiếp tục nuôi dưỡng bé cho đến lúc trưởng thành. Và, thầy hy vọng, khi được sống trong tình yêu thương đủ đầy, giữa những tấm lòng từ bi bác ái, bé Hà khi khôn lớn sẽ trở thành người sống có trách nhiệm và biết yêu thương.

Ca mổ cho bé Hà và toàn bộ tiền thuốc men đã được các thầy thuốc nhân ái của Viện Nhi Trung ương miễn phí hoàn toàn. Nhưng, bé Hà vẫn còn phải tiếp tục điều trị và cuộc chiến đấu với bệnh tật của em còn kéo dài. Từ hôm Hà về chùa, đã có rất nhiều những tấm lòng hảo tâm tìm đến chùa từ thiện cho em.

Hôm tôi tới chùa để viết bài này, tôi cũng rất cảm động khi được chứng kiến sư trụ trì chùa Phúc Lâm (Nhân Hòa, Thanh Trì, Hà Nội), dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn đi hàng chục cây số đến đây tặng tiền và quà cho bé Hà. Hy vọng, những tấm lòng hảo tâm sẽ cùng chung tay với nhà chùa cứu giúp em qua cơn bạo bệnh.

Mọi sự giúp đỡ bé Nguyễn Thị Hà xin gửi về: Sư thầy Thích Đàm Hướng, trụ trì chùa Vòng Tăng, đường Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội hoặc Báo CAND, số 66 phố Thợ Nhuộm, số 100 phố Yết Kiêu, Hà Nội