Trang chủ PGVN Cửa thiền Cổ tự nghìn tuổi và tượng Phật bà vi diệu

Cổ tự nghìn tuổi và tượng Phật bà vi diệu

265

Huyền tích về cổ tự ngàn tuổi


Chùa Cần Linh nằm phía bên trái đầu đường quốc lộ 46 hướng đi từ TP Vinh – Nam Đàn. Trước đây chùa có tên Linh Vân Tự. Từ khi được Vua Tự Đức ghé thăm đổi tên thành Cần Linh. Trải qua chiến tranh, hầu hết các đền chùa ở khu vực thành phố Vinh đều bị huỷ hoại, hư hỏng. Chùa Cần Linh đã từng được trùng tu rất nhiều lần do bị xuống cấp theo thời gian và sự tàn phá của chiến tranh. Chùa còn sót lại bây giờ đón nhận mọi sinh hoạt về Phật giáo của nhân dân các vùng phụ cận đổ về đây.


Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn – Trụ trì chùa Cần Linh cho biết về tính cổ xưa của ngôi chùa này như sau: Theo các tư liệu còn lại đã lược dịch có kể về ngôi chùa, Cao Biền, một danh tướng đời Đường của Trung Quốc được cử sang Việt Nam làm Tiết Độ sứ. Vốn là một nhà địa lí có tiếng, nên đi đến đâu cũng thường xuyên “ngắm nghía” thế đất, mạch nước để xây dựng đền đài, miếu mạo, đồng thời cũng để “yểm” các huyệt lộ linh thiêng trên đất Việt.


Khi đến vùng đất thuộc Nghệ An bây giờ, Cao Biền nhìn thấy long mạch ẩn vào dãy núi Đại Huệ chạy dài về hướng đông, ông nhận thấy biểu hiện tụ khí địa linh nhân kiệt ở vùng đất này trong thế rồng cuộn quyện mây qua 99 ngọn núi.


Năm 866, Cao Biền đã cho xây dựng ngôi chùa ở đây. Với cách nhìn của ông, phần đầu rồng hạ xuống phun nước chính là trung tâm khuôn viên ngôi chùa. Vì thế, cái tên“chùa mây thiêng” tức Linh Vân Tự được tạm gọi như thế cho đến khi Vua Tự Đức đổi tên chùa.


Theo cách hiểu của người dân, tên Cần Linh được vua ban có nhiều ý nghĩa cao cả, trong đó điều cốt lõi mà vua đã từng nghĩ đó là, người dân khi đến chùa này muốn cầu cái gì sẽ được toại nguyện.


Bà Lê Mai, một người dân địa phương sinh sống gần chùa cho biết, chúng tôi sinh ra thì đã thấy có ngôi chùa, chùa ở đây không chỉ đẹp mà vốn cổ của chùa còn được lưu giữ cho đến tận bây giờ. Nếu đúng như sử sách để lại, chùa cổ đây với huyền tích hơn một ngàn năm là niềm tự hào của nhiều người dân địa phương này.


Trụ trì chùa cho biết: Chùa đã từng “nghênh tiếp” hai vị vua thời nhà Nguyễn đến thăm. Đó là vua Tự Đức và vua Bảo Đại. Với vua Tự Đức, khi đến cầu phúc dân an cúng tế tại chùa, nhà vua đã hiến cho chùa hai bức vọng bằng chữ Hán với dòng chữ Triện đề “Vương triều Đức tự hiến cúng”.


Trong thời gian lưu lại ở chùa, chính Vua Tự Đức cũng đã nhận thấy được sự đóng góp và tầm vóc ngôi chùa. Bên cạnh đó là nhiều huyền tích về sự linh thiêng của ngôi chùa cổ đã được người dân ghi nhận, nên ngay thời điểm đó, nhà vua đã tặng thêm cho chùa một bức đại tự “Cần Linh” với mong muốn của nhà vua là đưa ngôi chùa có ý nghĩa và gần gũi hơn với người dân địa phương trong nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh.
Hiện trong chùa còn lưu giữ một quả chuông cổ.



