Trang chủ Người thời nay Cô giáo của lớp học đặc biệt nơi cửa Phật

Cô giáo của lớp học đặc biệt nơi cửa Phật

72

Lớp học độc nhất vô nhị

Năm 2007, cô giáo Lê Thị Hòa (Tổng phụ trách đội của trường Tiểu học Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội) đã xin sư thầy Thích Đàm Tiền, trụ trì chùa Hương Lan, cho mượn địa điểm để mở lớp tình thương dạy cho trẻ khuyết tật với lý do thật đơn giản: giúp cho những đứa trẻ thiệt thòi nuôi ước mơ được đi học. Cô Hòa kể: “Bố mẹ tôi đều mồ côi, không biết chữ, đã phải vay mượn khắp nơi để nuôi tôi ăn học. Vì thế, thấy ai không được đi học, tôi rất thương”.
 
Mới ra trường, cô Hòa đã được phân công dạy lớp tình thương của xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ. Các em rất trong sáng và dễ mến. Khi chuyển về xã Đông Sơn, cô tiếp tục mở lớp tại nhà để dạy cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Lớp học cứ đông dần lên, nhà cửa lại chật chội nên cô tìm đến chùa Hương Lan nhờ sư thầy giúp đỡ và được nhà chùa nhiệt tình giúp đỡ. 
 

Ảnh minh họa

Cô Lê Thị Hòa, người mở lớp học tình thương ở chùa Hương Lan


Nhớ lại 5 năm trước, ngày đầu tiên đến lớp, em Đỗ Văn Lương, 15 tuổi, bị câm bẩm sinh, chỉ giao tiếp với cô bằng những cái gật, lắc đầu. Việc dạy học trở nên khó khăn. Quyết không nản chí, cô quy ước với trò những động tác tay để cô trò dễ giao tiếp. Em Tấn đã 24 tuổi, bị bệnh não, rất khó giao tiếp. Nhiều khi cô Hòa phải đưa em về nhà để dạy riêng.
 
Hiện nay, lớp học của cô giáo Hòa có đến 48 em đang theo học. Các em đều là trẻ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, trẻ ngồi nhầm lớp, chậm phát triển… Các em cũng ở nhiều vùng quê khác nhau và ở nhiều độ tuổi khác nhau (nhỏ nhất là 6 tuổi, lớn nhất là 24 tuổi). Mỗi đứa trẻ mỗi tính mỗi nết, chúng lại khuyết tật nên khó bảo, khó dạy. Cô Hòa tâm sự: “Để dạy được các em khuyết tật, điều cần nhất là sự kiên trì và tình yêu thương”.
 
Nhân rộng yêu thương

5 năm trước, cô Hòa đã làm đơn xin Ủy ban nhân dân xã Đông Sơn và Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Sơn cho mở lớp học tình thương và được chấp thuận ngay. Cô vận động được 9 cô giáo khác trong trường tham gia công tác giảng dạy tình nguyện. Trường Tiểu học Đông Sơn cũng góp bàn ghế, bảng phấn giúp các em có đồ dùng học tập.

5 năm giảng dạy cũng là 5 năm các cô gieo trồng những mầm cây và chăm sóc chúng bằng tình thương yêu của một người mẹ. 5 năm kiên trì chăm sóc cũng đến lúc hái quả. Những học sinh khuyết tật giờ đây đã biết đến cái chữ. Em Cấn Thị Khuê, là một trong những trường hợp đặc biệt, chân tay co rút rất khó cử động, qua 4 năm, năm nay đã được lên lớp bốn, viết chữ đẹp và rất thuần thục. Hay mới đây, hai học sinh Nguyễn Thị Xuân (Phú Xuyên, Hà Nội) và em Nguyễn Thị Miền (Xuân Mai, Hà Nội) đều bị câm, được đưa đến lớp học tình thương và đã biết chữ. Hai em được cô giáo Hòa và sư thầy Thích Đàm Tiền xin cho làm may ở Phú Xuyên với mức lương 1,4 triệu đồng/tháng.
 
Nhìn các con mỗi ngày một khôn lớn, cô Hòa vừa mừng lại vừa lo. Cô lo cho các em không biết tương lai của chúng sẽ ra sao bởi cô chỉ dạy cho chúng được cái chữ, trình độ giảng dạy chỉ có hạn, sau khi các em học hết lớp năm, ai sẽ dạy dỗ tiếp các em. Lớp học lại chật chội phải dạy những 48 đứa, sao quán xuyến nổi. “Như thế làm sao các con được học hành đến nơi đến chốn, tôi thì làm từ thiện, không có tiền, chỉ mong sao các con có điều kiện được học hành đầy đủ như bao đứa trẻ khác” – cô Hòa trầm ngâm tâm sự. 
 

Ảnh minh họa

Phòng học ghép: Nửa trên lớp lớn, nửa dưới lớp bé

Phòng học hiện tại của các em chỉ vẻn vẹn 15m2. Trong không gian nhỏ hẹp như thế, cô trò phải sắp xếp mọi thứ thật gọn gàng, ngăn nắp, tận dụng từng mét vuông để lấy chỗ học. Bộ bàn ghế xin lại của trường Tiểu học Đông Sơn được kê ngược chiều nhau. Hai mảng tường treo hai chiếc bảng xanh đối diện nhau. Một bên dạy lớp một và lớp hai, một bên dạy lớp ba và lớp bốn. Sư thầy Thích Đàm Tiền trầm tư: “Nhà chùa chỉ có căn phòng nhỏ để cho các cháu học. Mỗi bên một lớp. Tôi chỉ mong xây thêm được phỏng để các cháu không phải học ghép phòng, ghép lớp. Nhà chùa đã dành phần đất sau chùa nhưng chưa có tiền xây”.   
 
Tiếng lành đồn xa, lớp học tình thương của cô giáo Hòa đã làm rung động trái tim của bao nhà hảo tâm. Gần đây nhất, Nhóm từ thiện ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống đã hứa trong hè này sẽ cố gắng xây hai phòng học nữa để sang năm học mới các em có chỗ học tập thoải mái hơn.
 
“Em muốn làm công nhân”, “em muốn làm cô giáo” – những câu nói ngọng nghịu của những đứa trẻ thốt lên một cách khó khăn. Ước mơ của chúng khiến ai cũng phải động lòng suy nghĩ. Hi vọng không chỉ ở chùa Hương Lan, mà mô hình lớp học tình thương nơi cửa Phật sẽ được nhân rộng để ngày càng có thêm nhiều trẻ em thiệt thòi biết đọc, biết viết, biết nuôi dưỡng ước mơ.