Trang chủ Người thời nay Cô gái “nuôi sống mầm yêu thương”

Cô gái “nuôi sống mầm yêu thương”

84

Là chị cả của bốn đứa em trong một gia đình nghèo khó ở vùng đất thép Củ Chi, tuổi thơ Huỳnh Long Ngọc Diệp là chuỗi ngày dầm mưa phơi nắng, bắt ốc mò cua đổi gạo phụ cha mẹ nuôi em.


Năm 1989, Diệp thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế nhưng không có tiền đi học, Diệp phải ở nhà một năm làm đủ thứ việc. “Trong đó công việc “xịn” nhất của mình là làm hướng dẫn viên tại địa đạo Củ Chi. Việc này cho thu nhập cao nhờ nhiều khách Tây hay “boa” vì “cô bé hướng dẫn viên nhỏ nhắn xinh xinh!”…”- Diệp kể.


Đến mùa thi năm sau, Diệp đậu vào khoa tiếng Anh Trường ĐH Tổng hợp (ĐH KHXH-NV TPHCM bây giờ) nhưng ba mẹ không cho đi học với lập luận: “Công việc đang yên lành, kiếm được nhiều tiền như thế mà mày đi học làm gì hả con? Biết sau này ra trường có kiếm được việc khá như thế?”.


Rèn bản lĩnh từ cuộc sống


Lúc đó hoang mang cực độ! Mới 19 tuổi nên mình không thể biết việc quyết định đi học trở lại trong hoàn cảnh gia đình khó khăn có hợp lý hay không?” – Diệp nhớ lại.


Nhưng cô biết chắc một điều là mình mê học, muốn dùng kiến thức làm giàu giúp nhiều hơn cho gia đình. Thế là Diệp quyết tâm khăn gói lên TPHCM trọ học, với lời hứa: “Con sẽ vừa học vừa làm để duy trì mức thu nhập như công việc hướng dẫn viên” và Diệp chia sẻ: “Ngày đó do ý chí thoát nghèo thôi thúc, đun đẩy khiến việc gì mình cũng dám làm và làm một cách chăm chỉ, nhiệt tình. Và chính vậy mà nhiều người thương, tin tưởng giao nhiều công việc cho mình”.


Thời sinh viên, ngoài những giờ trên giảng đường, lúc nào Diệp cũng đầu tắt mặt tối với công việc.


Ra trường một năm, Diệp đã đủ bản lĩnh thành lập công ty thiết kế bao bì thực phẩm Huỳnh Long (năm 1996). Do phân tích đúng xu hướng thị trường, công ty nhanh chóng làm ăn phát đạt, Diệp đỡ đần được cha mẹ, chăm lo được cho các em ăn học tới nơi tới chốn. Bốn đứa em Diệp không ai phải chịu cảnh bỏ học nữa…


Trong quá trình điều hành công ty, Diệp tranh thủ học thêm ĐH Kinh tế. “Chắc là do vừa làm vừa học vừa ứng dụng kiến thức vào thực tế nên mình có được tư duy khá nhạy bén trong lĩnh vực kinh doanh” – Diệp chia sẻ. Và cũng chính sự nhạy bén ấy, Diệp thành lập thêm hai công ty: Công ty Máy in công nghiệp và dây chuyền chiết rót Willet (năm 2004) và Công ty Pihana chuyên sản xuất bao bì mỹ phẩm (2005).


Chuỗi siêu thị Phật giáo


Bận rộn với ba công ty, Diệp vẫn tích cực làm từ thiện như xây dựng nhà tình thương, cấp học bổng vượt khó cho học sinh – sinh viên tại Củ Chi… với vai trò là mạnh thường quân. Có khi Diệp trực tiếp đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân khác góp tiền cho các chương trình từ thiện.


Công việc này theo Diệp cũng không ít thị phi. “Mình đóng góp nhiều nhất, rồi kêu gọi mọi người chung tay nhưng lắm khi nhận được những suy nghĩ không hay”- Diệp bộc bạch.


Chính sự thị phi khiến cô gái trẻ nghĩ đến việc mở siêu thị Phật giáo, tìm nguồn thu ổn định cho các chương trình từ thiện, các quỹ học bổng không bị gián đoạn. Khi đem ý tưởng này bàn bạc với sư cô Huệ Đức (chùa Quan Âm), Diệp nhanh chóng nhận được sự đồng cảm của sư cô, rồi sau đó là sự động viên của thầy Thích Thiện Bảo (báo Giác Ngộ), anh Lê Trần Trường An và thầy Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm.


Tiêu chí tìm kiếm nhân viên của Diệp là tâm, đức, tài. Vì vậy, có nhân viên dù giỏi nhưng không có tâm, Diệp cũng lắc đầu. Nhận nhân viên chỉ có tâm, đức mà chưa chuyên nghiệp khiến cô phải đào tạo lại khá mất thời gian “song vì quán chay được xây dựng với mục đính hướng thiện, nuôi sống mầm yêu thương nên người phục vụ quán chay cần nhất một tấm lòng với nghề nên khó mấy mình cũng vui vẻ đào tạo lại”.


Sau 6 tháng chuẩn bị, nhà hàng Việt Chay chính thức khai trương ngày 30-11-2007 tại khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm như một bước khởi đầu cho cả chuỗi siêu thị Phật giáo kinh doanh hướng thiện sau này.


Không theo mô típ của các quán chay khác, việc bài trí nhà hàng và trình bày món ăn trong Việt Chay của cô gái trẻ thấm đẫm không gian, hương vị thiền, xanh, sạch, tĩnh lặng và đầy hương hoa.


Món ăn thức uống trong nhà hàng đều được Diệp đặt tên theo những điển tích Phật giáo như: khai tâm kiến tánh, cửu niên diện bích, phù vân yên tử, thập mục ngưu đồ… nhằm giúp mỗi thực khách đến với quán đều được “thân nhẹ, tâm an, miệng mỉm cười”.


Việt Chay có mặt trên toàn quốc


Quán vừa ra đời đã nhận được sự ưu ái của nhiều người, đặc biệt là giới Phật tử và doanh nhân. Tiếng lành đồn xa, ngày 26 – 4 – 2008, nhà hàng Việt Chay Thăng Long (Hà Nội) ra đời, đáp ứng nhu cầu của thực khách phía Bắc.


Sắp tới đây, chuỗi nhà hàng Việt Chay tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Bình, và cả một Việt Chay Sài Gòn tại quận 1 sẽ được khai trương. 15% tiền thu được từ các nhà hàng Việt Chay được trích để làm từ thiện, số còn lại tiếp tục đầu tư phát triển thêm chuỗi nhà hàng Việt Chay trên toàn quốc.


Công việc nối tiếp công việc, khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước khả năng làm việc của cô. “Nhiều người thấy mình ăn ít, ngủ ít, làm nhiều nhưng vẫn vui vẻ, khỏe mạnh cũng lấy làm ngạc nhiên, kể cả bản thân mình cũng thấy lạ. Nhưng chắc vì làm việc nhằm mục đích từ thiện, đem lại niềm vui cho người nghèo nên hình như mình được ơn trên phù hộ” – Diệp vui vẻ cho biết.