Quả chuông Linh Vân Tự tại chùa Cần Linh


Theo tư liệu tại chùa và dòng chữ nho để lại trên chuông ghi lại địa danh ngôi chùa trên quả chuông có tên Linh Vân Tự để ghi dấu ngôi chùa này. Theo đó, quả chuông được đúc vào năm Giáp Thìn (Tức cách đây khoảng 300 năm). Ông Đặng Khắc Thắng – Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Nghệ An cho biết: “Chùa Cần Linh được xếp hạng di tích văn hóa Quốc gia năm 1992, đây là một công trình kiến trúc cổ thời Lê ít ỏi còn được lưu giữ cho đến tận bây giờ.”


Pho tượng Phật bà vi diệu


Ngay trước cổng tam quan của ngôi chùa có một bức tượng Phật bà Quan âm nghìn tay nghìn mắt rất vi diệu. Xung quanh pho tượng này có nhiều câu chuyện ly kỳ, càng làm cho ngôi chùa cổ này thêm hút khách thập phương.


Trước khi làm pho tượng này, khi chưa xuất gia, Ni Sư Thích Nữ Diệu Nhẫn nằm mơ thấy có người đến trao cho sư thầy một bức ảnh “thiên thủ thiên nhãn” – nghìn tay nghìn mắt. Thấy bức ảnh đẹp nên bất cứ đi đâu, làm gì sư thầy đều mang theo. Sau khi đi học ở Huế về, thầy tiếp quản Cần Linh Tự khi ni sư Niệm, nguyên trụ trì chùa đã từ trần. Từ đó, thầy đã xúc tiến thực hiện ý định đúc pho tượng Phật Bà Quan Âm lớn như mong ước.


Năm 2000, Ni sư đã đích thân tìm đến Nam Định để đặt làm một pho tượng gỗ Phật Bà Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, với chi phí lúc này khoảng 20 triệu đồng. Đến lúc bắt tay thực hiện thì người thợ cả lăn ra ốm, việc làm tượng bị đình trệ từ đó.


Đến sau đó 2 năm, chính người thợ trên tha thiết đề nghị nhà chùa tiếp tục làm tượng. Người thợ này đã giới thiệu cho nhà chùa một thợ làm tượng khác ở Cát Đằng tiếp tục thực hiện công việc trên. Giá để hoàn thành pho tượng này mà nhà chùa phải trả là gần 50 triệu. Sau khi đồng ý ký hợp đồng thực hiện, sư thầy trụ trì chùa lại nhận được thông báo của bác thợ là không thể thực hiện được vì gia đình đang gặp những điều không may mắn.


Sau hai lần lỗi hẹn, sư thầy tưởng rằng không có cơ hội dựng pho tượng nữa. Run rủi thế nào, Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn tình cờ gặp được một số thợ đúc đồng rất khéo tay. Đó là lần được Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam mời tham gia ý kiến xây dựng công trình lớn của Phật giáo ở Sóc Sơn (Hà Nội) và Yên Tử (Quảng Ninh). Mong ước từ lâu không thể trì hoãn, lập tức, thầy đã mời họ vào Nghệ An để thăm chùa và tính chuyện đúc pho tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt.


Sau khi bàn tính và nghe chuyện đã 2 lần không thành trước đây, toán thợ có phần lo lắng. Đến khi sư thầy nói rõ niềm mong muốn, toán thợ đúc đồng trên đã gật đầu bắt tay thực hiện đúc pho tượng bằng đồng để nhà chùa thỏa niềm mong mỏi.


Dù là đã được toán thợ trên nhận lời nhưng sư thầy còn nhiều phân vân và lo lắng. Thầy âm thầm thực hiện mà không dám “hé môi”. Sợ việc không thành nên ngày đêm thầy trăn trở mong rằng sẽ không lỗi hẹn lần thứ 3. Mọi việc chuẩn bị đúc tượng đã được ký hợp đồng vào năm 2003, mãi đến gần hai năm sau việc đúc tượng mới chính thức bắt đầu.


Theo tính toán của nhà chùa, bức tượng Phật Bà Quan Âm nghìn tay nghìn mắt đặt trên toà sen ngay chính điện trung tâm ngôi chùa. Pho tượng cao 3 mét, chiều rộng là 2,5 mét được đúc bằng 8 tấn đồng đỏ nguyên chất nhập khẩu từ nước ngoài về. Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn cho hay, trước lúc đổ khuôn, thầy đã yêu cầu các thợ đúc đồng trộn lẫn 2 kg bạch kim cộng thêm 3 cây vàng ta và 5 chỉ vàng tây vào chảo nấu đồng để lấy linh khí, với mong muốn khi mọi người đến chùa tham quan pho tượng thì tự nguyện từ bỏ điều ác để quay về với cái thiện, sống và làm việc theo pháp luật giúp ích cho đời.



Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn bên Tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt


Pho tượng Phật bà quan âm nghìn tay nghìn mắt sau bao sóng gió tưởng không thành đã được thực hiện thành công. Như trút được nỗi lòng, sư thầy công bố với bà con Phật tử ngày rước về. Một chương trình chuẩn bị đón rước khá quy củ được nhà chùa chuẩn bị khá tươm tất.


Đến ngày 10/5/2006 pho tượng Phật được rước từ Nam Định về Nghệ An và hòa cùng đoàn diễu hành trong dịp TP Vinh mừng ngày Đại Lễ Phật Đản 2550 năm Phật lịch.


Tấm lòng của sư thầy


Cũng từ khi pho tượng tọa lạc tại chùa, sư thầy tích cực đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội, cứu đói, cứu khổ cho nhiều hoàn cảnh thương tâm, chẳng may gặp những chuyện không mong muốn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.



Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn


Thầy cho biết, tại chùa cứ hễ vào hai ngày mồng 1 và 15 hàng tháng, nhà chùa đều chuẩn bị sẵn gạo cứu đói cho nhiều số phận lang thang cơ nhỡ. Nhà chùa cũng bỏ ra một ít “lộc Phật” từ việc công đức của bà con Phật tử đóng góp chi đều hàng tháng cho các trường hợp khó khăn trong thành phố và một vài huyện lân cận.


Những ngày giáp tết năm 2008, trong chuyến đi hỗ trợ bà con nghèo và gia đình chính sách, nhà chùa đã trao trên 500 suất quà từ số tiền trên 100 triệu đồng quyên góp được cùng chia sẻ đón tết với trên 500 số phận, hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn TP Vinh và các huyện lân cận như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Yên Thành…


Sư thầy cũng cho biết, tết Nguyên đán năm nay nhà chùa đã chuẩn bị khoảng 200 triệu đồng cùng hàng tấn gạo, chia làm 1000 suất quà trao cho những hoàn cảnh khó khăn, gia đình cách mạng, các thương bệnh binh trên địa bàn tỉnh nhằm góp một phần cho họ đón tết 2009 đầm ấm và hạnh phúc hơn.


Tôi muốn mọi người mỗi khi đến chùa hãy gạt bỏ tâm ác, làm thiện, phụng đạo yêu nước. Tôi luôn mong trong chính mỗi con người phải thành tâm, sống chan hòa và mong muốn làm điều tốt để hướng đến “Chân, Thiện, Mỹ”, thực hiện phương châm: Đạo pháp -Dân tộc, vì lợi ích chung của mọi người và của đất nước.


Tấm lòng này, chúng tôi xin được chuyển đến bạn đọc, những người đã, đang và sẽ đến với Cần Linh tự để viếng thăm ngôi chùa cổ, chiêm ngưỡng pho tượng độc đáo này và soi bóng chính mình trong sự thanh tao, thoát tục của đức Phật từ bi” – Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn tâm sự.